Đề đọc hiểu Tư cách mõ của Nam Cao+NLXH bàn về tác hại của định kiến xã hội

BỘ CÁNH DIỀU

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT

 

 

(Đề có 03 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I – KHỐI 11

NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần I. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

TƯ CÁCH MÕ

Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, hộn tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn sán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả hai đùm vào cái tay nải rất to, lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu, và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả…

Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và chỉ mới cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ. Anh cu Lộ hiền như đất.

Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện… Hắn nhận thấy sự thay đổi ấy, và bắt đầu hối hận. Nhưng sự đã trót rồi, biết làm sao được nữa? Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng: “Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ! …” Một ý phấn khích đã bắt đầu nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy… Một hôm, trong một đám khao, Lộ vừa chực ngồi cỗ thì ba người ngồi trước đứng cả lên. Lộ ngồi trơ lại một mình. Mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn do dự một lúc rồi cũng phải đứng lên nốt, mặt bẽn lẽn cúi gầm xuống đất. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và an ủi Lộ:

– Chú ăn sau cũng được.

Lộ ầm ừ cho xong chuyện, rồi nhân một lúc không ai để ý, lẻn ra về. Hắn tấm tức rất lâu. Trông thấy vợ, hắn cúi mặt, không dám nhìn thị, làm như thị đã rõ cái việc nhục nhã vừa rồi. Hắn thở ngắn thở dài, lắm lúc hắn muốn bỏ phắt việc, trả lại vườn cho họ đỡ tức. Nhưng nghĩ thì cũng tiếc. Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng: “Mặc chúng nó! …” Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là ổn chuyện… Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng sãi? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn… Ấy, người ta cứ suy hơn, tình thiệt như vậy, mà nhất định giữ thằng sãi lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo cho hắn ngồi…

Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:

– Lộ à, mày?

Cũng có người đế thêm:

– Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!

A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì! …” Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn! …

– Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”.

(Trích Tư cách mõ – Nam Cao)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định nhân vật chính của truyện ngắn trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định điểm nhìn trần thuật trong những câu văn sau:

“(1) Họ bảo hắn là mõ vậy… (2)Tham như mõ vậy!… (3)Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!…(…). (4)Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

Câu 3 (0.5 điểm): Xác định ngôi kể của truyện.

Câu 4 (0.5 điểm): Anh/ chị hãy chỉ ra quá trình tha hóa của anh cu Lộ?

Câu 5 (1.0 điểm): Nét độc đáo trong cách mở đầu truyện của nhà văn Nam Cao là gì?

Câu 6 (1.0 điểm): Theo anh/ chị, nhân vật anh cu Lộ đáng thương hay đáng trách?

Câu 7 (1.0 điểm): Anh/Chị có đồng tình với thái độ ứng xử của anh cu Lộ khi bị coi thường, xúc phạm không? Lí giải?

Câu 8 (1.0 điểm): Đánh giá về điều mới mẻ của văn bản về hình tượng người nông dân so với tác phẩm Lão Hạc mà Anh/chị đã học?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Từ đoạn trích trong “Tư cách mõ” (Nam Cao) ở phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về tác hại của định kiến xã hội.

 

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT

 

 

(Đáp án có 03 trang)

ĐÁP ÁN THI CUỐI HỌC KÌ I – KHỐI 11

NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài:90 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỀ:

Câu 1: Nhân vật chính: anh cu Lộ/ hắn – anh cu Lộ

Câu 2:

– Câu (1), (2): điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn người kể chuyện.

– Câu (3), (4): điểm nhìn bên trong, điểm nhìn nhân vật.

Câu 3: Truyện được kể theo ngôi thứ ba.

 

Câu 4:

Quá trình tha hóa của anh cu Lộ:

– Trước khi trở thành mõ: anh nông dân hiền lành, tử tế, chăm chỉ, chất phác, …

– Sau khi trở thành mõ: Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn, vô liêm sỉ …

Câu5:

Nét độc đáo trong cách mở đầu truyện của Nam Cao là:

– Giới thiệu về tính cách của nhân vật ngay từ phần mở đầu tạo hứng thú và sự tò mò ở người đọc …

– Kết hợp lời người kể chuyện và lời bình luận của tác giả …

Câu 6:

– Chấp nhận các cách trả lời của học sinh: Đáng thương hoặc đáng trách.

Tham khảo cách lí giải:

+ Đáng thương vì: bản chất của anh ta là người hiền lành, tử tế, chăm chỉ, được mọi người yêu mến, dẫn đến tha hóa.

+ Đáng trách vì: anh ta đã dần dần đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của mình và bị tha hóa.

+ Một Lộ thiện lương; cuối cùng cũng vì những ghen tị xỉa xói của người đời mà bóp méo nhân cách, trở thành một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: Cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn.

Câu 7: Anh/Chị có đồng tình với thái độ ứng xử của anh cu Lộ khi bị coi thường, xúc phạm không? Lí giải?

– Học sinh bày tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình.

– Nếu đồng tình HS có thể lí giải:

+ Anh cần phải sống, phải tồn tại để nuôi sống chính mình và gia đình.

+ Anh có quyền phản kháng để trả thù những người đã sỉ nhục anh.

– Nếu không đồng tình, HS có thể lí giải:

+ Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về mình, không thể chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh.

+ Anh Lộ có thể có những lựa chọn khác hợp lí hơn và bảo vệ được nhân phẩm của mình.

Câu 8:

Đánh giá về điều mới mẻ của văn bản về hình tượng người nông dân so với tác phẩm Lão Hạc mà em đã học?

– Lão Hạc: là người nông dân nghèo, khốn khổ với những phẩm chất tốt đẹp: yêu thương con, giàu lòng tự trọng, vì cái nghèo mà phải lựa chọn cái chết của một con chó đẻ được sống như một con người.

– Tư cách mõ: hình ảnh người nông dân nghèo khổ, bất hạnh, vì cái nghèo mà phải lựa chọn công việc mà mình mong muốn. Đã vậy, bên cạnh sự hà khắc của xã hội thực dân nửa phong kiến thì sự vô cảm của 1 bộ phận người trong cộng đồng, xa lánh và miệt thị của cả làng đã đẩy con người vào sự tha hóa của nhân cách.

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Từ đoạn trích trong “Tư cách mõ” (Nam Cao) ở phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về tác hại của định kiến xã hội.

Mở bài

– Dẫn dắt đến vấn đề.

– Nêu vấn đề định kiến được nhà văn Nam Cao phản ánh vào văn bản.

– Vấn đề định kiến vẫn còn có giá trị trong cuộc sống xã hội.

Thân bài

* Phần 1 Khái quát tác giả, tác phẩm. (Nếu có)

* Phần 2 Tác hại của định kiến thể hiện trong đoạn trích “Tư cách mõ” (Nam Cao):

Lí luận 1: Nói về thiên chức của người nghệ sĩ Thạch Lam đã từng cho rằng: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Lí luận 2: Khúc ca của văn chương mang một sức mạnh thật diệu kỳ, nó đi sâu vào tiềm thức, vào trái tim người đọc, để lại biết bao rung cảm, suy ngẫm về cuộc đời. Giữa vườn hoa văn chương Việt Nam, có một khúc ca thật đẹp, sự kết tinh của ngôn từ dưới ngòi bút tài hoa của … đã tạo nên tác phẩm … Đặc biệt, khi đọc tác phẩm, người đọc không thể không ấn tượng với đoạn văn “….” thể hiện … 

– Biểu hiện (định kiến)

+ Nhân vật anh cu Lộ vốn là một người hiền lành, chất phác, làm nghề mõ làng.

+ Khi anh cu Lộ làm mõ làng, có sự thay đổi trong nhận thức của làng xóm: từ yêu mến chuyển sang ganh ghét, đố kỵ và dè bỉu. Từ chỗ nhờ vả anh ra làm mõ à coi thường anh chỉ là mõ làng – hạng thấp kém nhất trong làng, nên họ xa lánh mõ, khi Lộ đến đâu thì họ bỏ chạy. Lúc đầu cu Lộ cũng cảm thấy xấu hổ rồi một bữa hai bữa ba bữa và cô Lộ trở nên trơ chẽn trai lì hơn.

– Tác hại

+ Sự thay đổi trong tính cách của anh Lộ: từ hiền lành trở nên tha hóa, “mõ chính chuyên”, cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn giống như định kiến của dân làng về nghề mõ: “tham như mõ”.

+ Chính định kiến hẹp hòi của dân làng, coi thường những người làm mõ, coi mõ là kẻ tham lam đã khiến Lộ làm như những gì họ đã đặt điều về anh: “Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!”. Rồi Lộ đã dần đẩy vào đường cùng, tha hóa, tách rời hẳn với xã hội, với những chuẩn mực đạo đức mà từ trước tới giờ anh vẫn luôn theo đuổi, đi ngược lại với nhân cách của bản thân mình ban đầu, trở thành một tay mõ chính chuyên.

+ Định kiến càng nhiều thì khiến cu lộ ngày càng tham lam hơn, Bản thân mõ càng ngày càng thoả trí và không muốn biến thành người tốt.

* Phần 3 Tác hại của định kiến trong cuộc sống:

– Khái niệm: Định kiến là: những ý kiến, suy nghĩ, góc nhìn, quan điểm không tốt, phiến diện của con người về một sự việc, sự vật hoặc một người nào khác mà họ cho là quan điểm của họ đã thuận theo lẽ tự nhiên còn người khác là sai.

– Biểu hiện của định kiến:

+ Định kiến tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau như: phân biệt màu da, giới tính, tầng lớp xã hội, quan điểm ​​chính trị, phân biệt chủng tộc, con người.…

+ Định kiến tồn tại ở nhiều lứa tuổi,

 

Dẫn chứng: Ví dụ về định kiến xã hội như:

– Học đại học là tốt nhất.

– Phụ nữ phải kết hôn trước 30 tuổi. Nếu không kết hôn sẽ bị coi là gái ế.

– Tác hại của định kiến trong cuộc sống:

+ Định kiến xã hội có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân: Cá nhân phải chịu ảnh hưởng xấu bởi định kiến xã hội, không có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Con người trở nên vô cảm, gây ra tổn thương sâu sắc cho những người phải nhận, đẩy người khác vào sự tha hóa, cô đơn.

+ Còn với cộng đồng sẽ hình thành lối sống kém văn minh, suy nghĩ lạc hậu, khiến cho xã hội bị trì trệ, khó phát triển.

– Biện pháp khắc phục:

+ Giảm kỳ thị bản thân.

+ Đối mặt với định kiến của người khác.

+ Tăng cường tiếp xúc với cái tốt, tích cực, các thành viên trong các nhóm xã hội.

* Phần 4 Bài học nhận thức và hành động.

+ Nhận thức sâu sắc.

+ Hành động đúng đắn.

Kết bài

– Đánh giá vấn đề

– Mở rộng vấn đề

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *