ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)
ĐÂY MÙA THU TỚI
(Xuân Diệu)
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
(Xuân Diệu, Thơ thơ, trích Thi nhân Việt Nam,
Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, 2000, tr.120-121)
Câu 1. Tín hiệu mùa thu được biểu hiện trong hai câu thơ:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Câu 2. Chỉ ra từ ngữ mới lạ “đậm chất hơi thở” của phong trào Thơ mới trong bài thơ?
Câu 3. Nội dung chính của bài thơ trên.
Câu 4. Tác giả cảm nhận rét bằng giác quan nào trong câu thơ “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”.
Câu 5. Nhận xét của anh/chị về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong khổ 4 của bài thơ.
Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu thơ Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Câu 7. Nêu cảm nhận của anh/chị về mùa thu trong bài thơ.
Câu 8. Sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của Xuân Diệu khi viết về mùa thu trong bài thơ.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Hướng dẫn chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Rặng liễu
Câu 2. Sắc đỏ rũa màu xanh
Câu 3. Nội dung chính của bài thơ trên: Cảnh thu buồn hiu hắt bi thương nhưng dịu nhẹ, trẻ trung và ấn tượng
Câu 4. Tác giả cảm nhận rét bằng giác quan nào trong câu thơ Đã nghe rét mướt luồn trong gió: Thính giác
Câu 5. Nhận xét của anh/chị về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong khổ 4 của bài thơ.
– Nhân vật trữ tình trong khổ 4: cảm nhận thiên nhiên trong sự tang thương, chia lìa; con người mang tâm trạng buồn, cô đơn.
– Cảm xúc của nhân vật trữ tình bộc lộ một cách sâu lắng, trong sáng, thiết tha; nhà thơ thể hiện phong cách lãng mạn và hiện đại khi lấy con người làm trung tâm của vẻ đẹp thiên nhiên – người thiếu nữ.
Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu thơ Những luồng run rẩy rung rinh lá…
– Từ láy “run rẩy, rung rinh”
– Tác dụng:
+ Cách diễn đạt mang giá trị biểu cảm cao, tạo nên tính hình ảnh, sinh động, hấp dẫn cho hình ảnh thơ.
+ Qua biện pháp tu từ trên giúp người đọc cảm nhận được bước đi của thời gian mùa thu qua sự chuyển động của gió với những luồng chuyển động như thấm vào cảnh vật.
+ Gợi sự tương giao, hài hoà giữa vạn vật, khẳng định vẻ đẹp của mùa thu trong Thơ mới.
* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được.
Câu 7. Nêu cảm nhận của anh/chị về mùa thu trong bài thơ.
Cảm nhận của em về mùa thu: Khung cảnh mùa thu tĩnh lặng, trong lành; màu sắc đặc trưng của mùa thu: vàng của lá, xanh trong của trời cao…; con người yêu mến và trân trọng khoảnh khắc sang mùa.
* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.
Câu 8. Sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của Xuân Diệu khi viết về mùa thu trong bài thơ.
– Kế thừa, tiếp nối:
+ Cùng viết về đề tài mùa thu
+ Sử dụng những hình ảnh quen thuộc, đã từng xuất hiện trong thơ ca (hình tượng liễu, màu vàng…)
+ Sử dụng bút pháp phác hoạ (kiểu tranh thuỷ mặc), phong vị nghệ thuật gợi để nói nên cái thần thái của cảnh
– Sáng tạo:
+ Đem đến cảm xúc mới, nội dung mới cho những hình tượng quen thuộc.
+ Sử dụng từ ngữ mới, cách diễn đạt mới mẻ, táo bạo
* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là được.
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.
– “Đây mùa thu tới” in trong tập “Thơ thơ” (1938) một trong những tác phẩm nổi tiếng của Xuân Diệu trước cách mạng.
– Cảnh sắc mùa thu trong bài thơ thấm một nỗi buồn. Đó là cái buồn muôn thuở, nhưng cũng là cái buồn của thời đại, cái buồn của riêng Thơ mới. Buồn vì cái lạnh len lỏi đâu đây gợi nỗi cô đơn, buồn vì sự chia lìa từ hoa cỏ, chim muông đến con người. Buồn vì một nỗi nhớ nhung ngẩn ngơ, phảng phất trong không gian và trong lòng người.
Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:
* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:
(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)
– Mở đầu bài thơ là những dòng chuyển động của không gian, thời gian chuyển thu, nhưng trong đoạn thơ này cũng thể hiện nỗi buồn thương của cảnh vật, qua một số miêu tả của tác giả: liễu yếu đào tơ, liễu tang tóc buồn “đứng chịu tang” “lệ ngàn hàng”. Tất cả những nổi buồn đó đều là tâm trạng mà tác giả dùng cảnh vật, thiên nhiên để nói đến sự cô đơn của người thiếu nữ.
– Những nỗi buồn mênh mang, mang những cảm xúc tâm trạng của người thi sĩ trong cảnh thu, sự mênh mang đó mang những nỗi buồn man mác, gợi lên những nỗi buồn của cảnh đầu thu.
– Tiếp đến là những tín hiệu báo thu sang: “Hơn một loại hoa đã rụng cành”, nắng vàng nhạt, trăng vàng nhạt, gió vàng nhạt, đôi nhành khô gầy xương mỏng manh.
– Mùa thu đến cũng làm cho con người có thêm những tâm trạng buồn, cô đơn, tác giả đang lạc lõng trên con đường với những cô đơn, trống vắng trong tâm hồn của nhân vật trữ tình.
– Nhân vật ở đây đang mang những nỗi bâng khuâng, không biết nghĩ gì “tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”…
– Mùa thu làm cho tâm hồn người thiếu nữ cũng có chút thay đổi rõ rệt, những khoảng trống trong tâm hồn, những suy tư, cảm xúc của người thiếu nữ hòa vào không gian mênh mông của thời gian, không gian và cảnh vật con người.
– Mùa thu mang những cảm xúc trống vắng, không gian và chuyển động của cảnh vật chuyển thu thể hiện rõ ràng trong tập thơ, đó là cảm xúc nhẹ nhàng và sâu lắng, mang những dòng cảm xúc rất riêng đối với không gian thiên nhiên, con người.
* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.
– Sự phát triển của hình tượng chính
+ Bài thơ chính là khung cảnh đất trời với “hơi thở” man mác buồn cùng với đó là nỗi bâng khuâng của người thiếu nữ khi mùa thu về.
– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:
+ Nói đến ngôn ngữ thơ Xuân Diệu là nói đến ngôn ngữ thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới.
+ Ngôn từ giàu hình ảnh, diễn đạt chính xác cái mơ hồ, mong manh, muôn hình, muôn vẻ của thiên nhiên.
+ Lời thơ tâm tình nồng nàn, kín đáo, say mê, hiện ở trong những giai điệu thơ thiết tha, bồng bột, xôn xao, chơi vơi và lãng mạn.
* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại
– Nét hấp dẫn người đọc bởi cách lựa chọn dấu hiệu mùa thu rất riêng của Xuân Diệu: “Rặng liễu… ngàn hàng”
– So sánh với các nhà thơ khác:
+ Hữu Thỉnh: “Bỗng nhận ra hương ổi… đã về”
+ Thế Lữ: “Em nghe không mùa thu… vàng khô?”
+ Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh… hơi may”
– Riêng với Xuân Diệu:
+ Hình ảnh đặc trưng: Rặng liễu “đìu hiu” như đang xõa máu tóc mượt mà nhưng tâm tư mang đầy nỗi tâm sự; những làn sương mỏng manh, vương trên lá liễu…
+ Không gian thu: Mang nét trầm mặc, buồn thương, hoang vắng, tĩnh lặng.
Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
– Với “Đây mùa thu tới”, nhà thơ Xuân Diệu đã cho độc giả thấy cảm quan cực kì xuất sắc trong việc quan sát, miêu tả cảnh vật khi mùa thu tới.
– Bài thơ không những có đầy đủ hình ảnh, cảnh sắc mà còn chất chứa tình thu. Bằng tình yêu cuộc sống, thái độ trân quý thời gian thi sĩ đã vẽ nên bức tranh thu vừa sinh động nhưng đồng thời cũng mang nét u buồn, cô đơn.
Bài viết tham khảo
“Nhà văn chân chính là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (Pau-tốp-xki). “Đây mùa thu tới” in trong tập “Thơ thơ” (1938) một trong những tác phẩm nổi tiếng của Xuân Diệu trước cách mạng. Nhà thơ đã phác hoạ cảnh sắc mùa thu đẹp thấm đẫm một nỗi buồn. Đó là cái buồn muôn thuở, nhưng cũng là cái buồn của thời đại, cái buồn của riêng Thơ mới. Buồn vì cái lạnh len lỏi đâu đây gợi nỗi cô đơn, buồn vì sự chia lìa từ hoa cỏ, chim muông đến con người. Buồn vì một nỗi nhớ nhung ngẩn ngơ, phảng phất trong không gian và trong lòng người.
Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân để tạo ra những thi phẩm để đời. Mùa thu trong thơ của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu nơi thôn quê yên bình, tĩnh lặng. Mùa thu trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư lại là những cảm nhận tinh tế của tác giả về một không gian trời thu chân thực và sống động. Nhưng đến với Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, với tâm hồn nhạy cảm và xốn xang của người nghệ sĩ, mùa thu trong thơ Xuân Diệu mang trong mình biết bao sắc thái diệu kì.
Mở đầu bài thơ là những dòng chuyển động của không gian, thời gian chuyển thu, nhưng trong đoạn thơ này cũng thể hiện nỗi buồn thương của cảnh vật, qua một số miêu tả của tác giả: liễu yếu đào tơ, liễu tang tóc buồn “đứng chịu tang” “lệ ngàn hàng”. Tất cả những nổi buồn đó đều là tâm trạng mà tác giả dùng cảnh vật, thiên nhiên để nói đến sự cô đơn của người thiếu nữ. Những nỗi buồn mênh mang, mang những cảm xúc tâm trạng của người thi sĩ trong cảnh thu, sự mênh mang đó mang những nỗi buồn man mác, gợi lên những nỗi buồn của cảnh đầu thu.
Tiếp đến là những tín hiệu báo thu sang: “Hơn một loại hoa đã rụng cành”, nắng vàng nhạt, trăng vàng nhạt, gió vàng nhạt, đôi nhành khô gầy xương mỏng manh. Mùa thu đến cũng làm cho con người có thêm những tâm trạng buồn, cô đơn, tác giả đang lạc lõng trên con đường với những cô đơn, trống vắng trong tâm hồn của nhân vật trữ tình. Nhân vật ở đây đang mang những nỗi bâng khuâng, không biết nghĩ gì “tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”… Mùa thu làm cho tâm hồn người thiếu nữ cũng có chút thay đổi rõ rệt, những khoảng trống trong tâm hồn, những suy tư, cảm xúc của người thiếu nữ hòa vào không gian mênh mông của thời gian, không gian và cảnh vật con người. Mùa thu mang những cảm xúc trống vắng, không gian và chuyển động của cảnh vật chuyển thu thể hiện rõ ràng trong tập thơ, đó là cảm xúc nhẹ nhàng và sâu lắng, mang những dòng cảm xúc rất riêng đối với không gian thiên nhiên, con người.
Bài thơ chính là khung cảnh đất trời với “hơi thở” man mác buồn cùng với đó là nỗi bâng khuâng của người thiếu nữ khi mùa thu về. Nói đến ngôn ngữ thơ Xuân Diệu là nói đến ngôn ngữ thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới. Ngôn từ giàu hình ảnh, diễn đạt chính xác cái mơ hồ, mong manh, muôn hình, muôn vẻ của thiên nhiên. Lời thơ tâm tình nồng nàn, kín đáo, say mê, hiện ở trong những giai điệu thơ thiết tha, bồng bột, xôn xao, chơi vơi và lãng mạn.
Trong hai tập thơ viết trước Cách mạng: “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” có rất nhiều bài thơ nói đến sắc thu, hương thu, trăng thu, tình thu, thiếu nữ buổi thu về… Mùa thu thật đáng yêu, làm cho tâm hồn thi sĩ như dây đàn huyền diệu đang rung lên xao xuyến… Nét hấp dẫn người đọc bởi cách lựa chọn dấu hiệu mùa thu rất riêng của Xuân Diệu: “Rặng liễu… ngàn hàng”. Mỗi ngày mỗi đêm đi qua. Thu đã về và thu dần dần trôi qua. Cảnh vật biến đổi. Hoa đã “rụng cành”. Tác giả không nói “đôi ba…”, mà lại viết “hơn một” cách dùng số từ ấy cũng là một cách nói rất mới. Trong vườn, màu đỏ (từng chấm nhỏ) đang lấn dần, đã và đang “rũa màu xanh”! Cũng nói về sự biến đổi ấy, trong bài “Cảm thu, tiễn thu” thi sĩ Tản Đà viết:
“Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vùng cây đỏ bóng tà tà dương”.
Là mùa xuân hay mùa thu, là mùa hè hay mùa đông, giữa thiên nhiên trăm sắc nghìn hương ấy, hình ảnh thiếu nữ đa tình, duyên dáng luôn luôn thấp thoáng qua những vần thơ của Xuân Diệu. Thi sĩ đa tình nên thiếu nữ cũng đa tình?
“Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền”.
(“Nụ cười xuân” – Thơ thơ)
Trong chùm thơ thu của Yên Đổ, tình thu buồn thấm thía cô đơn được thể hiện qua hình ảnh một ông lão, lúc đang “tựa gối ôm cần” trên một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” giữa chiếc ao thu “lạnh lẽo”, lúc là một cụ già đang ngồi uống rượu ngà ngà say trong đêm sâu, có lúc lại là một nhà nho đang lặng ngắm cảnh thu, muốn cầm bút đề thơ mà phân vân, lưỡng lự… Còn trong thơ thu của Xuân Diệu là hình bóng một giai nhân trong tương tư, đang mộng tưởng. Đó cũng là một nét mới nói về mùa thu trong thơ Xuân Diệu.
Với “Đây mùa thu tới”, nhà thơ Xuân Diệu đã cho độc giả thấy cảm quan cực kì xuất sắc trong việc quan sát, miêu tả cảnh vật khi mùa thu tới. Bài thơ không những có đầy đủ hình ảnh, cảnh sắc mà còn chất chứa tình thu. Bằng tình yêu cuộc sống, thái độ trân quý thời gian thi sĩ đã vẽ nên bức tranh thu vừa sinh động nhưng đồng thời cũng mang nét u buồn, cô đơn.