Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 tỉnh Hưng Yên

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

TỈNH HƯNG YÊN

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

NĂM 2015

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề này gồm có 01 trang, gồm 02 câu)

 

Câu 1 (8 điểm)

Nhà văn V. Huy-gô từng nói rằng: “Lương tâm mà rách nát thì cuộc đời cũng chỉ chắp vá mà thôi”.

Anh/ chị có suy nghĩ gì về câu nói trên?

Câu 2 (12 điểm)

Nhận định về thơ nhà phê bình Viên Mai cho rằng: “Chỉ có lời thơ tinh vi đẹp đẽ mới có thể khiến cho người đọc cảm kích mà phấn chấn, còn như lời thơ quá ngay thẳng thật thà, tầm thường, cũ kĩ thì có thể làm cho ai hứng thú được?”. Còn Kim Thánh Thán lại cho rằng: “Thơ cần có chân tâm, thực ý, nếu ta có chân tâm, thực ý thì người khác đọc thơ mình không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”. Hãy bình luận các ý kiến trên và làm sáng tỏ qua một tác phẩm hoặc một đoạn trích đã học trong chương trình.

………………………HẾT……………………….

 

Người ra đề

 

Cao Thị Nguyệt – Phạm Thúy Hằng

 

 

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
I a. Giải thích

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– Lương tâm: Yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình. Lương tâm chính là chất Người trong mỗi con người.

– Rách nát (rách nhiều chỗ, gần như nát ra) là cách nói hình tượng, chỉ lương tâm không còn nguyên vẹn, thiếu đạo đức, thiếu tính người.

– Cuộc đời: Quá trình sống của một con người, toàn bộ đời sống xã hội với những hoạt động, sự kiện xảy ra trong đó.

– Chắp vá (gồm những phần không khớp với nhau) là cách nói hình tượng, chỉ cuộc đời không hoàn thiện, mắc sai lầm về đạo đức.

à Câu nói gồm hai vế có quan hệ điều kiện, giả thiết – kết quả, khẳng định: là con người mà không biết đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình theo chuẩn mực đạo đức thì cuộc đời dễ mắc sai lầm, hành động thiếu tính người. Đó là cuộc đời không hoàn thiện, tốt đẹp.

1.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  b. Bàn luận – Lương tâm là yếu tố quan trọng nhất ở con người, giúp mỗi người biết tự đánh giá những việc làm, hành động của mình là đúng hay sai về mặt đạo đức để có thể điều chỉnh theo hướng tốt đẹp hơn. Người có lương tâm luôn có phẩm chất, đức hạnh, suy nghĩ thấu đáo, hành động theo chuẩn mực đạo đức.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)

– Những kẻ lương tâm rách nát thiếu những phẩm chất, đức tính tốt đẹp, hành động theo bản năng, theo sự sai khiến của những ham muốn, dục vọng tầm thường, không biết nhận thức, đánh giá và điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực đạo đức.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)

– Lương tâm rách nát gây nên hậu quả nghiêm trọng. Con người làm việc xấu, trái đạo đức, phi nhân văn mà không áy náy, cắn rứt. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp sẽ bị “ăn mòn”, bị “phá hủy” dần, đạo đức con người và đạo đức xã hội sẽ ngày càng xuống cấp.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)

1.5

 

 

 

 

 

 

1.5

 

 

 

 

 

1.5

 

 

 

 

  c. Mở rộng, liên hệ – Trong xã hội kinh tế thị trường, nhiều người mải chạy đua giành lợi ích cho bản thân mà để lương tâm rách nát, đánh mất lương tâm. Một số người đứng lên tố cáo, phanh phui sự việc thì bị tẩy chay, hằn học.

– Cần ngợi ca những người có lương tâm và phê phán gay gắt những kẻ vô lương tâm, lương tâm rách nát, hướng con người tới cái Thiện.

– Bài học:Mỗi người cần trau dồi các phẩm chất đạo đức, gìn giữ lương tâm trong sáng, lương thiện. Lương tâm cần được thể hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể chứ không chỉ là lí thuyết suông, hão huyền.

2.0
II a.

Giải thích

– Ý kiến của Viên Mai: “Chỉ có lời thơ tinh vi đẹp đẽ mới có thể khiến cho người đọc cảm kích mà phấn chấn, còn như lời thơ quá ngay thẳng thật thà, tầm thường, cũ kĩ thì có thể làm cho ai hứng thú được?

+ “Lời thơ tinh vi đẹp đẽ”: Ngôn ngữ trau chuốt, mang tính thẩm mĩ cao.

+ “Lời thơ ngay thẳng, thật thà, tầm thường, cũ kĩ”: Ngôn ngữ thiếu sự chọn lọc, thiếu sự sáng tạo.

+ “Cảm kích mà phấn chấn”: Xúc động mà có những thay đổi cảm xúc, nảy nở trong tâm hồn.

=> Viên Mai đã sử dụng thủ pháp đối lập để nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ nói riêng và hình thức nghệ thuật nói chung trong sáng tạo thơ. Chính sức hấp dẫn từ ngôn ngữ sẽ khơi gợi xúc cảm và hứng thú cho người đọc. Lựa chọn được cách thể hiện mới mẻ, đặc sắc là con đường ngắn để thi nhân truyền tải những thông điệp, những điều trăn trở và ấp ủ, cũng là một bước để họ đến gần với độc giả.

– Ý kiến của Kim Thánh Thán: “Thơ cần có chân tâm, thực ý, nếu ta có chân tâm, thực ý thì người khác đọc thơ mình không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”.

+ “Chân tâm”, “thực ý”: là tiếng lòng của nhà thơ không khuôn sáo, không gò bó. Đó là sự thổ lộ những tình cảm chân thành, mãnh liệt của người viết.

=> Kim Thánh Thán khẳng định vai trò của cảm xúc trong sáng tạo thơ. Ông coi đó là ngọn nguồn khởi phát của nghệ thuật. Chính dòng nhiệt huyết, cái tâm trong sáng và sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ tạo nên sức lay động, âm vang trong lòng độc giả.

2.0
  b. Bình luận *  Hai ý kiến trên đã đề cập tới những yếu tố quan trọng hàng đầu của thơ ca, mang tính lí luận và có ý nghĩa sâu sắc với quá trình sáng tạo và tiếp nhận thơ ca.

– Ý kiến của Viên Mai:

+ “Lời thơ đẹp đẽ tinh vi mới có thể khiến người đọc cảm kích mà phấn chấn” bởi ngôn ngữ là chất liệu của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Lớp ngôn từ này đã được cách điệu hóa so với lớp ngôn từ trong đời sống. Việc lựa chọn được “lời thơ đẹp đẽ tinh vi” sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho thi phẩm. Người đọc có dịp được thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ giàu tính thẩm mĩ. Mặt khác, hình thức là phương tiện để biểu đạt nội dung, vì vậy, thông qua ngôn ngữ thi ca, độc giả rung động với nhịp đập cảm xúc của thi nhân.

+ “Lời thơ quá ngay thẳng thật thà, tầm thường, cũ kĩ thì có thể làm cho ai hứng thú được?” bởi ngôn ngữ thiếu sự sáng tạo, chắt lọc sẽ không có sức hấp dẫn với độc giả. Vì vậy, những cảm xúc thẩm mỹ khó có thể gửi tới người tiếp nhận.

– Ý kiến của Kim Thánh Thán:

Thơ cần có chân tâm, thực ý” bởi tình cảm là yếu tố quan trọng hàng đầu của sáng tạo văn học nói chung và của thơ ca nói riêng. Những “chân tâm, thực ý” cất lên từ thể nghiệm sâu sắc của nghệ sĩ với đời bao giờ cũng có sức lay động mãnh liệt. Khát khao cháy bỏng hay những điều trăn trở sục sôi của thi nhân dẫu xuất phát từ nguyên nhân nào đều mang mục đích hướng tới người đọc. Những gì giả dối, phô trương sẽ bị thời gian thanh lọc, chỉ có những cảm xúc chân thành, trong sáng mới neo đậu bền bỉ trong lòng độc giả.

* Nhưng nhìn một cách khái quát, hai ý kiến chưa toàn diện, hoặc quá đề cao hình thức, hoặc quá đề cao nội dung. Hai ý kiến đã bổ sung cho nhau tạo nên một quan niệm hoàn chỉnh trong hành trình sáng tạo và khám phá thơ ca, bởi thơ hay là hay “cả hồn lẫn xác”, hài hòa giữa hình thức và nội dung. Trong hai yếu tố trên, tình cảm là yếu tố sinh mệnh của thơ. “Lời thơ đẹp đẽ tinh vi”sẽ lôi cuốn độc giả nhưng “chân tâm, thực ý” mới chính là linh hồn của thơ. Lời thơ đẹp mà thiếu cảm xúc chân thành của thi nhân thì cũng giống như bông hoa hữu sắc vô hương. Tình cảm mãnh liệt song hình thức thể hiện quá cũ kĩ, tầm thường cũng khó lay động độc giả. Người nghệ sĩ đích thực luôn sống hết mình với một cái tâm trong sáng kèm theo  những trăn trở về sáng tạo, luôn khao khát tìm tòi, đổi mới về hình thức thể hiện.

3.0
    * Lựa chọn phân tích một tác phẩm, đoạn trích để làm sáng tỏ ý kiến.

Học sinh có thể lựa chọn một đoạn trích hoặc một tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ Văn lớp 10. Lưu ý: đoạn trích hoặc tác phẩm được lựa chọn cần đáp ứng được yêu cầu: chứa đựng tình cảm mãnh liệt và có hình thức thể hiện đặc sắc. Có thể chọn dẫn chứng là thơ Nguyễn Trãi, các đoạn trích trong “Truyện Kiều”. Trong quá trình phân tích cần thấy được sự hòa quyện của hai yếu tố này.

6.0
  c. Mở rộng, nâng cao – Hai ý kiến là bài học cho người nghệ sĩ cần sống hết mình với đời, nuôi dưỡng những tình cảm mãnh liệt. Nghệ sĩ chân chính phải không ngừng tìm tòi về hình thức nhưng cần tránh khuynh hướng hình thức chủ nghĩa trong sáng tạo.

– Hai ý kiến góp phần định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận thơ ca: Trên cơ sở khai thác hình thức ngôn từ độc độc đáo, người đọc cần phám phá cảm xúc mà nghệ sĩ gửi gắm.

1.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *