SỞ GD – ĐT QUẢNG NAM
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ THÁNH TÔNG ——————– (HDC gồm 04 trang) |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI, NĂM HỌC 2017 – 2018
HƯỚNG DẪN CHẤM: NGỮ VĂN 10 Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục để làm sáng tỏ yêu cầu của đề.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, không mắc các loại lỗi.
- Yêu cầu về kiến thức:
Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được các ý cơ bản sau:
- Giải thích:
– “Một cái bàn, tập giấy, cây viết”: Là những vật dụng cần thiết để làm việc.
– “và… một thùng rác thật to để chứa những sai lầm của tôi”: nghĩa là trong quá trình làm việc, Albert Einstein biết chắc chắc mắc rất nhiều sai lầm, thất bại.
=> Câu nói của Albert Einstein đã gợi ra những suy nghĩ về nhiều vấn đề trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc. Đó là điều kiện để làm việc và tinh thần, thái độ đối với những sai lầm thất bại.
- Bàn luận:
– Để thực hiện công việc, con người luôn cần những phương tiện. Thế nhưng phương tiện không phải là yếu tố quyết định sự thành bại của công việc mà quan trọng nhất là tinh thần làm việc: niềm đam mê, óc sáng tạo…
– Trong công việc, con người con người không thể hoàn toàn tránh được những sai lầm, thậm chí phải trải qua rất nhiều sai lầm rồi mới thành công.
– Đa số con người thường sợ sai lầm. Và không ít người không nhận thức được sai lầm của mình, có người gục ngã trước những sai lầm, thất bại.
– Nếu có cái nhìn tích cực, những sai lầm lại là những bài học sâu sắc, thiết thực nhất, có vai trò to lớn và ý nghĩa sâu sắc đối với sự thành công.
– Cần hạn chế tối đa những sai lầm, nhất là những sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, cộng động xã hội.
- Rút ra bài học, liên hệ bản thân.
– Cần có tinh thần làm việc tích cực bằng tất cả nhiệt huyết, niềm đam mê, óc sáng tạo, không quá đòi hỏi, câu nệ vào những phương tiện vật chất.
– Cần nhận thức rõ những sai lầm của bản thân, sẵn sàng đối diện với nó và biết cách khắc phục để đạt được những thành công.
III. Biểu điểm:
– Điểm 7- 8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.
– Điểm 5- 6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 3- 4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1- 2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
Câu 2 (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm bài nghị luận văn học; hiểu và giải quyết những vấn đề lí luận về quá trình sáng tạo của nhà văn và chức năng, giá trị của văn học; biết dùng những tác phẩm cụ thể để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận đó.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục, trình bày sạch sẽ. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, có chất văn, không mắc các loại lỗi.
- Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
- Giải thích:
– “lửa” chính là nội dung tư tưởng của tác phẩm.
– “lửa” là sự kết tinh những tình cảm, suy tư, khát vọng của người nghệ sĩ trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
– “lửa” có chức năng tỏa sáng tâm hồn con người, thức tỉnh lương tri nhân loại.
=> Hình ảnh “lửa” trong bài thơ là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc giúp Chế Lan Viên bày tỏ những quan niệm của mình về những vấn đề đặc trưng của thơ, đó là quá trình sáng tác, nội dung tư tưởng và chức năng của thơ.
- Chứng minh
- Những yếu tố tạo nên “lửa” trong bài thơ Cảm hoài
– Hoàn cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV: Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong. Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần lập ra triều đại mới. Nhưng chẳng bao lâu sau, nhà Minh đem quân sang xâm lược. Nước ta bị quân giặc chiếm đóng, thành Thăng Long bị chúng đổi thành Đông Quan. Dân tộc ta chìm trong đau thương tang tóc.
– Hoàn cảnh – cuộc đời của Đặng Dung: Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rời đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa. Nhưng đại sự không thành, chẳng được bao lâu vua Trần và các tướng đều bị bắt và bị giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng tự sát
=> Cảm hoài được Đặng Dung viết trong những năm tháng cầm quân đánh giặc, cứu nước. Bài thơ là tiếng nói, là nỗi lòng của một thế hệ anh hùng cay đắng trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, quyết chiến đấu phục thù rửa hận.
- “Lửa” trong bài thơ Cảm hoài
– Đó là ngọn lửa của tấm lòng trung quân ái quốc, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm: Hình ảnh người anh hùng mài gươm dưới ánh trăng đã “mấy độ”, trải qua nhiều năm tháng, mái tóc nay đã bạc, gợi lên màu sắc bi tráng. Trăng đã tà. Tuổi đã già. Thế mà “quốc thù ” vẫn đè nặng tâm hồn nhà thơ.
– Đó là ngọn lửa của những hoài bão, khát vọng lớn lao của bậc anh hùng có hùng tâm tráng chí, xoay chuyển cả vũ trụ, chống đỡ trục quả đất, tức là mang sức mình ra để bảo vệ cho người dân, bảo vệ cho đất nước, giang san.
– Đó là ngọn lửa bi tráng của con người mang bi kịch cá nhân và thời đại:
+ Là người có ý thức trách nhiệm với đất nước, trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương, bao nhiêu việc cần đến người anh hùng thế mà tuổi già lại đến. Đặng Dung mang bi kịch lực bất tòng tâm.
+ Khát khao đến một cuộc sống không còn binh lửa, chết chóc ấy nhưng nhà thơ cũng thể hiện sự bất lực khi không thể kéo sông Ngân xuống.
+ Thế sự đảo điên, thời vận thay đổi, cho nên dù là bậc anh hùng tài trí, Đặng Dung cũng đành “ẩm hận đa”…
- Chức năng của “lửa” trong bài thơ Cảm hoài: Không thể lấy sự thành, bại để luận anh hùng. Đặng Dung là một anh hùng hào kiệt. Cốt cách thi sĩ lồng trong cốt cách anh hùng. Vì vậy, bài thơ có khả năng:
– Thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần bất khuất trong trái tim bao thế hệ con người Việt Nam.
– Đánh thức tinh thần trách nhiệm với đất nước, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, xây dựng lẽ sống lý tưởng cao đẹp cho hậu thế.
- Đánh giá, nâng cao:
– Quan niệm của Chế Lan Viên đã nêu bật những yếu tố đặc trưng của thơ, thơ là giàn hỏa mà người nghệ sĩ tự dựng lên và tự thiêu để dâng cho đời một ngọn lửa thiêng
– Tuy nhiên, trong quan niệm ấy, Chế Lan Viên không phải phủ nhận vai trò của ngôn ngữ và nghệ thuật thơ. một yếu tố quan trọng tạo nên những ngọn lửa thiêng.
– Quan niệm của Chế Lan Viên là một định hướng cho người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo. Đây cũng là một căn cứ để người đọc tiếp nhận và đánh giá chính xác hơn về giá trị của một tác phẩm thơ.
III. Biểu điểm:
– Điểm 10- 12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận rõ ràng, phân tích bình luận có ý sâu sắc…
– Điểm 7- 9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 4- 6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc phân tích tác phẩm đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1- 3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu diễn xuôi văn bản. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
* Lưu ý chung:
– Giám khảo nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
– Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
——-HẾT——-
Giáo viên ra đề: Nguyễn Hữu Vĩnh
Điện Thoại: 0986.224.202