SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI
Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu) |
Câu 1. (8,0 điểm)
Người xưa có câu: “Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã“. Nghĩa là: Tuổi trẻ mà đỗ đạt cao là điều bất hạnh thứ nhất.
Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
Câu 2. (12,0 điểm)
Marcel Proust cho rằng: “Phong cách là vấn đề cái nhìn”. Nhưng lại có ý kiến khẳng định: “Phong cách thực chất là vấn đề hình thức. Hình thức là sự hiện diện độc đáo của người nghệ sĩ. Không có hình thức ấy không có nghệ thuật” (Thanh Thảo).
Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về những nhận định trên? Hãy làm rõ quan điểm của mình bằng một tác phẩm đã học.
—————————–Hết————————-
- Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Người thẩm định
Phạm Thùy Dương SĐT: 0915442889 |
Người ra đề
Trần Thị Thanh SĐT: 0915011833 |
ĐÁP ÁN
SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG |
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI
ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN (Gồm 03 trang) |
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1. | 1. Giải thích:
– Xuất xứ: Câu này lấy ý của Trình Di (1033-1107) người thời Bắc Tống ở Trung Quốc: Con người có ba điều bất hạnh: tuổi trẻ mà đỗ đạt cao là điều bất hạnh thứ nhất; dựa vào uy thế của cha anh để được quan cao lộc hậu là điều bất hạnh thứ hai; có tài cao, giỏi văn chương là điều bất hạnh thứ ba. – Câu nói hàm ý: Trẻ tuổi mà đã có khoa danh là điều bất hạnh thứ nhất. Phải hiểu rằng: còn ít tuổi mà đã đỗ đạt cao thì con người dễ sinh kiêu ngạo, tự phụ; đó là điều bất hạnh của con người. |
1,5 |
2. Bàn luận:
* Vì sao người xưa lại nói như vậy? Nói như vậy có đúng không? Điều này xuất phát từ sự chiêm nghiệm trong cuộc đời mà người xưa mới đúc kết như vậy. – Đỗ đạt đăng khoa là kết quả của quá trình học tập bền bỉ, lâu dài. Thành tích đạt được là kết quả xứng đáng, là niềm mơ ước của những người theo đòi thi như ngày xưa cũng như ngày nay. Có người suốt đời không đỗ đạt, hoặc tuổi cao mới có công danh khoa bảng. – Nhưng trong cuộc sống có những người tuổi còn trẻ mà đã sớm có được khoa danh và thường nảy sinh lòng kiêu ngạo, tự phụ, coi trời bằng vung, coi thường người khác; từ đó không chịu tu dưỡng rèn luyện, tài năng sẽ bị mài mòn thui chột. Nếu quả như vậy, thực là uổng công và phí tài năng. Vì tuổi trẻ thường nhiệt tình, nhưng bồng bột, xốc nổi, tự phụ, thiếu kinh nghiệm cuộc đời, nên rất dễ vấp ngã. Hơn nữa khoa danh mà dễ dàng có được thì con người dễ coi thường, chưa thấy hết được giá trị của sức lao động bền bỉ, nảy sinh kiêu ngạo là chuyện rất dễ xảy ra. – Hơn nữa, nếu tuổi còn trẻ mà đã đỗ đạt cao, rất dễ bị ghen ghét ở đời. Lòng người vốn hẹp hòi, ghen ăn ghét ở. Ở sao cho vừa lòng người. Như vậy đấy cũng là điều không may của con người. Rất nhiều người tài bị hãm hại bởi kẻ xấu trong xã hội xưa. Chữ tài liền với chữ tai một vần. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen… – Thực chất câu nói là lời lo lắng cho con người nếu có tính tự phụ kiêu căng; là khuyên con người cần khiêm tốn. Một nghịch lí đời xưa, là nỗi buồn của một thời: đỗ đạt cao sớm lại cho là bất hạnh. * Trên thực tế không hẳn như vậy: Từ xưa cũng như ngày nay có nhiều người tuổi nhỏ nhưng chí lớn, tài năng, đỗ đạt sớm, trở thành niềm tự hào cho gia đình, quê hương, đất nước. Họ không nảy sinh kiêu ngạo, vẫn tiếp tục học tập, rèn luyện, trở thành người tài đức cho xã hội. Như thế “thiếu niên đăng khoa” đâu phải là điều bất hạnh (Dẫn chứng: Nguyễn Hiền, Ngô Bảo Châu …) |
5,0 | |
3. Liên hệ bài học – Cần có ý thức tu dưỡng học tập để thành tài, tuổi trẻ mà đạt nhiều thành tích đó là niềm tự hào cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội. – Nhưng cần ý thức khiêm tốn, giữ gìn khoa danh và phải tiếp tục nỗ lực vươn lên để phát triển tài năng của mình, đặng có nhiều đóng hơn cho xã hội. Như thế mới là con người chân chính, người hiền tài. Không nên kiêu căng, tự phụ, vì đó là những tính xấu làm mất đi nhân cách của con người tài năng. Có tài nhưng cần phải có đức độ, có tâm trong sáng. |
1,5 | |
Câu 2 | 1. Giải thích:
*Ý kiến của Marcel Proust: -C ái nhìn: Là cách nghệ sĩ quan sát thế giới. Về bản chất, cái nhìn thể hiện quan niệm riêng của nhà văn về thế giới. – Ý kiến khẳng định phong cách nghệ thuật là tư tưởng riêng của nhà văn. * Ý kiến của Thanh Thảo: -Hình thức: Là tập hợp của những yếu tố hiện ra trên bề mặt tác phẩm như ngôn từ, hình tượng, kết cấu… -Với Thanh Thảo, sáng tạo hình thức như cách tự bộc lộ của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải là những cá tính độc đáo, sự độc đáo ấy phải được thể hiện ở hình thức nghệ thuật. |
1,0 |
2. Mối quan hệ của hai ý kiến:
a) Thí sinh cần thấy cả hai ý kiến đều hợp lí. * Ý kiến của Marcel Proust xuất phát từ đặc trưng của nghệ thuật và từ đòi hỏi của bạn đọc. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo. Sáng tạo bắt đầu từ cái nhìn. * Ý kiến của Thanh Thảo cũng xuất phát từ đặc trưng của văn học. Khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật ta tiếp xúc đầu tiên với hình thức. Hình thức là kết quả của toàn bộ quá trình sáng tạo của nghệ sĩ. Sáng tạo thực chất là tạo hình cho tư tưởng. b) Bề ngoài hai ý kiến có vẻ như mâu thuẫn nhưng bên trong lại thống nhất. Mỗi ý kiến nhấn mạnh vào một khía cạnh của vấn đề, các khía cạnh ấy bổ sung cho nhau đem đến một quan niệm đầy đủ về phong cách nghệ thuật. * Trong sáng tạo nghệ thuật không có nội dung nào không tồn tại trong hình thức, không có hình thức nào không ngưng đọng nội dung. * Phong cách là một chỉnh thể bao gồm cả nội dung và hình thức.
|
2,0 | |
3. Thí sinh biết chọn một tác phẩm phù hợp và qua tác phẩm ấy làm rõ quan điểm của mình về phong cách nhà văn. | 8,0 | |
4. Mở rộng, nâng cao: Những bài học đặt ra cho người cầm bút, cho người tiếp nhận. | 1,0 |
* Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Cần khuyến khích những tìm tòi sang tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
—————————–Hết————————-