Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Vĩnh Phúc

            TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC – TỈNH VĨNH PHÚC

                           (ĐỀ THI ĐỀ XUẤT)

 

ĐỀ THI MÔN VĂN – LỚP 11

Đề thi gồm 01 trang và 02 câu

 

 

Câu 1 (8 điểm):

Trong bộ phim You’re the apple of my eye, nhân vật chính Kha Đằng sau khi đã đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều thăng trầm, đã nhận ra rằng: Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại, để được ướt thêm một lần nữa”.

Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của Kha Đằng bằng một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ).

 

Câu 2 (12 điểm):

“Mặt đất”“Bầu trời” trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam qua hai trích đoạn sau:

Đoạn 1:

“Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên cứ tưởng là cái mùi riên của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đang nói chuyện với nhau ít câu nữa.

Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại, tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”.

Đoạn 2:

“Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây. An và liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật xung quanh ngọ đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí. Về phía huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra…”

 

……………………………….HẾT……………………………………

 

Người thẩm định

 

 

 

Đinh Tố Nga

Người ra đề

 

 

 

Bùi Thị Hoàng Yến – 0987892779

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN VĂN – LỚP 11

 

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b.Về kiến thức:

– Học sinh có thể  bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
1, Giải thích 1,0đ
  Cơn mưa rào” là cơn mưa cường độ hạt mưa mạnh, diễn ra một cách nhanh chóng.

“Tuổi trẻ như một cơn mưa rào”: Tuổi trẻ là lứa tuổi trong trẻo, mát lành, sôi nổi, mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết.

“Cảm”: tuổi trẻ có thể phải trải qua nhiều khó khăn, mất mát, những thất bại trong cuộc đời mỗi con người. “Vẫn muốn ướt thêm một lần nữa” thể hiện mong muốn được trải nghiệm lại những điều đã trải qua của tuổi trẻ.

Ý kiến khẳng định vẻ đẹp của tuổi trẻ, lứa tuổi tuy ngắn ngủi, còn bồng bột, nhiều vấp ngã, nhiều khó khăn cần phải trải qua nhưng là lứa tuổi đáng nhớ nhất, đáng để kể lại nhất trong cuộc đời mỗi con người. Vì vậy mỗi người cần biết trân trọng những năm tháng tuổi trẻ để không sống hoài sống phí, để sống đam mê hết mình, cống hiến hết mình.

 
2, Phân tích, bình luận: 6,0đ
a, Vì sao tuổi trẻ lại là quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người:  
  – Tuổi trẻ trần đầy năng lượng, nhiệt huyết, đam mê, sẵn sàng cho đi mà không nhận lại…

– Tuổi trẻ là lứa tuổi ôm ấp nhiều khát vọng, hoài bão, mơ ước.

– Tuổi trẻ sôi nổi, mạnh mẽ, đầy sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám trải nghiệm. Tuổi trẻ còn bồng bột, có thể gặp nhiều thất bại, nhưng đó không phải cản trở đối với lứa tuổi này. Đối với tuổi trẻ, mỗi lần trải qua những khó khăn, vấp ngã lại dũng cảm đứng dậy, bước tiếp để được trưởng thành hơn.

 
b, Làm thế nào để không phải hối tiếc về những năm tháng tuổi trẻ của mình:  
  – Tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất của mỗi con người, do đó cần phải sống hết mình, không ngại vấp phải những khó khăn trước mắt, không ngại xông pha, đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

– Tuổi trẻ cần phải xác định cho mình mục đích, lí tưởng sống đúng đắn; luôn thắp lên khao khát hoài bão và sẵn sàng hành động để biến ước mơ thành hiện thực; luôn đi đầu, vượt qua chính mình để sáng tạo và cống hiến.

– Tuổi trẻ cần sống nhân ái, bao dung, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi nhận lại; biết trân trọng quá khứ để xây đắp tương lai…

 
3, Bài học nhận thức và hành động: 1,0đ
  – Phê phán lối sống ăn chơi, hưởng lạc, thụ động, ỷ nại… của một bộ phận giới trẻ.

– Tuổi trẻ đầy tự tin, dám nghĩ dám làm nhưng không có nghĩa là ngông cuồng, bất chấp tất cả mà cũng cần biết lắng nghe, đôi khi sống “chậm lại”  để nghĩ suy và yêu thương nhiều hơn.

– Tuổi trẻ là thứ quý giá nhất mà mỗi người chỉ có một lần để trải nghiệm, phải sống sao cho tuổi trẻ của mình trở nên tươi đẹp như chính ý nghĩa của nó.

 

 

Câu 2 (12 điểm):

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

– Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
I, Giải thích: 2,0đ
  “Mặt đất”“bầu trời” là hai hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng:

+ “Mặt đất”: là hiện thực cuộc sống của những người dân phố huyện nghèo, ở đó sự sống đang lụi tàn trong một không gian sống quẩn quanh, tù đọng, mòn mỏi.

+ “Bầu trời”: là thế giới của những mơ ước, những khao khát của người dân phố huyện về một cuộc sống ý nghĩa hơn, “tươi sáng hơn”.

– Hai đoạn trích thể hiện tập trung sự song chiếu giữa hai hình ảnh “mặt đất” và “bầu trời”, từ đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Hai đứa trẻ” cũng như phong cách của nhà văn Thạch Lam – sự hòa điệu giữa chất văn xuôi và chất thơ, giữa hiện thực và lãng mạn.

 
II, Phân tích, chứng minh: 8,0 đ
1, “Mặt đất” được thể hiện tập trung trong đoạn 1: 4,0đ
  – Thạch Lam lựa chọn một lát cắt “đắt giá” là cảnh ngày tàn và phiên chợ tàn để tái hiện cuộc sống nghèo nàn, xơ xác nơi phố huyện.

“Chợ” là chi tiết nghệ thuật xuất hiện nhiều trong tác phẩm nghệ thuật, tập trung phản ánh đời sống tinh thần, vật chất của con người. Nếu như hình ảnh “lao xao chợ cá làng ngư phủ” trong thơ Nguyễn Trãi gợi lên một cuộc sống ấm no thì “chợ họp đã vãn từ lâu” trong trang văn của Thạch Lam lại đêm đến cho người đọc sự ám ảnh về một cuộc sống đang tàn lụi:

+ “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”: âm thanh lặng dần – sự sống đang rời bỏ nơi đây mà đi, phố huyện đang mất dần sinh khí.

+ “Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía…”  là sự thảm hại của một phiên chợ nghèo, đặc tả một phố huyện xơ xác, tiêu điều.

+ “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại, tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại”: những mầm non tương lai của phố huyện thật đáng thương. An, Liên và những đứa trẻ kia là những mần cây non nớt trên mảnh đất khô cằn, bạc phếch. Chúng có thể vươn lên hay cũng sớm tàn tạ, héo úa đi như những kiếp đời tàn nơi phố huyện tàn – những chị Tí, bác phở Siêu, bác hát Xẩm, bà cụ Thi điên….

+ “Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”: một cuộc sống bế tắc, quẩn quanh, mòn mỏi đến đáng sợ – người này trông vào người kia, nhưng tất cả đều trông vào sự vô vọng.

 
2, “Bầu trời” được thể hiện tập trung ở đoạn 2: 4,0đ
  – “An và liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần nông”: Dẫu có phải trầm mình nơi “mặt đất” quẩn quanh, tù túng thì những người dân phố huyện nghèo vẫn không thôi khao khát về một “bầu trời” đầy ao ước, nơi có “hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”. Đó là thế giới của tuổi thơ thần tiên với những lần được đi dạo bờ hồ, được uống những cốc nước xanh đỏ, là tia hồi quang về một “Hà Nội” sáng rực và huyên náo. “Bầu trời” chính là khao khát đổi đời, là ước mơ về một cuộc sống ý nghĩa, một cuộc sống tràn đầy âm thanh và ánh sáng, khác hẳn với cảnh sống nơi phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối.

– “Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật xung quanh ngọ đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”:  Phố huyện ngập tràn “bóng tối” nhưng “ánh sáng” dẫu có nhỏ nhoi, yếu ớt song không hề lụi tắt nơi phố huyện. Đây chính là tấm lòng “chân cảm” của nhà văn Thạch Lam dành cho những con người nhỏ bé nơi đây – phát hiện và trân trọng khát vọng sống, lòng yêu sống của họ vẫn cháy sáng trong những hoàn cảnh sống khắc nghiệt nhất – “chừng ấy con người trong bóng tối vẫn mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống hàng ngày của họ”.

 
III, Đánh giá, tổng kết: 2,0đ
  – Hình ảnh “mặt đất”“bầu trời” cũng như “bóng tối”“ánh sáng”… trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” tiêu biểu cho bút pháp tương phản, đối lập của chủ nghĩa lãng mạn. Vận dung thành công bút pháp này, Thạch Lam đã gợi mở ở độc giả sự liên tưởng, đồng sáng tạo cùng tác giả.

“Mặt đất” và “Bầu trời” làm nên sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn, giữa chất “văn xuôi”“chất thơ” trong truyện ngắn của Thạch Lam. Điều đó khiến Thạch Lam trở thành một dòng chảy riêng trong nhóm “Tự lực văn đoàn” và khẳng định tên tuổi của Thạch Lam trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

– Dẫu có bám sát vào “mặt đất”, dẫu có “viết về nỗi đau khổ, chán chường thì rút cuộc cũng để truyền thôi vào tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống, một tình yêu bát ngát đối với cuộc sống” – đó là chân lí của nghệ thuật, là xứ mệnh cao cả của văn chương. Vì vậy những trang văn của Thạch Lam là niềm trắc ẩn mênh mông “dành trọn cho những con người nhỏ bé bất hạnh mà vẫn thanh cao trên mặt đất đầy nhọc nhằn và khốn khổ này”. Hướng người đọc về một “bầu trời” chính là Thạch Lam đang làm thiên chức của một nhà văn chân chính – “nâng giấc cho những con người cùng đường, tuyệt lộ”.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *