ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Trong mỗi người chúng ta có chứa đựng hai phần đối lập – bóng tối và ánh sáng. Để hạnh phúc luôn mỉm cười, ta cần phát huy mặt tốt và không phủ nhận mặt xấu trong con người mình. Khi không dám đối diện với nỗi sợ hãi và cơn ác mộng giày vò tâm trí, ta sẽ gián tiếp khước từ những cảm xúc tốt đẹp đang hiện hữu trong trái tim mình. Và cứ thế, bóng tối dần xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời ta đang có. Ngược lại, nếu ta can đảm đương đầu và chiếu rọi ánh sáng vào những vùng tối tăm, bóng tối sẽ lùi lại và tan biến.
Thật vậy, sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách – những thử thách không chỉ ở thế giới bên ngoài mà cả ở thế giới nội tâm. Bóng tối sẽ không thể tồn tại nếu ta phơi bày nó trước ánh sáng của sự thiện tâm, lòng nhân hậu và sự khoan dung, bởi chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu.
(Quên hôm qua, sống cho ngày mai, Tian Dayton, Ph. D,NXB Tổng hợp TP. HCM, tr.129)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi con người không dám đối diện với nỗi sợ hãi?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, hãy lí giải vì sao “sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách”?
Câu 4. Lời khuyên:“Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình” có ý nghĩa như thế nào với anh /chị?
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) cho biết anh/chị sẽ làm thế nào để vượt qua thử thách ở ngay trong chính bản thân mình.
Câu 2.(5.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
———-HẾT———–
ĐÁP ÁN & HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm. – Học sinh không trả lời đúng phương thức “nghị luận”: không cho điểm |
0,75 | |
2 | Theo tác giả, nếu không dám đối diện với nỗi sợ hãi, con người sẽ gián tiếp khước từ những cảm xúc tốt đẹp đang hiện hữu trong trái tim mình. Và cứ thế, bóng tối dần xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời ta đang có.
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,75 điểm. -Nếu học sinh nói đúng nội dung những không trích dẫn như văn bản thì cho: 0,5 điểm |
0,75 | |
3 | “Sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách”vì khi ta dũng cảm đối mặt với thử thách, đương đầu với thử thách…ta sẽ được tôi luyện ý chí, nghị lực, tìm cách để hóa giải thử thách, từ đó dễ dàng đi đến thành công, đó chính là dấu hiệu của một con người trưởng thành.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời có ý như Đáp án vẫn cho điểm tối đa. |
1,0 | |
4 | Học sinh lí giải về lời khuyên “Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình” phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội.
Gợi ý: Chúng ta không nên né tránh, chối bỏ mặt xấu đã và đang hiện hữu trong con người mình. Việc đó sẽ giúp ta có sự nhìn nhận đúng về sai lầm, khiếm khuyết của bản thân để tìm cách khắc phục, hoàn thiện bản thân. Hướng dẫn chấm: -Học sinh trình bày thuyết phục: 0,5 điểm. – Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0,25 điểm. |
0,5 | |
II | LÀM VĂN | 7,0 | |
1 | Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về cách “Làm thế nào để vượt qua thử thách ở ngay trong chính bản thân mình”. | 2,0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cách vượt qua thử thách ở ngay trong chính bản thân mình. |
0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề hãy sống thực với chính mình. Có thể theo hướng sau: – Thử thách là tình huống khó khăn, nguy hiểm để qua đó thấy rõ tinh thần, khả năng của con người. – Thử thách ở trong chính bản thân mình có thể là nỗi sợ hãi, sự lo lắng hay là những thói quen xấu, những suy nghĩ tiêu cực… – Để vượt qua thử thách ở ngay trong bản thân mình, mỗi người cần bắt đầu bằng việc không né tránh, dũng cảm đối diện với chính thử thách (sự hèn nhát, thói ích kỉ, sự đố kị, lòng tham…) – Không dễ dãi thỏa hiệp với thói xấu; đấu tranh với chính mình để loại trừ những thói xấu; lắng nghe góp ý, phê bình thẳng thắn từ người khác để khắc phục nhược điểm và hoàn thiện bản thân. – Phê phán những con người không dám đương đầu, vượt qua những thử thách trong chính bản thân mình. Hướng dẫn chấm: – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm). – Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm). – Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm). Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
0,75 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng, đạo lí; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh. – Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. – Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm. |
0,5 | ||
2 | Qua việc phân tích tình huống truyện ngắn “Vợ nhặt”để bình luận về ý kiến“Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người” | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích tình huống truyện ngăn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân để bình luận về ý kiến“Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người” Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. – Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: |
|||
* Giới thiệu:
– Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, chuyên viết về cuộc sống và con người nông thôn. – Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc, tác giả đã sáng tạo được tình huống “nhặt vợ” độc đáo. – Nêu nội dung ý kiến: Khẳng định thành công của tác giả trong việc xây dựng tình huống độc đáo (tính chất bất thường) nhưng thể hiện nội dung giàu ý nghĩa nhân bản (thể hiện khát vọng bình thường của con người). |
0,5 | ||
* Phân tích tình huống truyện của tác phẩm “Vợ nhặt”.
– Nêu tình huống: Tràng – một nông dân ngụ cư nghèo khổ, ngờ nghệch, xấu xí, đang ế vợ bỗng nhiên “nhặt” được vợ giữa nạn đói khủng khiếp. – Tính chất bất thường: Giữa nạn đói kinh hoàng, khi người ta chỉ nghĩ đến chuyện sống – chết thì Tràng lại lấy vợ; một người tưởng như không thể lấy được vợ lại “nhặt” được vợ một cách dễ dàng; Tràng “nhờ” nạn đói mới có được vợ còn người đàn bà vì đói khát mà theo không một người đàn ông xa lạ; việc Tràng có vợ khiến cho mọi người ngạc nhiên, không biết nên buồn hay vui, nên mừng hay lo;… – Khát vọng bình thường mà chính đáng của con người: khát vọng được sống (người đàn bà đói khát theo không về làm vợ Tràng); khát vọng yêu thương, khát vọng về mái ấm gia đình (suy nghĩ và hành động của các nhân vật đều hướng tới vun đắp hạnh phúc gia đình); khát vọng về tương lai tươi sáng (bà cụ Tứ động viên con, người vợ nhặt nhắc đến chuyện phá kho thóc, Tràng nghĩ đến lá cờ đỏ sao vàng,…);… * Bình luận về ý kiến: – Thí sinh cần đánh giá mức độ hợp lí của ý kiến, có thể theo hướng ý kiến xác đáng vì: + Đã chỉ ra nét độc đáo về nghệ thuật của truyện ngắn. + Làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của tình huống truyện trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả. Hướng dẫn chấm: – Học sinh phân tích và bình luận đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm. – Học sinh phân tíchvà bình luận chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm. – Học sinh phân tích và bình luận chung chung: 0,75 điểm – 1,25 điểm. – Phân tích và bình luận sơ lược: 0,25 điểm – 0,5 điểm. |
2,5 | ||
* Đánh giá
Nhận định trên chính xác khi đánh giá về nghệ thuật xây dựng tình huống và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm Vợ nhặt. Sự hài hòa giữa nội dung và hình thức đã tạo thành công cho tác phẩm. Hướng dẫn chấm: – Học sinh đánh giá được 2 ý: 0,5 điểm. – Học sinh đánh giá được 1 ý: 0,25 điểm. |
0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của tình huống truyện tác phẩm Vợ nhặt. – Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. – Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |