Đề thi Văn 12 học kì 1 Năm 2019-2020 – THPH Xuân Huy Tuyên Quang

 

TRƯỜNG THPT XUÂN HUY 
———-
Họ và tên: ……………………………..
Lớp: 12C…
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I, NĂM HỌC 2019-2020
MÔN:Ngữ văn LỚP 12
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
( Đề kiểm tra có 01 trang)
  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc  đoạn văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu:
Người ta nói rằng từ khi có máy ảnh, con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. Em cũng thích ngắm bản sao hơn chăng?
Em có biết, tất cả những chiếc máy ảnh đều mô phỏng theo hoạt động của đôi mắt, nhưng chưa bao giờ tái tạo một cách hoàn hảo cấu trúc tinh vi của mắt và bộ não con người. Những bức ảnh em chụp rất đẹp, nhưng hãy chấp nhận rằng có những vẻ đẹp không thể ghi lại bằng máy ảnh mà chỉ có thể ghi lại bằng ký ức và cảm xúc.
Như buổi hoàng hôn này, ngoài cái ánh nắng vàng vọt rọi phết lên những đóa sen tàn, ngoài cái xanh mướt của đồng lúa đương thì, còn có hương cỏ dại, hương lúa non đang kỳ ngậm sữa thơm tinh khiết. Còn có bầu không khí trong trẻo mát lạnh của chiều thu, cái huyền hoặc của ánh trăng mọc sớm trong chiều mờ sương ở vùng thôn dã.
Chiếc máy ảnh có thể giúp em giữ lại một khoảnh khắc đẹp, nhưng nó chỉ thay thế được một giác quan duy nhất. Trong khi đó, bộ não của em lưu giữ được ký ức của rất nhiều giác quan. Các nhà khoa học thuộc đại học Oxford đã cảnh báo rằng giác quan của con người đang bị suy giảm chức năng nghiêm trọng. Những cư dân thành phố như em thường giành 90% quỹ thời gian trong ngày để làm việc, sinh hoạt trong nhà, trước màn hình tivi và máy tính. Vậy thì khi có cơ hội đứng giữa thiên nhiên, cớ gì em lại chăm chú nhìn thế giới qua chỉ một khoảnh khắc đẹp, trong khi cùng lúc ấy em có thể tận hưởng vô số khoảnh khắc vô giá khác?
       (Hơn một khoảnh khắc bị bỏ lỡ – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản?
Câu 2. Máy ảnh có điểm gì giống và khác so với đôi mắt con người?
Câu 3 . Anh/chị có đồng ý với ý kiến  có những vẻ đẹp không thể ghi lại bằng máy ảnh mà chỉ có thể ghi lại bằng ký ức và cảm xúc không? Vì sao?
Câu 4. Đoạn văn bản trên đã cho anh/chị lời khuyên hay bài học gì?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị  về vấn đề con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh sông Đà trong hai đoạn văn sau: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền” và “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuộn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân” (trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập 1). Từ đó nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
– Hết –

  1. HƯỚNG DẪN CHẤM, THANG ĐIỂM
Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3,0
1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận 0,5
2 Máy ảnh đều mô phỏng theo hoạt động của đôi mắt, nhưng chưa bao giờ tái tạo một cách hoàn hảo cấu trúc tinh vi của mắt và bộ não con người. 0,5
3 – Học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau: đồng ý/ không đồng ý/ đồng ý một phần
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.
0,5
0,5
4 HS có thể đưa ra những lời khuyên hay bài học khác nhau, GV cần linh động khi chấm. 
Gợi ý: 
– Lời khuyên/ bài học: về cách ngắm nhìn, sống cuộc sống thực trong sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo.
– Bài học từ cách sử dụng chiếc máy ảnh:
+ Hãy coi trọng việc ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt của mình, cảm nhận thế giới bằng giác quan, bằng những cảm xúc. Đó cũng là việc ta sống thật bằng con người mình, làm giàu cho tâm hồn, giác quan của mình.
+ Đừng quá phụ thuộc vào các tiện nghi, máy móc. Đừng quá coi trọng việc thể hiện ra với mọi người cuộc sống của mình…
1,0
II Làm văn 7,0
1 Nghị luận xã hội 2,0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có nêu vấn đề, triển khai vấn đề, kết luận được vấn đề theo phương thức nghị luận. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận bằng việc vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động…
Gợi ý
– Sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo đã tạo ra những sản phẩm công nghệ có chất lượng cao hấp dẫn con người 
– Thực trạng con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. 
– Nguyên nhân khiến con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. 
– Hậu quả của việc con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. 
– Giải pháp khắc phục việc con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật
1,0
d. Sáng tạo 0,25
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.
2 Nghị luận văn học 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,5
Có đủ các phầm mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Hình ảnh sông Đà trong hai đoạn văn 
Nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
1,0
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác thuyết minh; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 3,0
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận – dẫn hai đoạn văn

– Giới thiệu chung về tác phẩm, con sông Đà
– Cảm nhận hình ảnh sông Đà trong đoạn văn thứ nhất: Sông Đà hung bạo, dữ dội (Phân tích việc sử dụng biện pháp nhân hóa kết hợp cách tả, kể, cùng với việc vận dụng tri thức của ngành quân sự, nhà văn đã tạo dựng hình ảnh dòng sông như một sinh thể có diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một của con người).
– Cảm nhận hình ảnh sông Đà trong đoạn văn thứ hai: Sông Đà thơ mộng, trữ tình (Phân tích việc sử dụng biện pháp so sánh, điệp từ “tuôn dài” kết hợp cách tả, cách lựa chọn từ ngữ hình ảnh đặc trưng của vùng đất Tây Bắc, nhà văn đã đem đến cho người đọc hình ảnh một sông Đà mềm mại, đằm thắm, duyên dáng như một thiếu nữ. 
-> hai đoạn văn đều miêu tả con sông Đà ở hai thời điểm khác nhau với hai nét tính cách tưởng như đối lập mà lại thống nhất.
– Nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Uyên bác, tài hoa, luôn cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất.
0,5
0,25
0,75
0,75
0,25
0,5
d. Sáng tạo 0,25
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề càn nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I+II=10,00 điểm 10

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *