Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
NHỮNG GÌ CÒN LẠI…
Những gì còn lại sau mưa
Là cơn hồng thuỷ bất ngờ bủa vây
Mẹ cha chắt bóp bao ngày
Một đêm lũ cuốn trắng tay, trắng đầu
Chỉ còn nước bạc, bùn nâu
Chỉ còn bao nỗi lo âu chất chồng
Chỉ còn mẹ với mùa đông
Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều
Bàn thờ kê chiếc bàn xiêu
Gió mưa chưa tạnh, còn nhiều bão giông
Những gì còn lại trong tâm
“Còn da lông mọc”, còn mầm cây lên
Còn đây hơi ấm trăm miền
Còn đây ” máu chảy ruột mềm” thương nhau
Những gì còn lại… mai sau
Nghĩa tình, đạo lý nhắc nhau ghi lòng
Nguyễn Hữu Thắng
( Nguồn https://www.facebook.com)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng 1 biện pháp tu từ trong 4 dòng thơ sau:
Chỉ còn nước bạc, bùn nâu
Chỉ còn bao nỗi lo âu chất chồng
Chỉ còn mẹ với mùa đông
Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều
Câu 3. Theo Anh( chị), những từ ngữ đậm chất dân gian trong các dòng thơ sau có ý nghĩa gì?
Những gì còn lại trong tâm
“Còn da lông mọc”, còn mầm cây lên
Còn đây hơi ấm trăm miền
Còn đây ” máu chảy ruột mềm” thương nhau
Câu 4. Thông điệp tâm đắc nhất của anh,chị trong văn bản là gì? Nêu lí do.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1(2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa lối sống nghĩa tình, đạo lý trong cuộc sống con người.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích giá trị hiện thực được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích sau:
Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 6)
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc hiểu | 3.0 | |
1 | Thể thơ: lục bát | 0.5 | |
2 | –Thí sinh chọn 1 trong các biện pháp tu từ: Điệp từ ( không), điệp ngữ ( chỉ còn), điệp cú pháp (Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều), phép liệt kê (nước bạc, bùn nâu, lo âu…)
– Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi đau do thiên tai gây ra mà con người phải gánh chịu; thể hiện niềm thông cảm, xót xa của tác giả dành cho người dân vùng lũ. |
0.5
|
|
3 | Ý nghĩa những từ ngữ đậm chất dân gian trong các dòng thơ :
– Những từ ngữ đậm chất dân gian: “Còn da lông mọc”;” máu chảy ruột mềm” ; – Ý nghĩa: + Thể hiện niềm tin của tác giả vào sức mạnh của con người trước hoạn nạn, khó khăn; + Làm cho đoạn thơ đậm chất dân gian, dễ hiểu, dễ nhớ. |
1.0
|
|
4 | Học sinh rút ra thông điệp mà mình tâm đặc nhất qua bài thơ, lí giải lí do chọn thông điệp thông qua suy nghĩ cá nhân, không vi phạm chuẩn mực pháp luật và đạo đức. Có thể chọn một trong các thông điệp sau:
– Tình yêu thương giữa con người với con người là tình cảm đẹp nhất trong cuộc sống; – Sống phải có niềm tin; |
1.0
|
|
II | Làm văn | 7.0 | |
1 | Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa lối sống nghĩa tình, đạo lý trong cuộc sống con người. | 2.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa lối sống nghĩa tình, đạo lý trong cuộc sống con người. |
0.25
0.25
|
||
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa lối sống nghĩa tình, đạo lý trong cuộc sống con người..Có thể triển khai theo hướng sau:
–Sống nghĩa tình, đạo lý là sống thuận theo lẽ phải, có trước có sau và luôn nhớ ơn những người từng cưu mang, giúp đỡ mình bằng vật chất và tinh thần. -Ý nghĩa lối sống nghĩa tình, đạo lý trong cuộc sống con người : + Giúp con người vượt qua mọi thử thách, gian khổ, mất mát do thiên tai, dịch bệnh, giặc giã…gây ra; + Xây dựng lối sống đúng đắn và cao đẹp cho con người, tạo dựng một môi trường sống lành mạnh; + Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người. -Bài học nhận thức và hành động: + Về nhận thức: luôn mở rộng lòng mình để yêu thương, sẽ chia nhiều hơn. Biết ơn những người đã giúp đỡ mình lúc hoạn nạn. + Về hành động: là học sinh cần phải biết định hướng lối sống cao đẹp, không ngừng nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. + Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điẻm). + Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm – 0.75 điểm). + Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiểt với vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm). |
1.00 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,25 | ||
2 | Phân tích giá trị hiện thực được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích … | 5,0 | |
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận .
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
(0,25) | ||
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Giá trị hiện thực được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. – Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm. |
(0,5) | ||
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: |
|||
* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài(0,25 điểm), tác phẩm và đoạn trích,nêu vấn đề cần nghị luận. (0,25 điểm).
– Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa. – Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn trích ở phần đầu truyện: Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau…bao giờ chết thì thôi thể hiện thành công giá trị hiện thực về cuộc đời người dân miền núi Tây Bắc trong sáng tác của Tô Hoài. |
(0,5) | ||
* Phân tích giá trị hiện thực được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích:
a. Nội dung – Giá trị hiện thực là gì? Đó là bức tranh đời sống hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm văn học đều có giá trị hiện thực, bởi văn chương không thể xa rời thực tế.“Nhà văn phải là người thư ký trung thành của thời đại”. -Biểu hiện trước hết về giá trị hiện thực trong đoạn trích là Tô Hoài đã miêu tả chân thực số phận cực khổ của người dân dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi và bọn thực dân phong kiến, được thể hiện qua nhân vật Mị. +Mị vốn là một cô gái người Mèo có đủ khả năng và điều kiện hưởng một cuộc sống hạnh phúc, có một tương lai tươi sáng. Mị xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo, yêu lao động, có lòng tự trọng… + Khi Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra, lúc đầu Mị xuất hiện ý thức phản kháng từ yếu ớt “đêm nào cũng khóc” đến mạnh mẽ “ăn lá ngón tự tử” nhưng sau đó, khi bố mất, khi đã quen với mọi thứ, Mị chấp nhận số phận bi kịch của mình. + Ý thức phản kháng mất đi, Mị chấp nhận số phận của mình, sống một cách dật dờ, tàn lụi: Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. +Mị được so sánh theo thủ pháp “vật hóa”: so sánh ngang bằng (Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…; Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.) và so sánh không ngang bằng (Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.) nhằm tập trung phản ánh hai nội dung: nhận thức của Mị về nỗi khổ, sự đọa đày về thân xác (Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…; Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.) và sự tê liệt về ý thức, tinh thần (Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.). Từ đó, tác giả làm nổi bật dòng tâm tư, nhận thức của nhân vật về cuộc đời, số phận nô lệ buồn đau, cực nhục của Mị, sự đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần đối với Mị. + Mị còn được nhà văn khắc họa bằng những hành động liên tiếp nhau, lặp đi lặp lại (lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, bẻ bắp, hái củi, bung ngô, tước đay).Cách khắc họa nhân vật của Tô Hoài gây ấn tượng về một con người bị tê liệt về xúc cảm, hành động như một cỗ máy đã được lập trình sẵn, chỉ như đang tồn tại một cách vô thức mà không hề sống với bất kì một trạng thái cảm xúc sống động nào. + Hình ảnh ẩn dụ: căn buồng Mị ở “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng” là biểu tượng ám gợi về địa ngục trần gian, tù túng, ngột ngạt, nơi cầm tù tuổi thanh xuân của con người, biến Mị từ một cô gái trẻ trung phơi phới thành một con người vô cảm, cam chịu.Đó không gian phi nhân tính. + Tận cùng của sự cam chịu : “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.”. Mị phải chịu đựng cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. – Mặt khác, giá trị hiện thực của đoạn trích còn thể hiện ở sức tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến miền núi Tây Bắc. + Chúng lợi dụng cường quyền và thần quyền để áp bức, bóc lột người dân miền núi. Mị là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi do chúng đặt ra. + Chúng biến trần gian thành địa ngục, chà đạp lên hạnh phúc, tình yêu của con người. Không những đày đọa thể xác của Mị, chúng còn làm tê liệt ý thức phản kháng, sống trong sự cam chịu, chấp nhận kiếp đời làm dâu gạt nợ, nô lệ đầy tủi nhục . b. Nghệ thuật: nhân vật Mị được phác tả bằng vài nét chân dung gây ám ảnh, có sự kết hợp giữa giọng trần thuật của nhà văn với dòng tâm tư của nhân vật, khiến người đọc có cảm giác người viết đã nhập sâu vào trong dòng ý nghĩ, tâm tư của nhân vật để diễn tả suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật; nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ…; ngôn ngữ kể giàu chất thơ, xúc động. Hướng dẫn chấm: – Học sinh cảm nhận về giá trị hiện thực trong đoạn trích một cách đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm. – Học sinh cảm nhận chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm. – Cảm nhận chung chung, chưa rõ các biểu hiện của giá trị hiện thực: 0,75 điểm – 1,25 điểm. – Cảm nhận sơ lược, không rõ các biểu hiện của giá trị hiện thực: 0,25 điểm – 0,5 điểm. |
(2.5) | ||
* Đánh giá
– Qua giá trị hiện thực trong đoạn trích, tác giả lên án, vạch trần bộ mặt tàn bạo, độc ác của kẻ thù giai cấp; cảm thông, đồng cảm, thương yêu với số phận đau thương của người dân Tây Bắc. Đó là thái độ và tấm lòng đáng trân quý của nhà văn cách mạng trong văn học 1945-1975. – Giá trị hiện thực trong đoạn trích góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài. Hướng dẫn chấm: – Học sinh đánh giá được 2 ý: 0,5 điểm. – Học sinh đánh giá được 1 ý: 0,25 điểm. |
( 0,5) | ||
4. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
( 0,25) | ||
5. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của Tô Hoài; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc. – Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. – Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.. |
( 0,5) | ||
Tổng điểm | 10,0 |