SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH |
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN Năm học 2015 – 2016 Môn: NGỮ VĂN (chuyên) Thời gian làm bài: 150 phút(Đề thi gồm: 02 trang) |
Phần 1: Đọc- hiểu văn bản (4,0 điểm)
Em hãy đọc đoạn văn sau:
(…) Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình…
(Nguyễn Minh Châu – Bến quê, SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB GD, 2007, tr.101)
Và trả lời các câu hỏi dưới đây:
Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính? (0,5 điểm)
Trong đoạn văn, tác giả đã diễn tả nội tâm nhân vật bằng cách nào? (0,5 điểm)
Hình ảnh bãi bồi ven sông ở đoạn văn trên có ý nghĩa biểu trưng gì? (0,5 điểm)
Từ thông điệp mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong đoạn trích trên, em có suy nghĩ gì về hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game online, facebook… mà xa rời những gì gần gũi, bình dị xung quanh? (2,5 điểm)
Phần 2: Tập làm văn (6,0 điểm)
Trong buổi thảo luận về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, một bạn học sinh cho rằng: Bài thơ được người đọc yêu thích bởi Nguyễn Duy đã tìm về một đề tài thi vị, quen thuộc. Một bạn khác lại đưa ý kiến: Bài thơ sống trong lòng người đọc bởi Nguyễn Duy đã chọn cho mình một lối đi riêng.
Em hãy bàn luận về các ý kiến trên.
ÁNH TRĂNG
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Hồ Chí Minh, 1978
(Nguyễn Duy – SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD 2005, tr.155,156)
———HẾT———
Họ và tên thí sinh:…………………………….. Số báo danh:………………………………… |
Họ tên, chữ ký GT 1……………………..……… Họ tên, chữ ký GT 2……………………………… |
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH |
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN NĂM HỌC 2015 – 2016 Môn: NGỮ VĂN (chuyên) |
Phần 1: Đọc- hiểu văn bản (4,0 điểm)
Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính? (0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: miêu tả
Trong đoạn văn, tác giả đã diễn tả nội tâm nhân vật bằng cách nào? (0,5 điểm)
– Gián tiếp qua ngoại cảnh (0,25 điểm)
– Trực tiếp diễn tả ý nghĩ, cảm xúc (0,25 điểm)
Hình ảnh bãi bồi ven sông ở đoạn văn trên có ý nghĩa biểu trưng gì? (0,5 điểm)
Hình ảnh bãi bồi ven sông có ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp gần gũi, bình dị (0,25 điểm) mà xa lắc (0,25 điểm)
Từ thông điệp mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong đoạn trích trên, em có suy nghĩ gì về hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game online, facebook… mà xa rời những gì gần gũi, bình dị xung quanh? (2,5 điểm)
Yêu cầu: Biết bày tỏ ý kiến của bản thân về vấn đề nghị luận; lập luận hợp lí, thuyết phục; diễn đạt trong sáng.
Đảm bảo các nội dung sau:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
– Nêu thông điệp Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong đoạn trích: Con người nhiều khi mải hướng tới những điều cao xa mà vô tình không nhận ra những vẻ đẹp gần gũi ngay bên cạnh mình. (0,5 điểm)
– Trình bày suy nghĩ về hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game online, facebook… ( 1,25 điểm)
+ Từ việc hiểu thông điệp của Nguyễn Minh Châu, người viết liên hệ và trình bày suy nghĩ về thực trạng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của internet, xa rời thực tế…(dẫn chứng thực tế) (0,5 điểm)
+ Phê phán hiện tượng trên: Việc đắm chìm trong thế giới ảo khiến con người không quan tâm đến cuộc sống xung quanh, đến những người thân quanh mình; sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để đến một lúc nào đó phải ân hận, nuối tiếc. (Thí sinh cần lập luận thuyết phục bằng lí lẽ và dẫn chứng xác đáng, cụ thể) (0,75 điểm)
– Liên hệ bản thân và rút ra bài học (0,5 điểm)
+ Thấy được ưu thế của công nghệ thông tin đối với con người trong cuộc sống hiện đại song không lạm dụng.
+ Tích cực học tập, làm việc, biết nâng niu, trân trọng những gì thân thuộc, giản dị, gần gũi quanh mình, sống hòa nhập với thiên nhiên, cộng đồng, đặc biệt biết quan tâm, yêu thương chia sẻ với những người thân yêu.
– Cách chấm điểm:
+ Từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm: Nêu được những suy nghĩ của bản thân về vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; diễn đạt sáng rõ.
+ Từ 1,25 đến 1,75 điểm: Nêu được suy nghĩ của bản thân, lí lẽ, dẫn chứng chưa thật đầy đủ, chưa giàu sức thuyết phục; còn mắc một số lỗi diễn đạt.
+ Từ 0,25 đến 1,0 điểm: Nêu được suy nghĩ của bản thân nhưng còn chung chung; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
+ 0 điểm: Không làm hoặc lạc nội dung.
Phần 2: Tập làm văn (6,0 điểm)
Yêu cầu: Hiểu bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy; có kĩ năng làm bài văn nghị luận ý kiến bàn về tác phẩm. Thí sinh có thể kết cấu bài viết theo các cách khác nhau song cần đảm bảo những nội dung sau:
Giới thiệu vấn đề nghị luận; trích các ý kiến (0,5 điểm)
Bàn luận về ý kiến: “Bài thơ được người đọc yêu thích bởi Nguyễn Duy đã tìm về một đề tài thi vị, quen thuộc.” (2,0 điểm)
– Ý kiến cho rằng: sở dĩ người đọc yêu thích bài thơ là ở đề tài thi vị, quen thuộc. (0,25 điểm)
– Bày tỏ quan điểm của bản thân về ý kiến đã nêu: (1,75 điểm)
+ Khẳng định ý kiến đã nêu: (1,5 điểm)
++ Trăng là đề tài muôn thuở của thơ ca từ cổ chí kim. Các thi nhân tìm đến trăng là để mở lòng ra với thiên nhiên, mượn trăng để gửi gắm bầu tâm sự. Có biết bao vần thơ viết về trăng làm say lòng độc giả muôn đời (nêu dẫn chứng những thi phẩm viết về trăng trong thơ cổ, thơ hiện đại). (0,5 điểm)
++ Sự thể hiện của đề tài trong bài thơ: qua nhan đề Ánh trăng; trăng là hình tượng xuyên suốt toàn bài (có mặt trong tất cả các khổ thơ). (0,5 điểm)
++ Như vậy, Nguyễn Duy đã đưa thơ mình hòa nhập vào nguồn mạch thơ truyền thống, đưa người đọc đến với vẻ đẹp ngàn đời để đánh thức tình yêu, sự nhạy cảm với cái đẹp. Đây là lí do khiến người đọc yêu thích bài thơ. (0,5 điểm)
+ Bổ sung ý kiến: (0,25 điểm) Ý kiến trên đúng nhưng chưa đủ. Bởi:
++ Đề tài hay cũng chưa đủ để tạo nên giá trị của thi phẩm.
++ Đứng trước một đề tài nhiều người đã khai thác, nếu nhà văn không có sự sáng tạo thì tác phẩm sẽ lẫn với vô vàn những ánh trăng khác trong thi ca và thi phẩm không có chỗ đứng trong lòng người đọc.
Lưu ý: Nếu thí sinh nói được 1 trong 2 ý trên được 0,25 điểm
Bàn luận về ý kiến “Bài thơ sống trong lòng người đọc bởi Nguyễn Duy đã chọn cho mình một lối đi riêng.”(3,0 điểm)
– Giải thích ý kiến: Nguyên nhân tạo nên sức sống của bài thơ là bởi sự sáng tạo của Nguyễn Duy (0,25 điểm)
– Bày tỏ quan điểm của bản thân về ý kiến đã nêu (2,75 điểm)
+ Khẳng định ý kiến đã nêu: Cần chỉ ra và phân tích sự sáng tạo của Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng ở các phương diện sau: (2,5 điểm).
++ Nguyễn Duy đã chọn thể thơ 5 chữ, không có dấu chấm ngắt câu, mỗi khổ thơ chỉ viết hoa chữ cái đầu khổ khiến nhịp kể và nhịp cảm xúc tuôn chảy tự nhiên và sâu lắng (0,25 điểm)
++ Nguyễn Duy đã sáng tạo trong việc kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình: Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian và theo dòng tự sự ấy, cảm xúc của nhân vật trữ tình được bộc lộ; tạo nên giọng tự bạch, tâm tình (0,25 điểm)
++ Nguyễn Duy dụng công trong việc tạo tứ thơ: Từ tình huống mất điện trong thành phố, con người đột ngột gặp lại vầng trăng và bao cảm xúc, suy tư ùa về. (0,25 điểm)
++ Hình tượng trăng được Nguyễn Duy xây dựng mang nhiều tầng ý nghĩa: trăng là hình ảnh của thiên nhiên tươi mát; là người bạn tri kỉ nhân hậu, nghĩa tình, trong sáng, thủy chung; là quá khứ gian lao, tình nghĩa; là vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống…(0,5 điểm)
++ Hình tượng cái “tôi” trữ tình trong bài thơ hiện lên thật đặc biệt: người lính vừa đi qua chiến tranh, sống giữa thời bình có chiều sâu nội tâm, sống ân nghĩa thủy chung (phân tích cái giật mình ở cuối bài) (0,5 điểm)
++ Tìm đến với một đề tài quen thuộc nhưng Nguyễn Duy đã chọn cho mình một chủ đề riêng: Trên nền của một câu chuyện riêng tư, Ánh trăng như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. (0,25 điểm)
(Trong quá trình phân tích cần so sánh với những thi phẩm khác cùng đề tài để thấy sự sáng tạo của Nguyễn Duy trong Ánh trăng).
++ Như vậy, viết Ánh trăng Nguyễn Duy đã chọn cho mình một lối đi riêng ở cả phương diện hình thức và nội dung tư tưởng. Sự sáng tạo ấy làm giàu có cho đề tài đem đến cho người đọc những thông điệp sâu sắc về con người, cuộc sống. Đồng thời tạo nên sức sống của thi phẩm, khẳng định được dấu ấn riêng của Nguyễn Duy – điều vô cùng cần thiết đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. (0,5 điểm)
Lưu ý: Nếu thí sinh nói 2 trong các ý trên được 0,5 điểm.
+ Bổ sung ý kiến: Nhà thơ chọn cho mình một lối đi riêng là vô cùng cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, lối đi ấy không được xa rời giá trị tốt đẹp của cuộc sống con người. (0,25 điểm)
Đánh giá chung về các ý kiến:(0,5 điểm)
– Hai ý kiến là những cách nhìn ở những phương diện khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để khẳng định giá trị của bài thơ.
– Các ý kiến tranh luận gợi ra nhiều suy nghĩ cho người làm thơ và đọc thơ trên con đường sáng tác và thưởng thức (ví dụ như: làm thế nào để có thơ hay và thưởng thức được cái hay của thơ…)
Cách chấm điểm:
– Từ 5,5 đến 6,0 điểm: Hiểu yêu cầu của đề; đưa ra được hệ thống ý hợp lí, lôgic; phân tích thơ tốt; vận dụng kiến thức lí luận văn học phù hợp; diễn đạt sáng rõ, có chất văn.
– Từ 4,0 đến 5,25 điểm: Hiểu yêu cầu của đề; đưa ra được hệ thống ý hợp lí nhưng chưa thật đầy đủ và thuyết phục; phân tích thơ khá tốt; có ý thức vận dụng kiến thức lí luận văn học; diễn đạt sáng rõ, có chất văn.
– Từ 2,5 đến 3,75 điểm: Không có kĩ năng bàn luận ý kiến; phân tích bài thơ có chỉ ra được nét mới nhưng chưa đầy đủ; mắc một số lỗi về chính tả, diễn đạt.
– Từ 1,5 đến 2,25 điểm: Không có kĩ năng bàn luận ý kiến; phân tích bài thơ chung chung; mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Từ 0,25 đến 1,25 điểm: Không hiểu yêu cầu của đề; phân tích bài thơ sơ sài hoặc bài làm chưa đầy đủ; mắc nhiều lỗi về chính tả và diễn đạt.
– 0 điểm: Lạc đề hoặc không làm.
Lưu ý: Điểm toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm.
—Hết—