Đề thi Văn 12 học kỳ 1 năm học 2019 – 2020 – Bình Dương

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019-2020
Môn: Ngữ Văn, lớp 12
Thời gian làm bài: 120 phút
(Không tính thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong đời sống, sự tự tin không chỉ thể hiện bản thân mỗi người khi giao tiếp, nó còn phản
ánh cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống, công việc, trong giao tiếp với người khác, trong sức mạnh mà chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình.
Trong giao tiếp, dù ở ngôn ngữ nào, sự tự tin là nền tảng và chất xúc tác cho toàn bộ quá
trình chúng ta giao tiếp với người khác.
Sự tự tin không chỉ khiến bạn suy nghĩ lạc quan, tích cực và nhìn nhận được những mặt tốt
đẹp của một sự việc. Thái độ này còn tạo nên phong thái và khí chất của bạn. Trang Huffington Post khẳng định: Nếu tự tin, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công khi phỏng vấn xin việc hay tìm kiếm việc làm mơ ước. Bên cạnh đó, người tự tin cũng được nhìn nhận là đẹp hơn, cuốn hút hơn.
Chính thái độ và phong thái toát ra từ sự tự tin làm lu mờ những khiếm khuyết bên ngoài và
biến họ (những người tự tin) trở nên đặc biệt trong mắt người khác – trang Bon Vita (một trang viết về phong cách sống) cũng khẳng định.
Trang Psychologist phân tích, sự thiếu tự tin ấy không phải do bạn thiếu năng lực, mà do bạn chưa nhìn nhận đúng về bản thân mình, chưa có niềm tin vào khả năng của mình.
( http://kenh 14.vn/khi-tu-tin-ban-quyen-luc-va-hap-dan-hon)
Câu 1. Theo tác giả, sự tự tin được biểu hiện như thế nào trong đời sống của con người? (0.5 đ)
Câu 2. Theo anh/chị, sự tự tin có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi con người ? (0.75 đ)
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về sự tự tin và tự cao tự đại? (0.75 đ)
Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến của tác giả: sự thiếu tự tin là do bạn chưa nhìn nhận
đúng về bản thân mình, chưa có niềm tin vào khả năng của mình không? Vì sao? (1.0 đ)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc – hiểu, anh / chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ)
trình bày suy nghĩ của mình về những cách thức giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cho đoạn thơ:
“…Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
(Trích Đất Nước (Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập một,
2013, trang 118).
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về sự đa dạng, sáng tạo của chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng trong đoạn thơ ./.


HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. Hướng dẫn chung

            – Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách đếm ý chấm điểm.
  – Do đặc trưng bộ môn nên giám khảo chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo, cần chỉ ra được những điểm hạn chế để cho học sinh sửa chữa, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp.
– Việc cụ thể hóa điểm ở các ý phải đảm bảo không vượt quá điểm tối đa so với thang điểm quy định.
– Khi cộng điểm toàn bài, giám khảo làm tròn làm tròn điểm theo quy định hiện hành.

  1. Hướng dẫn cụ thể

 

Phần Câu                             Nội dung Điểm
I                       ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
1 Theo tác giả, trong đời sống, sự tự tin không chỉ thể hiện bản thân mỗi người khi giao tiếp, nó còn phản ánh cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống, công việc, trong giao tiếp với người khác, trong sức mạnh mà chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình.  0.5đ
2 Sự tự tin có ý nghĩa đối với con người:
Tự tin giúp con người vững tin vào bản thân, tin cuộc sống, yêu đời, luôn nhìn cuộc sống ở hướng tích cực, dễ phát huy sức mạnh nội tại, vượt qua khó khăn.
– Tự tin tạo cho con người phong thái, dễ truyền cảm hứng tốt đẹp đến người xung quanh, từ đó giúp con người có những lợi thế trong giao tiếp, có thêm nhiều bạn bè, các mối quan hệ tốt đẹp. 
– Tự tin tiếp thêm năng lực, giúp con người không ngại khó, có ý chí theo đuổi mục tiêu một cách kiên trì.
– Là một trong những yếu tố dễ dẫn đến thành công trong công việc.
(Đây chỉ là những gợi ý. HS thể nêu những ý khác, GV cho điểm nếu hợp lý, trình bày được 3 ý cho đủ điểm.)
0.75đ
3 HS có thể trình bày theo nhiều cách, gợi ý như sau:
Tự tin: là sự tin tưởng vào chính bản thân mình, tin vào năng lực của bản thân mình.
Tự cao tự đại: là sự tự đề cao khả năng của mình một cách quá đáng dẫn đến thái độ xem thường người khác.
    (HS thể nêu những ý khác, GV cho điểm nếu hợp lý) 
0.75đ
4 HS nêu ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình, lý giải cần hợp lý, thuyết phục.
(GV cho điểm nếu hợp lý, nêu được hai ý kiến cho đủ số điểm.) 
1.0đ
II –                          LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1
(2.0 đ)
Anh/ Chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về những cách thức giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
0.25đ
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Những cách thức giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống.
0.25đ
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những cách thức giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
– Để có được sự tự tin trong cuộc sống, con người cần:
   + Luôn tin tưởng vào khả năng của chính mình, phát huy hết mọi khả năng sẵn có để đóng góp cho cộng đồng, khẳng định bản thân.
  + Luôn có ý thức học hỏi, bồi đắp kiến thức, tu dưỡng tinh thần, biết lắng nghe và luôn có thái độ cầu thị, ham học hỏi. 
  + Hăng say làm việc, chủ động trong mọi tình huống, chấp nhận thất bại, không ngại khó khăn, quyết đi tới thành công.
   + Biết trân trọng bản thân, không so sánh mình với người khác vì ai cũng có mặt mạnh, mặt hạn chế.
….
1.0đ
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
0.25đ
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
0.25đ
Câu 2
(5.0 đ)
        “…Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có từ ngày đó…”
(Trích Đất Nước (Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập một, 2013, trang 118)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về sự đa dạng, sáng tạo của chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng trong đoạn thơ.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
      Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
0.25đ
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
    – Cảm nhận vẻ đẹp Đất Nước qua đoạn thơ.
   – Nhận xét về cách vận dụng chất liệu văn hóa dân gian đa dạng, sáng tạo trong đoạn thơ.
0.5đ 
c. Triển khai vấn đề nghị luận
    Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 
* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích. 0.5đ
* Cảm nhận vẻ đẹp Đất Nước qua đoạn thơ.
Học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
– Về nội dung: Cảm nhận vẻ đẹp của Đất Nước.
     + Đất Nước đã có từ rất lâu đời (những từ ngữ mang ý nghĩa khẳng định “đã có rồi, lớn lên, bắt đầu từ đó”); được gợi nhắc qua những điều thân thiết gần gũi  trong đời sống tinh thần, vật chất quen thuộc thường ngày.
    + Đất Nước có trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, thành ngữ “những cái ngày xửa  ngày xưa mẹ thường hay kể ”.
    + Đất Nước gắn liền với đời sống tình nghĩa thủy chung, đậm tình nặng nghĩa của con người được gợi nhắc qua“miếng trầu bà ăn”, hình ảnh “gừng cay muối mặn”. 
    + Đất Nước gắn liền với truyền thống yêu nước, tinh thần bất  khuất chống giặc ngoại xâm của cha ông từ ngàn xưa khi “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.
    + Đất Nước gắn liền với phong tục tập quán tốt đẹp xa xưa của người Việt “tóc mẹ thì bới sau đầu”, cái kèo cái cột thành tên”…
    + Đất Nước có đời sống lao động cần cù chịu thương chịu khó và “hạt gạo một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng…”
🡺 Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp của Đất Nước trong quá trình hình thành phát triển. Qua đó, hình ảnh Đất Nước hiện lên vừa thiêng liêng, sâu sắc vừa bình dị, gần gũi thân thiết với mỗi người.
– Về nghệ thuật: Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân dã mà giàu gợi cảm; cách viết hoa Đất Nước trang trọng; sự hòa hợp của chất chính luận và trữ tình.
2.0đ
* Nhận xét về: Sự đa dạng, sáng tạo của chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng trong đoạn thơ:
– Giải thích khái niệm: Văn hoá dân gian (Theo từ điển tiếng Việt) là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do nhân dân sáng tạo ra trong trường kì lịch sử  xa xưa góp phần tạo dựng, hun đúc nên nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
– Biểu hiện sự đa dạng, sáng tạo:
    + Có phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt đậm chất truyền thống (miếng trầu, bới tóc sau đầu, cái kèo cái cột, hạt gạo …);văn học dân gian như ca dao, tục ngữ, cổ tích, truyền thuyết… (Trầu cau, Tấm Cám, Thánh Gióng…)
    + Tác giả chọn lọc vài hình ảnh, một vài chi tiết trong truyện cổ tích, truyền thuyết…nhưng vẫn gợi tả đầy đủ ý nghĩa, thậm chí mới mẻ, sâu sắc, gắn bó với mạch thơ
– Tác dụng: Việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian đã tạo nên một không gian nghệ thuật thẩm mỹ riêng cho đoạn thơ, từ đó hiện lên hình ảnh Đất Nước vừa bình dị gần gũi vừa thiêng liêng cao quý; cho thấy sự trân trọng của tác giả đối với  những giá trị văn hóa truyền thống.
– …
1.0đ
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
0.25đ
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
0.5đ

 
 
 
 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *