VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
TRONG BÓNG TỐI BUỔI CHIỀU
Diên đứng nép mình vào cửa hàng nước, nhìn sang bên kia phố: một đám thợ chen nhau trong cổng nhà máy đi ra, người nào cũng có dáng mỏi mệt; cái ánh sáng buổi trưa mùa đông tuy mờ sạm cũng đủ làm cho họ nhấp nháy mắt và đưa tay lên che, như những người vừa bước trong bóng tối ra.
Diên nhận kỹ từng người, đưa mắt theo bọn thợ đàn bà vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ và nghịch ngợm. Chàng không thấy có Mai trong đám ấy. Diên đợi một lát; đến khi thấy hai cánh cửa nặng nề của nhà máy khép lại, Diên mới quay đi rảo bước theo các người thợ. Trên nét mặt chàng hiện ra vẻ băn khoăn:
– Không biết Mai đâu? Hay là đã ra từ trước mà ta không thấy?
Diên muốn nắm lấy một người thợ đàn bà mà hỏi, nhưng lại không dám. Vả lại. Diên sợ hỏi người ta thế, Mai biết sẽ không bằng lòng. Diên vừa đi vừa nghĩ ngợi. Chàng nhớ hết lại các cử chỉ của Mai đối với chàng gần đây. Lần này không phải là lần đầu chàng đi đón Mai gấp. Trước kia không bao giờ thế, vì Mai đã biết thế nào Diên cũng đến đón nàng.
Vậy ra Mai đã có ý lẩn tránh, Diên hỏi đoán ra nguyên cớ tại sao và một mối hờn giận nổi dậy trong lòng; chàng nghiến chặt răng lại và nện bước mạnh trên hè phố.
Diên nhớ lại những ngày sung sướng khi còn ở quê nhà, khi chàng và Mai len lỏi đùa nghịch nhau trong những vườn sắn trên sườn đồi. Mai là một cô gái tinh nghịch và lanh lợi, hay cười nói luôn miệng. Còn Diên là một anh trai ít nói và nhút nhát, trước mặt con gái hay ấp úng và ngượng nghịu. Hai người yêu mến nhau từ thuở nhỏ với mối tình yêu mộc mạc và đằm thắm của những người nhà quê.
Rồi đến ngày cả hai gia đình nghèo. Diên và Mai theo cha mẹ ra tỉnh tìm việc. Mai được làm thợ con gái trong nhà máy, còn chàng thì học việc ở một hiệu buôn. Hai người kiếm chỉ đủ tiền sống một cuộc đời thiếu thốn và tồi tàn ở tỉnh thành. Cái tình của đôi bên, tuy vậy, vẫn không thay đổi và cứ mỗi buổi xong việc làm, Diên lại đến nhà máy đón Mai cũng về một xóm ở ngoại ô.
Diên thở dài. Bởi chàng nhận thấy ít lâu nay Mai không hay chuyện trò với chàng nữa, và hình như có ý muốn tránh mặt chàng.
Ít lâu nay, ngày nào Mai cũng đi chơi với mấy người bạn gái trong sở, mấy cô gái lẳng lơ và hay làm đỏm mà xưa kia Mai vẫn tỏ ý ghét. Trước sự thân thiết ấy, Diên một hôm đã ghen tức, nói mỉa bạn, thì Mai trả lời:
– Bọn họ cũng như tôi, có gì mà anh ghét?
Diên giận lắm, nói:
– Thế cô không biết tại sao mà họ có nhiều tiền tiêu ư?
Mai lặng yên không trả lời. Diên muốn cho Mai hiểu rằng những cô bạn đó trước cũng chỉ là những thợ “con gái” như mọi người thợ khác, nhưng nay được vừa mắt ông chủ, nên mới có nhiều tiền tiêu. Diên toan nói nhiều nữa nhưng lại thôi, sợ làm mất lòng Mai và chàng chắc rằng Mai cũng biết thừa sự ấy.
Một hôm, Diên bắt gặp Mai đang ngắm nghía vật gì trong bàn tay. Chàng vừa đến gần thì Mai vội giấu ra sau lưng. Diên giằng ra xem, thấy một cái nhẫn mặt nhỏ bằng vàng. Chàng ngạc nhiên hỏi:
– Cô mua nhẫn đấy à? Tiền đâu thế?
Mai ấp úng, ngượng nghịu không trả lời. Diên hỏi gặng mãi, Mai nói là của một người bạn gái cho mượn. Nhưng nhìn vào đôi mắt trong của Mai, Diên biết rằng Mai không nói thật.
Nghĩ đến đây, Diên thấy nao nao trong lòng; một điều lo sợ thấm dần vào tâm can chàng, cùng một lúc với sự chán nản. Một ý nghĩ muốn rời bỏ cái đời bụi bậm ở chốn tỉnh thành này, trở về với công việc ở thôn quê.
Đột nhiên, Diên đứng dừng ngay lại; chàng vừa thoáng thấy bóng Mai qua cửa kính một hiệu cao lâu nhỏ ở đầu phố. Diên rón rén đứng ngoài cái màn treo, nhìn vào. Chàng thấy Mai ngồi với mấy bạn gái, đương cười đùa vui vẻ và cuối bàn có một người thợ đàn ông đang ghé tai thì thầm với một cô trong bọn.
Khi trông thấy người ấy, quả tim Diên bỗng đập mạnh như một con chim sợ hãi. Mắt chàng hoa lên và chàng lảo đảo tựa vào bức tường cho khỏi ngã.
Diên mới nhận ra người đàn ông ngồi đó là một người thợ cùng làm ở nhà máy với Mai, mà tất cả mọi người đều gọi là “bà mối”. Hắn ta chỉ có một công việc làm trong xưởng, là dẫn dụ các cô gái nào mà ông chủ để ý đến. Người thợ con gái được hắn vời đến tất sẽ trở nên một bà chủ con trong xưởng, quyền hành nắm trong tay và nhất là được tiền để sắm sửa ăn mặc. Rồi một hai tháng, khi ông chủ đã chán, lại nhường chân cho kẻ khác.
Nghĩ đến Mai cũng như những cô gái ấy, Diên thấy lòng thắt lại như trước một tai nạn gì ghê gớm. Diên thấy choáng váng cả người, chàng nghiến răng, khẽ lẩm bẩm: “Con khốn nạn!”.
Chàng muốn nhảy ngay vào phía trong lôi ngay Mai ra mắng cho bõ ghét. Hai tay chàng nắm lại; nhưng cái bản tính nhút nhát vẫn thắng; chàng lưỡng lự một lát rồi lại lẳng lặng cúi mình rảo bước đi mau.
Về đến nhà, Diên nằm vật xuống giường, chán nản. Căn phòng chật hẹp, tối tăm làm chàng khó thở. Diên nhớ lại cái quang cảnh u ám buổi trưa: những thợ thuyền đầy bụi bậm, những bộ quần áo bẩn thỉu, cả căn phố đen với vết than và nhất là cái nhà máy sừng sững dưới các bức tường loang lổ. Diên lại nghĩ đến cánh đồng ruộng ở quê hương, đến những rặng cây mà ánh sáng buổi ban mai làm rung động đến cái hình dáng đáng yêu của Mai khi đi bên mình chàng.
Nghĩ đến những ngày sung sướng ấy, và sự nghèo hèn của mình bây giờ Diên thấy tủi thân, rơm rớm nước mắt khóc.
*
* *
Buổi chiều. Diên sang nhà Mai, thấy nàng vừa mới đi làm về. Chàng đến gần Mai, không dám nhìn nàng, chỉ bảo:
– Cô Mai, cô ra đây tôi có câu chuyện muốn nói.
Mai bước theo sau. Hai người lặng yên đi trên con đường đất ra bãi cỏ sau nhà, chỗ mà mọi khi hai người vẫn gặp nhau nói chuyện.
Đến nơi, Mai ngồi xuống vệ hè, chờ đợi. Diên đứng yên bên cạnh không biết nói gì. Cái thương yêu mà giận dỗi rối loạn trong lòng chàng, và những câu muốn nói ngập ngừng như không ra khỏi miệng. Mai thì cứ cúi mặt xuống vân vê dải yếm. Mãi Diên mới cất tiếng hỏi ấp úng:
– Em Mai, sao độ này em cứ trốn tránh anh? Em không yêu anh nữa hay sao?…
Rồi Diên không rõ mình nói gì nữa: tất cả những sự uất ức, thương yêu chàng nói ra cả.
Diên nhắc lại những ngày đầm ấm ở thôn quê, đến cái tình thân thiết của đôi bên. Tự nhiên Diên thốt được những câu để bày tỏ nỗi lòng. Lời chàng dịu dàng và tha thiết như lời van xin của một người đau khổ.
Bỗng nhiên Diên ngừng lại. Mai, hai tay úp mặt xuống khóc. Diên thấy hai vai nàng nức lên. Cảm động, Diên cúi xuống để an ủi người yêu, chàng giơ tay để khẽ lên cánh tay Mai. Nhưng chàng lại đứng ngay dậy, mở mắt to ngơ ngác như người điên. Diên vừa mới nhận cách ăn mặc và trang điểm của Mai, nhẫn ở ngón tay và hoa tai lấp lánh dưới mái tóc, sang trọng như các bà giàu có.
Và Mai đánh phấn! Đôi môi có vết son của cô gái trước kia quê mùa mộc mạc làm chàng rùng mình nghĩ đến những bộ mặt trát phấn, những đôi môi đẫm son như thấm máu mà chàng thường trông trước cửa những chỗ ăn chơi.
Diên bàng hoàng và lạnh lẽo cả người; chàng hình như thấy một cái sức mạnh vô cùng đến chia rẽ Mai với chàng. Một nỗi đau đớn nghẹn ngào đưa lên chẹn ngang cổ họng, Diên nấc lên một tiếng rồi cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống.
(Thạch Lam)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 8
Câu 1: Truyện ngắn trên được kể theo ngôi kể nào?
Câu 2: Xác định nhân vật chính trong tác phẩm.
Câu 3: Tâm trạng của nhân vật Diên được thể hiện như thế nào khi nhìn thấy Mai ngồi với các cô gái và một người đàn ông được gọi là “bà mối”.
Câu 4: Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong câu văn: Diên nhớ lại cái quang cảnh u ám buổi trưa: những thợ thuyền đầy bụi bậm, những bộ quần áo bẩn thỉu, cả căn phố đen với vết than và nhất là cái nhà máy sừng sững dưới các bức tường loang lổ
Câu 5: Sức hấp dẫn của truyện Thạch Lam chủ yếu toát ra từ đâu.
Câu 6: Nêu chủ đề của tác phẩm.
Câu 7: Anh/ chị hiểu như thế nào về hình ảnh “bóng tối” xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm.
Câu 8: Nhận xét ngắn gọn về những nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của Thạch Lam.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU ( 6.0 điểm)
Câu 1: Truyện ngắn trên được kể theo ngôi kể thứ ba
Câu 2: Nhân vật chính trong tác phẩm là nhân vật Diên
Câu 3: Tâm trạng của nhân vật Diên khi nhìn thấy Mai ngồi với các cô gái và một người đàn ông được gọi là “bà mối”là : Diên thấy lòng thắt lại như trước một tai nạn gì ghê gớm.
Câu 4: Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong câu văn: Diên nhớ lại cái quang cảnh u ám buổi trưa: những thợ thuyền đầy bụi bậm, những bộ quần áo bẩn thỉu, cả căn phố đen với vết than và nhất là cái nhà máy sừng sững dưới các bức tường loang lổ
Biện pháp : Điệp từ, liệt kê
Câu 5: Sức hấp dẫn của truyện Thạch Lam chủ yếu toát ra từ: Thế giới nọi tâm của nhân vật.
Câu 6:
Truyện “Trong bóng tối buổi chiều” của Thạch Lam vẽ lên bức tranh về cuộc đời khốn khổ của những người nông dân nghèo trước cách mạng..Từ đó, nói lên sự đồng cảm, xót thương của nhà văn với những kiếp người khốn khổ nhưng đồng thời tác giả cũng ngỏ ý phê phán những con người bị tha hóa trước sóng gió của cuộc sống.
Câu 7:
–“Bóng tối”xuất hiện ở đầu tác phẩm: Nhà máy là một không gian làm việc thiếu ánh sáng. Đồng thời cũng thể hiện cuộc đời tăm tối của những người công nhân làm việc tại nhà máy, nơi ẩn chứa nhiều sự bất công, nguy hiểm.
-“Bóng tối”xuất hiện ở cuối tác phẩm:Vừa là bóng tối của tự nhiên, vừa ẩn dụ cho cuộc đời nghèo khó, mờ mịt của nhân vật. Bóng tối cũng góp phần che giấu sự yếu đuối của một con người sắp gục ngã.
=> Bóng tối là hình ảnh xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Thạch Lam như một tín hiệu nghệ thuật nhằm thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Câu 8: Những nét đặc sắc về nghệ thuật:
– Cốt truyện đơn giản là đặc trưng tiêu biểu của văn phong Thạch Lam.
– Ngôn ngữ súc tích,trong sáng, giản dị, giàu tính biểu cảm, giàu chất thơ.
– Miêu tả tâm lý đặc sắc, đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật.
– Giọng điệu nhẹ nhàng,thâm trầm, sâu sắc lôi cuốn người đọc.
LÀM VĂN ( 4.0 điểm) (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
1.Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại; Là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, luôn chắt chiu cái đẹp trong tâm hồn và lòng trắc ẩn xót thương cho những kiếp người nghèo khổ. Trong bóng tối buổi chiều là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thach Lam.
Thân bài:
* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả
– Thạch Lam: 1910-1942. Tên khai sinh Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân. Bút danh Việt Sinh.
– Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hồi nhỏ, ông từng sống tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn.
– Là con người điềm đạm, nồng hậu và rất đỗi tinh tế. Ông có biệt tài về truyện ngắn, truyện không có truyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật
– Ngòi bút của Thạch Lamthường hướng về cuộc sống nghèo khổ của người dân nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay của những tri thức bình dân, thể hiện niêm cảm thương kín đáo mà sâu sắc . Truyện của ông có cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị , giàu chất thơ.
– Ông sáng tác nhiều thể loại tiêu biểu là truyện ngắn, trong đó phải kể đến tác phảm “ Trong bóng tối buổi chiều”
* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm
– “Trong bóng tối buổi chiều”: trích trong tập truyện “Nắng trong vườn” xuất bản năm 1938. Thuộc thể loại truyện ngắn rất tiêu biểu cho sáng tác của Thach lam.
– Hai gia đình Diên và Mai sống ở thôn quê, nhưng vì nghèo nên cả 2 đã theo cha mẹ ra tỉnh tìm việc.Mai được làm thợ con gái trong nhà máy, còn Diên thì học việc ở một hiệu buôn. Tại đây Mai đã rời bỏ mối tình mộc mạc hôm nào để trở thành “một bà chủ con trong xưởng”.Còn Diên dù vô cùng đau lòng, thất vọng nhưng không còn lựa chọn nào ngoài việc từ bỏ.Một chiều, Diên đến tìm Mai để nói rõ mọi chuyện, nhưng vì ngỡ ngàng trước sự thay đổi của người thương nên chàng đã cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống.
* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm
Truyện ngắn “ Trong bóng bóng tối buổi chiều” là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc.
-Về tư tưởng: Truyện phản ánh bức tranh về cuộc sống khốn khó của gia đình Diên, Mai và những người nông dân nghèo trước cách mạng.Đồng thời là sự bàng hoàng, đau xót của Diên – chàng trai thôn quê chân chất trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng của Mai – cô người yêu vốn mộc mạc, quê mùa.Từ đó giấy lên sự đồng cảm, xót thương của nhà văn với những kiếp người nghèo khổ nhưng đồng thời tác giả cũng ngỏ ý phê phán những con người bị tha hóa trước sóng gió của cuộc sống.
– Về nghệ thuật: Tác phẩm đã kết tinh đầy đủ những đặc trung của thể loại truyện ngắn:
+ Cốt truyện: khá đơn giản : xoay quanh câu chuyện tình ngang trái của Diên và Mai. Trước những cám dỗ của cuộc sống, Diên vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn mình còn Mai đã sớm thay lòng, trở nên lầm đường, lạc lối.
+ Tình huống truyện xuay quanh hai nhân vật đó là Mai và Diên theo cha mẹ lên tỉnh tìm việc. Trước những khó khăn của cuộc sống, Mai bị cuốn vào những cám dỗ tầm thường, còn Diên vẫn là chàng trai thôn quê chân chất ngày nào.Một chiều, Diên đến tìm Mai để nói rõ mọi chuyện, nhưng vì ngỡ ngàng trước sự thay đổi của người thương nên chàng đã cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống.
+ Cách xây dựng nhân vật:
Nhân vật được khắc họa thông qua dáng vẻ bên ngoài, hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ.Đồng thời giúp người đọc thấy được số phận, phẩm chất của nhân vật.Nhân vật được đặt trong các tình huống để thể hiện thế giới nội tâm sâu sắc.
Truyện kể theo ngôi thứ ba nhưng lại đi theo dòng cảm xúc của nhân vật khiến người đọc có cảm giác chân thật, cuốn hút. Từ đó đi sâu khám phá và đổng cảm với cảnh ngộ của nhân vật.
Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.
Thạch Lam đã viết những dòng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc về cuộc đời của những con người bất hạnh, đau khổ. Đồng thời là sự tinh tế trong nhận thức, suy nghĩ của con người. Qua đó góp phần giúp người đọc nhận rõ bộ mặt thật của xã hội đương thời và lời nhắc nhở về việc giữ gìn một tâm hồn trong sạch.
Bài viết tham khảo:
Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại; Là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, luôn chắt chiu cái đẹp trong tâm hồn và lòng trắc ẩn xót thương cho những kiếp người nghèo khổ. Trong bóng tối buổi chiều là truyện ngắn tiêu biểu của Thach lam
Thạch Lam 1910-1942 tên khai sinh Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hồi nhỏ, ông từng sống tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Là con người điềm đạm, nồng hậu và rất đỗi tinh tế. Ông có biệt tài về truyện ngắn, truyện không có truyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật .Ngòi bút của Thạch Lam thường hướng về cuộc sống nghèo khổ của người dân nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay của những tri thức bình dân, thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc . Truyện của ông có cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị , giàu chất thơ.Ông sáng tác nhiều thể loại tiêu biểu là truyện ngắn, trong đó phải kể đến tác phảm “ Trong bóng tối buổi chiều”
“Trong bóng tối buổi chiều” in trong tập truyện “Nắng trong vườn” xuất bản năm 1938. Thuộc thể loại truyện ngắn rất tiêu biểu cho sáng tác của Thach Lam. Truyện kể về hai gia đình Diên và Mai sống ở thôn quê, nhưng vì nghèo nên cả 2 đã theo cha mẹ ra tỉnh tìm việc. Mai được làm thợ con gái trong nhà máy, còn Diên thì học việc ở một hiệu buôn. Tại đây Mai đã rời bỏ mối tình mộc mạc hôm nào để trở thành “một bà chủ con trong xưởng”.Còn Diên dù vô cùng đau lòng, thất vọng nhưng không còn lựa chọn nào ngoài việc từ bỏ. Một chiều, Diên đến tìm Mai để nói rõ mọi chuyện, nhưng vì ngỡ ngàng trước sự thay đổi của người thương nên chàng đã cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống.
Truyện ngắn “ Trong bóng bóng tối buổi chiều” là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc. Truyện phản ánh bức tranh về cuộc sống khốn khó của gia đình Diên, Mai và những người nông dân nghèo trước cách mạng.Đồng thời là sự bàng hoàng, đau xót của Diên – chàng trai thôn quê chân chất trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng của Mai – cô người yêu vốn mộc mạc, quê mùa.Từ đó giấy lên sự đồng cảm, xót thương của nhà văn với những kiếp người nghèo khổ nhưng đồng thời tác giả cũng ngỏ ý phê phán những con người bị tha hóa trước sóng gió của cuộc sống. Viết về cuộc sống của những con người nghèo khổ khá quen thuộc, thường xuất hiện trong những tác phẩm văn học của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Kim Lân … Bởi tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực một cách chân thực, khách quan mà còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Tác giả thấu hiểu, cảm thông với cuộc sống và số phận của con người trong thời kì đầy khó khăn trước cách mạng.Hơn nữa còn giúp ta thấy rõ bản chất của con người dễ dàng bị tha hóa trước cám dỗ của cuộc sống. Từ đó rút ra bài học phải biết giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, đừng để bị xã hội vấy bẩn. Dù nghèo đói nhưng hãy giữ vững nét đẹp mộc mạc của bản thân, đừng vì những thứ phù phiếm bên ngoài mà chấp nhận đánh đổi. Có thể thấy, chủ đề truyện giúp con người nhận ra cái sai của bản thân để từ đó sửa đổi và hoàn thiện nhân cách. Và khi giữ cho mình một bản chất trong sạch con người mới vững vàng để vượt qua khó khăn, chạm tới cái ngưỡng của giá trị chân thiện mỹ.
Về nghệ thuật, tác phẩm đã kết tinh đầy đủ những đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh câu chuyện tình ngang trái của Diên và Mai. Trước những cám dỗ của cuộc sống, Diên vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn mình còn Mai đã sớm thay lòng, trở nên lầm đường, lạc lối. Và tình huống truyện cũng góp phần tô đậm thêm tình cảnh trớ trêu đó.Hai gia đình Diên và Mai sống ở thôn quê, nhưng vì nghèo nên cả 2 đã theo cha mẹ ra tỉnh tìm việc.Tình huống truyện xuay quanh hai nhân vật đó là Mai và Diên theo cha mẹ lên tỉnh tìm việc. Trước những khó khăn của cuộc sống, Mai bị cuốn vào những cám dỗ tầm thường, còn Diên vẫn là chàng trai thôn quê chân chất ngày nào.Một chiều, Diên đến tìm Mai để nói rõ mọi chuyện, nhưng vì ngỡ ngàng trước sự thay đổi của người thương nên chàng đã cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống. Tình huống đẩy nhân vật vào hoàn cảnh éo le người thương thay lòng. Qua đó người đọc thấy được cuộc sống nghèo khó của người nông dân cũng như nỗi lòng của chàng thanh niên nhà quê chân chất, mộc mạc. Qua truyện ngắn “Trong bóng tối buổi chiều”, Thạch Lam đã khắc họa nhân vật thông qua dáng vẻ bên ngoài, hành động, ngôn ngữ và suy nghĩ. Hơn nữa, ông còn khám phá họ ở số phận, phẩm chất.Đồng thời đặt nhân vật trong các tình huống để thể hiện thế giới nội tâm sâu sắc. Truyện kể theo ngôi thứ ba nhưng lại đi theo dòng cảm xúc của nhân vật khiến người đọc có cảm giác chân thật, cuốn hút. Từ đó đi sâu khám phá và đổng cảm với cảnh ngộ của nhân vật.
Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.
Thạch Lam đã viết những dòng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc về cuộc đời của những con người bất hạnh, đau khổ. Đồng thời là sự tinh tế trong nhận thức, suy nghĩ của con người. Qua đó góp phần giúp người đọc nhận rõ bộ mặt thật của xã hội đương thời và lời nhắc nhở về việc giữ gìn một tâm hồn trong sạch.