Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Phú Thọ

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

TỈNH PHÚ THỌ

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN  KHỐI 11

Thời gian 180 phút

(Đề này có 01 trang, gồm 2 câu)

 

Câu 1(8 điểm)

Có ý kiến cho rằng “Sống là không chờ đợi”. Nhưng cũng có ý kiến khác khuyên con người nên sống chậm.

Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên?

Câu 2 (12 điểm)

Nhà thơ Bằng Việt cho rằng “Tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Tự chọn phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu hoặc “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử để làm sáng tỏ ý kiến.

 

 

—— Hết —–

 

Người ra đề: Phạm Thị Lệ Mỹ, ĐT: 098 540 6398

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

TỈNH PHÚ THỌ

HD CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN  KHỐI 11

Thời gian 180 phút

(Đề này có 01 trang, gồm 2 câu)

 

Câu 1. (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống

– Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng

– Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…

– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

  1. Giải thích:
  2. Sống là không chờ đợi:

– Sống không để ngày tháng trôi qua lãng phí, chạy đua cùng thời gian

– Không chờ đợi, dựa dẫm vào người khác mà tự mình nắm bắt các cơ hội

  1. Sống chậm:

– Sống chậm rãi, thư thả, sâu sắc, không chụp giựt, bon chen

– Dành hết tâm trí vào công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống

– Lắng nghe những cảm xúc trong tâm hồn

-> Thực chất hai ý kiến đề cập đến hai quan niệm, hai phương thức sống của con người trong xã hội hiện nay: Ý kiến thứ nhất đề cao lối sống năng động, tích cực, nhanh nhạy; ý kiến thứ hai hướng đến lối sống bình thản, có chiều sâu tâm hồn

  1. Bàn luận
  2. Sống là không chờ đợi:

* Vì sao sống là không chờ đợi:

– Để bắt kịp sự phát triển của xã hội:

+ Thời gian luôn chảy trôi không ngừng, không chờ đợi bất cứ ai

+ Trong bối cảnh xã hội hiện đại: khoa học công nghệ có sự phát triển vượt bậc, con người di chuyển với tốc độ của máy bay, tên lửa, liên tục có những phát minh mới, mọi công việc đều được rút ngắn thời gian, mọi thông tin đều có thể xử lí, truyền đi bằng máy tính trong thời gian tính bằng giây

-> chần chừ, thiếu nhanh nhạy sẽ không thể theo kịp sự phát triển của xã hội

– Để tích cực, chủ động, tự tìm kiếm và nắm bắt cơ hội: nếu sống thụ động, được đến đâu hay đến đấy, dựa dẫm vào người khác con người sẽ bị tụt hậu

* Mặt trái của vấn đề:

– Sống chạy đua cùng thời gian sẽ có lúc khiến con người mỏi mệt

– Sống là không chờ đợi nhưng không có nghĩa là để bản thân bị cuốn vào vòng quay bận rộn của công việc mà lãng quên nhiều giá trị khác của cuộc sống, không còn thời gian dành cho cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, không có lấy một phút giây thư thái cho riêng bản thân, một khoảnh khắc yên bình giữa thiên nhiên, dần bị biến thành con người hời hợt, vô cảm.

– Phê phán lối sống cẩu thả, sống gấp, tranh giành, bon chen, yêu cuồng, sống vội của một bộ phận trong xã hội

  1. Sống chậm

* Vì sao phải sống chậm:

– Để giảm bớt áp lực nặng nề của cuộc sống, bình thản đối diện với cuộc sống

– Để xây dựng, vun đắp những tình cảm đẹp đẽ với mọi người xung quanh

– Để hòa mình cùng thiên nhiên, thấu hiểu cuộc sống

– Để có những phút giây tĩnh tại, thấu hiểu những cảm xúc của chính mình

– Để chuẩn bị kĩ càng cho một sự khởi đầu mới trong tương lai

-> Sống chậm không phải là sống ít mà thực ra là sống được rất nhiều, sống sâu sắc, chất lượng -> lối sống có ý nghĩa nhân văn

* Mặt trái của vấn đề:

– Sống chậm không có nghĩa là phủ nhận cuộc sống văn minh hiện đại

– Sống chậm không có nghĩa là sống không mục đích, không lí tưởng, mơ ước

– Sống quá chậm sẽ thành ra trì trệ, lạc hậu với xã hội

  1. Tổng kết hai ý kiến và rút ra bài học:

* Hai ý kiến không mâu thuẫn mà đều đúng và là sự bổ sung cho nhau: Ý kiến thứ nhất nhắc nhở con người chú ý đến tốc độ sống, ý kiến thứ hai nhấn mạnh đến chất lượng sống, độ sâu trong từng khoảnh khắc sống

* Bài học:

– Cần kết hợp hài hòa giữa sống tích cực, chủ động, nhanh nhạy và sống bình yên, thư thái, sâu sắc, hài hòa mọi nhu cầu, cảm xúc bản thân và hài hòa mọi mối quan hệ, nuôi dưỡng những tình cảm tự nhiên, tốt đẹp trong mỗi người

– Sống năng động, sáng tạo, tận dụng thời gian

– Tự tạo cho mình những khoảng thời gian sống chậm phù hợp hoàn cảnh

          III. Cách cho điểm:

          7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, dẫn chứng chọn lọc, phù hợp, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.

          5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, dẫn chứng chưa thật phong phú, không có sai sót lớn về diễn đạt.

          3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi, liên hệ thực tế kém

          1 – 2 điểm: Hiểu vấn đề lơ mơ; mắc quá nhiều lỗi.

          Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Hiểu đề, biết cách làm bài nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

          Chú ý: bài viết vừa phải có sắc thái lí luận vừa thể hiện khả năng cảm thụ văn học tinh tế, sâu sắc

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý sau:

  1. Giải thích ý kiến của Bằng Việt

– Tiêu chuẩn: thước đo, chuẩn mực đánh giá một đối tượng. Có nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau và các tiêu chuẩn có thể thay đổi theo thời gian

– Tiêu chuẩn vĩnh cửu: thước đo, chuẩn mực có giá trị bất biến, đúng với mọi thời đại

– Cảm xúc: những cung bậc tình cảm, tâm trạng con người

-> Bản chất ý kiến của Bằng Việt: khẳng định thước đo để đánh giá giá trị tác phẩm thơ ca ở mọi thời đại là yếu tố tình cảm, cảm xúc

  1. Bàn luận, chứng minh

          a, Bàn luận: Vì sao nói tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc?

– Xuất phát từ đặc trưng thơ ca:

+ Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, ngôn từ sẽ chỉ là những xác chữ vô hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy, nói như Ngô Thì Nhậm, thi sĩ phải “xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”

+ Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”

+ Cảm xúc trong thơ cũng không phải thứ cảm xúc nhàn nhạt. Đó phải là tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải sống thật sâu với cuộc đời mới có thể viết nên những vần thơ có giá trị của sự trải nghiệm (“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”)

– Xuất phát từ qui luật tiếp nhận văn học, trong đó có thơ ca: bạn đọc tìm đến với thơ là tìm đến tiếng nói đồng điệu, đi tìm hồn mình trên trang viết nhà thơ, nói như Tố Hữu “Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu”. Vì vậy nếu những tình cảm, cảm xúc được bộc lộ trong thơ không chân thành, sâu sắc, ám ảnh thì sẽ không thể tạo nên sự đồng cảm ở độc giả, cũng có nghĩa là thơ sẽ thiếu sức sống

          b, Chứng minh: phân tích bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu) hoặc “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử) để làm sáng tỏ ý kiến

          * Vội vàng:

– Ấn tượng đầu tiên của độc giả về bài thơ là mạch cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt tuôn trào với một tình yêu cuộc sống đến thiết tha, cuồng nhiệt

+ Thi sĩ muốn tắt nắng, buộc gió để lưu lại mãi hương sắc cuộc sống trần gian (4 câu đầu)

+  Nhìn thế giới như một khu vườn trên mặt đất với cảm xúc say mê (Của ong bướm này đây… cặp môi gần)

+ Nuối tiếc trước thời gian chảy trôi không ngừng trong khi tuổi xuân đời người hữu hạn (Xuân đương tới nghĩa là….mùa chưa ngả chiều hôm)

+ Khát khao giao cảm trực tiếp và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống trần thế (Ta muốn ôm…Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi)

– Tác giả lựa chọn được hình thức nghệ thuật phù hợp để bộc lộ cảm xúc:

+ Thể thơ tự do với các dòng thơ dài ngắn không đều, nhịp thơ thay đổi linh hoạt phù hợp diễn tả cảm xúc sôi nổi dâng trào của thi sĩ

+ Bài thơ được cấu trúc theo lối triết luận, vừa có sự hấp dẫn của cảm xúc mãnh liệt, cháy bỏng vừa logic, chặt chẽ

+ Ngôn ngữ thơ vừa chính xác, vừa mới mẻ, táo bạo, sử dụng nhiều động từ mạnh, các tính từ miêu tả, kết hợp các biện pháp tu từ như so sánh, điệp từ, liệt kê, bút pháp tương giao

+ Hình ảnh thơ mới lạ, gợi cảm

          * Đây thôn Vĩ Dạ

          – Cảm xúc bao trùm bài thơ là tình yêu đối với mảnh đất, con người xứ Huế, nỗi buồn, mặc cảm chia li, xa cách và ước mong được đồng cảm, sẻ chia. Những cảm xúc ấy được thể hiện ở ba khổ thơ với các sắc thái cụ thể:

+ Day dứt vì chưa về thăm thôn Vĩ (khổ 1)

+ Đau đáu về thời khắc gặp gỡ có còn kịp (khổ 2)

+ Hoài nghi về sự bền chặt của tình người, tình đời (khổ 3)

– Hình thức nghệ thuật phù hợp:

+ Tổ chức cấu trúc bài thơ thành 3 khổ dưới hình thức 3 câu hỏi đầy day dứt, băn khoăn

+ Ngôn ngữ thơ: giản dị, chính xác, tinh tế, gợi cảm, sử dụng lớp từ cực tả

+ Bút pháp vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa tả thực, vừa gợi tả, mang màu sắc tượng trưng, siêu thực

+ Các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, điệp từ

  1. Đánh giá

* Ý kiến của Bằng Việt

– Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn. Nó không chỉ đúng với mọi thời đại, mọi dân tộc mà còn đúng với mọi loại hình thơ ca

– Bằng Việt chỉ đề cao cảm xúc chứ không hề tuyệt đối hóa vai trò của cảm xúc, coi nhẹ tài năng của người cầm bút. Nếu chỉ có cảm xúc tuôn trào mà không có tài năng thơ ca đủ độ chín, câu chữ, tứ thơ non nớt, vụng về thì cũng không thể có thơ hay và cảm xúc của thi sĩ cũng không thể chuyển tải trọn vẹn đến người đọc

– Ý kiến có giá trị với cả hoạt động sáng tác và tiếp nhận thơ ca: thi sĩ trước hết phải là người có tâm hồn giàu rung cảm, sống sâu sắc, trọn vẹn với từng khoảnh khắc cuộc đời để có những cảm xúc mãnh liệt, dồi dào trên mỗi trang thơ; độc giả tìm đến với thơ ca trước hết cần lắng lòng mình để cảm nhận những nỗi niềm tâm sự người nghệ sĩ gửi vào trang viết

* Bài thơ: “Vội vàng” hoặc “Đây thôn Vĩ Dạ”: tác phẩm hay, là minh chứng thuyết phục cho ý kiến của Bằng Việt

          III. Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá nhiều lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1- 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

          Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

Người ra đề: Phạm Thị Lệ Mỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *