2017 Đề nguồn DHBB K11 CHuyên Vĩnh Phúc – ĐỀ VĂN 11 DHBB 2017

 TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC

ĐỀ ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI HSG KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ X NĂM 2017

MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề.

 

 

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Alexander là một người thông minh theo học với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy:

– Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì.

Aristotle hỏi:

– Rồi sao nữa?

Alexander suy nghĩ:

– Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an.

Aristotle mỉm cười:

– Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?

(Theo Hành trình về phương Đông – Blair T. Spalding)

Câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về cuộc sống?

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertold Brecht cho rằng: Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người. 

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua hai bài thơ Thương vợ của Tú Xương và Tương tư của Nguyễn Bính, hãy làm sáng tỏ.

————-Hết————-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:………..…….…….….…………. Số báo danh:……………………

 

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT THI HSG KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ X NĂM 2017

MÔN: NGỮ VĂN 11

 

 

 

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 

Ý Nội dung Điểm
1 Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề 0,5
2 Giải thích ý kiến 1,5
  – Lời tâm sự của Alexander với thầy: Con sẽ chiến thắng Ai cập và Thổ Nhĩ Kì. Đó là những khao khát, tham vọng lớn lao của con người trong cuộc sống. Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an là mục đích cuối cùng Alexander muốn đạt tới – được hưởng hạnh phúc, bình an. Lời khuyên của thầy Aristotle: Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không? Mục đích bé nhỏ ấy có thể thực hiện ngay bây giờ thì tại sao lại phải đi kiếm tìm ở đâu xa.

– Câu chuyện gợi ra cho mỗi người bài học quý giá và sâu sắc về cuộc sống: Đừng nên mải chạy theo những tham vọng lớn lao trong cuộc đời mà quên đi những hạnh phúc bình dị xung quanh mình.

0,75

 

 

 

 

0,75

3 Bàn luận, mở rộng vấn đề 5,0
  – Mỗi con người đều nuôi dưỡng những khát khao, tham vọng cho đời mình và mong ước thực hiện chúng bằng mọi cách. Những tham vọng lớn có thể giúp con người đi đến thành công, mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

– Mục đích sau cùng của đời người chính là để đạt đến một ước vọng: hạnh phúc. Hạnh phúc là ở ngay trong hiện tại, rất giản dị, gần gũi xung quanh cuộc sống chúng ta. Khi trạng thái tinh thần thoải mái, trong lòng nhẹ nhàng, thanh thản là lúc con người có được an vui, hạnh phúc. Hạnh phúc có thể được tìm thấy trong từng phút giây ta sống.

– Khi quá mải mê chạy theo tham vọng, con người có thể vô tình bỏ quên những hạnh phúc mình đang có. Họ đã lãng phí, đánh mất thời gian, sức khỏe, quên đi bản thân, gia đình, thậm chí dùng mọi thủ đoạn, đánh đổi nhân cách, mạng sống, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh… để cuối cùng nhìn lại mới thấy tiếc nuối, xót xa, ân hận, có khi phải trả giá đắt cho những tham vọng không cùng.

– Con người luôn gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế… Trong cuộc sống, đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Hãy tìm những niềm vui bình dị, sống sao để có được cảm giác hạnh phúc cho mình và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.

– Phê phán những kẻ chạy theo tham vọng cá nhân bằng mọi giá và những kẻ sống vô tâm, lười biếng, không mục đích.

0,75

 

 

1,0

 

 

 

1,25

 

 

 

1,0

 

 

1,0

4 Bài học nhận thức và hành động 1,0
  – Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống mỗi người là những hạnh phúc bình dị, thiết thực ngay bên cạnh mình chứ không phải là việc theo đuổi những tham vọng không phút giây ngừng nghỉ. Hãy thực hiện tham vọng khi nó mang đến những lợi ích thiết thực cho bạn và những người xung quanh, đừng để đánh mất những hạnh phúc thực sự trong cuộc sống

– Tạo được sự cân bằng, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa đời sống cá nhân và xã hội, biết cảm nhận niềm an vui trong hiện tại…chính là niềm hạnh phúc và cũng là khát vọng đích thực mà mọi người hướng tới.

0,5

 

 

 

0,5

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 

Ý Nội dung Điểm
1 Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề 0,5
2 Giải thích 4.0
  * Cắt nghĩa ý kiến:

Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc: giá trị của thơ ca không chỉ tạo ra những nét đẹp “kì bí”, không chỉ là sự trau chuốt ngôn từ hay tạo ra vẻ đẹp mới lạ về hình thức.

Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc: giá trị lớn nhất của tác phẩm thơ ca chính là cái đẹp chân thực, mộc mạc, gần gũi với đời thường. Là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người: cái đẹp giản dị của thơ ca sẽ soi sáng tâm hồn con người, mang lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống.

=> Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertold Brecht đã đưa ra một trong những tiêu chí quan trọng đối với tác phẩm thơ hay: chân thực, dung dị cả về nội dung lẫn hình thức. Đó chính là một trong những điều quan trọng làm nên giá trị, sức mạnh của thơ ca.

 

0,5

 

 

0,5

 

 

 

1,0

* Lí giải ý kiến:

Ý kiến của Bertold Brecht đúng đắn và xác đáng vì:

– Xuất phát từ quy luật sáng tạo của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng: Văn học bắt nguồn từ hiện thực đời sống, từ những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc của cuộc đời, của số phận cá nhân con người. Vì thế, cái hay của một tác phẩm văn học, một bài thơ được tạo nên từ chính cái đẹp chân thực, mộc mạc, dung dị, gần gũi với đời thường, thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ không như thứ rượu quỳnh tương, nấu lâu, cất kĩ, rót ra chén ngọc rồng mà như nước suối thiên nhiên chảy ra trong mát nơi khe núi. (Phạm Thế Ngũ).

– Xuất phát từ đặc trưng của thơ trữ tình: Sự chân thực, giản dị của cảm xúc và ngôn ngữ là một đặc tính cơ bản của thơ: cảm xúc nảy nở từ lòng thi nhân một cách chân thành, thắm thiết; câu chữ không cần trau chuốt hay “thần bí hóa”; ngôn ngữ dễ hiểu, cô đúc, trong sáng.

– Xuất phát từ chức năng của văn học, trong đó có thơ ca: Thơ khởi nguyên là sự lên tiếng của trái tim, là sự rung động tâm hồn của nhà thơ nhưng trở thành tiếng lòng chung của muôn người, tiếng gọi đàn, thành tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình với người đọc, thơ là một ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng, là ánh sáng mạnh mẽ hướng con người đến vẻ đẹp của chân, thiện, mĩ.

 

 

 

0,75

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

0,5

3 Chứng minh 6,0
  a. Bài thơ Thương vợ của Tú Xương  
* Nội dung:

– Sự chân thực, dung dị thể hiện ở chất trữ tình, chất tự trào hóm hỉnh và những cung bậc của tình yêu thương dành cho người vợ của nhà thơ. Qua cái nhìn vừa trân trọng vừa xót xa, chân dung bà Tú hiện lên hoàn chỉnh. Bên cạnh hình ảnh bà Tú với những nỗi vất vả, gian truân trong cuộc sống là một bà Tú với những đức tính cao đẹp: đảm đang, tháo vát, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con, giàu đức hi sinh thầm lặng. Hình ảnh bà Tú trong thơ Tú Xương mang vẻ đẹp điển hình của người phụ nữ Việt Nam.

– Đằng sau lời tự trào là cả một tấm lòng yêu thương, quý trọng, tri ân vợ của Tú Xương. Qua những lời tự trào, tự trách, thậm chí tự xỉ vả bản thân, ta thấy được tâm sự và nhân cách của Tú Xương: một nhà nho đầy tự trọng trong sáng, vị tha khi ông từ bỏ vẻ cao đạo của thói thường để thấu hiểu cuộc sống đời thường và sẻ chia, cảm thông với vợ. Đó là một người đàn ông có tâm, có ý thức, trách nhiệm.

– Từ hoàn cảnh riêng, Tú Xương lên án thói đời bạc bẽo nói chung. Đây chính là ý nghĩa xã hội chân thực của bài thơ.

1,5
* Nghệ thuật:

Vẻ đẹp giản dị được biểu hiện ở màu sắc dân gian từ đề tài cho đến bút pháp. Sự kết hợp giữa giọng điệu trữ tình và giọng điệu trào phúng thâm thúy một cách tự nhiên đã thể hiện rõ phong cách thơ Tú Xương: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc

– Sử dụng tiếng Việt giản dị, tự nhiên, giàu sức biểu cảm: Cả tám câu thơ không có từ nào cầu kì, khó hiểu. Tất cả đều gần gũi, quen thuộc như lời nói trong cuộc sống thường ngày. Sử dụng thành ngữ dân gian, cách nói khẩu ngữ: tiếng chửi được sử dụng rất tự nhiên mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

– Tiếp thu một cách có sáng tạo hình ảnh trong thơ ca dân gian (hình ảnh con cò, thân cò) để xây dựng hình tượng người phụ nữ vừa mang vẻ đẹp truyền thống lại vừa có những nét riêng độc đáo.

1,0
* Thương vợ của Tú Xương là bài thơ soi sáng tâm hồn con người, mang lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống. Bài thơ giúp người đọc thấy được vẻ đẹp đáng trân trọng của bà Tú nói riêng và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam nói chung, đồng thời, thấy được vẻ đẹp nhân cách của nhà nho chân chính – Tú Xương. Bên cạnh đó, bài thơ có tác dụng bồi đắp những tình cảm tốt đẹp cho con người: biết thấu hiểu, tri ân trong cuộc sống. 0,5
b. Bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính  
* Nội dung:

–  Sự dung dị thể hiện ở tiếng nói tình yêu đơn phương chân thực, mộc mạc mà không kém phần mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Điều này được thể hiện qua việc nhà thơ dựng lên khung cảnh làng quê Việt nam với những hình ảnh gần gũi, thân quen như cây đa, bến đò, mái đình, vườn trầu, hàng cau…

– Trên nền bức tranh khung cảnh ấy là cả một dòng tâm trạng tương tư với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen và hơn tất cả là niềm khát khao được người mình yêu đáp lại, thấu hiểu để có được tình yêu trọn vẹn, khát khao chung tình, hướng đến hôn nhân.

– Tương tư là một bài thơ hay viết về tình yêu – một thứ tình yêu trong sáng, đơn phương và rất mãnh liệt. Hồn quê Việt thấm đượm trong từng dòng thơ, thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ đối với những nét đẹp văn hóa dân gian.

1,5
* Nghệ thuật: Mặc dù có những nét độc đáo, mới mẻ của Thơ mới, nhưng bao trùm cả bài thơ là sự dung dị được biểu hiện qua thể thơ lục bát mang đậm phong vị ca dao; tâm trạng của nhân vật trữ tình được phô diễn một cách chân thành, mộc mạc, da diết qua cách nói truyền thống gần gũi với dân gian; nghệ thuật tạo hình ảnh độc đáo; chất liệu ngôn từ chân quê đậm chất dân gian; nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. 1,0
* Với thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc, sự xuất hiện của Tương Tư giữa phong trào Thơ mới vốn đầy ắp sự cách tân, đổi mới đã thực sự làm lay động tâm hồn người đọc, giúp ta hiểu được hồn thơ của Nguyễn Bính (tìm về chân quê như một chốn bình yên trong tâm hồn). Bài thơ cho ta cảm nhận vẻ đẹp của những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đơn phương, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước. 0,5
4 Đánh giá, nâng cao vấn đề 1,5
   Ý kiến của Bertold Brecht cho ta hiểu thêm về giá trị và cái đẹp của thơ ca đích thực. Bài thơ Thương vợ của Tú Xương và Tương tư của Nguyễn Bính chứa đựng vẻ đẹp giản dị và có cảm xúc chân thành, đó là yếu tố tạo nên giá trị độc đáo cho hai thi phẩm. Hai bài thơ là những minh chứng tiêu biểu cho ý kiến của Bertold Brecht.

– Nhà thơ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác những tác phẩm có giá trị, tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người. Người đọc phải cảm nhận được vẻ đẹp chân thực, mộc mạc, giản dị của tác phẩm văn chương mới thấy hết được giá trị đích thực của một tác phẩm văn học chân chính.

 

0,75

 

 

 

0,75

 

————- HẾT ————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *