Đề đọc hiểu Hiểu về trái tim+ NLXH về nơi dựa trong cuộc sống

  ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HOC KÌ I NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn, lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không tính thời gian phát đề

 

ĐỌC – HIỂU (5,0 điểm)

Đọc văn bản:

(1) Nương tựa là nguyên tắc bắt buộc của cuộc sống. Vì sự thật trong trời đất này không có cái gì có thể tồn tại riêng biệt cả. Nhờ lúc nào cũng có người luôn quan sát, nên ta sẽ cẩn trọng và cố gắng hoàn thiện mình hơn. Trong gia đình gọi đó là “con mắt gia đình”, ngoài cộng đồng gọi đó là “con mắt cộng đồng”. Con mắt ấy luôn kịp thời giúp ta phát hiện ra những vụng về yếu kém hay những khó khăn mà bản thân ta không nhìn thấy. Ngoài ra, những va chạm tuy đem tới cảm xúc hơi khó chịu ban đầu, nhưng đó là cơ hội để ta rèn luyện khả năng chịu đựng, khả năng ứng phó, hiểu thấu ngõ ngách tâm lý của mình và người khác. Huống chi, mỗi người đều có những cái hay cái đẹp, ai cũng có thể trở thành đối tượng để ta học hỏi. Nhất là được sống chung với những người từng trải, họ chính là quyển từ điển sống động mà ta vừa có thể học tập vừa thực hành theo dễ dàng. Điều quan trọng hơn nữa là nhờ sống trong tập thể mà ta luôn có cảm hứng phấn đấu, vì thói quen tùy hứng và tật lười biếng dễ khiến ta thay đổi lập trường và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá. Giá trị lớn nhất của đời sống nương tựa chính là cơ hội giúp ta thấy rõ nguyên tắc tương tác giữa các cá thể, để ta bớt đề cao cái tôi của mình và làm lớn dậy hạt giống vị tha.

(2) […] Loài thiên nga luôn cùng bầy đàn của mình bay theo hình chữ V trong những chuyến di cư về phương Nam tránh giá rét và tìm kiếm thức ăn. Với đội hình như thế, nhịp vỗ cánh của con bay trước sẽ giúp cho con bay sau tiết kiệm được 70% sức lực so với khi chỉ bay một mình. Trên thực tế chưa bao giờ có con thiên nga nào dám một mình bay từ phương Bắc về phương Nam, vì đoạn đường có khi dài tới hàng chục nghìn dặm. Điều rất đáng chú ý là khi con đầu đàn đã thấm mệt thì nó lập tức lùi lại để con bay kế thay vào vị trí của mình. Chúng không bao giờ độc tài lãnh đạo. Điều đặc biệt hơn nữa là khi có một con thiên nga bất ngờ bị kiệt sức hay trúng thương, nó sẽ được hai con mạnh khỏe khác ở lại yểm trợ và cả đàn sẽ giảm tốc độ đến mức tối thiểu để chờ chúng đuổi theo. Chúng không bao giờ bỏ qua việc nâng đỡ đồng loại của mình.

(3) […] Ta hãy sống đời sống của một con người có hiểu biết và thương yêu. Hãy chấp nhận nhau như những con thiên nga luôn chấp nhận đồng loại của mình. Đừng vì nhu cầu hưởng thụ quá lớn, đừng vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ mà lúc nào ta cũng dựng lên trong lòng ngục thất của sự nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi để ứng phó với nhau. Nếu ta còn có thể đi chung đường với nhau, còn nhìn nhau tận mặt, còn sẵn sàng lên tiếng nhờ nhau hay hết lòng nâng đỡ nhau, là ta vẫn còn giữ được phẩm chất của một sinh linh mầu nhiệm. Không có phẩm chất ấy thì ta không thể nào hạnh phúc. Vì hạnh phúc chỉ thật sự có được khi ta biết sẻ chia.

(Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB Trẻ, 2010, tr 185 -186)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu vấn đề bàn luận của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra 2 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: “Hãy chấp nhận nhau như những con thiên nga luôn chấp nhận đồng loại của mình. Đừng vì nhu cầu hưởng thụ quá lớn, đừng vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ mà lúc nào ta cũng dựng lên trong lòng ngục thất của sự nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi để ứng phó với nhau.”

Câu 3. Xác định câu nêu luận điểm ở đoạn văn số 3.

Câu 4. Việc tác giả dẫn câu chuyện về bầy chim thiên nga tránh rét ở đoạn văn số 3 có tác dụng gì?

Câu 5. Mục đích viết văn bản của tác giả là gì?

Câu 6. Hãy chia sẻ một thông điệp sâu sắc mà bạn nhận được từ văn bản.

Câu 7. Bạn có đồng tình với ý kiến: “Giá trị lớn nhất của đời sống nương tựa chính là cơ hội giúp ta thấy rõ nguyên tắc tương tác giữa các cá thể, để ta bớt đề cao cái tôi của mình và làm lớn dậy hạt giống vị tha của tác giả không? Vì sao?

Câu 8. Theo bạn, nương tựa có giống với dựa dẫm không?

VIẾT (5,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận bàn về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.

…………………….Hết…………………..

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2023 – 2024

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, lớp 11

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm …. trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5,0
  1 Bàn về vấn đề nương tựa trong cuộc sống 0,5
2 -So sánh (chấp nhận nhau như những con thiên nga luôn chấp nhận đồng loại của mình)

– Ẩn dụ (vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ, dựng lên trong lòng ngục thất của sự nghi ngờ)

– Điệp ngữ (Đừng vì)

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời 2 ý như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh chỉ gọi tên 2 biện pháp mà không chỉ rõ : 0,25 điểm.

0,5
3 Ta hãy sống đời sống của một con người có hiểu biết và thương yêu 0,5
4 –          Là bằng chứng minh hoạ sinh động cho  nguyên tắc nương tựa, nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

–           Giúp cho văn bản nghị luận thêm thuyết phục, qua sự hiểu biết của người viết, cung cấp một kiến thức thú vị về thế giới tự nhiên từ đó tác động sâu sắc đến lí trí, tình cảm của người đọc.

–          Từ câu chuyện về loài chim thiên nga tránh rét giúp tác giả bàn luận và mở ra luận điểm tiếp nối trong văn bản.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 2 ý  : 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

1,0
5 Thuyết phục người đọc rằng nương tựa là nguyên tắc bắt buộc của cuộc sống. Nương tựa giúp ta rèn luyện chính mình, bớt đề cao cái tôi, sống vị tha, hiểu biết và yêu thương. Đó là những phẩm chất để ta có được hạnh phúc.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời được như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ nêu được nội dung mà chưa chỉ được nhằm thuyết phục người đọc : 0,5 điểm.

– Học sinh chỉ nêu nội dung chung chung chưa làm rõ được nguyên tắc sống nương tựa có vai trò gì : 0,25 điểm.

Lưu ý:Học sinh trả lời các ý trong Đáp án bằng các từ ngữ/cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,0
6 Câu này có 2 yêu cầu:

1.      Nêu bài học/thông điệp/ý nghĩa của bản thân rút ra từ bài viết

Ví dụ HS có thể nêu 1 trong số các ý sau:

Trong cuộc sống cần có sự  nương tựa, giúp đỡ nhau; hay biết chấp nhận lẫn nhau; giảm bớt cái tôi, sống vị tha,….

2.      Lí giải/giải thích vì sao bản thân mình rút ra bài học/thông điệp/ý nghĩa.

Hướng dẫn chấm::

-Học sinh gặp lỗi sai lặp lại hoàn toàn nội dung thông điệp tác giả đã viết, giám khảo cho tối đa 0.25 điểm;

-HS nhắc lại ý tác giả nhưng có giải thích thêm, giám khảo cho tối đa 0.5 điểm.

0,5
7 –          Hs nêu quan điểm: Đồng tình/ Không đồng tình/ Vừa đồng tình, vừa không.

–          HS lí giải quan điểm

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh 1 ý: 0,25 điểm.

0,5
8 –          Nương tựa và dựa dẫm đều chỉ việc ta phải dựa vào người khác để sống, để tồn tại.

–          Tuy vậy nương tựa và dựa dẫm có nhiều điểm khác biệt. Dựa dẫm là ỷ lại, phụ thuộc vào người khác, mang nét nghĩa tiêu cực, hàm ý phê phán. Trong khi đó, nương tựa lại là điều cần thiết trong cuộc sống. Nương tựa chỉ mối quan hệ có sự tương tác qua lại, dựa trên cơ sở của sự thấu hiêu, chia sẻ và yêu thương.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh 1 ý: 0,25 điểm.

0,5
II   VIẾT 5,0
    Viết bài văn nghị luận bàn về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống. 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận bàn về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3,0
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

* Thân bài

a/ Luận điểm 1: Trình bày bản chất của vấn đề nghị luận và nêu quan điểm của người viết

-“Nơi dựa” Là nơi mà chúng ta có thể nương tựa, tin tưởng; là nơi mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên, ấm áp.

– Chỉ khi có nơi dựa, chúng ta mới có thể nhận ra được những giá trị trong cuộc sống xung quanh mình.

b/ Luận điểm 2: Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề

– Những “nơi dựa” trong cuộc đời mỗi người:
+ Chỗ dựa bên ngoài: Người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…
+ Chỗ dựa bên trong mỗi người: nghị lực, ý chí, niềm tin.

– Vì sao con người cần có nơi dựa?

+ Vì cuộc sống có muôn vàn những khó khăn, thử thách

+  Trong cuộc sống con người luôn tồn tại trong các mối quan hệ, có sự tương tác qua lại với nhau,…

 -Vai trò của nơi dựa trong cuộc sống con người:

+Là điểm tựa vững chắc về tinh thần.
+Là nguồn sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua tất cả những thử thách của cuộc sống.
+Nơi vỗ về, an ủi, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để vươn lên.

….

(Người viết có thể lựa chọn các khía canh khác của vấn đề để bàn luận)

c/ Luận điểm 3: Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

-Có người cho rằng, cuộc sống không cần chỗ dựa. Bởi như vậy sẽ dẫn ta đến thói quen ỷ lại, dựa dẫm, phụ thuộc. Khi không có chỗ dựa, bản thân mỗi người sẽ phát huy được tính độc lập và tự chủ.

– Nhưng dù ta đã dựng nên cơ nghiệp, thì ta vẫn nhớ rằng mình chưa bao giờ ngừng sự tiếp nhận tình thương và niềm tin từ những người thân. “Nương tựa nhau để luôn có ý thức tôn trọng và cần nhau là cấu trúc đẹp đẽ nhất của vũ trụ” (Minh Niệm).

d/ Luận điểm 4: Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng

Trân trọng những mối quan hệ tốt đẹp mà chúng ta có và làm chủ cuộc sống của bản thân chính là chìa khóa giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa.

* Kết bài: Ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề

 
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng các yếu tố bổ trợ (thuyết minh, biểu cảm, tự sự, miêu tả) để bài viết sinh động hấp dẫn; sử dụng các bằng chứng linh hoạt, tiêu biểu.

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Tổng điểm 10,0

……………………..Hết……………………….

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *