SỞ GD & ĐT NAM ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG ĐỀ ĐỀ NGHỊ |
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN DUYÊN HẢI BẮC BỘ
MÔN : NGỮ VĂN – LỚP 10 CHUYÊN Thời gian làm bài : 180 phút ( không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1 ( 8 điểm)
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu sau:
“ Một nhà vua nọ cho gọi người thợ kim hoàn của hoàng cung đến và ra lệnh cho anh ta: Hãy làm cho ta một chiếc nhẫn và khắc lên đó một câu nói có thể khiến ta biết kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc và phấn chấn khi buồn bã. Người thợ kim hoàn dễ dàng hoàn thành nhanh chóng chiếc nhẫn, nhưng việc tìm ra câu nói như gợi ý của nhà vua là việc nằm ngoài khả năng của anh. Anh bèn tìm đến nhà thông thái để xin ý kiến. Nhà thông thái viết cho anh ta một dòng chữ lên mảnh giấy…”
- Theo anh/ chị, nhà thông thái đã viết câu gì lên mảnh giấy đó?
- Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện trên.
Câu 2 ( 12 điểm)
Trong cuốn Đaghetxtan của tôi, nhà thơ Nga Raxun Gamzatop đã viết:
“ Những chiếc bình đẹp nhất
Nặn từ đất bình thường
Như câu thơ đẹp nhất
Từ những chữ bình thường…”
Ý thơ trên đã gợi cho anh/chị suy nghĩ như thế nào về vẻ đẹp của ca dao?
– HẾT –
Người ra đề: Vũ Thanh Huyền
Số điện thoại: 0915362802
Đáp án chấm:
Câu 1: 8 điểm
- Yêu cầu chung:
– Hiểu nội dung câu chuyện và bàn được về nội dung ấy một cách hợp lý.
– Lập luận chặt chẽ, mạch lạc, bố cục rõ ràng.
– Diễn đạt trong sáng, có chất văn
- Yêu cầu cụ thể:
- Học sinh có thể trả lời bằng những câu văn khác nhau, tuy nhiên phải bám sát tinh thần của văn bản, phù hợp với yêu cầu của nhân vật nhà vua.
Gợi ý: Câu nói đó có thể là: Việc này rồi cũng sẽ qua.
- Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện trên:
- Giải thích ngắn gọn nội dung mà câu chuyện đề cập đến:
– Tình huống câu chuyện gợi ra đã trao cho người thợ kim hoàn một thử thách kép, vừa phải hoàn thiện chiếc nhẫn tinh xảo, đồng thời phải khắc lên đó một câu nói thỏa mãn ý tưởng của đức vua. Anh thợ hoàn thành dễ dàng chiếc nhẫn bởi đó là công việc anh thành thạo, còn câu chữ để khắc lên nhẫn thì anh bất lực bởi điều này phụ thuộc vào trải nghiệm, vốn sống sâu rộng và bản lĩnh của con người trong cuộc sống.
– Câu nói mà anh thợ phải khắc thực chất là bí quyết giúp con người làm chủ được những cảm xúc của bản thân kể cả khi vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc hay khi đau khổ
- Bàn luận:
– Tại sao cần phải làm chủ được những cảm xúc của mình? Nếu thử tung một đồng xu lên một trăm lần, bạn hẳn sẽ thấy cơ hội đồng tiền sấp và ngửa gần bằng nhau. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy, trải qua thăng trầm là điều hiển nhiên. Không ai cả hành trình cuộc đời lại được trải lụa mềm mại, cũng không có ai chỉ dẫm phải gai góc, sỏi đá bao giờ. Cho nên, học cách sống cho ý nghĩa chính là học cách làm chủ những cảm xúc của mình trước những diễn biến thăng trầm đó.
– Tại sao phải biết kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc?
+ Vui sướng khi được thỏa mãn, hay đạt được một điều gì đó trong đời là trạng thái tâm lý tất yếu của con người. Kiềm chế niềm vui chính là để niềm vui đó không trở nên thái quá, là để chúng ta không say sưa trong hạnh phúc hiện thời mà lãng quên trách nhiệm với tương lai. Bởi mọi việc rồi cũng sẽ qua, không có thành quả nào, hạnh phúc nào tồn tại vĩnh viễn nếu như ta không nghĩ đến việc làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc, để tiếp tục vun trồng những thành quả mới, nhân lên nhiều niềm vui hơn nữa.
Dẫn chứng trong thực tế, trong văn học…
+ Kiềm chế niềm vui còn là cách biết vui đúng lúc, vui phù hợp hoàn cảnh bởi có khi niềm vui đến với người này đôi khi có thể lại là nỗi buồn với kẻ khác. Tiết chế cảm xúc chính là học cách quan tâm, chia sẻ với người khác
Dẫn chúng: Niềm vui thi đỗ, đỗ cao của bạn này trở thành nỗi nhức nhối trong tâm trạng của những người hỏng thi…
-> Kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc chính là học cách sống, học cách đối diện với hạnh phúc, học cách trân trọng thành quả trong tay.
– Tại sao lại cần biêt cách mỉm cười khi buồn bã?
+ Cuộc đời là những chuyến đi, có chuyến đi may mắn, có chuyến đi gặp nhiều trắc trở. Khi buồn bã là khi ta gặp chuyện không may mắn trong tình cảm, trong sự nghiệp trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, như Đặng Thùy Trâm có chia sẻ : Đời người có nhiều giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố. Mỉm cười khi buồn bã chính là học cách sống lạc quan, biết đứng dậy sau khi vấp ngã, biết ngẩng cao đầu sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức.
+ Mỉm cười khi buồn bã chính là học tìm lấy hạnh phúc ngay cả khi ta không đạt được một số điều như mong muốn. Khi không đạt được một số điều như mong muốn ta sẽ thấm thía hơn giá trị, biết trân trọng giữ gìn và hạnh phúc hơn với những gì bản thân đang có . Hạnh phúc phải do chính chúng ta tạo dựng mới là hạnh phúc đích thực và bền vững. Vì thế nếu mọi điều đến với chúng ta quá dễ dàng thì chúng ta sẽ không còn cảm giác hạnh phúc nữa. Chúng ta sẽ thật sự trân trọng và hạnh phúc với những gì mình kì công tạo dựng. Khi không đạt được một số điều như mong muốn chúng ta sẽ càng thêm khao khát và có động lực để theo đuổi, tích luỹ được kinh nghiệm, tích cực vươn lên trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc – đó cũng là một phần của hạnh phúc
+ Mỉm cười khi buồn bã vì ta biết rằng, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, cuộc sống sẽ nở hoa kỳ diệu nếu ta có đủ ý chị vươn lên và ta tin rằng trên vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn nở những chùm hoa thật đẹp
- Đánh giá
– Làm chủ cảm xúc của mình, biết cách dẫn dắt cảm xúc trước mọi biến đổi của đời người chính là học cách sống thông minh, lịch thiệp và nhân văn cho mỗi người.
– Đây là bài học , đặc biệt cho những người hoặc là quá tự mãn trong hạnh phúc, trong niềm vui chiến thắng mà trở nên ngạo mạn, coi thường người khác, xem nhẹ mọi giá trị; hoặc là quá yếu đuối, bạc nhược trước biến cố đời mình trở thành nô lệ cho bóng tối giam hãm cả cuộc đời.
- Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động
– Hạnh phúc đến phải học cách đón nhận, cách duy trì và vun đắp hạnh phúc
– Trước những thất bại, những thiếu hụt của bản thân đừng vội chán nản bi quan, tự ti mà hãy coi đó là một lần thử thách cần phải vượt qua trên con đường tìm kiếm hạnh phúc
– Trân trọng những gì đang có và luôn tin tưởng rằng cuộc đời này không thiếu hạnh phúc, chỉ thiếu những cảm nhận về hạnh phúc
Hướng dẫn chấm:
– Điểm 0: hoàn toàn lạc đề
– Điểm Từ 1 đến 2: lạc đề, chưa hiểu vấn đề bàn luận
-Điểm từ 3 đến 4: Câu văn chưa thuyết phục, chưa hiểu vấn đề nghị luận, lí lẽ, dẫn chứng sơ sài, còn mắc lỗi diễn đạt.
– Điểm từ 5 đến 6: Câu văn khá phù hợp mạch truyện, có lí lẽ tương đối thuyết phục, dẫn chứng có song chưa đầy đủ, chọn lọc, hành văn trôi chảy.
-Điểm từ 7- đến 8: câu văn hợp lý, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sâu sắc,mới mẻ, dẫn chứng tiêu biểu, văn giàu cảm xúc, có giọng điệu .
Câu 2: Nghị luận văn học:
- Yêu cầu chung:
– Thuần thục kĩ năng nghị luận về một vấn đề văn học
– Diễn đạt trong sáng, có chất văn
- Yêu cầu cụ thể:
- Giải thích
– Mượn cách diễn đạt hình ảnh, lối nói so sánh, Raxun Gamzatop đã khẳng định: Nếu như những chiếc bình gốm đẹp nhất được nhào nặn chỉ từ nguyên liệu thô sơ là đất có sẵn trong tự nhiên; thì ca dao dân gian cũng như vậy, đã dâng tặng cho đời những áng thơ vô giá được chưng cất nên bởi những con chữ rất bình thường.
-> Vẻ đẹp , ý nghĩa của ca dao được kết tinh từ ngôn từ bình thường, giản dị mà chuyển tải được những nội dung trong sáng, cao quý vô ngần.
- Bàn luận
– Ca dao là những câu thơ đẹp nhất:
+ Thơ nói chung và ca dao nói riêng là tiếng nói của tình cảm cảm xúc, ca dao bắt rễ từ lòng người, ca dao đã thể hiện trực tiếp những yêu thương, sướng vui, đau khổ của người bình dân trong cuộc sống trăm dắng ngàn cay dưới xã hội xưa. Dẫn chứng
+ Là những câu thơ đẹp nhất bởi ca dao là sáng tác của tập thể nhân dân, và chỉ những gì là tiếng nói tình cảm chung của tất cả mọi người, những gì hướng đến vẻ đẹp nhân văn nhất mới được lưu truyền đến muôn đời. Viên ngọc ca dao càng mài càng sáng theo thời gian. Ca dao đã trở thành thơ của vạn nhà, của muôn đời. Sức sống trường cửu của những áng thơ- ca dao là minh chứng rõ nhất cho vẻ đẹp nhân văn của thể loại này.
Chứng minh: Mỗi bài ca dao là một viên ngọc quý. Đẹp nhất trong những câu ca dao được trân quý là những bài ca ngợi lối sống yêu thương tình nghĩa của người bình dân…
Chọn và phân tích kỹ lưỡng vào tình ý sâu xa của một bài ca dao cụ thể
– Điều đáng nói là những câu thơ đẹp nhất ấy lại được dệt nên bởi những con chữ bình thường. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, nói đến ngôn ngữ thơ là nhắc đến ngôn ngữ giàu tính nghệ thuật, uyển chuyển mà hàm súc. Nhưng chỉ riêng ở ca dao của văn học dân gian, ngôn ngữ của thơ mới đặc biệt như thế, các nghệ sĩ dân gian đã thể hiện biệt tài của mình ngay trên nền của lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động. Những câu nói đưa đẩy, ví von, chào hỏi, trách móc, giận hờn, thậm chí là cả khẩu ngữ, từ địa phương đã được sử dụng biến hóa trong những bài ca dao ngắn gọn. Giản dị mà không giản đơn, giản dị như không hề có sự gia công về nghệ thuật . Để từ đó cả một thế giới tình cảm, cảm xúc của con người được vút lên.
+ Từ ngữ giản dị nhưng chọn lọc : chứng minh…
+ Từ ngữ sinh động, hấp dẫn: phát huy cao độ giá trị biểu đạt, gợi hình gợi tả của từ, âm thanh tiếng Việt, lối nói ví von, đưa đẩy, vòng vo, phương thức chuyển nghĩa…
Chứng minh: Chọn phân tích kĩ lưỡng một số dẫn chứng
Hướng chứng minh: Chẳng hạn ở bài Khăn thương nhớ ai
Tiếng lòng của cô gái đang yêu giãi bày niềm thương nỗi nhớ và những băn khoăn trong tình yêu.
Ngôn ngữ biểu cảm: thương nhớ ai trở thành điệp khúc đi suốt bài ca dao
Hệ thống hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ gợi liên tưởng sâu sắc về thế giới nội tâm của cô gái trẻ
Lối nói trùng điệp nhấn mạnh vào tình yêu sâu nặng của của cô gái
Sự chuyển đổi hình thức câu thơ, nhịp điệu bài ca dao cũng giúp chuyển tải những cung bạc cảm xúc phong phú trong tình yêu
– Ngôn từ của ca dao giản dị mà không dễ dãi, tình ý của ca dao dung dị nhưng sâu sắc, vì thế ca dao, đặc biệt là ca dao tình yêu trở thành câu hát của những chàng trai muôn đời với các cô gái muôn thuở.
* Đánh giá:
– Ý thơ của Gamzatop đã chỉ ra vẻ đẹp của ca dao nói riêng cũng như thơ ca nói chung từ nội dung cho đến sức hấp dẫn của nghệ thuật. Thơ ca muôn đời phải là cuộc đời, vì cuộc đời, cái đẹp suy cho cùng là sự giản dị.
– Bài học cho người thưởng thức, cũng là bài học cho những nhà thơ muốn tác phẩm của mình bất tử với thời gian, với tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ . Trau dồi ngôn ngữ không có nghĩa là cầu kì, hay dùng mỹ từ, mà phải là biết lựa chọn, sắp đặt, phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc từ những gì giản dị nhất.
Cách cho điểm
Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Diễn đạt giàu chất văn, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, phân tích sâu sắc…
– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc liệt kê dẫn chứng đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1-3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu thuật kể dẫn chứng. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
Người ra đề: Vũ Thanh Huyền
Số điện thoại: 0915362802