Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Nhớ của Hồng Nguyên

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm đao kiếm,
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh.
Ba năm rồi gửi lại quê hương.

Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm.
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng.
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
– Đằng nớ vợ chưa?
– Đằng nớ?
– Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.
Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động,
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng.
Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng

Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau.
Có tiếng gà gáy xóm,
Có “Khai hội, yêu cầu, chất vấn!”
Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa.
Trăng lên tập hợp hát om nhà.

Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa,
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui,
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ,
Đồng chí mô nhớ nữa,
Kể chuyện Bình – Trị – Thiên,
Cho bầy tôi nghe ví,
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
– Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ,
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri.

Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng,
Đường mòn thấp thoáng…
Trong điếm nhỏ,
Mươi người trai tráng,
Sờ chuôi lựu đạn.
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng.
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

            (Nhớ, Hồng Nguyên, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, 1985, tr 107))

 Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1(0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2(0,5đ): Xác định cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

Câu 3(0,75đ): Nêu nội dung khái quát của bài thơ.

Câu 4(0,5đ): Hình ảnh “Lũ chúng tôi” được tác giả giới thiệu như thế nào trong đoạn đầu của bài thơ?

Câu 5(1,0đ): Cảm nhận của anh/chị về 2 câu thơ: “Ít nhiều người vợ trẻ / Mòn chân bên cối gạo canh khuya”.

Câu 6(1,0đ): Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm.
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng.
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

Câu 7(1,0đ): Nhận xét về vẻ đẹp của người lính thời kì kháng chiến chống Pháp qua bài thơ.

Câu 8(0,75đ): Nêu một số biểu hiện về lòng yêu nước của bản thân.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU (6.0đ)

Câu 1: Thể thơ: tự do

Câu 2: Cảm xúc chủ đạo của bài thơ: nỗi nhớ

Câu 3: Nội dung khái quát của bài thơ:

Nỗi nhớ của tác giả về hình ảnh người lính trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là những người lính đến từ mọi miền đất nước, nghèo khổ, không biết chữ, quê mùa, chất phác nhưng yêu nước nồng nàn. Khi tham gia kháng chiến, các anh rất kiên cường, anh hũng, hiên ngang, bất khuất, lạc quan.

Câu 4: Hình ảnh “Lũ chúng tôi” được tác giả giới thiệu:

Bọn người tứ xứ, chưa biết chữ, súng bắn chưa quen, quân sự mươi bài, áo vải chân không, đi lùng giặc đánh.

Câu 5:

Hai câu thơ thể hiện nỗi nhớ thương, sự đồng cảm của người lính đối với người vợ trẻ nơi quê nhà. Những người vợ ấy phải chịu bao vất vả, cực nhọc, gian nan; luôn chịu thương chịu khó trong lao động (giã gạo đêm khuya) để trở thành hậu phương vững chắc cho các anh yên lòng chiến đấu hết mình nơi phương xa.

– Qua đó, thể hiện vẻ đẹp của người lính trong thời kì kháng chiến: yêu đất nước, quê hương, gia đình.

Câu 6:

– Biện pháp nghệ thuật: Liệt kê

– Tác dụng:

+ Tạo ấn tượng mạnh, tăng tính biểu đạt, biểu cảm cho đoạn thơ.

+ Tái hiện chân thực, sinh động về tình đồng chí và nét sinh hoạt đời thường của những người lính trong quân đội. Cuộc chiến đấu với khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn rất vui tươi, lạc quan và yêu đời.

Câu 7: Vẻ đẹp của hình ảnh người lính thời kì kháng chiến chống Pháp trong bài thơ:

– Những người lính xuất thân từ nông thôn, mọi miền đất nước. Họ chất phác, thật thà, nghèo khổ, trình độ thấp, về quân sự thì hiểu biết ít, nhưng họ một lòng yêu nước tha thiết.

– Là những chiến sĩ dũng cảm, hiên ngang, kiên cường, bất khuất.

– Luôn lạc quan, vui vẻ trước mọi hoàn cảnh và điều kiện chiến đấu.

-> Đó là vẻ đẹp rất đáng trân trọng, tự hào.

Câu 8: HS có thể nêu một số biểu hiện:

– Yêu quê hương, đất nước.

– Ra sức học tập, trau dồi kiến thức, trở thành người có ích, đóng góp xây

dựng đất nước.

– Tỉnh táo chống lại mọi âm mưu của kẻ thù.

– Phê phán những người sống không có mục tiêu, không có chí cầu tiến. Bởi vì, họ chính là gánh nặng chung cho gia đình, xã hội. Không biết phấn đấu, không có gắng thì sẽ làm đất nước thêm bị trì trệ…

  1. LÀM VĂN (4.0đ)
  2. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

– Hồng Nguyên – một nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp.

– “Nhớ” là bài thơ hay nhất của ông và là một trong những thành tựu xuất sắc của thơ ca chống Pháp viết về anh bộ đội.

  1. Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

Nhà thơ Hồng Nguyên, sinh năm 1924, mất năm 1954, có tên thật là Nguyễn Văn Vượng. Quê gốc ở xã Đức Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc TP Thanh Hóa. Vì nhà nghèo, chưa học hết bậc THPT, Hồng Nguyên đã phải bỏ học để kiếm sống bằng nghề gia sư. Ông sớm giác ngộ cách mạng và đến với văn học cách mạng khá sớm. Sau ngày Cách mạng tháng Tám, Hồng Nguyên gia nhập quân đội. Năm 1946, ông trở thành Ủy viên BCH Hội văn hóa cứu quốc Liên khu IV. Vào tháng 2- 1954, Hồng Nguyên mất vì bệnh lao, khi đang làm Trưởng ty văn hóa tỉnh Thanh Hóa.

– Hồng Nguyên làm công tác văn nghệ trong quân đội và trở thành một nhà thơ được chú ý đến trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông có nhiều bài thơ in trên các báo của Liên khu IV lúc bấy giờ. Thơ ông viết về nhiều đề tài như ca ngợi cuộc sống mới ở nông thôn, thể hiện tình cảm đối với anh bộ đội, nói lên niềm tin son sắt vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

Nhớ là bài thơ nổi tiếng nhất của Hồng Nguyên được ông sáng tác vào năm 1948 khi nhà thơ sắp lên đường vào Vinh làm việc với tờ báo dân mới. Sau này được đưa vào tuyển tập 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn và công bố vào năm 2007.

– Đây là một bài thơ trữ tình, thể thơ tự do phóng túng.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

`        – Đọc “Nhớ” chúng ta thấy được vẻ đẹp của người lính cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống Pháp:

+ Hình ảnh chân thực về người chiến sĩ trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn tràn đầy tinh thần quyết tâm và lạc quan.

+ Bài thơ cũng bộc lộ sâu sắc tình quân dân. Hình ảnh làng quê trong những năm đầu kháng chiến được miêu tả với tình cảm thân thiết, khai thác được nhiều cái mới của sinh hoạt tập thể từ hình ảnh “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” đến buổi “khai hội, yêu cầu, chất vấn”. Từ hình ảnh người mẹ già bắt rận cho những đứa con xa đến phút chia tay đầy lưu luyến và có sắc thái riêng độc đáo.

– Tài quan sát thật tỉ mỉ, cụ thể; thể thơ tự do phóng túng; ngôn ngữ, hình ảnh thơ chân thật, quyện lại, dắtdíu nhau liền một mạch, lẩy câu này ra thì câu khác níu lại; lời đối thoại hết sức ngắn gọn, thân mật với cách xưng hô dân dã chứ không hề “điều lệnh”.

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

Nhớ” của nhà thơ Hồng Nguyên đã làm sống lại lịch sử giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là một tác phẩm nghệ thuật đi cùng năm tháng mà sức sống của nó chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người yêu thơ, yêu đất nước, quê hương.

 

Bài viết tham khảo:

Vừa mới xuất hiện trên thi đàn, bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên đã lan tỏa một lực hấp dẫn, một nguồn cảm hứng lớn đối với đông đảo bạn đọc. Vì thế, bài thơ đã chiếm giữ vị trí là bài thơ hay nhất của Hồng Nguyên và là một trong những thành tựu xuất sắc của thơ ca chống Pháp viết về anh bộ đội cụ Hồ.

Hồng Nguyên tên thật là Nguyễn Văn Vượng, sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Lò Chum ven đô thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hoá). Gia cảnh túng bấn, anh phải bỏ dở dang việc học trung học để kiếm sống. Miếng cơm manh áo của đời thường đã làm anh vất vả ngược xuôi. Nguyễn Văn Vượng đã gặp những người làm báo, làm văn những cán bộ Việt Minh và anh đã trở thành một cán bộ văn hoá. Anh viết cho báo Tiến của Việt Minh Thanh Hóa, làm biên tập cho báo Dân Mới của Việt Minh bốn tỉnh: Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình, làm thơ đăng báo và làm Trưởng Ty Văn hóa Thanh Hóa. Vào tháng 2- 1954, Hồng Nguyên mất vì bệnh lao, khi đang làm Trưởng ty văn hóa tỉnh Thanh Hóa.

Hồng Nguyên làm công tác văn nghệ trong quân đội và trở thành một nhà thơ được chú ý đến trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông có nhiều bài thơ in trên các báo của Liên khu IV lúc bấy giờ. Thơ ông viết về nhiều đề tài như ca ngợi cuộc sống mới ở nông thôn, thể hiện tình cảm đối với anh bộ đội, nói lên niềm tin son sắt vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.  Tên tuổi của ông đã in đậm dấu ấn với các tác phẩm tiêu biểu như: Nhớ, Hồn thơ Việt Nam, Đời anh nông dân vô nam, Những khẩu hiệu trong đêm.

Nhớ là bài thơ nổi tiếng nhất của Hồng Nguyên được sáng tác vào năm 1948 khi nhà thơ sắp lên đường vào Vinh làm việc với tờ báo dân mới. Sau này được đưa vào tuyển tập 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn và công bố vào năm 2007. Bài thơ được viết với thể thơ tự do phóng túng. Vì thế, bài thơ ôm chứa được nhiều chi tiết, hình ảnh sống động cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc của

 

 

người viết về vẻ đẹp của người lính cụ Hồ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống pháp.

Bài thơ “Nhớ” ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp chân thực của người lính cụ Hồ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ vốn là những người xa lạ

từ mọi miền Tổ quốc, những thanh niên nông dân mặc áo lính gắn bó với ruộng đồng, không quen chuyện binh đao, bị hạn chế về trình độ văn hóa, nhiều người còn chưa biết chữ; họ chiến đấu với biết bao gian khổ và hy sinh. Nhưng tất cả không là gì trước tình yêu nước nồng nàn và tinh thần lạc quan, yêu đời ở họ. Dù vũ khí thô sơ nhưng các anh không hề ngập ngừng, sợ hãi luôn trong tư thế chủ động tìm giặc mà đánh. Không những thế, các anh còn là những người rất giàu tình cảm yêu thương đối với cảnh vật và con người nơi làng quê yêu dấu.

Bài thơ thành công với thể thơ tự do phóng túng; ngôn ngữ, hình ảnh thơ chân thật, quyện lại, dắt díu nhau liền một mạch, lẩy câu này ra thì câu khác níu lại; lời đối thoại hết sức ngắn gọn, thân mật với cách xưng hô dân dã không hề điều lệnh. Tất cả đã góp phần thể hiện rõ nét nỗi nhớ của nhà thơ về bao vẻ đẹp của người lính trong kháng chiến.

Đúng với tên gọi của nó, Nhớ của Hồng Nguyên đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đi cùng năm tháng. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi nhớ về người lính năm xưa vẫn mãi đậm sâu trong tâm trí những người yêu nước và cùng với đó, sức sống của Nhớ cũng chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người yêu thơ, yêu bồ đội, yêu đất nước, quê hương!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *