I.Phần Đọc- hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân như thế nào mới gọi là trưởng thành? Và để được coi là trưởng thành thì bạn phải làm những việc gì? Có thể bạn nghĩ đơn giản rằng trưởng thành là sự lớn lên về thể xác, nhưng không hẳn vậy. Trưởng thành là phải lớn về thể xác và chín trong suy nghĩ. Nghĩa là người “trưởng thành”, tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình, rồi những thành công hay thất bại đều tự mình đón nhận. Có những sự thất bại nặng nề làm con người hụt hẫng, suy sụp nhưng khi ta đã “trưởng thành”, ta phải tự mình nhận về những nỗi buồn của riêng mình. “Trưởng thành” để ta hiểu rằng không có một điều gì có thể dễ dàng như mình mong muốn, cuộc sống là những khó khăn, thử thách, muốn đạt được những điều mong muốn phải cố gắng rất nhiều, cuộc sống không là một món quà tặng mà nó là sự cố gắng hết mình để nhận lấy.
(Nguồn https://www.songhaysongdep.com)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.(0,75điểm)
Câu 2: Trong đoạn trích, cách nghĩ đơn giản về trưởng thành thể hiện như thế nào?(0,75điểm)
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về từ “chín” trong câu: Trưởng thành là phải lớn về thể xác và chín trong suy nghĩ?(1,0điểm)
Câu 4: Quan niệm người “trưởng thành”, tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị ?(0,5điểm)
Phần Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải cố gắng hết mình trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích sau:
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:
– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?…
– Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.
Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:
– Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…
Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
(Trích Vợ nhặt, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam 2014, tr. 29)
………………….Hết…………………
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc hiểu | 3.0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm. – Học sinh trả lời không đúng phương thức biểu đạt: không cho điểm. |
0.75 | |
2 | Cách nghĩ đơn giản về trưởng thành là sự lớn lên về thể xác.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm. – Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm. |
0.75 | |
3 | Từ “chín” trong câu có ý nghĩa:
– Chín thể hiện sự thấu đáo, kĩ lưỡng, đầy đủ mọi khía cạnh trong cuộc sống. – Có thể suy nghĩ chín chắn, làm việc có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án hoặc diễn đạt khác nhưng có ý nghĩa tương tự: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm. |
1.0
|
|
4 | Học sinh thể hiện suy nghĩ cá nhân, diễn đạt trôi chảy bằng một đoạn văn ngắn, có thể theo hướng sau:
– Qua quan niệm “trưởng thành”, tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình trong đoạn trích giúp tôi hiểu trưởng thành chính là những bước chân, những nẻo đường, những ngã rẽ trong cuộc đời mình tự chọn và mình tự đi. – Trưởng thành không phải chỉ là việc lớn lên về chiều cao, về thể xác mà còn là lớn lên trong tâm hồn và nhận thức. Biết cho đi và không cần nhận lại. Người trưởng thành sẽ luôn biết sống tích cực và ý nghĩa cho cuộc đời. – Mỗi chúng ta đều có một cuộc đời của riêng mình. Một cuộc đời do mình tạo ra và định hướng. Ai cũng phải trải qua những cung bậc thăng trầm, những bước ngoặt gắn liền với những năm tháng tuổi trẻ, và sẽ đi đến một giai đoạn của đời người gọi là trưởng thành. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương:0,5 điểm – Học sinh trả lời được hai trong ba ý: 0,25 điểm.
|
0.5
|
II | Làm văn | 7.0 | |
1 | Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải cố gắng hết mình trong cuộc sống. | 2.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ.
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: về sự cần thiết phải cố gắng hết mình trong cuộc sống. |
0.25
0.25
|
||
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sự cần thiết phải cố gắng hết mình trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:
– Giải thích: Không phải ai sinh ra cũng có được năng lực tiềm ẩn, muốn thành công cần phải cố gắng, nỗ lực hết mình, nỗ lực chính là sự chăm chỉ, cố gắng gấp trăm lần năng lực của bản thân để gặt hái được những quả ngọt. – Biểu hiện của người biết cố gắng: + Người biết cố gắng luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc, không khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại do số phận + Luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp. – Sự cần thiết phải cố gắng hết mình trong cuộc sống: + Cố gắng hết mình giúp con người đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn… + Có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống. + Thay đổi được hoàn cảnh số phận, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn. + Người luôn cố gắng hết mình sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục, đồng thời tạo được lòng tin ở người khác. (Có thể cho dẫn chứng) – Mở rộng: tuy nhiên hiện nay còn nhiều người chưa ý thức được sự cần thiết của sự cố gắng trong cuộc sống. Chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí, thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời… (dẫn chứng) – Bài học: Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách thì sự cố gắng hết mình là rất quan trọng. Cần phải học cách rèn luyện mình để có thể vững vàng và trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã. Rèn luyện bản thân thành người biết cố gắng hết mình để vượt qua mọi chông gai và thử thách trên chặng đường dài. Hướng dẫn chấm: – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm). – Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm). – Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm). Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1.00 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
|
0,25 | ||
2 | Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích. | 5,0 | |
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một khía cạnh của nhân vật trong đoạn trích văn xuôi
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
(0,25) | ||
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn truyện. – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. – Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm. |
(0,5) | ||
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: |
|||
* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân(0,25 điểm), truyện Vợ nhặt và đoạn trích,nêu vấn đề cần nghị luận. (0,25 điểm).
|
(0,5) | ||
* Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích:
a. Nội dung – Hoàn cảnh: đến giữa truyện bà cụ Tứ mới xuất hiện. Bà là người mẹ nghèo khổ, dân ngụ cư, sống cùng người con trai làm nghề đẩy xe bò cho kho thóc… – Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi nói chuyện với con dâu: +Tâm trạng xót xa, thương cảm: Bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi gần hết cả cuộc đời, bà cụ có thể hoàn toàn hiểu được sự thật trần trụi, đắng chát của cuộc hôn nhân đó. +Tâm trạng vui mừng: Nhưng điều đáng lưu ý và cũng đáng trân trọng nhất ở bà cụ Tứ là dù có xót xa, đau đớn và lo lắng nhưng tất cả đều được bà mẹ này giữ kín trong cõi riêng lòng mình, còn những điều bà nói ra đều là sự vui mừng, tốt đẹp. +Tâm trạng đau đớn: Nén lòng để tạo tâm lý thoải mái cũng như sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho hai đứa con nhưng bà lão không thể quên đi những ám ảnh về đói rét, chết chóc. Có thể nói đây là một nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. => Những lời nghẹn ngào, xót xa của bà cụ Tứ đã tạo nên sự xúc động cao độ của câu chuyện về vẻ đẹp của tình mẫu tử, lớn hơn là tình người. b. Nghệ thuật: + Tâm trạng của nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, đậm chất nông thôn và có sự gia công sáng tạo của nhà văn. + Dựng cảnh sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc; đối thoại hấp dẫn, ấn tượng; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Hướng dẫn chấm: – Học sinh cảm nhận về diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm. – Học sinh cảm nhận chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm. – Cảm nhận chung chung, chưa rõ các biểu hiện của diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ : 0,75 điểm – 1,25 điểm. – Cảm nhận sơ lược, không rõ các biểu hiện của diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ : 0,25 điểm – 0,5 điểm. |
(2.5) | ||
* Đánh giá
-Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt. – Diễn biết tâm trạng của nhân vật góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân. Hướng dẫn chấm: – Học sinh đánh giá được 2 ý: 0,5 điểm. – Học sinh đánh giá được 1 ý: 0,25 điểm. |
( 0,5) | ||
4. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
( 0,25) | ||
5. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của Kim Lân; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc. – Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. – Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.. |
( 0,5) | ||
Tổng điểm | 10,0 |