Đề đọc hiểu và NLVH bài thơ Nói cùng anh, Xuân Quỳnh

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 11

(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc bài thơ sau:

Em biết đấy là điều đã cũ

Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu

Sự gắn bó giữa hai người xa lạ

Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi

Niềm đau đớn tưởng như vô tận

Bỗng có ngày thay thế một niềm vui

 

Điều hôm nay ta nói, ngày mai

Người khác lại nói lời yêu thuở trước

Đời sống chẳng vô cùng, em biết

Và câu thơ đâu còn mãi ngày sau

 

Chẳng có gì quan trọng lắm đâu

Như không khí, như màu xanh lá cỏ

Nhiều đến mức tưởng như chẳng có

Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang

 

Nhưng lúc này anh ở bên em

Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường, như trang sách

Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà

 

Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa

Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa

Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

 

Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự Người hơn.

(Nói cùng anh, Xuân Quỳnh, in trong Tự hát,

NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984)

Thực hiện các yêu cầu:

 

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm

Câu 2. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai? (0,5 điểm)

Câu 3. Bài thơ viết về đề tài gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Giữa nhan đề “Nói cùng anh” và nội dung bài thơ có mối quan hệ với nhau như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 5. Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung của đoạn thơ sau: (0,5 điểm)

Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa Trái cây thơm trên miền đất khô cằn.

Câu 6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau: (0,5 điểm)

Nhưng lúc này anh ở bên em Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường, như trang sách Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà.

Câu 7. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả, rằng tình yêu sẽ làm Cho con người thực sự Người hơn không? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 8. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về những phẩm chất cần có trong tình yêu đôi lứa. (1,5 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận về tâm hồn của người phụ nữ được thể hiện trong bài thơ.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Bài thơ được viết theo thể thơ: Tự do. 0.5
2 Chủ thể trữ tình trong bài thơ là: Em. 0.5
3 Bài thơ viết về đề tài: Tình yêu đôi lứa. 0.5
4 Giữa nhan đề “Nói cùng anh” và nội dung bài thơ có mối quan hệ chặt chẽ. Toàn bộ nội dung bài thơ là lời tâm tình của người con gái (em) nói với người yêu của mình (anh) những suy ngẫm về tình yêu

đôi lứa.

0.5
5 Đoạn thơ sau: Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa/ Tình anh đối với em là xứ sở/ Là bóng rợp trên con đường nắng lửa/ Trái cây thơm trên miền đất khô cằn có thể hiểu là: Những lúc xa anh, em nhận anh và của tình yêu anh đối với em quan trọng đến dường nào: Anh và tình yêu của anh là nơi em hướng về, như là quê hương xứ sở; là bóng mát ru

dịu cõi lòng em, là trái ngọt làm cho lòng em không cằn cỗi.

0.5
6 Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ:

Nhưng lúc này anh ở bên em Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường, như trang sách Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà.

–  Biện pháp tu từ: So sánh.

–  Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Hữu hình hóa niềm vui sướng, hạnh phúc của người con gái khi được ở bên người yêu của mình: niềm vui sướng ấy là có thật, hiện hữu trước mắt, mãnh liệt đến nỗi có thể cảm nhận được một cách cụ thể như chiếc áo trên tường, như trang sách, như chùm hoa trước

hiên nhà.

1.0
7 Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có luận giải hợp lí. Tham khảo:

–  Đồng tình.

–  Lí giải: Tình yêu sẽ giúp khơi gợi trong con người những cảm xúc tích cực: biết yêu thương, quan tâm, lo lắng, hy sinh vì người mình yêu. Như vậy, nó giúp hoàn thiện con người, giúp con người luôn vươn đến những điều cao đẹp, làm cho con người trở nên Người hơn.

1.0
8 Gợi ý:

Những phẩm chất cần có trong tình yêu đôi lứa: chân thành, chung thủy, trách nhiệm, quan tâm, hy sinh,…

1.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25

 

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận về tâm hồn của người phụ nữ được thể hiện trong bài thơ.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Khái quát tác giả, tác phẩm:

–  Tác giả: Xuân Quỳnh được mệnh danh là “bà hoàng của thơ ca tình yêu”. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc bình dị đời thường; cũng là tiếng lòng của một người nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu. Các tập thơ tiêu biểu: Gió Lào, cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Hoa dọc chiến hào,…

–  Tác phẩm: Bài thơ “Nói cùng anh” in trong tập thơ Tự hát, do NXB Tác phẩm mới ấn hành năm 1984.

2.  Cảm nhận về tâm hồn của người phụ nữ trong bài thơ:

a. Người phụ nữ có tâm hồn giàu suy tư:

Qua bài thơ, Xuân Quỳnh đã thể hiện những chiêm nghiệm, suy tư sâu sắc về tình yêu đôi lứa:

–  Xuân Quỳnh nhận thức rằng tình yêu là một điều xưa cũ, quen thuộc mà ai cũng biết, ai cũng nếm trải: nó là sự gắn bó giữa hai con người vốn xa lạ, gặp nhau rồi đem lòng yêu nhau, san sẻ mọi vui buồn cùng nhau. Nó quen thuộc đến nỗi đôi lúc có nó người ta lại không ý thức được sự tồn tại của nó (Nhiều đến mức tưởng như là không có/ Như không khí, như màu xanh lá cỏ).

–  Xuân Quỳnh cũng nhận thức được rằng tình yêu là mong manh, là dễ dàng thay đổi (hôm nay yêu mai có thể xa rồi, câu thơ đâu còn mãi ngày sau), là hữu hạn như cuộc sống chẳng vô cùng, là có thể bị thay thế (niềm đau tan vỡ của mối tình cũ có thể một ngày sẽ được thay bằng niềm vui của một tình yêu mới).

=> Những nhận thức về tình yêu này cho thấy Xuân Quỳnh là người sống sâu sắc, luôn suy tư về tình yêu của mình. Từ những suy tư đó, nhà thơ có được cái nhìn thấu thị và bình thản về bản chất mong manh, dễ dàng thay đổi của tình yêu, về sự được – mất, đến – đi, yêu nhau – chia ly trong tình yêu.

b. Người phụ nữ biết trân trọng và ý thức được giá trị của tình yêu: Tuy nhiên, sự bình thản đó không khiến nhà thơ rơi vào chủ nghĩa hư vô, coi thường tình yêu, mà trái lại, nó dẫn nhà thơ đến một nhận thức khác: Vì tình yêu là mong manh, là hay thay đổi, là hữu hạn nên khi đang có tình yêu, chúng ta phải biết trân trọng nó, tận hưởng nó, sống

sâu sắc từng giây từng phút với nó.

2.5

 

    –  Nhà thơ biết biết trân trọng hạnh phúc, niềm vui sướng trong những giây phút hạnh phúc khi đang được ở bên người mình yêu. Niềm hạnh phúc đó, ngay tại giây phút hiện tại đó không hư vô, không mong manh, mà là có thật, là hiện hữu một cách cụ thể như chiếc áo trên tường, như trang sách, như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà.

–   Nhà thơ ý thức được giá trị của tình yêu cả những lúc xa nhau. Những lúc ấy, nơi có anh sẽ trở thành quê hương, tình anh sẽ là xứ sở để em dõi về và khao khát được trở về. Những lúc em đi xa, tình yêu của anh sẽ luôn theo em trên mọi nẻo đường, làm dịu mát lòng em trên những chặng đường nắng lửa, làm những miền đất khô cằn.

–   Và cuối cùng, nhà thơ tổng kết lại những suy tư của mình, qua đó đề cao ý nghĩa lớn lao của tình yêu: dù nó là điều đã cũ, là điều dễ đổi thay, nhưng khi đang có được nó, tình yêu là nơi khởi nguồn khát vọng, lòng tốt để duy trì sự sống, là thứ tình cảm cao đẹp, giúp cho con người vươn tới để xứng đáng với chữ Người viết hoa (Cho con người thực sự Người hơn).

3. Vài nét về nghệ thuật:

–  Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng giàu hình ảnh.

–  Giọng thơ tha thiết, đằm thắm.

–   Sử dụng thành công nhiều biện pháp tu từ: đối, so sánh, liệt kê, điệp,…

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn

phong trôi chảy.

0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *