VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN
(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài: (Theo ma trận của Bộ Giáo Dục)
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)
(Dẫn nội dung truyện)
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm)
Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Đông Sơn, trông thì gần, nhưng từ làng tôi đến đẩy phải năm mười cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về.
Tháng Năm âm lịch là mùa gặt. Mẹ tôi, chị Ngữ, chú Phụng với tôi ra đồng từ mờ sáng. Ba người gặt, còn tôi gánh lúa.
Tôi gánh lúa về nhà, đi men theo đường mương. Nắng gắt lắm, ngoài trời có lẽ phải bốn mươi độ. Bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa.
Tôi mơ mộng lắm, hay nghĩ. Bố tôi là thiếu tá, cán bộ trung cấp kĩ thuật hải quân, vẫn đi ra các đảo lắp ra-đa với máy thông tin, mỗi năm về phép một lần. Bố tôi thuộc hết tên các đảo. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi xa khỏi làng. Mẹ tôi bảo: “ Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người”. Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”. Nhà chú Phụng toàn phụ nữ: mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gái. Chú Phụng đùa: “Chú đẹp giai nhất nhà.”
(…)Tôi đạp xe ra ga. Từ làng tôi đến ga tám chín cây số. Lâu lắm tôi mới đi xa thế này.
Con đường đất men theo rìa làng, qua đình làng, qua đầm sen rồi theo bờ mương ngược về huyện ly. Tôi nghĩ. Những ý nghĩ của tôi mông lung.
Tôi nghĩ
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ
Sự bất lực của hình thức biểu đạt
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi
Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được
Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này
Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi
Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi
Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi
Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê
Tôi rốt ráo bắn tỉa từng ý nghĩ
Tìm cách săn đuổi cho nó vào chuồng
Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng
Tru lên như con sói hoang
Tôi gắng gặt một lượm sống
Bó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từ
Tôi hú gọi trên cánh đồng người
Tôi nhặt những ánh mắt đời
Hòng dõi theo ánh mắt tôi
Dõi vào cõi ý thức
Cõi ý thức mênh mông xa vời
Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi.
Ga chiều huyện lỵ vắng vẻ. Mấy con gà rã cánh đi trên sân ga. Có khoảng chục người chờ ở cổng. Vẳng lại tiếng nhạc ở băng cát-xét nhà nào đang mở. Tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương chậm rãi:”Người đi qua đời tôi, có nhớ gì không người? Em đi qua đời tôi, có nhớ gì không em?”. Hàng phở, hàng giải khát. La liệt là những sạp hành quần áo, giầy dép, đường sữa, thuốc lá. Ô tô chạy xuôi chạy ngược.
Trời rất trong. Nắng bừng bừng. Cả phố huyện say nắng.
Tiếng còi tàu hú từ xa dè dặt, vui mừng. Có ai nói to:”Tàu về”. Cả phố huyện vẫn mơ màng. Lại có ai gắt lên:”Tàu về”. Tiếng còi tàu hâm dọa, chói óc. Mọi người bỗng nhiên rối rít, cuống cuồng. Những bà, những chị, những đứa trẻ bán hàng rong chạy ngược chạy xuôi. Tiếng rao hàng chen nhau:”Nước đây ! Ai bánh nào ! Ai nước nào ! Ai bánh nào ! Ai nước nào !”.
Tôi dắt xe đứng một chỗ nhìn. Người trên tàu ra đứng ngồi ngỗn ngang ở ngay bậc cửa. Ðây là ga lẻ. Ðồng quê tôi vô danh. Nơi tôi đứng đây vô danh.
(…)
(Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 423 – 424)
Nguyễn Huy Thiệp
Câu 1: Xác định ngôi kể của văn bản?
- Ngôi thứ nhất
- Ngôi thứ hai
- Ngôi thứ ba
- Ngôi thứ nhất đan xen ngôi thứ ba
Câu 2: Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn:
- Điểm nhìn của tác giả – điểm nhìn bên ngoài chiếm ưu thế
- Điểm nhìn của nhân vật tôi – điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
- Điểm nhìn của chú Phụng – điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
- Điểm nhìn của Quyên – điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
Câu 3: Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện?
- Chỉ có lời nhân vật
- Chỉ có lời người kể chuyện
- Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật
- Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả
Câu 4: Văn bản trên viết về đề tài gì?
- Thành thị
- Nông thôn
- Trí thức
- Nông dân
Câu 5: Đâu là ý nghĩa của hình ảnh đồng quê trong nhan đề Thương nhớ đồng quê?
- Biểu tượng của quê hương
- Gợi không gian hoang dã, nơi con người tự nhiên được sống như chính nó
- Là nơi chốn nương náu của con người
- Không gian sống tự nhiên, chốn bình yên nướng náu; không gian trú ngụ của bóng tối – cuộc sống đói nghèo, lam lũ, tội ác nhởn nhơ, của mê muội
Câu 6: Qua đoạn văn: Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Ðường làng đầy rơm rạ phơi ngổn ngang. Ði trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Ðông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi lên đấy phải năm mươi cây số, nhân vật Nhâm đã tự bộc bạch điều gì?
- Sự mộng mơ, hay nghĩ của mình
- Sự ám ảnh về tội ác, cái ác đang nhởn nhơ trong cuộc sống con người
- Nỗi vất vả, nghèo đói của làng quê
- Ước vọng về một chốn nương náu của tâm hồn
Câu 7: Phát biểu nào sau đây đúng với ý nghĩa của việc xen kẽ các đoạn thơ trong văn bản?
- Tăng chất thơ cho câu chuyện
- Tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện
- Tô đậm nội dung tư tưởng của tác phẩm
- Làm chậm lại mạch tự sự, đào sâu tâm trạng của nhân vật
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Hình ảnh đồng quê hiện lên qua những chi tiết nào?
Câu 9 (1.0 điểm): Cho biết sự khác nhau trong quan niệm về con người của mẹ tôi và chú Phụng trong đoạn văn: Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người”. Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”
Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?
Câu 2: Chỉ ra đặc điểm của lời kể chuyện trong truyện ngắn trên.
Câu 3: Hình ảnh đồng quê hiện lên qua những chi tiết nào?
Câu 4: Qua đoạn văn: Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Ðường làng đầy rơm rạ phơi ngổn ngang. Ði trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Ðông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi lên đấy phải năm mươi cây số, nhân vật Nhâm đã tự bộc bạch điều gì?
Câu 5: Cho biết sự khác nhau trong quan niệm về con người của mẹ tôi và chú Phụng trong đoạn văn: Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người”. Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”
Câu 6: Anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Đáp án phần trắc nghiệm
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 | Câu 6 | Câu 7 |
A | B | C | B | D | C | D |
Đáp án phần tự luận
Câu 8 (0.5điểm): Hình ảnh đồng quê hiện lên qua những chi tiết:
– Hình ảnh đồng quê: đồng, đường mương, lúa, bùn non
– Đó là những hình ảnh rất thân thuộc, mộc mạc, bình dị
Câu 9 (1.0 điểm): Sự khác nhau trong quan niệm về con người của mẹ tôi và chú Phụng trong đoạn văn:
– Nhân vật mẹ tôi trong đoạn trích có cái nhìn chất phác, cả tin của một người chưa bao giờ bước chân khỏi làng
– Chú Phụng vốn từng trải, đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều nên thấy đời phức tạp hơn
Câu 10 (1.0 điểm): HS có thể rút ra các bài học ý nghĩa cho bản thân
Sau đây là gợi ý:
– Trân trọng vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của làng quê
– Yêu và gắn bó tha thiết với người thân, làng quê
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Văn bản trên sử dụng: Ngôi kể thứ nhất
Câu 2: Chỉ ra đặc điểm của lời kể chuyện trong truyện ngắn trên.
Câu 3: Hình ảnh đồng quê hiện lên qua những chi tiết:
– Hình ảnh đồng quê: đồng, đường mương, lúa, bùn non
– Đó là những hình ảnh rất thân thuộc, mộc mạc, bình dị.
Câu 4: Qua đoạn văn …, nhân vật Nhâm tự bộc bạch về nỗi vất vả, nghèo đói của làng quê.
Câu 5: Sự khác nhau trong quan niệm về con người của mẹ tôi và chú Phụng trong đoạn văn:
– Nhân vật mẹ tôi trong đoạn trích có cái nhìn chất phác, cả tin của một người chưa bao giờ bước chân khỏi làng.
– Chú Phụng vốn từng trải, đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều nên thấy đời phức tạp hơn.
Câu 6: HS có thể rút ra các bài học ý nghĩa cho bản thân.
Sau đây là gợi ý:
– Trân trọng vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của làng quê
– Yêu và gắn bó tha thiết với người thân, làng quê.
- LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.
– Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) được ví như bông hoa nở muộn trên văn đàn Việt Nam sau năm 1975. Truyện của ông khắc sâu vào tâm trí người đọc bằng giọng văn lạ, cách đặt vấn đề trực tiếp, giàu chất thế sự.
– Sự tiết chế về không gian, những va chạm trong tính cách, và kết thúc buồn mang cho độc giả một cảm giác miên man, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa về cảnh – người – tâm tư của những con người nặng tình với làng quê tạo nên sức hấp dẫn cho truyện ngắn Thương nhớ đồng quê.
- Thân bài:
* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)
– Bối cảnh của truyện là những hình ảnh bình dị, mộc mạc về làng quê trong suy nghĩ, trong tự sự của chàng trai 17 tuổi – Nhâm.
– Về phương diện cấu trúc, đường dây dẫn chuyện thường bị tác giả chặn cắt và đổi hướng đột ngột.
* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)
– Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, câu chuyện hiện lên thông qua những dòng suy nghĩ nội tâm mang đầy nỗi nhớ, tình yêu đồng quê, quê hương, những nét mộc mạc, giản dị
* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật
– Với sự thay đổi điểm nhìn, nhân vật tôi đã thuật lại đời sống của từng nhân vật, cuộc sống trên đồng quê với những con người đa hình, đa vẻ; đã tô điểm thêm cho bức họa làng quê thêm đa sắc, đa màu như chuyện của sư Thiều, chuyện của ông giáo Quỳ, chuyện của chú Phụng
– Được kể theo ngôi thứ nhất nhưng tác giả luôn để chính sự việc – thông qua hệ thống chi tiết liên quan, trực tiếp nói lên tiếng nói của nó; chứ không can thiệp chủ quan, hoặc vo tròn, hoặc cực đoan khẳng định. Câu chuyện được kể lại với cách rất tự nhiên theo diễn biến của nó nhờ đó, câu chuyện được khơi dòng êm ả, thông suốt, tạo mạch dẫn cho người đọc theo cốt truyện đồng thời cũng thể hiện khoảng cách nhất định, thái độ khách quan với nhân vật, truyện được kể.
* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)
Các điểm nhìn ở “tôi” – người kể chuyện không cố định mà luôn có sự di động. Sự kết hợp nhiều hình thức tự sự đa dạng đã đem lại cho tác phẩm cái nhìn đa chiều hấp dẫn, đồng thời mở rộng tầm khái quát hiện thực của truyện ngắn. Tự sự ngôi thứ nhất giúp người kể chuyện thể hiện được tính cá thể cao trong lời kể và các kể chuyện của mình. Cái “tôi” của người kể chuyện có khả năng bộc lộ chiều sâu trong nhận thức và thể hiện sâu sắc quá trình tự vấn của bản thân. Sự tương tác, đối thoại giữa những ý thức chủ thể độc lập góp phần tạo nên tiếng nói đa thanh, đa giọng điệu trong tác phẩm.
- Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện
Bài viết tham khảo:
Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) được ví như bông hoa nở muộn trên văn đàn Việt Nam sau năm 1975. Truyện của ông khắc sâu vào tâm trí người đọc bằng giọng văn lạ, cách đặt vấn đề trực tiếp, giàu chất thế sự. Sự tiết chế về không gian, những va chạm trong tính cách, và kết thúc buồn mang cho độc giả một cảm giác miên man, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa về cảnh – người – tâm tư của những con người nặng tình với làng quê tạo nên sức hấp dẫn cho truyện ngắn Thương nhớ đồng quê.
“Thương nhớ đồng quê” được viết vào năm 1992 và chuyển thể thành phim vài năm sau đó. Đúng như tên tác phẩm, bối cảnh của truyện là những hình ảnh bình dị, mộc mạc về làng quê trong suy nghĩ, trong tự sự của chàng trai 17 tuổi – Nhâm. Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, câu chuyện hiện lên thông qua những dòng suy nghĩ nội tâm mang đầy nỗi nhớ, tình yêu đồng quê, quê hương, những nét mộc mạc, giản dị nhất trong lòng cậu bé 17 tuổi non nớt. Sự mơ mộng, gắn bó của người con “sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê” đã cảm nhận một cách chân thực từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống nơi đây” bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa”, “những con châu chấu nhỏ xíu nhảy lách tách”,…
Không dừng lại ở việc tả cảnh, bằng sự thay đổi điểm nhìn, nhân vật tôi đã thuật lại đời sống của từng nhân vật, cuộc sống trên đồng quê với những con người đa hình, đa vẻ; đã tô điểm thêm cho bức họa làng quê thêm đa sắc, đa màu như chuyện của sư Thiều, chuyện của ông giáo Quỳ, chuyện của chú Phụng… chuyện của những lao động nghèo, bình dị tuy tư tưởng và lập trường hoàn toàn khác nhau.
Mặc dù được kể theo ngôi thứ nhất nhưng tác giả luôn để chính sự việc – thông qua hệ thống chi tiết liên quan, trực tiếp nói lên tiếng nói của nó; chứ không can thiệp chủ quan, hoặc vo tròn, hoặc cực đoan khẳng định. Câu chuyện được kể lại với cách rất tự nhiên theo diễn biến của nó nhờ đó, câu chuyện được khơi dòng êm ả, thông suốt, tạo mạch dẫn cho người đọc theo cốt truyện đồng thời cũng thể hiện khoảng cách nhất định, thái độ khách quan với nhân vật, truyện được kể. Phần lớn chi tiết được sử dụng trong truyện không kết thành hệ thống mà vụn rời, như được góp nhặt từ đâu đó trong đời thường rất đỗi chân thực và tự nhiên: chú chim con đón mồi, đám trẻ tụ tập trước màn hình tivi đang diễn cảnh thi sắc đẹp, đêm đập lúa trên sân nhà, vụ tai nạn ô tô, … tất cả những chi tiết, sự việc ấy đều không gắn kết nhau, cũng không có mối quan hệ tạo sinh với nhau. Nhưng được kết nối bằng bàn tay của tác giả, chúng trở thành nhân chứng đắt giá phản ánh hiện thực, chứ không dừng lại ở vai trò đơn thuần là nhân tố miêu tả sự vật.
Trong Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), có sự tồn tại đồng thời của nhiều mạch truyện: Ngoài mạch truyện chính là Nhâm, có nhiều mạch truyện khác về sư Thiều, chú Phụng, ông giáo Quỳ. Ta thấy đường dây dẫn chuyện thường bị tác giả chặn cắt và đổi hướng đột ngột như trong đoạn Nhà chú Phụng toàn phụ nữ: mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gáị Chú Phụng đùa:”Chú đẹp giai nhất nhà” sau đó lại chuyển ngay qua Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỷ” hay khúc Cái Mị bảo tôi:”Có điện của chị Quyên ngoài Hà Nội, sau đó tác giả lại chuyển sang cảnh Dì Lưu là em mẹ tôi, bị liệt mấy năm nay. Thủ pháp này tạo ra cảm nhận tự nhiên từ đời sống thực và câu chuyện được bỏ ngỏ trong cơ chế mở, miên man tiến triển. Và chính đây là lý do khiến cấu trúc tác phẩm bị thả lỏng, dẫn đến kéo dài không cần thiết ở một số trường đoạn, vì có thể tùy ý kết nối triền miên các chi tiết- sự kiện khác nhau vào đường dây câu chuyện. Các điểm nhìn ở “tôi” – người kể chuyện không cố định mà luôn có sự di động. Sự kết hợp nhiều hình thức tự sự đa dạng đã đem lại cho tác phẩm cái nhìn đa chiều hấp dẫn, đồng thời mở rộng tầm khái quát hiện thực của truyện ngắn. Tự sự ngôi thứ nhất giúp người kể chuyện thể hiện được tính cá thể cao trong lời kể và các kể chuyện của mình. Cái “tôi” của người kể chuyện có khả năng bộc lộ chiều sâu trong nhận thức và thể hiện sâu sắc quá trình tự vấn của bản thân. Sự tương tác, đối thoại giữa những ý thức chủ thể độc lập góp phần tạo nên tiếng nói đa thanh, đa giọng điệu trong tác phẩm.
Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật. Chuyện tuy có kết thúc buồn, mang cho độc giả một cảm giác miên man, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa về cảnh – người – tâm tư của những con người nặng tình với làng quê. Truyện đã đem đến cho người đọc những bài học sâu sắc: Trân trọng vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của làng quê; Yêu và gắn bó tha thiết với người thân, làng quê…