11 đề Vợ Chồng A Phủ (đề 11) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau:

Nếu quê mẹ mùa xuân xa vắng biển?

Muối đời cha còn mặn chát sóng lưng

Muối đời mẹ thấm vào từng mất mát

Con lẽ nào sống quay mặt dửng dưng

 

Nếu quê hương mùa hè xa cách biển?

Con cá đau mùa sinh nở tìm về

Con cá giận phận mình sao bèo bọt

Biển ngàn đời không còn chỗ chở che

 

Nếu đất mẹ mùa thu xa vắng biển?

Mưa Sài Gòn thôi ướt tóc em bay

Thu Hà Nội không thơm màu cốm mới

Phố cô đơn đội một mảnh trăng gầy

 

Nếu đất nước mùa đông không sóng biển?

Đỉnh Hoàng Liên cô độc giữa sương mù

Hải Vân núi bơ vơ bên đèo tối

Vó ngựa khua thấp thỏm dưới sao mờ…

 (Nếu xứ sở dân ca không thấy biển?, Nguyễn Việt Chiến, http://vannghequandoi.com.vn/tho/chum-tho-cua-tac-gia-nguyen-viet-chien_10290.html)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ chỉ thời gian được tái hiện trong đoạn thơ.

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của biển:

Nếu quê hương mùa hè xa cách biển?

Con cá đau mùa sinh nở tìm về

Con cá giận phận mình sao bèo bọt

Biển ngàn đời không còn chỗ chở che

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về cảm xúc và suy nghĩ của tác giả đối với biển được thể hiện trong đoạn trích.

LÀM VĂN

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của thanh niên, học sinh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Câu 2

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân là một chi tiết xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần. Hãy phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai đoạn văn sau để từ đó thấy được ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn:

Ngoài đầu núi đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta chưa có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu…”;

(…) Trong bóng tối Mị đứng im lặng như không biết mình bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được…

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài)

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần/

Câu

Nội dung
I ĐỌC HIỂU
1 Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do
2 những từ ngữ chỉ thời gian được tái hiện trong đoạn thơ: mùa xuân-mùa hè- mùa thu-mùa đông.
3 Những dòng thơ Nếu quê hương mùa hè xa cách biển?/Con cá đau mùa sinh nở tìm về/Con cá giận phận mình sao bèo bọt/Biển ngàn đời không còn chỗ chở che giúp tôi hiểu được vai trò của biển đối với đất nước. Nhà thơ đặt ra giả thiết, nếu quê hương không còn biển, cùng với việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa “con cá đau”, “con cá giận” nhằm khẳng định vai trò to lớn của biển đối với đất nước.
4 Đoạn thơ sử dụng những từ ngữ chỉ thời gian: mùa xuân-mùa hè- mùa thu-mùa đông, cùng với những hình ảnh ẩn dụ như “muối”, “mưa Sài Gòn”, “thu Hà Nội”… để bộc lộ tâm trạng, tình yêu biển của mình.

– Nều bốn mùa không thấy biển thì đất nước sẽ đối diện với mất mát lớn lao, không thể lấy gì bù đắp được.

II LÀM VĂN
1 Vai trò của thanh niên, học sinh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
  a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành

  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vai trò của biển đảo quê hương

  c. Triển khai vấn đề nghị luận

– Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ, vai trò của thanh niên, học sinh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Có thể theo hướng sau:

+ Với bờ biển dài trên 3260 km trải dài từ Bắc xuống Nam (từ Quảng Ninh tới Kiên Giang), nước ta chiếm vị trí thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vùng biển Việt Nam bao gồm cả vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km², gấp 3 lần so với đất liền và chiếm gần 30% diện tích biển Đông. Với khoảng 3000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng như một  tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ, kiểm soát và  làm chủ  sườn phía Đông của đất nước.

+ Thanh niên phát huy tinh thần dân tộc vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà.

+ Gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam rồi đưa tiềm năng ấy vươn cao trên thị trường quốc tế, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để giúp đất nước ngày càng đi lên trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

+ Tham gia tình nguyện vào các chương trình tuyên truyền trong cộng đồng…  Đây là công việc đầu tiên nhằm giúp thanh niên nâng cao nhận thức và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

+ Củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong thanh niên, để từ đó họ biến ý chí thành hành động thiết thực.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

  e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận

2 Phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai đoạn văn để từ đó thấy được ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích. Nhận xét về ý nghĩa của tiếng sáo đối với sự hồi sinh của nhân vật Mị.

  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

  * Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và khái quát về chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm, trích dẫn 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo.
  * Phân tích 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo:
  a. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ nhất:

– Đây là những tiếng sáo đầu tiên báo hiệu những đêm tình mùa xuân đang đến, những tiếng sáo “rủ bạn đi chơi”, tiếng sáo gọi bạn yêu của những tâm hồn tự do, khao khát yêu đương.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

+ Tiếng sáo gọi bạn tình “vọng” vào tâm hồn Mị “thiết tha bổi hổi”. Từng lời hát giản dị, mộc mạc nhưng lại hàm chứa cái lẽ sống phóng khoáng, tự do của con người đã có sức mời gọi lớn lao đối với Mị: “Mày có con trai… người yêu”.

+ Mị “ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”: Cô Mị sau bao ngày lặng câm đã cất tiếng, dù đó chỉ là những lời thì thầm. Bản “tình ca” tha thiết của những kẻ yêu nhau, của những người tự do, khao khát hạnh phúc đã cất lên trên đôi môi của Mị, đánh dấu một bước trở lại của người con gái yêu đời, yêu sống ngày nào.

  b. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ hai:

– Đây là tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo vọng vào tâm hồn Mị khi Mị bị A Sử trói.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

+ “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượi còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…”: Mị như quên hẳn mình đang bị trói, quên những đau đớn về thể xác, Mị vẫn thả hồn theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết, tiếng sáo không chỉ vang vọng trong không gian mà còn tồn tại trong chính tâm hồn Mị.

+ “Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được”: Tiếng sáo của những đôi lứa yêu nhau và của cả những người lỡ duyên đã có sự tác động lớn lao tới tâm hồn Mị, nó thôi thúc Mị, khiến Mị vùng bước đi, quên thực tại đau khổ trước mắt.

Hành động tàn nhẫn tới tận cùng của A Sử chỉ có thể trói Mị giữa ngày xuân nhưng không thể giam nổi sức xuân đang trào dâng trong Mị.

  – Tiếng sáolà một trong những chi tiết được Tô Hoài dụng công miêu tả. Nó xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau.

– Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo. Qua cách diễn đạt này, độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.

  * Đánh giá ý nghĩa của tiếng sáo:
  – Chi tiết tiếng sáo qua 2 lần miêu tả có vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm hồi sinh tâm hồn Mị, làm trỗi dậy sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong cô. Nó giống như một tác nhân làm sống dậy trong Mị những cảm xúc rạo rực của tuổi trẻ, làm bùng lên niềm khao khát sống, khao khát yêu đương. Nếu không có không khí ngày tết nhộn nhịp ở Hồng Ngài, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình không cất lên thì có lẽ Mị vẫn mãi chìm đắm trong những tháng ngày câm lặng, vô thức. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống.

– Sự xuất hiện của chi tiết âm thanh tiếng sáo còn góp phần tô đậm thêm những giá tri nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn muốn ca ngợi và khẳng định sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động miền núi không có một thế lực nào có thể hủy diệt được. Và chỉ cần âm thanh của tiếng sáo ấy có thể làm thức dậy nguồn sức sống ấy.

– Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hoài xây dựng đẫm chất thơ. Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *