SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI
KỲ THI THỬ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA 2019
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản được trích lược sau đây và thực hiện các yêu cầu:
…Sinh ra trong một gia đình có 6 người con, tuổi thơ của H’Hen Niê là những tháng ngày bươn chải, nghèo khó. Bước chân ra khỏi buôn làng …cô gái người dân tộc Ê đê một mình lên thành phố để có được cuộc sống tự lập, tìm tiếng nói riêng – để rồi những cố gắng ấy của cô được đền đáp một cách xứng đáng thật đáng trân trọng.
H′Hen Niê chia sẻ cô không có bí quyết gì ngoài đặt lòng tin mạnh mẽ ở bản thân: “Mỗi đêm trước chung kết, tôi đều tự nhủ mình sẽ làm được. Tôi lặp đi lặp lại điều này mỗi ngày”… Để đạt được ước mơ, H’Hen đã nỗ lực bằng tất cả những gì mình có. Để có hình thể và kĩ năng trình diễn đáng tự hào như hiện tại, đó là những ngày dài đổ mồ hôi, vắt sức trên sàn tập…
Ngoài ra, một trong những yếu tố khá quan trọng, giúp cho H’Hen Niê ghi điểm với ban tổ chức cuộc thi chính là câu chuyện về nghị lực vươn lên mạnh mẽ của mình. Là người dân tộc Ê-đê, H’Hen Niê từng phải đối mặt với nạn tảo hôn vào năm 14 tuổi. Tuy nhiên, H’Hen Niê không chấp nhận “số phận” mà tìm cách vươn lên, vạch ra cho mình một kế hoạch tương lai…
Với suy nghĩ tích cực, H’Hen Niê đã tự mình phấn đấu. Cô không ngại vất vả, chấp nhận trải qua nhiều công việc lao động chân tay như giúp việc nhà, trông em bé, rửa bát đĩa,… để trang trải cuộc sống, từng bước tìm ra lối đi riêng cho mình…
Không có con đường nào trải hoa hồng, để đi đến thành công, hoa hậu H’Hen Niê đã phải đi qua rất nhiều gai nhọn, vượt lên tất cả để viết tiếp ước mơ của mình. Đó là ước mơ của một cô gái mạnh mẽ, dám đi qua những định kiến, những quy chuẩn của số đông cộng đồng để làm chủ cuộc đời mình. Nếu H’Hen phó thác và chấp nhận lấy chồng ở tuổi 14, giờ đây đã không có H’Hen top 5 hoa hậu Hoàn Vũ thế giới, không có một cô hoa hậu khiến cộng đồng yêu thích vì sự chân thật, thân thiện và cầu tiến… Hãy như H’Hen!
(Theo Phương Anh/https://tieudiem.webtretho.com/ Bài học cuộc đời sâu sắc từ 2 người hùng của Việt Nam)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2. Theo văn bản, H’Hen Niê đạt được mơ ước nhờ những bí quyết như thế nào?
Câu 3. Việc tác giả liệt kê những công việc lao động chân tay mà H’Hen Niê từng phải làm để trang trải cuộc sống trước khi trở thành hoa hậu có ý nghĩa gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến được trích dẫn trong văn bản: “Không có con đường nào trải hoa hồng” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của sự tự nỗ lực của mỗi người để vươn lên trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có những đoạn thơ đặc sắc về thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa thơ mộng, mĩ lệ:
Đoạn 1:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Đoạn 2:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
( Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.88 và tr.89)
Anh/chị hãy phân tích những đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật cảm hứng lãng mạn của thơ Quang Dũng.
————–Hết————-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn
(HDC gồm: 03 trang)
Phần
Câu
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
3.0
1
Phong cách ngôn ngữ báo chí.
0.5
2
Bí quyết để H’Hen Niê đạt được ước mơ là:
– Đặt niềm tin mạnh mẽ ở bản thân
– Nỗ lực bằng tất cả những gì mình có, tự mình phấn đấu vươn lên.
0.5
3
– Tác giả liệt kê những công việc lao động chân tay mà H’Hen Niê từng phải làm để trang trang trải cuộc sống: giúp việc nhà, trông em bé, rửa bát đĩa,…
– Ý nghĩa: Giúp người đọc hiểu rõ những nỗ lực đầy vất vả của H’Hen Niê, xúc động và khâm phục cô lao động chăm chỉ, dám vượt qua định kiến, nỗ lực để đạt được mơ ước.
1.0
4
– Học sinh bày tỏ quan điểm: Đồng tình hoặc: Không đồng tình.
– Có sự lí giải hợp lí để bảo vệ quan điểm bản thân.
1.0
II
LÀM VĂN
7.0
1
Từ đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ về vấn đề cần nghị luận (vai trò của sự tự nỗ lực của mỗi người để vươn lên trong cuộc sống)
2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vai trò của sự tự nỗ lực của mỗi người để vươn lên trong cuộc sống
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động
– Giải thích: Sự tự nỗ lực là khả năng con người tự mình có ý thức và bản lĩnh, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống để đạt được mục tiêu và mơ ước.
– Sự tự nỗ lực của bản thân mỗi người có vai trò vô cùng quan trọng vì:
+ Giúp con người tự ý thức, chủ động trong mọi mục tiêu.
+ Giúp con người có bản lĩnh đối mặt với thử thách, có sức mạnh vượt qua khó khăn để thành công.
+ Nếu không nỗ lực: Không thể hướng tới những mục tiêu lớn lao vượt quá điều kiện bản thân.
– Tự rút ra bài học cho bản thân.
1.0
d. Sáng tạo
Sáng tạo trong diễn đạt, trong cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề cần nghị luận
0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0.25
2
Phân tích những đoạn thơ đặc sắc trong bài thơ Tây Tiến, từ đó làm nổi bật cảm hứng lãng mạn của thơ Quang Dũng.
5.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
0.25
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp đặc sắc của thiên nhiên miền Tây vừa hung vĩ, dữ dội, vừa duyên dáng, mĩ lệ trong 2 đoạn thơ; làm nổi bật cảm hứng lãng mạn của thơ Quang Dũng.
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
* Giới thiệu vấn đề nghị luận đúng đắn, hợp lí:
Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ Tây Tiến, dẫn dắt và giới thiệu 2 đoạn thơ cùng cảm hứng lãng mạn của thơ Quang Dũng.
0.25
* Phân tích vẻ đẹp đặc sắc của thiên nhiên miền Tây trong đoạn thơ thứ nhất
– Nội dung: Bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội vừa duyên dáng mĩ lệ với hành trình gian lao mà tâm hồn trẻ trung, lãng mạn của người lính
+ Hùng vĩ bởi các từ láy tượng hình và từ ngữ tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút…diễn tả được sự gập ghềnh, cheo leo, hiểm trở của núi đèo Tây Bắc, vừa gợi được hành trình gian lao, sự trẻ trung, tinh nghịch của người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân (hình ảnh “súng ngửi trời”)
+ Dữ dội qua những nét vẽ phối hợp các thanh trắc tạo nên những nét gân guốc, táo bạo, khỏe khoắn; âm hưởng thơ ghềnh thác như núi non Tây Bắc hun hút đến ghê người. Dữ dội qua nghệ thuật đối ở câu ba: “Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống”, điệp từ “dốc”, “ngàn thước” như vẽ ra trước mắt người đọc địa hình núi đèo trùng điệp, cao ngất trời mây, tiếp ngay là vực sâu thăm thẳm.
+ Sự chơi vơi, trữ tình trong xa xa, hư ảo, thiên nhiên Tây Bắc hiện ra mênh mang với những bản làng bồng bềnh trôi giữa sương rừng mưa núi, ánh mắt xa xăm của người lính phút dừng chân đỉnh đèo.
+ Cái thơ mộng nơi tâm hồn người lính bình yên, êm mát trong những chữ toàn thanh bằng gợi người đọc liên tưởng đến nét bút lông mềm mại, gợi được cái lâng lâng, bay bổng, thư thái trong tâm hồn người lính Tây Tiến.
– Nghệ thuật thơ đặc sắc từ ngôn ngữ đến hình ảnh, vận dụng hiệu quả nghệ thuật đối, điệp từ, điệp ngữ, nhân hóa…trong những dòng thơ phối hợp chất thơ, chất nhạc, chất họa.
1.25
* Phân tích vẻ đẹp đặc sắc của thiên nhiên miền Tây trong đoạn thơ thứ hai:
– Nội dung: Đoạn thơ không còn cái dữ dội, cheo leo, chỉ có sự thơ mộng, mĩ lệ của thiên nhiên như một bức tranh lụa mượt mà:
+ Khung cảnh thiên nhiên nơi miền kí ức là một buổi chiều tĩnh lặng, êm ả đầy chất thơ (chiều sương ấy). Không gian được phủ bởi một chiều sương huyền thoại khiến tất cả con người và cảnh vật như nhòe đi, bảng lảng như một bức tranh thủy mặc cổ điển.
+ Hình ảnh thơ gợi cảm, có hồn: “hồn lau”: Quang Dũng không tả cây lau, bông lau mà nắm bắt cái hồn vía, hình thái của cảnh vật. Một lối viết rất gần gũi với bút pháp cổ điển phương Đông gợi lên biết bao bâng khuâng trước thiên nhiên Tây Bắc.
+ Hình ảnh tình tứ “hoa đong đưa” lay động, “dáng người trên độc mộc”uyển chuyển, âm hưởng thơ mềm mại, “hoa” cũng như “người” đang soi mình làm duyên trên gương nước chòng chành.
– Nghệ thuật:
+ Bốn dòng thơ với ngôn ngữ mềm mại, chất thơ đạt đến độ ảo diệu, hình ảnh thơ hài hòa, tinh tế.
+ Chỉ bằng vài nét gợi mà Quang Dũng vừa tạo được hình sắc trực tiếp vừa gợi lên được cái hồn của cảnh vật: Hồn lau, dáng người…
1.25
* Cảm hứng lãng mạn của thơ Quang Dũng:
– Lí giải về cội nguồn của cảm hứng lãng mạn: Quang Dũng vốn là một hồn thơ hào hoa, lãng mạn, chất hào hoa lại được gặp thiên nhiên miền Tây với vẻ đẹp đặc sắc và mới lạ. Quang Dũng lại từng sống và chứng kiến những tháng ngày hào hùng giữa binh đoàn Tây Tiến. Do vậy, hồn thơ ấy đã hòa quyện lại tất cả để tạo nên những câu thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn.
– Lí giải biểu hiện của cảm hứng lãng mạn:
+ Cái tôi trong thơ tràn đầy cảm xúc và trí tưởng tượng: Cả bài thơ là một nỗi nhớ triền miên, da diết, chơi vơi của nhà thơ về rừng núi miền Tây, về hành trình Tây Tiến gian lao mà anh dũng.
+ Tác giả tô đậm những vẻ đẹp phi thường, gây ấn tượng mạnh: cái hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng, mĩ lệ của thiên nhiên, bước chân anh hùng gian lao của người lính.
+ Phát huy cao độ thủ pháp đối lập, tương phản (đối lập giữa cái hùng vĩ, dữ dội với cái tuyệt mĩ, thơ mộng, hiện thực gian lao và tâm hồn người lính).
1.0
* Khái quát vấn đề sâu sắc, đúng đắn: Khái quát về 2 đoạn thơ và tài năng nghệ thuật thơ Quang Dũng.
0.25
d. Sáng tạo
Sáng tạo trong diễn đạt, trong cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề cần nghị luận
0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0.25