Đề đọc hiểu tự luận + Nghị luận về truyện ngắn Tư cách mõ của Nam Cao

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 11

(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

 ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:

Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, hắn gom tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn sán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả hai đùm vào cái tay nải rất to mà lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả… Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn có quấn mấy sợi thừng ở một đầu, đi hết ruộng nọ đến ruộng kia:

  • Mùa màng, anh em đến xin cụ lượm lúa… Mùa màng, anh em đến xin ông lượm lúa… Đến xin bà, hay thầy, hay cô lượm lúa…

Mồm hắn nói, tay hắn lượm. Hắn cứ chọn những gồi nào to nhất, mẩy nhất thì lượm. Cụ hay ông, hay bà, hay thầy, cô, bằng lòng cho hay không, cũng mặc! Mặc cho ông, bà, thầy, cô tiếc. Hạt thóc quý như hạt ngọc. Nhưng tiếc cũng chẳng làm sao được. Ai nấy đều im như thóc cả. Người ta đã nói: tham như mõ (1). Nếu nó không tham, sao nó làm mõ? Còn mình không lẽ mình lại keo với cả từ thằng mõ trở đi?… Hà hà! Cứ vậy là ăn câu đấy. Hắn biết thóp người ta như vậy, nên hắn lại càng làm dữ. Hết mùa rồi đến Tết. Trước Tết, hắn xách ba toong đi trước, vợ thì đội một cái thúng cái đi sau. Chúng đến từng nhà, xin mỗi nhà bát gạo. Mùng một Tết, bố con hắn xách một bao chè với năm quả cau, đến mừng tuổi các ông quan viên để kiếm cỗ và kiếm tiền phong bao. Bao chè với cau của hắn, hắn đem đến rồi lại đem về: có ông nào ngu đến nỗi lấy cau chè của hắn? Người ta thừa biết hắn chỉ có độc trọi một bao chè ấy, đem đi hết nhà này sang nhà nọ, xong mấy ngày Tết lại đem đi bán lại… Thế rồi độ mùng năm, mùng sáu, vợ chồng hắn lại đi tua lần nữa, để xin bánh chưng thừa…

Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu được của người ta làm khoái lắm. Nhiều người phải bực mình. Họ lại còn bực mình vì cái cách hắn nịnh những người rộng rãi và tỏ vẻ xấc láo, bùng phỉu đối với những kẻ không lấy gì mà rộng rãi với hắn được. Thật hắn đã vô liêm sỉ quá. Mỗi lần hắn đi khỏi, những người đàn bà nguýt theo, chúm mỏ ra và lẩm bẩm:

  • Giống mõ có khác! Không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…

Người ta tưởng như ông trời đã cố ý sinh ra hắn như thế để mà làm mõ; hắn có cái cốt cách của một thằng mõ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, và là mõ ngay từ ngày mới sinh…

(Lược một đoạn: Lộ trước kia vốn hiền lành, tuy gia cảnh nghèo túng nhưng anh là người thật thà, biết tự trọng. Năm đó, họ đạo Lưu An thiếu một người làm mõ (sãi), tức là người chuyên quét dọn nhà thờ và đi mời làng mỗi khi có việc chung. Các cụ muốn cắt đặt các thanh niên thay phiên nhau làm, nhưng ai cũng chê đó là nghề thấp hèn nên không chịu nhận. Cuối cùng, các cụ nghĩ đến anh cu Lộ. Vì thấy gia đình anh đông con, nghèo túng nên các cụ bèn lấy cái lợi ra để thuyết

  • Nghĩa của thành ngữ “Tham như mõ”: Nghề làm mõ dưới thời phong kiến thường bị coi là một nghề hèn mọn, người làm mõ là tầng lớp tận cùng của xã hội, bị khinh rẻ. Bởi vậy, người ta không muốn đôi co hay cư xử keo kiệt với thằng mõ, vì làm như thế sẽ bị mang tiếng là tính toán với cả những kẻ thấp hèn, ảnh hưởng đến danh dự của bản thân. Những người làm mõ lợi dụng điều đó để đi xin xỏ những người trong làng. Hành động xin xỏ này có khi vượt quá giới hạn, nên người đời mới có câu thành ngữ: “Tham như mõ”.

 

phục anh (làm mõ thì được thêm bốn sào vườn, không phải đóng thuế, mỗi kì thuế lại được cho thêm tiền). Nghe bùi tai, Lộ bèn chấp nhận. Sau khi nhận việc, quả nhiên kinh tế dần khá lên, nhưng Lộ lại bị những kẻ xấu bụng đố kị, coi khinh, bị những người trẻ hơn gọi là thằng mõ, đi ăn cỗ không ai chịu ngồi cùng mâm. Ban đầu Lộ xấu hổ, tính không làm mõ nữa, nhưng nghĩ đến gia đình…).

Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng: “Mặc chúng nó!”. Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là ổn chuyện. Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng mõ? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn. Ấy, người ta cứ suy hơn, tính thiệt như vậy, mà nhất định giữ thằng mõ lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay tìm một chỗ nào kín đáo cho hắn ngồi. Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:

  • Lộ à, mày?

Cũng có người đế thêm:

  • Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!

A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy. Hắn cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!”. Hắn lập tức bê cỗ ra sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lén muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấy một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!

  • Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”.

A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

* * *

Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện.

Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta.

Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:

  • Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…

(Tư cách mõ, Nam Cao, in trong Tuyển tập Nam Cao, NXB Văn học, Hà Nội, 2002)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Câu chuyện trong truyện ngắn “Tư cách mõ” được kể ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

 

Câu 2. Hãy chỉ ra những câu văn thể hiện trực tiếp triết lí nhân sinh của người kể chuyện ở truyện ngắn trên? (0,5 điểm)

Câu 3. Nhân vật chính trong truyện ngắn trên là ai? (0,5 điểm)

Câu 4. Chỉ ra các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết được thể hiện trong đoạn văn sau: (0,5 điểm)

Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện.

Câu 5. Việc sử dụng kết hợp điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật trong truyện có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Câu 6. Chỉ ra sự biến đổi nhân cách của anh cu Lộ trước và sau khi làm mõ? Lí giải nguyên nhân của sự biến đổi đó? (1,0 điểm)

Câu 7. Từ truyện ngắn trên, anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân về cách ứng xử đối với người khác? Vì sao anh/ chị lại lựa chọn bài học đó? (1,0 điểm)

Câu 8. Anh/ chị có suy nghĩ gì về nội dung của câu văn: “làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện”? (Viết khoảng 5 – 7 dòng). (1,5 điểm)

II.   VIẾT (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá những đặc sắc trong cách tổ chức trần thuật của tác giả ở truyện ngắn trên.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Câu chuyện trong truyện ngắn “Tư cách mõ” được kể ở ngôi thứ ba 0.5
2 Những câu văn thể hiện trực tiếp triết lí nhân sinh của người kể chuyện: Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một

cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện.

0.5
3 Nhân vật chính trong truyện ngắn trên là: Anh Lộ 0.5
4 Chỉ ra các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết trong đoạn trích:

–  Sử dụng các câu dài, nhiều thành phần câu phức tạp.

–  Từ ngữ được lựa chọn, trau chuốt.

0.5
5 Việc sử dụng kết hợp điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật trong truyện có tác dụng: Vừa giúp cho người đọc có được cái nhìn khách quan, bao quát, nắm được các sự kiện của câu chuyện; đồng thời lại giúp người đọc biết được những chuyển biến

trong nội tâm của nhân vật anh cu Lộ.

0.5
6 –  Sự biến đổi nhân cách của anh cu Lộ trước và sau khi làm mõ:

+ Trước khi làm mõ: anh cụ Lộ là một người hiền lành, thật thà, dù gia cảnh nghèo túng nhưng anh sống có tự trọng.

+ Sau khi làm mõ: càng ngày anh ta càng trở nên tham lam, trơ trẽn, không biết xấu hổ, đánh mất sự tự trọng.

–  Lí giải nguyên nhân: Do sự giễu cợt, mỉa mai, đố kị, khinh thường của dân làng đối với anh. Chính sự xấu bụng của những người làng đã biến anh từ một người tự trọng thành một kẻ đánh mất lòng tự

trọng của chính mình.

1.0
7 Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí và liên quan đến nội dung câu chuyện. Tham khảo:

–   Không nên nói những lời mỉa mai, châm chọc người khác, tỏ thái độ coi thường người khác.

–  Bởi khi ta coi khinh người khác, ta sẽ khiến cho họ dần trở nên tiêu

cực, bất cần. Khi coi khinh người khác, ta cũng khiến cho bản tính của bản thân dần trở nên thấp hèn, ích kỉ.

1.0
8 Suy nghĩ gì về nội dung của câu văn: “làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện”:

–   Câu văn chỉ ra nguyên nhân khiến con người sinh ra đê tiện, đó chính là do bị người khác làm nhục.

–   Khi bị làm nhục, ban đầu một người có thể cảm thấy xấu hổ, mất chí khí, nhưng nếu sự làm nhục tiếp tục kéo dài, quá sức chịu đựng, kẻ bị làm nhục có thể trở nên nên liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn để trả thù những người đã làm nhục mình, trả thù cuộc đời. Họ có thể đánh đổi cả lòng tự trọng, liêm sỉ, trở nên đê tiện. Họ có thể trở nên chai lì, vô cảm, không còn biết nhục là gì.

–  Mỗi con người nên đối xử với nhau bằng sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, để mỗi ngày, mỗi con người đều sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

1.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25

 

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá những đặc sắc trong cách kể của tác giả ở truyện ngắn “Tư cách mõ”.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Khái quát về tác giả, tác phẩm:

–  Tác giả: Nam Cao được xem là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Truyện ngắn của ông thường khai thác những đề tài bình thường nhưng lại đặt ra những vấn đề sâu sắc, có tầm khái quát cao, thể hiện bằng một lối văn phong lạnh lùng, sắc sảo. Những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông có thể kể đến như: Chí Phèo, Giăng sáng, Lão Hạc, Đời thừa,…

–   Tác phẩm: Truyện ngắn “Tư cách mõ” được in lần đầu trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số ra ngày 24/7/1943.

2.  Những đặc sắc trong cách tổ chức trần thuật của tác giả:

Nam Cao đã phá vỡ trật tự thời gian của các sự kiện trong truyện để tạo ấn tượng cho truyện kể và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình:

a. Truyện khởi đầu từ thời điểm hiện tại.

–   Nam Cao chưa gọi nhân vật bằng tên, mà dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: hắn. Đây là cách xưng hô phù hợp với một kẻ có đủ “tư cách mõ”: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn.

–  Chính cách mở đầu này đã làm cho người đọc có ác cảm với nhân vật, và nghĩ rằng anh ta vốn là một con người có bản tính xấu xa, đê tiện.

–  Để khắc họa sâu đậm hơn tính cách của nhân vật, Nam Cao đã đặt nhân vật vào những trạng huống khác nhau, với những hành động khác nhau (ngồi ăn cỗ trơ tráo, một mình một mâm to, ăn không hết đem về, thậm chí còn xin thêm; mùa gặt đi xin lúa; tết đi thăm các quan viên để kiếm phong bao), nhưng trạng huống nào, hành động nào cũng nhằm làm nổi bật cái sự tham lam, trơ trẽn của anh cu Lộ. Anh ta ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu được của người ta làm khoái lắm.

 

b. Sau đó mạch truyện đột ngột thay đổi, quay về quá khứ, làm cho người đọc ngỡ ngàng.

–  Thì ra anh cu Lộ không phải trời sinh ra đã làm một kẻ xấu xa như thế. Trước khi làm mõ, bản tính anh ta hiền lành, thật thà, biết tự trọng.

–   Chính thái độ của người khác đối với anh đã khiến anh thay đổi: người ta đố kị với anh, hè nhau lại để mỉa mai, khinh thường (gặp anh, kẻ ít tuổi hơn cũng gọi anh là thằng; đi ăn cỗ không ai chịu ngồi chung mâm).

–  Qua những sự kiện đó, tác giả làm rõ sự biến đổi dần dần trong tính cách nhân vật: từ ngượng nghịu, xấu hổ, đến cố gắng phớt lờ (dù vẫn còn xấu hổ), rồi đến lúc quen dần, thấy bình thường, và cuối cùng thì

trở nên bạo dạn, gan lì, tham lam, trơ trẽn, thậm chí là tham lam và

2.5

 

    trơ trẽn quá mức. Nam Cao quả thực rất cao tay trong việc miêu tả biến chuyển tâm lí của nhân vật.

 

c. Mạch truyện lại từ quá khứ nối lại với hiện tại:

–   Tác giả tiếp tục đưa ra các chi tiết cho thấy Lộ đã biến đổi hoàn toàn, trở thành một anh mõ có đủ “tư cách mõ”: Khi đi ăn cỗ, hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy.

–  Rồi tác giả còn đẩy tính cách nhân vật lên một bậc nữa: Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng: Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ… Như vậy, càng tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ, Lộ càng trượt dài trên con đường tha hóa, đánh mất nhân tính của mình.

–  Nhưng bây giờ, hẳn suy nghĩ của người đọc về anh cu Lộ đã khác. Người đọc đã nhận ra rằng: thì ra cái tham lam, trơ trẽn, vô liêm sỉ của anh cu Lộ là do kẻ khác gây nên: những kẻ xấu bụng, hẹp hòi, những kẻ đã không từ một thủ đoạn nào để dồn anh vào đường cùng, để rồi anh đã phải chọn lựa phản kháng bằng một thái độ bất cần, bất chấp cả nhân cách và liêm sỉ. Người ta không coi trọng nhân cách của anh, vậy thì anh cần gì giữ nhân cách, anh đánh mất luôn vậy. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, chính hoàn cảnh phi nhân đã tạo ra những con người phi nhân, đúng như Nam Cao đã đúc rút: Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu

để khiến người sinh đê tiện.

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *