Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải chuyên Hạ Long tỉnh Quảng Ninh

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

     ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

THI HSG CHUYÊN DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2018

Môn: Ngữ văn 11

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian chép đề)

 

Câu 1 (8 điểm):

Trên trang bìa một cuốn sách của mình, diễn giả Trần Đăng Khoa viết:

Cuộc đời có một bầu trời, còn ta có một đôi cánh.

Từ ý kiến trên, hãy chia sẻ về đôi cánh giúp anh (chị) bay  giữa cuộc đời.

 

Câu 2 (12 điểm):

Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng:

Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời.

Qua phân tích các truyện ngắn: Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chí Phèo (Nam Cao), anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

————————–Hết————————–

 

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh: ………………………………………………………… Số báo danh:………

  Chữ kí của cán bộ coi thi 1: …………….……. Chữ kí của cán bộ coi thi 2: ………….………….

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG

CHUYÊN DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2018

Môn thi: Ngữ văn

(Hướng dẫn này có 04  trang)

  1. Hướng dẫn chung:

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa mỗi phần khi bài viết đảm bảo cả yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng số điểm của mỗi ý và được thống nhất trong hội đồng chấm thi.

– Điểm toàn bài là 20 điểm, chi tiết đến 0,25 điểm, không làm tròn.

  1. Đáp án và thang điểm:
CÂU MỘT SỐ GỢI  Ý CHÍNH ĐIỂM
1

(8,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng

Học sinh viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội theo hướng mở. Biết vận dụng phối hợp các thao tác lập luận và các phương thức biểu đạt, huy động được dẫn chứng phong phú từ thực tế đời sống và trải nghiệm của bản thân để bài viết thuyết phục.

Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Hành văn lưu loát, trong sáng, chuẩn xác, có cảm xúc.

 
2. Yêu cầu về kiến thức

Bài làm cần đạt được các nội dung cơ bản sau:  

 
2.1. Suy nghĩ về ý kiến của Trần Đăng Khoa

a. Giải thích

Học sinh giải thích từ ngữ, hình ảnh để hiểu: Ý kiến khẳng định, khích lệ con người cần có sức lực, năng lực, nỗ lực, khát vọng, niềm tin… – đó là những động lực, sức mạnh để vươn tới tầm cao, xa giữa cuộc đời rộng lớn và nhiều thử thách.

b. Bình luận

Học sinh khẳng định ý kiến đúng đắn, sâu sắc, tích cực, vì:

– Cuộc đời rộng lớn, mênh mông, nhiều thử thách.

– Con người luôn có khát vọng chinh phục những thử thách, vươn tới những tầm cao, xa.

– Sức lực, năng lực, nỗ lực, khát vọng, niềm tin… chính là đôi cánh, là động lực, sức mạnh chủ yếu giúp mỗi người vượt qua những trở lực, vươn tới những tầm cao xa.

– Cần nỗ lực cất cánh để khám phá, khẳng định chính mình.

– Bên cạnh đó, cũng cần những trợ lực để giúp mỗi người có thể bay cao, bay xa như điều kiện sống, sự dìu dắt, nâng đỡ của cha mẹ, thầy cô, bạn bè…

(Học sinh dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích, làm sáng tỏ suy nghĩ của bản thân)

 

2,0

 

 

 

5,0

 

2.2. Chia sẻ suy nghĩ của bản thân về đôi cánh giúp anh (chị) bay giữa cuộc đời

Học sinh được tự do chia sẻ suy nghĩ riêng gắn với quan niệm, trải nghiệm của bản thân, song phải đúng đắn, sâu sắc, tích cực, phù hợp.

Ví dụ: đôi cánh có thể là tri thức, khát vọng, mơ ước hướng tới những điều tốt đẹp (tình yêu, hạnh phúc, thành công, sự cống hiến, …), cần nỗ lực cất cánh, quyết tâm, đam mê, sáng tạo để đạt được những điều tốt đẹp đó…

5,0
2

(12,0 điểm)

 

1. Yêu cầu về kĩ năng

– Làm đúng kiểu bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận và cảm thụ văn chương để làm sáng tỏ vấn đề.

– Đánh giá cao những bài biết lập ý sáng rõ, mạch lạc; lập luận thuyết phục; hành văn lưu loát, trong sáng, có cảm xúc.

 
  2. Yêu cầu về kiến thức

Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

 
2.1. Giải thích

– Nhận định bày tỏ quan niệm, yêu cầu đối với một truyện ngắn hay:

+ là chứng tích của một thời: phản ánh chân thực hiện thực thời đại, đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, con người đương thời (bản chất hiện thực, số phận con người, nỗi trăn trở nhân sinh…)

+ là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời:  tác phẩm đặt ra, chạm tới được những chân lí giản dị – những vấn đề bình dị nhưng đúng đắn, là cốt lõi, bản chất, mang tính quy luật phổ quát, lâu dài của nhân sinh muôn thuở.

Truyện ngắn hay là những tác phẩm hài hòa hai giá trị: vừa soi bóng thời đại, ghi dấu những vấn đề lớn, cốt lõi của thời đại – vừa có ý nghĩa lâu dài, chạm đến những chân lí bình thường, phổ quát, muôn đời..

2,0
2.2. Bình luận  
a. Cơ sở lí luận: Đây là nhận định đúng đắn, sâu sắc, đặt ra yêu cầu tất yếu đối với một tác phẩm có giá trị và sức sống lâu dài.

– Đặc trưng về đối tượng phản ánh của văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng là khám phá, miêu tả, soi bóng thời đại mà nó ra đời: hiện thực cuộc sống, đời sống con người, đặt ra những vấn đề nhân sinh phong phú, phức tạp…

– Đặc trưng của truyện ngắn: thể loại tự sự cỡ nhỏ, dung lượng ngắn, thường chỉ kể về một tình huống đặc biệt của đời sống, với số lượng không nhiều các nhân vật, tình tiết, chi tiết, qua đó gửi gắm những thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Truyện ngắn hay phải là những tác phẩm kết tinh hài hòa hai giá trị:

+ là chứng tích của một thời: tác phẩm phải phản ánh được bức tranh sâu rộng về hiện thực thời đại, xây dựng được những chân dung nhân vật vừa chân thực vừa điển hình của thời đại, đặt ra được những vấn đề cốt lõi, quan trọng, bức thiết nhất đương thời. Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời (Tô Hoài)

+ là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: khi tác phẩm chạm đến được chiều sâu của hiện thực, đặt ra được một hoặc nhiều vấn đề tuy giản dị, bình thường nhưng là bản chất, cốt lõi, có tính quy luật, là chân lí phổ quát muôn đời.

2,0
à Khi đó, tác phẩm là kết quả của sự gắn bó, trăn trở sâu sắc với thời đại và nhân sinh, thực sự có giá trị và sức sống lâu dài.

– Giá trị và sức sống ấy chỉ có được khi tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao: tuy dung lượng ngắn, tình huống độc đáo, nhân vật không nhiều, chi tiết cô đúc … nhưng có độ dồn nén, hàm súc, khả năng khái quát, điển hình.

 
  b. Cơ sở thực tế – làm sáng tỏ qua phân tích các truyện ngắn: Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chí Phèo (Nam Cao).

Thí sinh làm sáng tỏ nhận định qua các dẫn chứng diện và điểm, trong đó đi sâu phân tích cụ thể hai truyện ngắn được nêu ở đề bài.

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, song cần bám sát định hướng của đề, cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

 
  * Truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

– Tác phẩm là chứng tích của một thời:

+ Truyện kể, tả về diễn biến tâm trạng hai đứa trẻ trong một buổi chiều tàn đến đêm xuống và về khuya trên một phố huyện nhỏ, từ đó mở ra  bức tranh cuộc sống triền miên trong đói nghèo, tăm tối, quẩn quanh của phố huyện nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945;

+ Truyện làm hiện lên những mảnh đời nơi phố huyện, tuy mỗi nhân vật một vài nét chấm phá nhưng đủ cho người đọc hình dung những cuộc đời chìm trong đói nghèo, tăm tối, những kiếp sống mờ mờ nhân ảnh, đơn điệu, buồn chán, quẩn quanh..

+ Qua đó, nhà văn Thạch Lam vừa bộc lộ niềm thương cảm, xót xa vừa gửi gắm sự trân trọng, nâng niu với những con người tuy chìm trong đói nghèo, tăm tối, quẩn quanh nhưng tâm hồn luôn nhạy cảm, nhân ái và chưa bao giờ nguôi hi vọng về một thế giới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Tinh thần nhân đạo này là kết quả của sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, về ý nghĩa sự sống của con người trong đời sống và văn học những năm đầu thế kỷ XX.

– Tác phẩm còn là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: học sinh có thể chọn phân tích một trong những vấn đề mang giá trị chân lí giản dị của mọi thời trong thiên truyện:

+ Nỗi khổ lớn nhất của con người không chỉ là sự đói nghèo về vật chất mà là sự buồn chán, đơn điệu, quẩn quanh của đời sống tinh thần.

+ Dù cuộc sống lay lắt, tăm tối, quẩn quanh, dù mong manh thì con người vẫn không nguôi hi vọng, tha thiết đợi chờ, hướng tới một thế giới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Sự nhạy cảm, nhân ái, giàu hi vọng của con người chính là chất thơ, vẻ đẹp muôn đời để cuộc sống không chìm hẳn trong tăm tối, tuyệt vọng.

3,0
  * Truyện Chí Phèo (Nam Cao)

– Truyện ngắn Chí Phèochứng tích của một thời:

+ Qua câu chuyện về làng Vũ Đại, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam nghèo đói, xơ xác, mâu thuẫn giai cấp gay gắt, bọn thống trị tàn bạo, thâm độc đẩy người nông dân vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, đến bước đường cùng, hoặc để yên thân thì trở nên vô cảm với bi kịch của đồng loại.

+ Truyện xây dựng thành công những nhân vật vừa sống động, cụ thể vừa tiêu biểu, điển hình, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo – hiện tượng khái quát, có tính quy luật cho tình trạng tha hóa bi thảm, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân nói riêng, con người nói chung trong xã hội đương thời.

+ Qua đó, Nam Cao gửi gắm thông điệp mang tinh thần nhân đạo sâu sắc của thời đại: nỗi xót xa trước bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền làm người, lòng tin vào sự bất diệt của nhân tính và sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh của nhân tình trong một xã hội bạo tàn, vô nhân đạo.

– Tác phẩm còn là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: học sinh có thể chọn phân tích một trong những vấn đề mang giá trị chân lí giản dị của mọi thời trong thiên truyện:

+ Bi kịch đau khổ nhất của con người không chỉ là bị bần cùng hóa, bị đe dọa bởi đói nghèo, áp bức bất công, mà là sự tha hóa, bị hủy hoại nhân hình và nhân tính đến mức thành kẻ lưu manh, thành con quỷ dữ. Đây là bi kịch bi thảm không chỉ của một thời mà còn của muôn đời.

+ Niềm tin vào sự bất diệt của nhân tính và sức mạnh cảm hóa của nhân tình mộc mạc, chân thành: nhân tính của con người không dễ gì bị hủy diệt, bản tính hiền lành lương thiện và khát vọng hướng thiện khi gặp nhân tình sẽ thức tỉnh và bất diệt; tình người, sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương mộc mạc, chân thành sẽ có sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh để phần người hồi sinh.

3,0
  2.3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Nhận định chủ yếu khẳng định giá trị, vẻ đẹp, sức sống của thể loại truyện ngắn ở phương diện ý nghĩa nội dung tư tưởng, song cũng cần nhắc tới những yêu cầu, phẩm chất về nghệ thuật của thể loại: dựng chuyện, kể chuyện hấp dẫn; xây dựng nhân vật; lựa chọn sáng tạo chi tiết, giọng điệu, lời văn…

– Ý kiến được nêu cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

+ Đối với người sáng tác: phải gắn bó, hiểu biết sâu sắc, trăn trở và nói lên những vấn đề thiết cốt nhất của thời đại để tác phẩm của mình thực sự là chứng tích của một thời; đồng thời đào sâu vào những vấn đề bản chất, chân lí của nhân sinh để tác phẩm có ý nghĩa và sức sống lâu dài, vượt tầm thời đại.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận, trân trọng giá trị của những tác phẩm hay giúp ta hiểu sâu rộng hơn về cuộc sống, con người một thời và thấy được ý nghĩa của tác phẩm với muôn đời, muôn người, trong đó có chúng ta và thời đại mình đang sống.

2,0
Tổng số điểm 20,0

GV ra đề: Nguyễn thị Châm

Điện thoại: 01696857899

——————— Hết———————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *