Đề bài: Phân tích và cảm nhận bài thơ “Đất nước”– Nguyễn Đình Thi |
Bài viết
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Từ xưa đến nay đất nước, quê hương dường như là những chủ đề chẳng mấy xa lạ, là nguồn cảm hứng bất tận cho cả thơ ca và nghệ thuật. Dù là ai, đi đến đâu hay ở thời điểm nào ta cũng đã từng nghe qua một thoáng những câu nói, câu thơ hay cả những lời ca trong trẻo ngấm vào từ tận đáy tâm can về đất nước xinh đẹp, về nơi ta sinh ra và cũng là nơi ta luôn hướng về. Đến với mỗi một tác phẩm thơ hay viết về quê hương ta đều cảm nhận rõ ràng những tình cảm, gợi nhớ những kỉ niệm quen thuộc gắn bó khăng khít, kí ức về tuổi thơ, giúp ta tự hào về một đất nước nghìn năm văn hiến, một đất nước phong phú, sống động, đẹp đẽ với muôn màu muôn vẻ, giàu tình yêu thương con người. “Đất nước” của thi sĩ Nguyễn Đình Thi cũng là một tác phẩm như vậy, bài thơ đã một lần nữa cho ta một cảm xúc bồi hồi thiết tha về quê hương, bộc lộ niềm yêu và hơn thế là cả niềm tự hào sâu sắc về truyền thống anh hùng bất khuất của đồng bào ta trong năm tháng kháng chiến quyết liệt.
Như Nguyễn Đức Quyền từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Đình Thi say đắm, nhưng không say đắm như Xuân Diệu, say mà tỉnh; có trí tuệ nhưng không trí tuệ như Chế Lan Viên, anh xúc cảm từ nhỡn kiến chứ không phải từ tri thức; có suy tưởng như không suy tưởng như Huy Cận, anh suy tưởng từ hình sắc chứ không phải từ cái vô hình vô ảnh.” Quả thật thơ Nguyễn Đình Thi mang một nét riêng biệt mà độc đáo là một trong những nhà văn tài hoa trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các sáng tác của ông luôn mang đậm dấu ấn cá nhân bởi chiều sâu triết lý đặc trưng, góc nhìn hiện thực mới mẻ, lối gieo vần độc đáo cùng sự kết hợp tinh tế giữa các nền văn hóa đông tây kim cổ. Chủ đề thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Đình Thi bắt nguồn từ cảm hứng vô tận về đất nước và con người thời chiến. Dáng vẻ quê hương được nhìn qua lăng kính của nhà thơ luôn hiện lên với hai mặt đối lập, vất vả đau thương nhưng tươi thắm vô ngần cùng với những cách tân sáng tạo về thể thơ, nhịp điệu, không phải là những niêm luật hà khắc mà hoàn toàn tự nhiên, chân thật. “Đất nước” được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Là một áng thơ xuất phát từ tình yêu mãnh liệt sâu trong cái tim, là những cảm xúc chân thật nhất, tha thiết nhất về quê hương và cuộc sống, suy ngẫm trong những năm tháng kháng chiến và cả những cảm xúc trân trọng, yêu thương của tác giả dành cho đất nước thân yêu. Tác phẩm mở ra với bức tranh mùa thu đất nước xuất phát trong hoài niệm của tác giả:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Thi nhân đứng trước mùa thu Việt Bắc của hiện tại và hồi tưởng về mùa thu Hà Nội trong quá khứ. Mùa thu với hình ảnh trong lành, mát trong của sáng sớm, cái cảm giác se se lạnh của gió mùa thu mang theo hương cốm, mang theo đặc trưng của mùa thu Hà Nội, tác giả khiến người đọc cảm nhận một mùa thu quen thuộc, một mùa thu xưa đẹp đẽ. Những hoài niệm dù xưa cũ nhưng đều bị những tình cảm sâu kín vì một chút thay đổi nhỏ của đất trời mà trở lại và tuôn trào mãnh liệt. “Nhớ” – một trạng thái cảm xúc dồi dào thấm đẫm hương vị tình yêu, xuất phát từ một trái tim nhạy cảm, nồng nàn của thi sĩ, nhìn thấy dấu hiệu của mùa thu đến đã vội vã nhớ về những năm tháng xưa cũ kia ở Hà Nội. Nguyễn Đình Thi đang nhớ, “tôi nhớ những mùa thu đã xa” – câu thơ giống như một bản lề, chuyển hướng, đẩy tâm sự người đọc hướng về hiện tại:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Nguyễn Đình Thi một lần nữa nhắc lại hình ảnh “sáng”, một buổi sáng chớm lạnh của Hà Nội hiện tại đẹp mà buồn, gợi bao sự thương nhớ. Cái tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua câu chữ “trong lòng Hà Nội” một nỗi nhớ nhung khắc khoải đến ám ảnh. Hình ảnh về một “Con phố dài” mà “xao xác hơi may” tạo nên một khung cảnh ấn tượng, một nét tinh tế khi nhà thơ đã muốn bật lên đặc trưng của Hà Nội với những con phố giờ đây vì mùa thu đến mà trở nên xao xác, ảo não, hiu quạnh, vắng vẻ. Việc sử dụng hình ảnh con phố kết hợp từ láy lại càng nổi bật lên sự hun hút, sâu thẳm của đất trời càng bật ra tâm trạng cũng như nỗi tâm sự đong đầy của tác giả. Câu thơ thứ ba xuất hiện thay đổi đột ngột mạch cảm xúc, “người ra đi” mà đầu không ngảnh, đó là một sự kiêu hãnh, một sự quyết tâm với chí lớn của mình, chí lớn non sông nhưng đột nhiên lại còn mang tâm sự còn đang lưu luyến về cái đất mà mình đã từng sinh ra lớn lên và nung nấu biết bao ước mơ kỉ niệm, câu thơ cuối bật ra thể hiện một tình cảm sâu lắng, trực tiếp, cảm xúc và cũng thật đẹp, thật nhẹ nhàng. Bức tranh thu Hà Nội chứa nhiều vẻ đẹp khiến cho bao người ở hay đi đều lưu luyến khó quên, dù có đi đâu về đâu một đoạn tình cảm đã khắc sâu thì khó bao giờ phai nhạt.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Mùa thu của hiện tại đã khác, là mùa thu cách mạng, mùa thu độc lập vui tươi, phấn chấn, ta có thể thất rõ tiếng reo vui hớn hở của tác giả, đứng trước đất trời cảm nhận được sự chuyển biến của muôn loài muôn vật, một mùa thu của tự do hạnh phúc, mùa thu cách mạng tươi đẹp, sôi nổi. Không gian nghệ thuật dịch chuyển từ những phố dài xao xác buồn bã sang không gian núi rừng tươi mới, tràn đầy sức sống với những âm thanh ngân nga, vang vọng trạng thái nhân vật trữ tình vui vẻ, hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật. Nhịp thơ ở đoạn này nhanh hơn, mạnh mẽ và rộn ràng hơn. Nó như một khúc ca ngợi ca niềm vui sự hưng phấn về một hiện tại viên mãn. Giữa những câu sáu chữ, bảy chữ dài ngắn không đều lại càng làm cho nhịp điệu thơ thêm rộn ràng độc đáo với những biến chuyển ngập ngừng và xúc động khôn xiết của tâm trạng.
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Điệp cấu trúc “của chúng ta” được lặp lại trong niềm hân hoan như vang lên trong cảm xúc nồng cháy của của tác giả. Đây thể hiện một niềm tự hào vô bờ đối với đất nước, ý thức về quyền làm chủ đất nước, nhân dân và cả những người chiến sĩ trong những năm kháng chiến ác liệt đã phải hi sinh rất nhiều, họ bỏ mồ hôi, công sức và ngay cả máu thịt để mong sau đất nước mà họ yêu thương và hướng đến sẽ thật sự độc lập và hạnh phúc, giờ đây họ đang tân hưởng đang gặm nhấm, thu lại cảnh trời trong tầm bắt, đang ôm trọn đất nước tươi đẹp mà họ muốn bảo vệ, giờ đây họ hoàn toàn được nắm trọn những khoảnh khắc tuyệt vời ấy và reo lên tiếng ca vui mừng cùng mọi người. Ở cuối đoạn thơ, từ câu thơ ba chữ cô đọng và trang nghiêm “Nước chúng ta”, độc giả được dẫn dắt vào mạch suy tư về truyền thống anh hùng của đất nước:
Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Nước chúng ta vẫn thế, vẫn là một đất nước xinh đẹp nhất, vẫn là nước có những con người quật cường, không bao giờ chịu khuất phục, một lòng hướng về tổ quốc về cuộc sống tươi đẹp trên mảnh đất xinh đẹp ấy. Hai chữ “rì rầm” làm câu thơ trở nên giàu ấn tượng, khiến cho khái niệm “tiếng nói ông cha” vẫn thường quen nói bớt vẻ trừu tượng, mơ hồ để trở nên sống động cụ thể.
Tiếp đó là những hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến: từ trong đau thương, căm hờn đã đứng lên bất khuất, anh hùng từ từ được hiện ra:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quần nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Tác giả nhớ về những ngày đất nước chìm trong máu và nước mắt “những cánh đồng quê chảy máu”, “dây thép gai đâm nát trời chiều”, đều là những ngày đau đớn khổ cực, đồng bào ta ngày đem chịu những bất công, khổ hạnh, bi kịch phải xa gia đình, xa người thân, xa người yêu cứ dần vây lấy, khiến cho mọi vất vả khổ cực thăng cấp gấp trăm lần
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da…
Nhà thơ lần lượt nêu lên tội ác của giặc bằng những hình ảnh giàu tính khái quát chính kẻ thù đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ta. Lên tiếng vạch trần và tố cáo những thế lực tàn ác đã đẩy những con người vô tội đáng thương phải chịu thiệt thòi thậm chí bất công, bất hạnh mà tước đi quyền tự do, quyền được sống hạnh phúc. Những câu thơ tràn ngập cảm xúc đau thương sâu lắng. Thơ của Nguyễn Đình Thi không chỉ giàu hình ảnh mà đầy ắp tính nhạc và hội hoạ. Các hình ảnh thơ mang giá trị hiện thực cao, sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc gợi ra một nỗi đau khôn cùng. Vẻ đẹp bình yên của làng quê đã bị lãng quên, cái yên ả của không gian không còn. Thay vào đó là hình ảnh dây thép gai với tội ác chồng chất của kẻ thù và cánh đồng máu đầy sự đau thương. Câu thơ diễn tả sự khốc liệt của chiến tranh và tội ác ghê ghớm của quân thù, bộc lộ một nỗi đau lên đến tận cùng. Nỗi đau càng lớn, niềm căm thù càng sâu sắc.
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Tiếp đó ta có thể thấy rõ hình ảnh của người chiến sĩ ra trận từ trong đau thương, đã quyết tâm nung nấu một ý chí mạnh mẽ. “Lòng dân ta yêu nước thương nhà” – nhà thơ đã khẳng định rõ tình yêu đối với đất nước vốn thiêng liêng và càng đáng trân trọng hơn khi là cả toàn dân cùng đoàn kết cùng đồng hành hợp sức để chiến đấu đến cùng. Những câu thơ bật ra là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất hiện thực và chất lãng mạn. Vẽ nên hình ảnh sống động của người lính kiên cường bất khuất, lại vừa sâu lắng và lãng mạn của bài thơ. “Ánh bình minh” vẫn soi chiếu trên từng bước ta đi và soi sáng cho cả lí tưởng mạnh mẽ sục sôi của đoàn người tiến về phía trước. “xiềng xích” hay “súng đạn” chẳng nền hà gì với một lòng quyết tâm dành lại độc lâp. Đặc biệt ở hai câu cuối cho ta thấy càng rõ sức mạnh cùng sự kiên cường của nhà thơ nói riêng cũng như chiên sĩ nói chung, chúng ta đều là những đứa con của đất nước, dù khó khăn, dù xuống núi đao biển lửa cũng luôn giữ đôi chân kiên cường đứng lên cùng một ý chí mạnh mẽ vượt mọi sóng gió. Một “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đã cho ta cái nhìn rõ ràng về một công dân yêu nước, thôi thúc cho ta những cảm xúc chân thật nhất, niềm thương và trân trọng những năm tháng độc lập tự do mà ông cha ta trong năm tháng kháng chiến đã dùng công sức của mình để đổi lấy tác giả đã hình tượng hóa được truyền thống anh hùng của đất nước thành một hình ảnh đầy sức sống, đầy mạnh thầm lặng, thiêng liêng và vững bền muôn thuở, trở thành nhịp đập của con tim lịch sử Việt Nam bất khuất anh hùng bằng cách thức nghệ thuật độc đáo, nhịp điệu, hình ảnh thơ sáng tạo, ngôn ngữ thơ lắng đọng, cô đúc, sử dụng sáng tạo, phong phú các biện pháp tu từ cho người đọc thật sự có cái nhìn toàn diện ấn tượng về mặt nội dung lẫn hình thức.
“Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức.” “Đất nước” thật sự là một thi phẩm đáng để ta cảm nhận và trân trọng, nó bao trọn những nét đẹp của quê hương đất nước đáng để ta tự hào, một lòng giữ trọn những tinh hoa, chiến công anh hùng bất khuất của dân tộc, cho đến ngày nay Nguyễn Đình Thi vẫn xứng đáng với cái danh “nghệ sĩ đa tài của nền văn học kháng chiến”.