SỞ GD-ĐT NAM ĐỊNH TRƯỜNG THPT ĐOÀN KẾT
ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG CUỐI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn, lớp 11 Thời gian làm bài: 90 phút, không tính thời gian phát đề |
( Đề thi gồm 02 trang )
Họ và tên học sinh:…………………………………… :Số báo danh ……………………
ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
(Lược dẫn: Vợ của nhân vật xưng “tôi” mua một con chó, nhưng nó rất xấu xí nên chẳng ai dám đến gần. Mấy người quen của nhân vật “tôi” định bụng sẽ giết thịt nó để làm một chầu nhậu, nhưng rồi giặc đến, mọi người đều phải bỏ làng chạy giặc. Vì vướng víu nên gia đình, nhân vật “tôi” đành phải bỏ con chó lại nhà cụ bếp Móm và nhờ cụ nuôi hộ. Trước khi ra đi, vợ của nhân vật “tôi” đã xích con chó vào gốc cây để nó khỏi chạy theo).
“Ắng!… Ắng! Ắng!…” Tiếng con chó lồng lộn, cuống quít đằng sau bước chân tôi. Nó như gọi tôi, nó như kêu cứu, như than khóc, oán trách…
Ra khỏi ngõ tôi thoảng nghe tiếng chị vợ cả nói với chồng:
– Vợ chồng nhà ấy họ đi đấy à? Này, họ bỏ lại con chó cậu ạ.
Và tiếng anh chồng dấm dẳn:
– Đến người cũng chả chắc giữ được nữa là con chó!…
Tôi xóc lại cái quai ba lô, bước theo hút cái bóng nhà tôi đang đi xăm xắm xuống đồi.
[…]
Tiếng con chó từ trong nhà cụ bếp Móm đưa ra vẫn nghe rõ mồn một “Ắng!… Ắng! Ắng!…”. Tiếng con chó da diết, nhọn hoắt xói vào ruột gan tôi. “Thôi để chuyến này về tao nuôi. Tao sẽ nuôi mày, tao không bỏ mày đâu…”.
Tôi nhủ thầm với tôi một lần nữa như vậy.
(Lược một đoạn: sau khi giặc rút, gia đình nhân vật “tôi” về lại làng, nhưng nhân vật “tôi” đã quên bẵng con chó).
Một hôm tôi chợt thấy cặp kính trắng lấp loáng của Đặng “cồn” từ đầu ngõ đi vào, bấy giờ tôi mới giật mình, sực nhớ đến con chó. Tôi quay lại hỏi nhà tôi:
– À, mình này! Con chó nhà ta đâu nhỉ? Mình chưa vào trong cụ bếp dắt nó về à?
Nhà tôi đứng ngẩn ra một lúc. Có lẽ nhà tôi cũng không ngờ rằng tôi đã về bằng ấy ngày giời rồi vẫn không nói chuyện con chó ấy với tôi.
– Nó chết rồi!… – Nhà tôi nói khe khẽ.
– Chết rồi? Làm sao mà chết được?…
Tôi trố mắt lên hỏi lại. Nhà tôi cúi mặt xuống, thở dài:
– Nó chết thương lắm cơ mình ạ. Không phải nó chết trong cụ bếp Móm đâu. Nó về nhà ta nó chết đấy.
Nhà tôi ngừng lại, cắn môi chớp chớp hai mắt nhìn ra ngoài sân. Lát sau, nhà tôi đứng dậy mời Đặng vào trong nhà, rót nước mời anh rồi mới tiếp tục câu chuyện.
Chao ôi! Con chó xấu xí ấy của tôi! Con chó từ lúc mua, đến lúc chết không được một lần vuốt ve! Nó đã chết một cách thảm thương và trung hậu quá. Từ hôm vợ chồng tôi gửi lại nó cho ông cụ bếp Móm, con chó không chịu ăn uống gì. Nó chỉ kêu. Nó kêu suốt ngày, suốt đêm. Một đêm, ông cụ bếp không thấy con chó kêu nữa, thì ra nó đã xổng xích đi đâu mất rồi.
Hôm nghe tin giặc rút, ở trong khe đồn Khau Vắt dọn về, nhà tôi tạt vào nhà cụ bếp Móm định đem con chó về nhân thể, nhưng vào đến nơi thì nó không còn đấy nữa. Lúc ấy nhà tôi cũng yên trí là con chó mất rồi. Chắc chắn nó sẽ lạc vào một trại ấp nào đấy và người ta làm thịt nó.
Nhưng khi nhà tôi về đến nhà, bà con xóm giềng vừa chạy sang láo nháo thăm hỏi thì, ở ngoài vườn sau, có mấy tiếng chó hú lên thảm thương và ghê rợn.
Từ sau bụi dứa rậm rạp, con chó khốn khổ ấy lảo đảo đi ra. Người nó run lên bần bật. Nó gầy quá, chỉ còn một dúm xương da xộc xệch, rụng hết lông. Nó đói quá, đi không vững nữa. Nó đi ngã dụi bên này, dụi bên kia. Rồi nó không còn đủ sức mà đi nữa. Nó nằm bệt trên đất, rúm người lại, lết lết về phía nhà tôi. Lúc ấy cả người nó chỉ còn có cái đuôi là còn ngó ngoáy được để mừng chủ và cái lưỡi liếm liếm vào tay chủ. Khốn nạn con chó! Được gặp chủ nó mừng quá. Từ trong hai con mắt đờ đẫn của nó mấy giọt nước chảy ra. Lát sau thì nó không liếm được nữa, cái đuôi ngoáy yếu dần, yếu dần rồi im hẳn. Nó chết.
Tôi tối sầm mặt lại, vừa thương xót con chó, vừa thấy xấu hổ. Quả thật tôi chỉ là một thằng tồi. Một thằng ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ đến mình và vợ con mình. Đến như con chó mình nuôi, mình đối xử với nó có được như cái tình nghĩa của nó đối xử với mình đâu?
[…]
(Trích Con chó xấu xí, Kim Lân, in trong Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học)
Câu 1. Người kể chuyện trong văn bản trên thuộc ngôi kể nào?
Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?
Câu 3. Chi tiết nào trong đoạn trích miêu tả hình dáng của con chó xấu xí trước khi chết?
Câu 4. Chỉ ra những chi tiết kể về sự trung thành của con chó đối với chủ được thể hiện trong đoạn trích?
Câu 5: Theo em, chi tiết “Tiếng con chó da diết, nhọn hoắt xói vào ruột gan tôi. “Thôi để chuyến này về tao nuôi. Tao sẽ nuôi mày, tao không bỏ mày đâu…”, thể hiện điều gì? Có nên bỏ chi tiết này không? Vì sao?
Câu 6. Anh/ chị có đồng tình với cách hành xử của nhân vật tôi đối với con chó xấu xí trong văn bản không? Vì sao?
Câu 7. Văn bản trên có ý nghĩa gì đối với bản thân anh/ chị?
Câu 8 : Từ đoạn trích trên, anh/chị suy nghĩ gì về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống.
- PHẦN VIẾT (4.0 điểm)
Anh / chị hãy chọn 01 trong 02 câu sau :
Câu 1: Anh/ Chị hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn đã cho ở phần Đọc hiểu.
Câu 2: Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận về việc bản thân cần làm gì để tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội.
——————HẾT——————
HƯỚNG DẪN CHẤM CUỐI HỌC KỲ I MÔN NGỮ VĂN 11
NĂM HỌC 2023 – 2024
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 5.0 | |
|
1 | Người kể chuyện trong văn bản trên thuộc ngôi kể thứ nhất.
Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm. |
0.5 |
2 | Điểm nhìn của nhân vật xưng “tôi”.
Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm. |
0.5 | |
3 | Chi tiết trong đoạn trích miêu tả hình dáng của con chó xấu xí: Nó gầy quá, chỉ còn một dúm xương da xộc xệch, rụng hết lông.
Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm. |
0.5 | |
4 | – Khi nhà chủ chuyển đi, con chó kêu “da diết”, “xói vào gan ruột tôi”, khiến “tôi” phải động lòng có suy nghĩ khi về sẽ nuôi nó.
– Vì nhớ chủ, con chó không chịu ăn uống gì. Nó chỉ kêu. Nó kêu suốt ngày, suốt đêm. – Con chó bỏ nhà cụ bếp Móm, trở về nhà chờ chủ. Khi chủ về, từ sau bụi dứa rậm rạp, con chó khốn khổ ấy lảo đảo đi ra.. đi không vững, chỉ còn cái đuôi ngó ngoáy mừng chủ, mừng chủ về rồi lăn ra chết. Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng 2 ý như đáp án: 1,0 điểm – Học sinh trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm.
|
1.0 | |
5 | + Thể hiện lòng trung thành của con chó; + Sự cảm động, áy náy của nhân vật “tôi” cùng quyết tâm “sẽ nuôi” con chó khi trở về. – Không nên bỏ chi tiết này, vì: + Chi tiết này góp phần thể hiện lòng trung thành của con chó từ đầu đến cuối truyện. + Chi tiết này giống như một lời hứa, lời thề của trong thâm tâm của nhân vật “tôi”, bỏ đi sẽ không thấy rõ được sự vô tâm của nhân vật “tôi” khi hứa mà không làm. + Bỏ chi tiết này đi câu chuyện sẽ bớt hấp dẫn. Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng 2 ý như đáp án: 1,0 điểm – Học sinh trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm.
|
1.0 | |
6 | – HS nêu nhận xét của mình với cách hành xử của nhân vật tôi đối với con chó xấu xí trong văn bản.
– Lý giải hợp lý. Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời phù hợp, thuyết phục: 1,0 điểm – Học sinh trả lời chưa thuyết phục: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: không cho điểm. Lưu ý: Học sinh trả lời phù hợp với pháp luật, chuẩn mực đạo đức. |
1.0 | |
7 | HS rút ra bài học ý nghĩa cho bản thân phù hợp với câu chuyện. Có thể theo hướng gợi ý sau:
– Biết yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh bất hạnh. – Không đánh giá con người/ sự việc qua cách nhìn bề ngoài. – Tự nhận thức bản thân… Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời ý nghĩa phù hợp, thuyết phục:0,5 điểm – Học sinh trả lời chưa thuyết phục: 0,25 điểm – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: không cho điểm. |
0.5 | |
8 | Suy nghĩ về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống:
– Vô cảm khiến tâm hồn con người trở nên chai sạn, không biết yêu thương người khác – Vô cảm khiến con người không tạo lập và duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp – Vô cảm khiến con người không nhận được sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. v.v… Hướng dẫn chấm – Học sinh trả lời đúng 2 ý như đáp án: 1,0 điểm – Học sinh trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm. |
1.0 | |
II |
|
VIẾT
Câu 1: Anh/ Chị hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn đã cho ở phần Đọc hiểu. |
4.0 |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn đã cho ở phần Đọc hiểu. |
0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. |
|||
1. Giới thiệu truyện kể: “Con chó xấu xí” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Kim Lân.Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá:
2. Tóm tắt truyện: Gia đình nhân vật “tôi” mua một con chó xấu xí, đối xử với nó một cách hờ hững và khi chạy giặc đã bỏ lại nó. Nhưng con chó vẫn trung thành với chủ, tìm về nhà gặp chủ rồi mới chết. Hành động đó đã khiến nhân vật “tôi” vừa thương xót con chó vừa hối hận vì cách hành xử của mình. 3. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề: a. Xác định chủ đề: Thông qua câu chuyện về một con chó xấu xí, tác giả ngầm phê phán thói vô cảm của người đời đối với những số phận bất hạnh; đồng thời nhắc nhở con người cần sống tình nghĩa, trước sau như một. b. Phân tích, đánh giá chủ đề: – Hình ảnh con chó xấu xí là biểu tượng cho những con người có số phận bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống. Suốt cả cuộc đời, họ phải sống trong sự ghẻ lạnh, hờ hững của người đời, như con chó xấu xí, từ khi mua về cho đến khi chết, “không được một lần vuốt ve”. – Tuy vậy, ở những con người đó lại ẩn chứa một tâm hồn cao đẹp, trung hậu: đó là biết sống tình nghĩa, dù cả đối với những người đã đối xử tệ bạc với mình. Con chó xấu xí đã như kêu cứu, như than khóc, oán trách khi gia đình nhân vật tôi bỏ nó ở lại; nó đã bỏ ăn khi xa chủ; rồi phá xích để trở về nhà chủ; đặc biệt cảm động là cái sự kiện khi gặp lại chủ, dù chỉ còn chút hơi tàn, nó vẫn bày tỏ sự mừng vui, để rồi sau đó chết vì kiệt sức. – Truyện cũng gián tiếp thể hiện tiếng nói phê phán cái lối sống ích kỉ, vô tình vô nghĩa của con người. Nhân vật “tôi” đã bỏ nó ở lại vì vướng víu; khi trở về thì quên bẵng không nhớ gì đến nó, dù trước đó đã thầm hứa với mình là sẽ nuôi nó khi được trở lại nhà. – Truyện cũng cho thấy, khi con người sống vô tình vô nghĩa, người ta sẽ chuốc lấy những sự cắn rứt, dằn vặt của lương tâm. 4. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật: a. Nghệ thuật xây dựng nhân vật: a.1. Nhân vật “tôi”: – Nhân vật “tôi” được miêu tả trước hết là một con người vô tình. Sự vô tình của nhân vật này thể hiện ở thái độ đối xử với con chó xấu xí: khi người vợ mua về, nhân vật tôi xa lánh, hờ hững; khi những người quen ngỏ ý giết thịt con chó, nhân vật tôi đã đồng ý; khi bỏ đi, dù đã tự hứa với lòng mình là lúc trở về sẽ chăm sóc con chó, nhưng rồi lại quên mất lời hứa của mình. – Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, nhân vật tôi vẫn còn là một con người có lương tâm. Anh đã day dứt khi phải bỏ con chó ở lại; và đặc biệt nhất, anh đã vô cùng hối hận và xấu hổ khi nghe người vợ kể về cái chết của con chó. Anh đã tự biết nhìn nhận lại cách sống của chính mình: Quả thật tôi chỉ là một thằng tồi. Một thằng ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ đến mình và vợ con mình. Đến như con chó mình nuôi, mình đối xử với nó có được như cái tình nghĩa của nó đối xử với mình đâu? a.2. Nhân vật người vợ: người vợ của nhân vật tôi là một người phụ nữ chất phác và có tấm lòng nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu ấy được thể hiện rõ nhất qua lời nói, qua thái độ xúc động của chị khi kể về cái chết của con chó: Nó chết thương lắm cơ mình ạ; chị cắn môi chớp chớp hai mắt nhìn ra sân, đó là sự kìm nén nỗi thương cảm của mình đối với con chó. a.3. Nhân vật “con chó xấu xí”: đây là một “nhân vật” đặc biệt, mang tính biểu tượng. – Con chó xấu xí là biểu tượng cho những con người có số phận kém may mắn, luôn bị người đời hờ hững, xa lánh, hắt hủi, đối xử tàn nhẫn. – Con chó xấu xí cũng là biểu tượng cho lối sống tình nghĩa cao đẹp ở đời: dù bị hắt hủi, nhưng nó vẫn luôn trung thành, tình nghĩa trước sau như một. b. Nghệ thuật tự sự: – Xây dựng cốt truyện: cốt truyện được xây dựng dựa trên sự kiện chính là cuộc đời và cái chết của con chó xấu xí, một cốt truyện tương đối đơn giản nhưng lại có chiều sâu, đa nghĩa và có sức ám ảnh lớn, gây xúc động mạnh cho người đọc. – Nghệ thuật xây dựng tình huống: Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn này chính là nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo. Thông qua tình huống đó, tư tưởng của truyện được thể hiện một cách sâu sắc. Tình huống chủ đạo của truyện chính là việc con chó xấu xí, dù bị bỏ lại nhưng vẫn lết về nhà chủ, cố gắng vẫy đuôi tỏ sự vui mừng khi gặp lại chủ rồi mới chết. Tình huống đó đã làm toát lên tất cả tư tưởng chủ đạo của câu chuyện: sự vô tình của con người, sự trung thành tình nghĩa của con chó, từ đó con người soi lại chính mình, để nhận ra sự ích kỉ, sự vô tinh của chính mình. c. Lời kể: – Lời kể từ điểm nhìn ngôi thứ nhất, tức là người trực tiếp tham gia vào câu chuyện, khiến câu chuyện có độ chân thực, tin cậy, đồng thời giúp cho nhân vật bộc lộ được cảm xúc, tâm trạng của mình một cách trực tiếp, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. – Lời kể còn có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, sự kết hợp giữa các phương thức tự sự, biểu cảm và nghị luận, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, qua đó gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc. 5. Đánh giá – Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của truyện: Câu chuyện đã cho ở phần Đọc hiểu là câu chuyện không chỉ đặc sắc về mặt nghệ thuật mà còn sâu sắc về mặt chủ đề, chứa đựng nhiều bài học cuộc sống vô cùng giá trị. – Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc: Câu chuyện đã giúp ta hiểu được rằng: trong cuộc sống, cần phải có lòng trắc ẩn, tình yêu thương, nhất là đối với những số phận bất hạnh; và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống trọn tình, trọn nghĩa. |
2.5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. | 0,5 | ||
Câu 2 Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận về việc bản thân cần làm gì để tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội. | |||
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0.5 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề:
Viết một bài luận nghị luận về bản thân cần làm gì để bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội . Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. – Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm |
0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm. Có thể theo hướng sau: |
3.0 | ||
1.Tệ nạn xã hội là những thói hư tật xấu ảnh hưởng đến tiền bạc, sức khỏe thậm chí là cả mạng sống của người đó và còn có nhiều nguy cơ gây hại cho những người xung quanh. Tệ nạn xã hội bao gồm: cờ bạc, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan,… diễn ra phức tạp ở hầu hết các địa phương và rộng rãi trên cả nước..
2.Nêu khái quát hoàn cảnh đời sống làm nảy sinh vấn đề tệ nạn xã hội . + Tệ nạn xã hội có căn nguyên, gốc rễ từ vấn đề đạo đức. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế thị trường đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ, tốc độ cuộc sống trở nên hối hả đến chóng mặt, thì hệ lụy của nó là nhiều trị đạo đức bị xuống cấp. + Nền tảng giáo dục gia đình không còn được đảm bảo, những đứa trẻ lớn lên và bước ra xã hội với tấm khiên nhân cách chưa đủ vững vàng. Nền tảng đạo đức xã hội cũng không còn ổn định. Vì đồng tiền, người ta có thể bất chấp tất cả.. + Suy thoái đạo đức chính là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn xã hội phát triển, và con người, nếu không muốn tự hủy hoại mình, phải học cách tự bảo vệ lấy mình. 3: Phân tích lần lượt từng khía cạnh của vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp. – Nêu ra sức cám dỗ của tệ nạn xã hội: – Giải pháp tự bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội: + Thứ nhất, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có kiến thức về các tệ nạn xã hội. Hiểu rõ về những hậu quả và tác động tiêu cực của chúng đối với cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Chỉ khi hiểu rõ về những nguy hiểm mà các tệ nạn này mang lại, chúng ta mới có thể nhận ra tầm quan trọng của việc tự bảo vệ mình và tránh xa chúng. + Thứ hai, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có ý thức và quyết tâm. Ý thức là nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tránh xa các tệ nạn xã hội và đặt lợi ích cá nhân và gia đình lên hàng đầu. Quyết tâm là sẵn lòng và kiên nhẫn để thực hiện những hành động cụ thể như từ chối tham gia vào các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội, tìm kiếm thông tin và tư vấn từ các nguồn đáng tin cậy để có thêm kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình. + Thứ ba, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Gia đình và bạn bè có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho chúng ta. Họ có thể cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ để giúp chúng ta tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội. + Thứ tư, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có lòng tự tin và sẵn lòng đối mặt với áp lực từ xã hội. Đôi khi, việc từ chối tham gia vào các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội có thể gặp phải sự phản đối và áp lực từ những người xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta cần tin tưởng vào bản thân và quyết định đúng đắn của mình, không để áp lực xã hội làm mất đi ý thức và quyết tâm tự bảo vệ mình. – Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ vấn đề. Hiểu được sức cám dỗ ghê gớm của tệ nạn xã hội và tầm quan trọng của việc phải tự biết bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội là một điều tối quan trọng đối với mỗi người, nhất là các bạn trẻ trong xã hội hiện nay. + Nó sẽ giúp mỗi người có một cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa. Ta sẽ trở thành một con người có nhân cách, được tôn trọng, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, tương lai tươi sáng. + Nó giúp ta tiết kiệm được tiền bạc, thời gian và dành tiền bạc, thời gian đó để đầu tư vào những việc có ích lợi cho tương lai sau này. +Nó giúp ta có một cơ thể khỏe mạnh, dỏe dai để sống vui, sống có ích mỗi ngày. – Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận. – Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều. Hướng dẫn chấm: – Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (3.0 điểm). – Học sinh lập luận tương đối chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (2.0 điểm – 2.75 điểm) – Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (1.0 điểm – 1.75 điểm) – Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0.25 điểm – 0.75 điểm). – Bỏ giấy trắng: 0.00 điểm Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Nếu bài làm mắc từ 3 lỗi ở mỗi loại: 0.25 điểm. – Nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi ở mỗi loại: 00 điểm. |
0.5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh. – Học sinh đáp ứng được 2 yêu cầu: 0.5 điểm. – Học sinh đáp ứng được 1 yêu cầu: 0.25 điểm. |
0.5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |