Đề bài:
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)
MA RÔ VÀ CON CHÓ HOANG
(Lược phần đầu : Ma Rô nằm co quắp trong chiếc lều tranh cạnh bãi rác. Tiết trời đã sang đông. Gió rất lạnh. Như thường lệ, Ma Rô có mặt bên những đống rác và bắt đầu một ngày làm việc để kiếm sống. Cậu bị một đám trẻ con khác tranh giành địa bàn nhặt rác bắt nạt. Ma Rô chống trả, đuổi được bọn kia đi rồi, tiếp tục moi móc, tìm kiếm xung quanh đống rác … Buổi trưa. Ma Rô mang những thứ vừa kiếm được tới một điểm thu mua phế liệu, bán được 2500 đồng. Buổi tối. Lang thang tới một chiếc quán cà phê ven đường, Ma Rô xòe tay xin tiền, bị xua đuổi. Một người đàn ông mập mạp đang đứng bên chiếc xe Honda vẫy nó. Ma Rô tiến lại gần. Người đàn ông kêu nó đẩy giùm chiếc xe chết máy và hứa cho tiền. Xe nổ. Người đàn ông gài số, chiếc xe giựt lên một cái rồi lao vụt đi. Ma Rô mất đà, nó chới với vồ hai tay xuống mặt đường. Một luồng khói đen phun vào mặt, nó nhắm mặt ho sặc một hồi. … Trời đã khuya, nó lại mua một ổ bánh rồi quay về. Xé đôi ổ bánh, nó ăn một nửa. Còn một nửa cất đi, để dành sáng mai.)
Sáng sớm hôm sau, tuy còn rất lạnh, Ma Rô vẫn quyết định vùng dậy. Trời còn tối lờ mờ. Ăn sáng xong, nó dò dẫm bước tới một đống rác mới đổ hồi đêm. Ma Rô cầm móc sắt, vừa móc vừa gõ. Nghe tiếng kêu phát ra nơi đầu móc sắt, nó có thể đoán được chính xác đó là vật gì? Đồ hộp bằng kim loại? Chai thủy tinh hay một mớ ni – lông?… Ngày nào, Ma Rô cũng phải thức dậy sớm như thế này. Đã hai năm trôi qua, nó phải tự kiếm sống. Nó không có nhà cửa. Không có cha. Cũng không có ai thân thích ngoài một người phụ nữ mà nó vẫn thường gọi là mẹ. Mẹ nó cũng là một kẻ lang thang. Cha nó là ai? Nó chưa kịp hỏi điều ấy thì mẹ nó đã mất.
Nó sống nhờ bãi rác này đã hai năm nay, kể từ khi mẹ nó mất đi. Ban ngày, nó đi bới rác. Ban đêm, nó đi ăn xin. Khuya, nó lại trở về và ngủ qua đêm trong túp lều rách nát cạnh bãi rác. Nó sống như thế, thui thủi một mình. Tên nó là thằng Rô nhưng bọn trẻ lang thang lại gọi nó là “Ma” Rô, bởi nó đen đủi, còm nhom như một chú khỉ già. Không ai biết nó bao nhiêu tuổi? Cũng không ai đoán được chính xác tuổi của nó. Nhìn đôi mắt sáng quắc như dao, người ta đoán nó khoảng hơn chục tuổi. Nhìn thân hình còm nhom, “tối” như đêm ba mươi tết của nó, người ta lại đoán khoảng mười tuổi là cùng.
Trước đây, Ma Rô thường theo mẹ “làm nghề” ăn xin. Đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm, nó được biết bao nhiêu là thứ chuyện. Những đêm mưa gió lạnh tê người, mẹ nó ôm chặt nó vào lòng rồi trùm lên một cái mền rách bươm. Hai mẹ con nó nằm co quắp trên các vỉa hè, hết đêm lại dắt nhau đi.[…]
Hai năm trước, vào một đêm cũng lạnh như thế này, Ma Rô vùi vào lòng mẹ, nó ngủ một giấc thật ngon lành. Tới sáng, không thấy mẹ nó thức dậy như mọi khi, nó bèn tung mền chui ra. Mẹ nó vẫn nằm im. Nó lay gọi, mẹ nó vẫn không trả lời. Toàn thân mẹ nó lạnh cứng. Nó sợ hãi khóc thét lên … “Mẹ nó chết rồi!” – Người ta bảo thế! Nó lại càng khóc to hơn. Mọi người tò mò xúm đen, xúm đỏ… Mấy người đại diện cho chính quyền địa phương hay tin, cũng kéo nhau xuống nghiêng ngó một hồi, rồi ra lệnh mang mẹ nó đi chôn.
Từ ngày mẹ nó mất đi, cũng chẳng có ai thèm ngó ngàng tới nó...
Bơ vơ như một con thú nhỏ bị bỏ rơi, nó sống lang thang khắp các đường phố, khu chợ…
(Lược một đoạn: Một ngày, về tới bãi rác, Ma Rô bắt gặp một chú chó khoang đang bị ba, bốn con chó khác xâu xé. Ma Rô đuổi đàn chó và cứu được con khoang. Ma Rô ngồi xuống, nó vỗ về con khoang như đã thân quen từ lâu lắm. Con khoang vẫn run lập bập, cái bụng nó đói xọp.)
Ma Rô chợt tỉnh giấc. Nó vội vàng vùng dậy. Gấp chiếc bao tải, Ma Rô gác lên vách rồi chui ra ngoài. Nó lại đi ra đường để xin tiền. Chợt nhớ tới con chó, nó quay lại nhìn. Con chó vẫn nằm gần đó nhưng mấy miếng cháy đã biến mất. Ma Rô mỉm cười:
– Mày đi không nổi nữa hả? Đói quá mà! Ráng nằm chờ, chừng nào về, tao sẽ cho ăn thêm!
Rồi Ma Rô đi ra phố. Không muốn chui vào những chiếc quán cà phê như hôm qua, nó lang thang tìm tới một rạp hát. Đêm nay, chắc có tiết mục mới nên người ta đi coi khá đông. Len lỏi trong đám người lịch sự trước cửa rạp, nó xoè tay xin. Thỉnh thoảng, cũng có người dúi vào tay nó một, hai tờ bạc lẻ. Tới giờ biểu diễn, cửa rạp vắng hoe. Cầm nắm giấy bạc vo viên, Ma Rô chạy tới một cái cột đèn, nó vuốt ve cho phẳng rồi đếm. Được tất cả gần hai ngàn đồng.
Ma Rô mua một ổ bánh mì, nhét vào bụng cho qua bữa tối. Chợt nhớ tới con chó, không ngần ngại, nó mua thêm một ổ nữa rồi quay về.
Đêm khuya, bãi rác tối thui. Ma Rô mò mẫm tìm được con chó rồi ôm vào lều. Con chó vẫn run lẩy bẩy. Có lẽ nó run vì đói chứ không phải vì sợ nữa. Xé đôi chiếc bánh, Ma Rô cất đi một nửa. Còn một nửa, nó xé nhỏ, đút vào miệng con khoang. Con chó ghếch mõm lên nhai. Nó ăn ngấu nghiến một lúc hết nửa cái bánh.
Ma Rô vui mừng:
– Tốt! Bây giờ thì ngủ đi! Sáng mai, tao cho ăn nữa!
Ma Rô trải chiếc bao xuống nền đất rồi ôm con khoang vào lòng. Có thêm con chó, Ma Rô cũng cảm thấy ấm áp hơn. Con chó đã bớt run, nó rúc vào lòng Ma Rô như một đôi bạn thân rồi cả hai bắt đầu chìm vào những giấc mộng không bao giờ có thực. Thỉnh thoảng, Ma Rô lại giật mình gãi sột sột. Muỗi nhiều quá! Nó bèn kéo bao tải trùm kín người rồi lại ngủ tiếp…
* * *
[…]Kể từ bây giờ, con khoang đã có một cậu chủ. Nó không còn sợ lũ chó nhà săn đuổi nữa. Thỉnh thoảng, nó lại ghé vào sát lề đường, đứng hít hít, ngửi ngửi. Mỗi lần như thế, Ma Rô lại cầm móc sắt gõ xuống đất coong coong. Con khoang lại ngẩng đầu lên rồi co cẳng phóng theo cậu chủ…
Buổi chiều. Ma Rô lại dẫn con khoang trở về túp lều. Vừa vuốt ve con khoang, Ma Rô vừa thủ thỉ:
– Mày có thích không? Tao với mày sẽ sống ở đây! À, tao phải đặt cho mày một cái tên thật hay, để tao nghĩ coi…
Ma Rô nhăn trán cố vắt óc để tìm ra một cái tên. Bữa trước, nó gặp một lão già dẫn con chó bông đi dạo. Con chó bông thật đẹp! Và cái tên của nó là gì nhỉ?… À, Li Li! Lão già ấy gọi con chó bông là Li Li!
– Tao sẽ đặt tên cho mày là Li Li! Mày có vui không?
Đặt bàn tay lên đầu con khoang, Ma Rô âu yếm gọi:
– Li Li!
Con chó khẽ chớp chớp đôi mắt trước những cử chỉ âu yếm của cậu chủ. Ma Rô ôm nó vào lòng. Li Li liền dụi đầu vào ngực cậu chủ…
Ngồi thủ thỉ với Li Li tới lúc mặt trời lặn, Ma Rô lại dắt Li Li đi dạo phố. Chúng cùng nhau lang thang tới cửa rạp hát. Hôm nay, rạp hát vắng hoe. Ma Rô thất vọng dắt Li Li sang một khu phố khác.
Trời vẫn lạnh. Ma Rô quyết định trở về “nhà” sớm hơn mọi khi. Tối hôm nay, chỉ xin được vài trăm lẻ.
Ôm con chó vào lòng, Ma Rô lại trùm bao tải lên người.
Lát sau, cả hai đã cùng nhau ngủ thiếp đi…
Sài Gòn 1997
CHU QUANG MẠNH THẮNG
Nhà văn, Nhà biên kịch, Đạo diễn điện ảnh Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973 tại Bắc Giang, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Anh tốt nghiệp ĐH KHXH & NV TP HCM và ĐH SKĐA TP HCM. Anh là Hội viên Hội Nhà văn TP HCM, Hội viên Hội Điện ảnh TP HCM, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Ban điều hành Chi hội Nhà văn Bến Nghé – Hội Nhà văn TPHCM.
“Ma Rô và con chó hoang” là một đoạn trích trong tác phẩm “Từ khi không còn mẹ” của Chu Quang Mạnh Thắng. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2004 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Năm 2014, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã xuất bản thành sách chữ nổi, dành cho các độc giả khiếm thị (Tủ sách Nhịp cầu thế giới).
Nguồn tác phẩm: https://vanvn.vn/ma-ro-va-con-cho-hoang-truyen-thieu-nhi-cua-chu-quang-manh-thang/
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):
Câu 1: Truyện được kể ở ngôi thứ mấy?
- Ngôi kể thứ nhất, người kể là Ma Rô.
- Ngôi kể thứ 2, người kể là đám trẻ vô gia cư.
- Ngôi kể thứ 3, người kể chuyện toàn tri.
- Ngôi kể thứ nhất và thứ 2
Câu 2: Xác định đề tài của truyện
- Viết về cuộc đời bất hạnh của những đứa trẻ vô gia cư.
- Viết về những đứa trẻ phải lao động vất vả vì miếng ăn
- Viết về khao khát ấm no của lớp người bên dưới đáy xã hội
- Viết về những con người vô cảm, vô tâm trong xã hội hiện đại.
Câu 3: Thời gian trong truyện được xây dựng theo trình tự:
- Hiện tại – quá khứ – tương lai
- Hiện tại – quá khứ – hiện tại
- Quá khứ – hiện tại – tương lai
- Quá khứ – tương lai – hiện tại
Câu 4: Không gian trong truyện có sự dịch chuyển
- bãi phế liệu → trong lều → đường phố →trong lều
- đường phố → bãi phế liệu → trong lều →đường phố
- từ trong lều → đường phố → bãi phế liệu →trong lều
- từ trong lều → bãi phế liệu → đường phố →trong lều
Câu 5: Sự cộng hưởng giữa người kể chuyện và lời nhân vật thể hiện ở
- lời người kể chuyện; suy nghĩ của các nhân vật.
- lời người kể chuyện; đối thoại của nhân vật.
- lời người kể chuyện; độc thoại của nhân vật.
- lời người kể chuyện; lời đối thoại và độc thoại giữa các nhân vật.
Câu 6: Ý nghĩa của chi tiết miêu tả nhân vật Ma Rô: Nhìn thân hình còm nhom, “tối” như đêm ba mươi tết của nó, người ta lại đoán khoảng mười tuổi là cùng.
- Cuộc sống nghèo đói khiến Ma Rô trở nên nhếch nhác đến đáng thương. Màu “tối” của thân hình cậu như cái “tối” mịt mù không lối thoát của số phận bé nhỏ đáng thương ấy.
- Cuộc sống nghèo đói khiến Ma Rô trở nên nhếch nhác đến đáng thương.
- Tuổi cậu còn quá nhỏ để phải gánh chịu những bất công của cuộc đời. Cậu bé không được chọn nơi mình sinh ra, không được chọn cho mình một mái ấm.
- Màu “tối” của thân hình cậu như cái “tối” mịt mù không lối thoát của số phận bé nhỏ đáng thương ấy.
Câu 7. Hành động Ma Rô chạy lại tới giúp đỡ con chó nhỏ khỏi vòng vây của bầy chó dữ cho thấy:
- Đó là sự liều lĩnh của cậu bé. Hành động ấy cho thấy cậu là một chú bé với trái tim nhân hậu, biết yêu thương.
- Tình huống này tiềm ẩn đầy nguy hiểm vì nếu chẳng may Ma Rô có thể sẽ bị đàn chó hóng dữ tợn cắn cho tơi tả.
- Hành động ấy cho thấy cậu là một chú bé với trái tim nhân hậu, biết yêu thương và bao dung.
- Đó là sự dũng cảm của cậu bé. Hành động ấy cho thấy cậu là một chú bé với trái tim nhân hậu, biết yêu thương.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Chỉ ra thái độ người kể chuyện với các nhân vật được nói đến.
Câu 9 (1.0 điểm): Nhân vật người đàn ông bị hỏng xe, và những người khách trên phố đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện được kể?
Câu 10 (1.0 điểm): Bài học nhân sinh em rút ra từ câu chuyện? (trình bày khoảng 10-15 dòng)
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Xác định đề tài của truyện.
Câu 2: Anh/Chị hãy chỉ ra ngôi kể, quan hệ và thái độ người kể chuyện với các nhân vật.
Câu 3: Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện.
Câu 4: Chỉ ra sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật được nhà văn sử dụng.
Câu 5: Nêu những nhận xét của anh/chị về hình tượng nhân vật Ma Rô trong tác phẩm
Câu 6: So sánh trật tự trong câu chuyện với truyện kể.
Câu 7: Việc Ma Rô cưu mang chú chó hoang gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 8: Từ câu chuyện, anh/chị hãy nêu quan điểm của bản thân về vấn đề trẻ em vô gia cư trong xã hội hiện nay.
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.
HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT
- ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):
Câu 1: C
Câu 2: A
Câu 3: B
Câu 4: D
Câu 5: D
Câu 6: A
Câu 7: D
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Chỉ ra thái độ người kể chuyện với các nhân vật được nói đến.
- Tác giả bày tỏ thái độ thương xót, đồng cảm trước số phận, cuộc đời bất hạnh của những đứa trẻ trong cuộc sống. Đặc biệt là chú bé Ma Rô, đám trẻ hoang nghèo, và chú chó hoang.
- Đồng thời nhà văn trân trọng ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của Ma Rô.
- Bày tỏ thái độ bức xúc, bất bình trước một bộ phận người sống thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương trong xã hội.
Câu 9 (1.0 điểm): Nhân vật người đàn ông bị hỏng xe, và những người khách trên phố đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện được kể?
– Nhân vật phụ trong truyện: Đây là một bộ phận người sống vô tâm, thờ ơ, vô cảm trong xã hội.
– Qua các nhân vật này, tác giả góp phần làm nổi bật tính cách của nhân vật Ma Rô, chú bé với trái tim biết yêu thương, bao dung, nhân hậu.
– Từ đó cho thấy mặt trái của xã hội, sự xuống cấp về đạo đức con người trong xã hội hiện đại.
Câu 10 (1.0 điểm): Bài học nhân sinh em rút ra từ câu chuyện? (trình bày khoảng 10-15 dòng)
– Sự thờ ơ, vô cảm đến đáng sợ của một bộ phận người đang dần khiến xã hội trở nên thiếu vắng tình thương. Vì vậy hãy yêu thương, sẻ chia và đồng cảm với những số phận kém may mắn trong cuộc sống.
– Đói nghèo, nghịch cảnh sẽ khiến con người trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn trước cuộc sống. Đói nghèo có thể vùi dập cuộc sống vật chất nhưng không thể dập tắt đi ngọn lửa của tâm hồn trong sáng, phẩm chất cao đẹp sâu trong trái tim con người.
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Nêu đề tài của văn bản.
- Cuộc sống, số phận bất hạnh của những đứa trẻ kém may mắn.
- Tình yêu thương, sự bao dung đồng cảm trong cuộc sống.
Câu 2: Xác định ngôi kể, quan hệ và thái độ người kể chuyện với các nhân vật.
– Ngôi kể: ngôi thứ ba, người kể chuyện toàn tri
– Quan hệ và thái độ của người kể chuyện:
Tác giả có thái độ thương xót cho số phận của những đứa trẻ như Ma Rô, đồng thời cũng rất trân trọng những phẩm chất tốt đẹp như tốt bụng, bao dung của những đứa trẻ ấy dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhất.
Câu 3: Tóm tắt cốt truyện.
Câu chuyện kể về Ma Rô- một chú bé vô cùng đáng thương, cậu mồ côi từ nhỏ, sống trong một túp lều rách nát. Trước kia, cậu cũng từng có mẹ nhưng người mẹ đã qua đời do cái đói và rét. Kể từ khi mẹ mất, cậu bé phải tự đi đến những khu phố để ăn xin và lục lọi trong từng đống rác để tìm những thứ có thể bán lấy tiền mua đồ ăn. Thi thoảng, cậu phải đụng độ với một đám trẻ con nhà nghèo khác nhưng lại không hề sợ hãi, chỉ trong phút chốc đã đối phó được với đám trẻ con đó. Cuộc sống nghèo khổ tẻ nhạt của cậu vẫn cứ tiếp diễn cho đến khi cậu nhặt được chú chó hoang, một chú chó cũng có hoàn cảnh y như cậu, bơ vơ đói khát không nơi nương tựa và thường xuyên bị đám chó nhà bắt nạt. Ma Rô đã nhận nuôi chú chó này, hằng ngày bớt một chút thức ăn của mình cho nó, cả hai mảnh đời bất hạnh cứ thể mà nương tựa vào nhau sống qua ngày.
Câu 4: Chỉ ra sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật được nhà văn sử dụng.
Hệ thống điểm nhìn:
- Điểm nhìn đặt vào người kể chuyện: người có chuyện cho biết được hoàn cảnh số phận của cậu bé Ma Rô. Những cơ cực mà cậu đã phải chịu, nỗi đau khi cậu mất mẹ, lòng dũng cảm của Ma Rô khi đương đầu với đám trẻ để dành lấy miếng ăn, hay sự lương thiện trong trái tim của cậu khi chỉ có một mảnh cơm cháy với chiếc bụng đói nhưng cậu cũng sẵn sàng chia cho con chó hoang tội nghiệp
- Điểm nhìn đặt vào các nhân vật khác:
+ Bọn trẻ lang thang cảm thấy Ma Rô thật đen đuốc và còm nhòm
+ Những vị khách trong quán cà phê cảm thấy khó chịu vì Ma Rô quá hôi hám “Thằng nhóc này hôi quá! Đi chỗ khác mày!”
+ Ông chú mập cảm thấy Ma Rô là một cậu bé ranh ma và khôn lỏi biết lợi dụng hoàn cảnh để kiếm tiền.
+ Điểm nhìn đặt vào nhân vật Ma Rô (điểm nhìn bên trong)
/ Cậu tức giận khi bị ông mập lừa “Cái … lão già … chết… mập!”
/ Một sáng ngủ dậy thấy toàn thân mẹ lạnh cứng Ma Rô sợ hãi khóc thét lên (nỗi buồn của cậu bé Ma Rô khi mất đi người thân duy nhất, không còn chỗ dựa)
/ Ma Rô co rúm lại sợ hãi khi nó đã chứng kiến hết cảnh tên cướp giật đồ và nó là người duy nhất nhìn rõ mặt tên cướp…..
+ Điểm nhìn đặt vào con chó hoang:
/ Sợ hãi rên ư ử khi lần đầu gặp Ma Rô
/Cảm thấy an tâm hơn trước hành động thân mật của Ma Rô và không có ý định rời đi nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn cậu…..
- Điểm nhìn thời gian: Cuộc sống của Ma Rô khi cậu còn mẹ, mất mẹ và hai năm sau khi mẹ mất (hiện tại – quá khứ – hiện tại)
- Điểm nhìn không gian: túp lều tranh cạnh bãi rác của Ma Rô, những con phố cậu đi qua, quán cà phê, rạp hát,….
- Điểm nhìn trần thuật được đặt linh hoạt chứ không chỉ cố định ở tác giả.
Câu 5: Nhận xét về hình tượng nhân vật Ma Rô.
- Ma Rô là đứa trẻ bất hạnh, cô đơn; luôn mang trong mình niềm khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; có nghị lực sống; nhân hậu, biết yêu thương.
- Nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật bằng ngòi bút chân thực, sắc nét; tạo dựng bối cảnh, chi tiết giàu giá trị hiện thực.
Câu 6: So sánh trật tự trong câu chuyện với truyện kể.
- Giống:
- Đều bao gồm các sự kiện, chi tiết, tình tiết góp phần bộc lộ tính cách, số phận nhân vật
- Đều kể theo trình tự thời gian, không gian
- Khác nhau:
- Câu chuyện: Nội dung, nhân vật, bối cảnh và sự kiện sắp xếp theo trật từ thời gian từ quá khứ đến hiện tại gắn với nhân vật chính.
+ Truyển kể: Gắn với câu chuyện về cuộc đời số phận nhân vật Ma Rô, đồng nhất nhưng không thống nhất. Các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn đa dạng linh hoạt. Các sự kiện được sắp xếp một cách nghệ thuật, đặc sắc độc đáo (Hiện tại – quá khứ – hiện tại).
Câu 7: Việc Ma Rô cưu mang chú chó hoang có ý nghĩa:
- Ma Rô là đứa trẻ cô đơn, luôn khao khát tình yêu thương.
- Hành động của sự nhân hậu, Ma Rô sẵn sàng cứu giúp những sinh thể yếu đuối, bất hạnh hơn mình.
- Khao khát tình bạn, sự sẻ chia; có được chú chó làm bầu bạn, cuộc sống của Ma Rô có ý nghĩa hơn.
- Khi cùng chung cảnh ngộ, người ta dễ dàng đồng cảm và giúp đỡ lẫn nhau hơn.
- Tình thương yêu có sức mạnh phi thường, gắn kết con người với thế giới loài vật; sưởi ấm, nâng đỡ con người vượt lên trên hoàn cảnh.
Câu 8: Từ câu chuyện, anh/chị hãy nêu quan điểm của bản thân về vấn đề trẻ em vô gia cư trong xã hội hiện nay.
- Đây là vấn đề cần được quan tâm
- (HS có thể mở rộng về vấn đề trẻ em ở thế kỉ XX, XXI; trẻ em ở các quốc gia đói nghèo, chiến tranh…v..v..)
- LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.
– “Ma Rô và con chó hoang” là một đoạn trích trong tác phẩm “Từ khi không còn mẹ” của Chu Quang Mạnh Thắng.
– Tác phẩm thu hút độc giả bởi nghệ thuật trần thuật độc đáo và hấp dẫn
- Thân bài:
* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)
Cách tổ chức mạch truyện:
– Trình tự thời gian: sáng – trưa – chiều – tối
+ Buổi sáng hôm ấy, cái đói cùng cái rét khiến Ma Rô cảm thấy uể oải, chỉ muốn nằm trong chiếc bao tải rách nhưng những tiếng léo nhéo của lũ trẻ đã thôi thúc cậu tỉnh dậy.
+ Sau khi nhai vội mẩu bánh mì khô cứng, Rô đụng độ với 5 đứa trẻ để tranh giành bãi rác mới đổ.
+ Chuyện thường xảy ra như cơm bữa nên Ma Rô không cảm thấy sợ hãi.
+ Buổi trưa, Ma Rô đem hết thảy những thứ kiếm được đi bán rồi mua cho mình một ổ bánh mì.
+ Trở về túp lều tranh, thấy người ta lôi từ đống rác mới đổ cái nhiều thứ, Ma Rô mặc dù thèm thuồng nhưng do về muộn lại không muốn đụng độ nên chỉ có thể đi vào lều.
+ Buổi tối, Ma Rô đi xin tiền ở quán cà phê ven đường nhưng không xin được đồng nào, cậu còn bị lừa đẩy xe cho ông chú mập.
+ Sáng hôm sau, công việc lại diễn ra như một vòng lặp, điều đó gợi ra cái quá khứ khi Ma Rô còn mẹ trên đời và cảnh tượng cái chết của người mẹ.
+ Sau khi bán một bao “chiến lợi phẩm” của mình, Ma Rô đến chợ, trông vào cửa hàng quần áo được may sẵn, cậu ao ước có được một bộ để thay cho chiếc áo đã cũ.
+ Buổi chiều, Ma Rô cho chú chó hoang bị xâu xé bởi đám chó miếng cơm cháy mà cậu có được.
+ Do đồng cảm nên cậu về chú chó đã trở thành bạn.
– Sự đan xen giữa hiện tại – quá khứ: Truyện mở đầu bằng cảnh cậu bé Ma Rô co ro trong túp lều rách nát của mình, một chi tiết ở hiện tại, từ đó, mạch truyện khai thác những chi tiết trong quá khứ của nhân vật, hé mở việc cậu mẹ cậu đã qua đời vì cái đói và rét, sau đó lại trở về hiện tại, cảnh cậu bé phải đi ăn xin và lục lọi trong đống rác để sống qua ngày.
Nhận xét: Các sự kiện được tổ chức gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn đa dạng linh hoạt. Cách tổ chức mạch truyện phá vỡ trật tự sự kiện như vậy chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống.
* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)
Ngôi kể: Ngôi kể thứ 3, người kể chuyện toàn tri.
Hệ thống điểm nhìn:
- Điểm nhìn đặt vào người kể chuyện: người có chuyện cho biết được hoàn cảnh số phận của cậu bé Ma Rô.
- Dịch chuyển điểm nhìn:
Điểm nhìn đặt vào nhân vật Ma Rô
+ Cậu tức giận khi bị ông mập lừa “Cái … lão già … chết… mập!”
+ Một sáng ngủ dậy thấy toàn thân mẹ lạnh cứng Ma Rô sợ hãi khóc thét lên (nỗi buồn của cậu bé Ma Rô khi mất đi người thân duy nhất, không còn chỗ dựa)
+ Ma Rô co rúm lại sợ hãi khi nó đã chứng kiến hết cảnh tên cướp giật đồ và nó là người duy nhất nhìn rõ mặt tên cướp.
Điểm nhìn đặt vào các nhân vật phụ:
+ Bọn trẻ lang thang cảm thấy Ma Rô thật đen đuốc và còm nhòm
+ Những vị khách trong quán cà phê cảm thấy khó chịu vì Ma Rô quá hôi hám “Thằng nhóc này hôi quá! Đi chỗ khác mày!”
+ Ông chú mập cảm thấy Ma Rô là một cậu bé ranh ma và khôn lỏi biết lợi dụng hoàn cảnh để kiếm tiền.
Điểm nhìn đặt vào con chó hoang:
+ Sợ hãi rên ư ử khi lần đầu gặp Ma Rô
+ Cảm thấy an tâm hơn trước hành động thân mật của Ma Rô và không có ý định rời đi nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn cậu
Điểm nhìn thời gian: hiện tại – quá khứ – hiện tại
Điểm nhìn không gian: túp lều – bãi rác – trên phố – túp lều
- Điểm nhìn trần thuật được đặt linh hoạt, có sự dịch chuyển các điểm nhìn. Điều này làm nên tính hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm.
* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật
Thông qua nghệ thuật trần thuật, từng nhân vật được khắc hoạ rõ nét
1)Nhân vật Ma Rô
- Xuất thân, lai lịch, hoàn cảnh: Hoàn cảnh của Maro vô cùng đáng thương. Đó là đứa trẻ kém may mắn, bất hạnh.
- Ngoại hình, tên tuổi:
- Tên là Rô. Nhưng lại được đám trẻ nghèo gọi là Ma vì cậu lúc nào cũng đen đủi, còm nhom như một chú khỉ già. Người ta đoán cậu khoảng chục tuổi.
- Bộ quần áo như bị mục sẵn. Mắt sáng như dao, thân hình còm nhom “tối” đen như đêm 30 tết.
- Tính cách:
+ Ma Ro là chú bé mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước số phận: Dù hoàn cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa nhưng cậu vẫn luôn kiên cường tiếp tục sống
+ Ma Rô biết tự bảo vệ bản thân
+ Ma Rô có một trái tim bao dung và biết yêu thương.
2)Nhân vật chú chó hoang
– Là một con chó khoang bơ vơ, không chủ, bị bỏ rơi.
– Trước khi gặp Ma Rô: Bị đàn chó hoang cắn xé, tưởng như sắp chết
– Sau khi gặp Ma Rô và được cậu bé nhận nuôi: chú chó đã xem Ma Rô như cậu chủ, một người bạn mà có thể bảo vệ bên cạnh nó. Hai mảnh đời bất hạnh, bơ vơ vô tình gặp nhau xem nhau như những người bạn đồng hành.
→ Nhân vật chú chó đóng vai trò là đòn bẩy thúc đẩy câu chuyện phát triển, góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật Ma Rô
3) Một số nhân vật phụ trong tác phẩm.
- Đám trẻ hoang: Đều là những đứa trẻ nghèo, không nhà không cửa. Có những đứa may mắn hơn thì còn có cha mẹ. Chúng lang lang nhặt lượm phế liệu để kiếm sống qua ngày. Liên tục tranh giành, xâu xé nhau vì những món đồ phế liệu, bắt nạt Ma Rô, cậy đông hiếp yếu. → Thông qua nhân vật những đám trẻ nhà văn góp phần bộc lộ tính cách, phẩm chất của cậu bé Ma Rô. Đồng thời bày tỏ nỗi lòng thương xót với những số phận nhỏ bé ấy.
- Nhân vật người đàn ông bị hỏng xe, và những người khách trên phố: Họ xuất hiện với số đông, thờ ơ, vô cảm. Từ đó nhà văn phơi bày mặt trái của xã hội: một bộ phận người sống thờ ơ vô cảm, thiếu tình thương.
* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)
– Người viết vừa đặt hoàn cảnh của mình vào nhân vật đồng thời giữ một khoảng cách nhất đinh. Nhờ vậy mà câu chuyện trở nên chân thực hơn.
– Người kể chuyện thể hiện thái độ thương cảm, đồng cảm, bày tỏ sự xót xa dành cho những số phận nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc sống.
– Phơi bày mặt trái của xã hội hiện đại, đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Số phận của những đứa trẻ vô gia cư sẽ đi đâu về đâu?
- Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện
– Kết cấu độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.
– Giá trị nhân văn của tác phẩm: đồng cảm, xót thương những đứa trẻ mồ côi, vô gia cư có cuộc sống đầy khó khăn khổ cực.
– Đặt ra vấn đề xã hội: quyền sống, hạnh phúc và học tập của trẻ em.
Bài viết tham khảo:
Văn chương, nghệ thuật có lẽ cũng là một bản nhạc với những giai âm trong trẻo. Chúng rung lên như một chiếc lá giữa những đợt chuyển mình của gió, dìu dặt đón lấy hơi thở của đất trời rồi thả mình chao liệng giữa thinh không. Trong đó, những nốt trầm nhẹ trong bản nhạc văn học Việt Nam có lẽ dành cho Chu Quang Mạnh Thắng. Có người bảo thứ văn ấy nhẹ như những cánh bướm non khẽ đậu trên trang giấy, chúng đậu vào lòng người bằng thế giới nghệ thuật được khúc xạ qua lăng kính của ông. Truyện ngắn “Ma Rô và con chó hoang” quả là một tác phẩm như vậy. Trong đó, những đặc sắc về nghệ thuật trần thuật của tác giả đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
“Ma Rô và con chó hoang” là một đoạn trích trong tác phẩm “Từ khi không còn mẹ” của Chu Quang Mạnh Thắng. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2004 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Năm 2014, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã xuất bản thành sách chữ nổi, dành cho các độc giả khiếm thị (Tủ sách Nhịp cầu thế giới).
“Ma Rô và chú chó hoang” – Nhan đề là tên của nhân vật chính trong tác phẩm – Ma Rô và người bạn đồng hành của mình là chú chó. Ma Rô lúc trước vốn tên là “Rô” nhưng đám trẻ hoang nghèo gọi cậu là “Ma” bởi trông cậu lúc nào cũng “đen đủi và còm nhom như một chú khỉ già”. Còn “chú chó hoang”, chữ “hoang” cho thấy số phận bị bỏ rơi, lang thang, không nhà, không chủ của chú chó. Qua đó ta thấy được số phận và cuộc đời bất hạnh, cô đơn, bơ vơ không chốn nương tựa của hai nhân vật. Bởi điểm chung ấy mà cuộc đời đưa họ gặp nhau, trở thành những người bạn đồng hành. Dù có bị cuộc sống vùi dập nhưng cậu bé Ma Rô vẫn như một ngôi sao sáng hiện lên giữa bầu trời đêm bởi vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất cao đẹp. Nhan đề đã thâu tóm nội dung của tác phẩm, làm nổi bật hình tượng nhân vật chính. Từ đó góp phần bộc lộ giá trị tư tưởng, giá trị nhân đạo, hiện thực của tác phẩm.
Trước hết, sự thành công của tác phẩm có lẽ phần nào đến từ nội dung cốt truyện vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn và cách tổ chức câu chuyện độc đáo. Truyện kể về Ma Rô- một nhân vật tuy còn nhỏ tuổi nhưng lại có số phận vô cùng đáng thương. Ma Rô là một câu bé vô gia cư nghèo khổ, thường cùng mẹ đi ăn xin và sống trong một túp lều rách nát. Tuy nhiên, người mẹ đã qua đời do cái đói và rét. Kể từ khi mẹ mất, cậu bé phải tự đi đến những khu phố để ăn xin và lục lọi trong từng đống rác để tìm những thứ có thể bán lấy tiền mua đồ ăn. Thi thoảng, cậu phải đụng độ với một đám trẻ con nhà nghèo khác nhưng lại không hề sợ hãi, chỉ trong phút chốc đã đối phó được với đám trẻ con đó. Cuộc sống nghèo khổ tẻ nhạt của cậu vẫn cứ tiếp diễn cho đến khi cậu nhặt được chú chó hoang, một chú chó cũng có hoàn cảnh y như cậu, bơ vơ đói khát không nơi nương tựa và thường xuyên bị đám chó nhà bắt nạt. Ma Rô đã nhận nuôi chú chó này, hằng ngày bớt một chút thức ăn của mình cho nó, cả hai mảnh đời bất hạnh cứ thể mà nương tựa vào nhau sống qua ngày. Tuy câu chuyện là vậy nhưng trình tự kể lại không được nhà văn sắp xếp theo trình tự thời gian. Truyện mở đầu bằng cảnh cậu bé Ma Rô co ro trong túp lều rách nát của mình, một chi tiết ở hiện tại, từ đó, mạch truyện hồi cố những chi tiết trong quá khứ của nhân vật, hé mở việc cậu cũng từ có mẹ nhưng mẹ cậu đã qua đời vì cái đói và rét, sau đó lại trở về hiện tại, cảnh cậu bé phải đi ăn xin và lục lọi trong đống rác để sống qua ngày. Cách tổ chức mạch truyện phá vỡ trật tự sự kiện như vậy chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống.
“Ma Rô và con chó hoang” là một truyện ngắn không có những kịch tính dồn dập mà chủ yếu tập trung vào khắc hoạ cuộc sống thường ngày của nhân vật chính Ma Rô. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba, điểm nhìn trần thuật có sự luân chuyển linh hoạt, được đặt từ điểm nhìn bên ngoài là người kể chuyện và các nhân vật phụ đến điểm nhìn bên trong là cậu bé Ma Rô. Từ đó, hình thức trần thuật này vừa giúp nội dung câu truyện được thể hiện một cách đầy đủ, bao quát mà vừa khắc hoạ được nội tâm nhân vật.
Trong tác phẩm, Ma Rô hiện lên qua ngòi bút của Chu Quang Mạnh Thắng là một nhân vật cực khổ nhưng không chịu thua trước số phận mà luôn nỗ lực nuôi sống bản thân. Việc miêu tả tính cách này của nhân vật như vậy nhờ vào việc sử dụng ngôi thứ ba và điểm nhìn bên ngoài sẽ giúp người đọc có thể nắm bắt và hình dung dễ dàng. Từ điểm nhìn của người kể chuyện, ta có thể thấy được sự cố gắng trong việc tự nuôi sống bản thân của cậu: “nằm co quắp trong chiếc lều tranh cạnh bãi rác. Tiết trời đã sang đông. Gió rất lạnh. Ma Rô rùng mình, nó với tay kéo một chiếc bao tải rách đắp lên người… Trời gần sáng. Như thường lệ, lẽ ra nó đã có mặt bên những đống rác và bắt đầu một ngày làm việc để kiếm sống. Hôm nay lạnh quá, cộng thêm cái đói làm nó uể oải. Tối hôm qua, nó chỉ ăn một khúc bánh mì khô cứng. Hãy còn một khúc nữa, nó gài trên vách, để dành ăn bữa sáng trước khi đi làm…’’. Điểm nhìn từ những nhân vật phụ như bà cụ bán bánh mì, khách qua đường hay người đàn bà thu mua phế liệu cũng góp phần làm nổi bật lên tính cách ấy, họ có người thì coi thường, có người thì thương cảm bố thí một chút tiền và đồ ăn khi cậu đi đem phế liệu đi bán hoặc ăn xin. Không những vậy, điểm nhìn bên trong được đặt trong chính Ma Rô cũng phần nào làm rõ được tính cách của cậu, được thể hiện rõ nét qua những lời nói lễ phép khi nói với người lớn lúc cầu xin hoặc được bố thí và giúp đỡ: “Dì cho con thêm chút đỉnh! Hôm nay con đói quá!’’; “Dạ, cám ơn dì!’’; “Chú làm ơn cho con…’’ Qua điểm nhìn bên ngoài, bên trong và lời kể trần thuật của các nhân vật cùng với người kể chuyện, ta có thể thấy rằng nhân vật Ma Rô là tiêu biểu cho những đứa trẻ nghèo đói, bị xã hội vùi dập những không vì thế mà gục ngã, vẫn kiên trì sống tiếp, dựa vào sức lực của bản thân để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sự linh hoạt còn thể hiện ở sự kết hợp điểm nhìn thời gian: Cuộc sống của Ma Rô khi cậu còn mẹ, mất mẹ và hai năm sau khi mẹ mất (hiện tại – quá khứ – hiện tại); điểm nhìn không gian: đặt vào túp lều tranh cạnh bãi rác của Ma Rô, những con phố cậu đi qua, quán cà phê, rạp hát,…. Điểm nhìn trần thuật được đặt linh hoạt chứ không chỉ cố định ở tác giả.
Tiếp đến, Ma Rô còn là một cậu bé kiên cường, mạnh mẽ, biết cách bảo vệ bản thân, không để bị người khác ức hiếp. Nét tính cách này được gián tiếp thể hiện thông qua điểm nhìn của đám trẻ con nhà nghèo- những người chuyên tranh giành bãi rác và bắt nạt Ma Rô. Những lời nói hung hãn của những đứa trẻ đó thể hiện sự khinh thường đối với cậu bé: “Đây là đống rác của bọn tao!” , “Nhào vô tụi bay!’’ … Trước những lời nói ấy, Ma Rô vẫn bình tĩnh, kiên cường đáp trả để rồi doạ đám trẻ đó sợ hãi mà chạy mất. Không những vậy, điểm nhìn và lời kể trần thuật của người kể chuyện cũng thể hiện được phần nào tính cách đó: “Ma Rô lùi lại một chút. Bị năm kẻ lạ mặt vây quanh nhưng Ma Rô không hề sợ. Những cuộc đụng độ như thế này thường xảy ra như cơm bữa. Vì thế, nó vẫn bình tĩnh như không có gì xảy ra, mặc dù chỉ có một mình…. Chống cái móc sắt xuống đất, Ma Rô chằm chằm nhìn năm đứa trẻ. Chúng vẫn xoay vòng quanh Ma Rô như năm chiếc vệ tinh. Ma Rô nhìn như xoáy vào đôi mắt thằng lớn nhất khiến nó hốt hoảng phải lùi lại.” Cuối cùng, điểm nhìn từ chính nhân vật Ma Rô cũng đã thể hiện được tính cách kiên cường của cậu. Dù chỉ có vài ba lời thoại như “Chúng mày muốn gì?’’, “ “Biến!’’ nhưng đó cũng đủ để độc giả có thể cảm nhận được sự cứng cỏi, bản lĩnh không chịu bị ức hiếp của cậu.
Cuối cùng, Ma Rô còn hiện lên là một người có trái tim yêu thương và lòng bao dung cao cả. Nét tính cách này trước hết được thể hiện thông qua điểm nhìn và lời kể trần thuật của người kể chuyện: “Ma Rô ngồi xuống, nó vỗ về con khoang như đã thân quen từ lâu lắm. Con khoang vẫn run lập bập, cái bụng nó đói xọp. Hèn chi, nó bị lũ chó hung dữ kia ăn hiếp. Đói quá mà, làm sao cắn lại bọn chúng nó. Bẻ một miếng cháy, Ma Rô đặt xuống trước mặt con chó…’’ Thêm vào đó, điểm nhìn và lời kể trần thuật của chính Ma Rô cũng góp phần thể hiện tính cách tốt đẹp ấy: “Nằm yên nào! Tao không đánh mày đâu! Tại sao mày lại đi giành ăn với tụi nó? Mày đói lắm phải không?”. “Ăn đi! Tao nhường cho mày đó! Tao cũng đang đói đây nhưng có lẽ, mày còn đói hơn nhiều!”.
Trong câu chuyện, chú chó hoang cũng được khắc hoạ là một nhân vật có số phận tương tự cậu bé Ma Rô. Qua điểm nhìn của người kể chuyện, ta có thể biết được xuất thân của chú chó này, cũng bơ vơ, vất vưởng không được ai nuôi dưỡng:” Về tới bãi rác, Ma Rô bỗng giật bắn mình vì một đàn chó chợt xô ra từ đống rác gần đó. Chúng cắn nhau inh ỏi. Ma Rô để ý thấy một con chó khoang bị ba, bốn con chó khác nhảy chồm tới xâu xé. Con khoang yếu thế, nó bị đè xuống đất, miệng kêu ăng ẳng. Có lẽ, nó bị cắn đau lắm! “Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với chú chó này khi gặp được Ma Rô, cả hai nhân vật chung số phận, hoàn cảnh cứ thế nương tựa vào nhau, bầu bạn, làm chõ dựa tinh thần cho nhau sống qua ngày.
Đám trẻ hoang đều là những đứa trẻ nghèo, không nhà không cửa. Có những đứa may mắn hơn thì còn có cha mẹ. Chúng lang lang nhặt lượm phế liệu để kiếm sống qua ngày. Liên tục tranh giành, xâu xé nhau vì những món đồ phế liệu, bắt nạt Ma Rô, cậy đông hiếp yếu. Đối với người khác những món đồ phế liệu kia chỉ là đồ bỏ đi, nhưng đối với chúng đó là gia tài, là cả nguồn sống. Chúng đánh nhau chỉ vì mấy mảnh vụn vỡ. Qua đó nhà văn cho thấy số phận đáng thương của những đứa trẻ kém may mắn. Thông qua nhân vật những đám trẻ nhà văn góp phần bộc lộ tính cách, phẩm chất của cậu bé Ma Rô. Đồng thời bày tỏ nỗi lòng thương xót với những số phận nhỏ bé ấy.
Nhân vật người đàn ông bị hỏng xe, và những người khách trên phố: Đây là một bộ phận thuộc kiểu người sống vô tâm, thờ ơ, vô cảm thiếu vắng một tình người trong xã hội. Bắt gặp Maro trong bộ dạng nhếch nhác đến xin tiền, người đàn ông vẫn thản nhiên như không hít gì hít một hơi thuốc khói bay mịt mù, rồi buông một câu: ” thằng nhóc này hôi quá! Đi chỗ khác mày “. Sự vô tâm của người đàn ông thật đáng trách, trách vì lời nói thiếu văn hóa, thiếu tình người của ông ta. Người đàn ông bị hỏng xe cũng thuộc kiểu người như vậy. Sẵn sàng lừa một đứa trẻ để chuộc lợi về mình. Lừa gạt Ma Rô đẩy xe cho mình rồi sẽ đưa tiền cho cậu bé. Đến khi xe khởi động được lại phóng bay mất hút. Hành động đáng lên án, sự thiếu văn minh của người đàn ông. Một người lớn lại lừa một đứa trẻ đáng thương vô tội, lợi dụng sức lực của một đứa trẻ để rước lợi về mình. Sự thờ ơ, vô cảm của con người thật đáng sợ. Từ đó lên án một bộ phận người sống thờ ơ vô cảm, thiếu tình thương trong xã hội.
Sự cộng hưởng giữa lời người kể và lời nhân vật có khả năng kết nối cộng hưởng, giao thoa với nhau để bộc lộ tính cách, số phận nhân vật. Có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện với lời độc thoại, đối thoại của nhân vật . Cách tổ chức kể chuyện phá vỡ trật tự của câu chuyện như vậy đã tạo nên một nét độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm. Không theo một quy luật thông thường, diễn biến của truyện khi ở hiện tại, khi ở quá khứ càng làm nổi bật lên nỗi bất hạnh, sự khốn khổ đan xen cả ở quá khứ lẫn hiện khiến người đọc không khỏi xót xa khi nghĩ về nhân vật. Người viết đặt hoàn cảnh của mình vào nhân vật. Bởi vậy, những câu đối thoại trong truyện hiện lên đều mang tình cảm, hoàn cảnh của mỗi nhân vật. Nhờ vậy mà câu truyện cũng trở nên chân thực hơn. Nhân vật Ma Rô – một người luôn nang trong mình niềm khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hình ảnh một cậu bé có số phận bất hạnh nhưng lại có nghị lực sống phi thường qua từng cử chỉ, hành động của cậu. Từ đó, không chỉ khơi gợi được sự đồng cảm nơi người đọc mà mạch truyện cũng trở nên đặc sắc, nhân vật cũng trở nên sống động hơn.
Qua câu chuyện, nhà văn đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với con người nghèo khổ bằng cả tấm lòng nhân hậu của mình. Ông xót thương cho phận của những trẻ em trước cái đói, cái nghèo cùng cực. Đồng thời, tác giả cũng ca ngời những vẻ đẹp trong tâm hồn của những con người ấy dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, mang đến thông điệp ý nghĩa cho tất cả chúng ta rằng dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng nỗ lực vượt qua và giữ được những đức tính tốt đẹp của mình.
Chính nghệ thuật rất riêng của người nghệ sĩ đã tạc vào tâm trí người đọc những ấn tượng sâu sắc về tác phẩm. Kể từ khi ra đời, truyện ngắn’’Ma Rô và con chó hoang’’ vẫn để lại bao cảm xúc xót xa trong trái tim độc giả về khung cảnh khốn khổ nghèo đói của những đứa trẻ vô gia. Cảm ơn tác giả đã sáng tác ra một tác phẩm hay, góp một truyện ngắn xuất sắc vào kho tàng văn học đương đại của dân tộc.
(Vi Bảo Khánh – 11A6