Đề 18: Phân tích bài thơ “Câu cá mùa thu” (Nguyễn Khuyến)
Bài làm 1
- Kiến thức trọng tâm
- Tác giả Nguyễn Khuyến
– Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng. Sinh ra tại quê ngoại – xã Hoàng Xá (nay là xã Yên Trung), xã Yên Đồ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
– Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo.
– Năm 1864, ông đỗ đầu kì thi Hương. Mấy kì thi sau thi tiếp lại trượt, đến năm 1871, ông đỗ đầu cả kì thi Hội và thi Đình. Do đỗ đầu cả ba kì thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ
– Tuy đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà.
– Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, từng bày tỏ thái độ kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.
– Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ.
– Các tác phẩm gồm có “Quế Sơn thi tập”, “Yên Đổ thi tập”, “Bách Liêu thi văn tập”, “ Cẩm Ngữ”, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
- Phong cách sáng tác
– Nguyễn Khuyến là một người tài năng, yêu nước thương dân, bên cạnh đó ông cũng là một nhà thơ nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Thơ của Nguyễn Khuyến luôn giàu cảm xúc với thiên nhiên, với con người và với quê hương.
– Thơ Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bè bạn; phán ánh cuộc sống của những con người khổ cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân, với nước.
– Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, mang đậm dấu ân tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình.
– Nội dung thơ của ông nói lên tấm lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha đồng thời thể hiện rõ thái độ chống đối thực dân Pháp. Và bên cạnh đó, tình yêu với thiên nhiên, đất nước, tình bạn, tình cảm gia đình cũng đều là chất liệu được ông đem vào thơ ca.
– Thu điếu là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc, được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm.
- Hoàn cảnh sáng tác
– Được viết trong thời gian khi Nguyễn Khuyến về ở ẩn tại quê nhà
– Câu cá mùa thu nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến gồm: “ Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh”.
- Bố cục bài thơ
– Hai câu đầu: Bức tranh mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ (Cảnh thu)
– Sáu câu cuối: Tâm trạng của nhà thơ (Tình thu)
- Phân tích cụ thể
- Bức tranh mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ (Cảnh thu) (Hai câu đầu)
- Hai câu đầu
Cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, tưởng chừng như cùng với sự kết thúc của chế độ xã hội phong kiến suy tàn, lạc hậu, nền văn học Việt Nam trung đại sẽ rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc nhưng sự xuất hiện của nhà thơ Nguyễn Khuyến giống như một dấu chấm cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người vào giai đoạn thoái trào của văn học trung đại đã kéo dài hàng thế kỉ.
Trong nền văn học Việt Nam, bằng phong cách thơ bình dị, mộc mạc, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tạo nên những “mùa thu còn mãi” trong đề tài viết về quê hương làng cảnh. Tác phẩm “Câu cá mùa thu” là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc thể hiện rõ tài năng của cụ “Tam Nguyên Yên Đổ”. Giống như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét: “Trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm”. Bằng tình yêu thiên nhiên và cảm nhận tinh tế trước những chuyển động của cảnh vật, tác giả đã tái hiện thành công bức tranh mùa thu độc đáo mang màu sắc dân dã, bình dị, trong trẻo, thấm đượm nỗi buồn, trở thành điển hình cho “thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).
Nếu như ở “Thu vịnh”, mùa thu được Nguyễn khuyến đón nhận từ cái không gian thoáng đãng, mênh mông, bát ngát, với cặp mắt hướng thượng, khám phá dần các tầng cao của mùa thu để thấy được: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, thì ở “Thu điếu”, nhà thơ không tả mùa thu ở một khung cảnh thiên nhiên rộng rãi, không phải là trời thu, rừng thu hay hồ thu, mà lại chỉ gói gọn trong một ao thu: ao chuôm là đặc điểm của vùng đồng chiêm trũng, vùng quê của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Không gian ở đây là ao thu. Ao là đặc trưng của vùng quê chiêm trũng quê hương của tác giả. Thời gian không phải là đầu thu có chút oi ả xen lẫn của mùa hạ mà có lẽ là lúc phân thu (giữa mùa thu) nên mới có hơi lạnh của sự “lạnh lẽo”. Tính từ “trong veo” đặc tả độ trong của nước dường như có thể nhìn xuyên thấu xuống bên dưới, nó gợi ra sự thanh sạch và tĩnh lặng trên bề mặt ao. Câu thơ sử dụng vần “eo”, câu thơ thể hiện sự co lại, đọng lại không nhúc nhích, cho ta một cảm giác lạnh lẽo, yên tĩnh một cách lạ thường. Tính từ “lạnh lẽo” như càng làm cho sự vắng lạng tăng thêm. Không chỉ vậy “mọit chiếc thuyền câu” số từ chỉ số ít “một chiếc” cùng với tính từ “bé tẻo teo” gợi sự nhỏ bé đến vô cùng. Chiếc thuyền câu như co lại là một chấm trên nền của ao thu. Tác giả sử dụng nghệ thuật chấm phá điểm nhãn.
Khung ao tuy hẹp nhưng tác giả lại không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều chiều, trong cái không khí se lạnh đó dường như làm cho làn nước ao ở độ giữa thu, cuối thu như trong veo hơn. Những tưởng trong “ao thu lạnh lẽo”, trống vắng ấy, mọi vật sẽ không xuất hiện, thế mà vẫn có “một chiếc thuyền cau bé tẻo teo”. Có khung cảnh thiên nhiên và có dấu vết của cuộc sống con người, khiến cảnh thu thêm được phần nào ấm cúng.
Với hai câu mở đầu, nhà thơ sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ gợi cao: “lẽo”, “veo”, “tẻo teo” mang đến cho ngưòi đọc một nỗi buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. Tác giả cũng đã vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ khônv phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu đã mở ra một không gian thu với cảnh sắc rất mộc mạc, giản dị mang nét đặc trưng chất thu, khí thu của làng quê Bắc Bộ.
- Hai câu giữa
Nếu như ở hai câu đề nổi bật lên là sự tĩnh lặng thì hai câu thực đã mang những nét vận động nhưng nó lại động để tĩnh. Lấy cái động của cảnh vật mà tả cái tĩnh của mùa thu chốn thôn quê.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Hai hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng” tưởng chừng như không có mối liên hệ mà có một sự logic, chặt chẽ với nhau. Vì gió thổi làm cho sóng gợn, lá rơi. Cảnh vật chuyển động chẳng phải ào ạt của lá mùa thu như trong thơ Đỗ Phủ mà nó thật khẽ khàng, nhẹ nhàng chỉ hơi gợn tí, lá chỉ khẽ đưa vèo.
Các tính từ, trạng từ “biếc”, “tí”, “vàng”, “khẽ” được sử dụng thật tài tình, kết hợp với nhau tạo nên màu sắc, hình ảnh làm cho cảnh thu trở nên sống động có hồn. Chữ “vèo” trở thành nhãn tự của bài thơ mà Tản Đà từng một thời thán phục: “Chỉ 1 chữ “vèo” cũng đủ suy tôn cụ là bậc thầy về tài luyện chữ rồi”. Ông thổ lộ một đời thơ, ông mới có được một câu thơ vừa ý “Vèo trông lá rụng đầy sân”.
Một bức tranh thu cổ điển về thi liệu và thi đề. Đó là vẻ đẹp của “thu thủy”, “thu thiên” trong cái “cộng trường thiên nhất sắc” thường gặp trong ý thơ của ngưòi xưa. Trên chiếc thuyền con nhìn ra, làn nước ao thu lạnh lẽo, trong veo đến hết độ sắc trong của nước, sóng biếc chỉ hơi khẽ gợn và lá vàng trước gió cũng “khẽ đưa vèo”, nhẹ nhàng chuyển động. Câu thơ rất động nhưng là cái động nhẹ nhàng đến mức tinh vi. Lấy động tả tĩnh. Bút pháp quen thuộc trong thơ văn trung đại ở đây đã được sử dụng một cách đắc địa. Cái động làm phong phú đường nét và màu sắc của cảnh thu. Hơn thế nữa, nó khiến cho cái tĩnh lặng của không gian càng trở nên tĩnh lặng hơn. Chiếc thuyền đang ở trên mặt ao nhưng dường như tất cả những tác động mà nó gây ra cũng chỉ khiến cho làn ao hơi gợn sóng. Người ngồi trên thuyền phải trầm ngâm, yên lặng đến mức nào! Và cũng phải tĩnh lặng đến mức tuyệt đối thì mới nhận ra được chiếc lá thu “khẽ đưa vèo” trong không gian.
Không chỉ là gợi hình ảnh mà dường như còn nghe thấy được tiếng lá rơi và những động thái chuyển động tinh vi của nó. Ấn tượng về bức tranh thu thanh vắng, quạnh hiu được tô đậm. Dường như chỉ có mỗi thi nhân trong vai trò ông già câu cá đối diện trước thiên nhiên thu nhỏ để lắng vào cõi suy tư. Tất cả đều hài hòa, hòa phối với nhau làm nên đường nét của mùa thu. Và sự hòa phối đã đạt đến mức tinh vi, cao độ khi “Cái thú vị của bài thơ là ở điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi” (Xuân Diệu). Nguyễn Khuyến đã dùng chiếc lá vàng để làm điểm nhấn cho bức tranh thu, gợi cho người ta một ấn tượng vừa bất ngờ lại vừa thích thú. “Diệp lạc tri thu”, chỉ một chiếc lá vàng thôu cũng đủ để gợi ra hồn thu vĩnh cửu. Cái “đưa vèo” trong câu thơ gợi ta nhớ đến một câu thơ của Tản Đà khi ông cảm nhận sự đổi thay của thời thế: “Vèo trông lá rụng ngoài sân”. Phải chăng, đó cũng là cái “vèo” bay của lá của hai người nhưng cùng một tâm trạng?
Cái tài của Nguyễn Khuyến là đọc cả bài thơ cũng như hai câu thơ, người ta vẫn cảm nhận được sự chuyển động của cảnh vật, nhưng tất cả những chuyển động ấy lại làm nên bức tranh thu tĩnh lặng tuyệt đối. Tĩnh lặng mà không chết lặng. Chỉ tĩnh lặng bởi mùa thu quá thanh khiết, nhẹ nhàng, còn ngưòi thơ thì lại quá trầm ngâm, tự lự. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bức tranh cảnh thu đã hé mở cho ta về tình thu của ngưòi trong cảnh. Cái tĩnh lặng của bài thơ hay cũng chính là cái tĩnh lặng của một người trong lòng đang nặng trĩu suy tư. Là một nhà thơ có khí tiết trong sạch, giữa thời đại “Vua chèo còn chẳng ăn ai/Quan chèo vai nhọ khác chỉ thằng hề” ông chọn con đường cáo quan về quê mà đã có lúc tự trào:
Cờ đang dở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Thái độ bất hợp tác “ra về” để giữ trọn thanh danh khí tiết trong thời kì trắng đen lẫn lộn là dứt khoát nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc:
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng răng hay, hay chẳng mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè.
Và có lẽ nên mùa thu của ông dù đẹp đến mấy thì cũng vẫn thấm đẫm buồn. Cảnh vật buồn mà lòng người thì lại càng buồn hơn. Mùa thu ở đây đã cho ta biết thêm về một tâm hồn thiết tha với thiên nhiên đất nước.
Nguyễn Khuyến phải là một con người có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới có thể cảm nhận được sự chuyển động mà như tĩnh tại. Những quan sát tinh tế cùng sự tĩnh lặng trong tâm hồn đã giúp nhà thơ cảm nhận được những đường nét, chuyển động rất riêng của mùa thu: sóng gợn lăn tan trên mặt ao, lá vàng rơi trong gió. Nghệ thuật lấy động tat tĩnh thường thấy trong văn thơ trung đại cũng làm nổi bật lên sự tĩnh lặng, thanh vắng của không gian mùa thu.
- Hai câu cuối
Không gian cảnh vật không chỉ bó hẹp trong khoảng không của mặt nước, của ao thu mà được mở rộng ra hai chiều với một tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Đó là cái nhìn toàn cảnh bao quát lên cả bàu trời với nhiều đường nét, màu sắc thoáng đạt:
Tầng mây lo lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Bầu trời xanh ngất vẫn luôn là biểu tượng đẹp của mùa thu, có lần Nguyễn Du đã từng viết: “Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Bầu trời xanh trong, cao thắm của “Thu điếu” có sự nhất quán với không gian mây trời của “Thu vịnh” – “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” hay trong “Thu ẩm” với “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Mây trời trong “Thu điếu” không trôi mà “lơ lửng” gợi một cảnh thu đẹp và yên tĩnh như ngưng đọng lại trên khoảng không bao la, rộng lớn. Chiều sâu không gian được cụ thể hóa bằng độ “quanh co” của ngõ trúc. Hình ảnh cây trúc xuất hiện khá nhiều trong thơ của ông, nhìn khái quát nó mang một nét vắng lặng và đượm buồn mà Nguyễn Khuyến đã viết: “Dặm thế ngõ trúc đâu từng ấy/Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Màu xanh của da trời, màu xanh của trúc bao trùm lên sắc màu của không gian. Cảnh vật trở nên u tịch, cô liêu, hiu hắn với tính từ “vắng teo” tức là vắng tanh, vắng ngắt không một bóng người đồng thời cũng cho thấy sự thoáng đãng, trong lành của không gian nơi đây.
Ngõ trúc trong thơ Tam nguyên Yên Đổ lúc nào cũng gợi tả một tình quê nhiều bâng khuâng, man mác:
Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?
(“Nhớ núi Đọi”)
Có lẽ một trong những sự vật quen thuộc với hình ảnh làng quê đó là ngõ trúc và tầng mây. Hai sự vật này đã từng xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. Có vẻ như tác giả đang tự hòa mình và đắm chìm vào trong cảnh sắc nơi đây nên mới có thể miêu tả một cách vô cùng chân thực như vậy được.
Và ở đây, sự tác động của ngoại cảnh làm cho con người không khỏi chạnh lòng mà cô đơn. Nguyễn Khuyến có lần đã từng tự thán về nỗi cô độc của đời mình: “Đời loạn đưa về như hạc độc/Tuổi giá hình bóng tựa mây côi” (“Cảm hứng”).
- Tâm trạng của nhà thơ (Tình thu) (Sáu câu cuối)
“Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”. Mùa thu với những chiếc lá vàng, tiết heo may lành lạnh luôn là niềm cảm hứng bất tận cho tâm hồn thi sĩ. Thu gợi lên những cảm xúc xốn xang và nỗi buồn tinh tế, khiến người ta bất giác nhớ về một thời vang bóng. Lẽ tự nhiên, khi “ngô đồng nhất diệp lạc”, những vần thơ nói về tình thu, cảnh thu luôn khiến ta chìm vào dòng cảm xúc miên man của nỗi buồn thi sĩ.
Trong Đường thi yêu cầu: “Mạch kị lộ, ý kị nông; Thi tại ngôn ngoại” là thước đo giá trị của thi phẩm và tài năng của thi sĩ. Với chùm ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến, có lẽ hai câu kết trong bài: “Thu điếu”, tâm sự của cụ được diễn tả một cách kín đáo và hay hơn cả. Sau sáu câu thơ đầu là sự miêu tả về cảnh vật, về mây trời non nước mùa thu. Đến hai câu kết ta mới thấy sự xuất hiện của con người. Cái ý vị nhất của bài “Thu điếu” nằm ở hai câu cuối:
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Hình ảnh cụ Tam Nguyên Yên Đổ xuất hiện với tư thế ngồi bó gối buông cần thả câu tạo nên một đường nét bất động trên bức tranh thu tĩnh lặng. Nhà thơ ngồi câu cá mà tâm thế như đặt ở nơi nào không chú tâm đến việc câu. “Tự gối ôm cần” là tư thế trầm ngâm suy tư, đồng thời cũng thể hiện tâm thế nhàn nhã của bậc tao nhân mặc khách đã thoát khỏi vòng danh lợi. Nhà thơ dường như đang chìm vào trong thế giới của riêng mình, của những suy tư, trăn trở, bởi vậy nên một tiếng động rất nhỏ như tiếng cá đớp động dưới chân bèo cũng đủ để khiến ngưòi đi câu tỉnh thức và quay trở về thữ tại.
Trong thơ của mình, Nguyễn Khuyến vẫn thường mượn tiếng loài vật để gửi gắm tâm sự sâu kín. Đó là tiếng ngỗng trời:
Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào.
(“Thu vịnh”)
Sự thúc giục của tiếng con chim chích chòe đã làm xao động tâm hồn Nguyễn Khuyến, như thúc giục nhà thơ nên ra về hay nên ở lại:
Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe
Lặng đi kẻo động khách làng quê.
Lại còn giục giã về hay ở
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe.
(“Về hay ở”)
Rõ ràng qua các âm thanh của loài vật kể trên, ta dễ nhận ra tâm sự của nhà thơ hơn là tiếng cá đớp động dưới chân bèo trong bài thơ “Thu điếu”. Tiếng cá đớp mồi ở đây không chỉ là một tiếng thu dân giã, thân quen của làng quê, gợi cho ta một hoài niệm đẹp về đất nước, quê hương mà đằng sau âm thanh đó là cả một nỗi niềm sâu kín, khó tả của nhà thơ. Âm thanh này ít có giá trị miêu tả, mà chủ yếu là sự giãi bày kín đáo tâm sự sâu lắng của nhà thơ, đó là: Yêu nước, thương nhà nhưng bất lực trước thời cuộc. Tiếng cá đớp mồi phải chăng là tiếng gọi của cuộc đời thúc giục cụ Tam nguyên Yên Đổ ra giúp dân, giúp nước.
Hai câu kết của bài thơ Thu điếu, qua hình ảnh người câu cá, qua âm thanh của tiếng cá đớp mồi, ta thấy được tâm sự sâu kín của nhà thơ Nguyễn Khuyến; thấy được sự bất lực của một vị quan triều Nguyễn trước cuộc đời ngang trái; thấy được tấm lòng yêu nước thương dân, cũng như nỗi niềm day dứt, giằng xé trước cái đạo xuất thời – xử thế của một kẻ sĩ.
Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công. Tiếng cá đớp tạo nên chuyển động nhỏ cũng khiến cho nhà thơ giật mình tỉnh giấc tự chiêm bao nó gợi lên sự tĩnh lặng, tĩnh mịch đến vô cùng. Cách hỏi “cá đâu” thật đặc sắc tạo nên sự mơ hồ trong không gian và sự ngỡ ngàng trong lòng của người điếu ngư. Hình ảnh ấy khiến cho ta liên tưởng đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ung dung ngồi uống rượu dưới gốc cây:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Thực ra, câu cá chỉ là cái cớ để Nguyễn Khuyến miêu tả bức tranh thu, qua đó nhà thơ bộc lộ tâm hồn và tâm trạng của mình. Hình ảnh người đi câu cá có thể khiến ta liên tưởng tới con người thi sĩ, nho sĩ trước tình hình đất nước lúc bấy giờ. Theo kinh nghiệm của dân gian nước trong thì không có cá nhưng tiếng cá đớp động chân bèo đã tiếp thêm động lực cho người điếu ngư không nản chí mà tiếp tục công việc của mình. Cũng giống như vậy chính trị nước ta bấy giờ rối ren, thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt mà nhanh chóng thỏa hiệp để hồn nước rơi vào tay giặc. Nhà thơ vì muốn bảo toàn khí tiết nên lựa chọn con đường về ở ẩn noi gương tiền nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cụ Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) bên Trung Quốc một đời quyết giữ để mình thanh sạch. Tuy nhiên, âm thanh cá đớp động như đánh thức nhà Nho, nhà trí sĩ yêu nước như thức tỉnh thôi thúc ông đứng lên đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng âm thanh ấy thật mơ hồ cũng như trăn trở trong lòng nhà thơ liệu rằng mình có thể góp sức giúp đời hay là bất hợp tác với giặc lánh mình ẩn cư.
Như vậy Nguyễn Khuyến không chỉ bộc lộ những tình cảm yêu mến thiên nhiên, quê hương đất nước mà còn kín đáo bày tỏ nỗi buồn trong sáng nhưng cô đơn của một ẩn sĩ, tuy nặng lòng yêu nước nhưng cam phận đành bất lực trước thời thế lựa chọn con đường lánh đục về trong. Đằng sau câu chữ, ta còn nhận ra sự cô đơn cùng nỗi buồn về nhân tình thế thái đang đè nặng lên tâm hồn nhà thơ – một ông quan nhà Nguyễn quyết giữ sự thanh liêm, trong sạch.
Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện lớn nhất và cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Thơ ông là sự kết hợp tài tình giữa tinh hoa văn học bác học với văn học dân gian. “Thu điếu” là một trong những bài thơ hay và đặc sắc với sự thành công của nghệ thuật lấy động tả tĩnh, chấm phá điểm nhãn…trong bút pháp “ý tại ngôn thoại”.
“Thu điếu” cùng với hai bài thơ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đã góp phần làm nên sự phong phú và đặc sắc cho đề tài viết về mùa thu của nền văn học dân tộc với nét đặc trưng là sự tĩnh lặng, thanh bình với những hình ảnh bình dị của làng quê.
- Nghệ thuật
– Cách gieo vần đặc biệt: Vần “eo” (tử vận) khó làm, được tác giả sử dụng một cách thần tình, độc đáo, góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.
– Lấy động nói tĩnh – nghệ thuật thơ cổ phương Đông.
– Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.
- Ý nghĩa văn bản
– Vẻ đẹp bình dị, quen thuộc của cảnh thu điển hình cho cảnh sắc mùa thu của thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ.
– Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến: Ông bỏ lại phía sau lưng lối sống mưu cầu danh lợi để trở về quê “ buông cần bó gối” ngồi câu cá giữa thiên nhiên đất trời. Lối sống thanh nhàn, ẩn dật ấy cũng là lối sống mà nhiều bậc trí giả đương thời lựa chọn để giữ mình thanh cao giữa dòng đời xô bồ, đen tối.
III. Nhận định về tác giả và tác phẩm
- Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam (Xuân Diệu)
- Làng quê Việt Nam đã hiện lên trong thơ với những đường nét tươi sáng, thanh đạm, hồn hậu. Mỗi màu sắc, đường nét, mỗi hình ảnh đều thể hiện tâm hồn của thi nhân. Một nhà thơ yêu quê hương làng mạc đến say đắm và điều không kém phần quan trọng là nhà thơ đủ bút lực và tài hoa để ghi lại quê hương làng cảnh Việt Nam dưới màu sắc của mùa thu và vẻ đẹp của chính tâm hôn thi nhân (Nguyễn Đức Quyền)
- Tâm sự nước non đầy vơi dường như chi phối cả cuộc đời và cảm hứng thơ văn của tác giả. Quý thay Nguyễn Khuyến. (Hoàng Hữu Yên)
- Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ nôm. Mà trong thơ Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh (Xuân Diệu)
5.“Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh” xứng đáng được trao giải nhất trong toàn bộ thơ về làng cảnh Việt Nam (Hoàng Hữu Yên).