Nghị luận về ý nghĩa câu chuyện: Những dấu chấm câu

Anh/chị suy nghĩ như nào về câu chuyện sau:
Những Dấu Chấm Câu
Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩa đơn giản.
Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khé, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.
Một thời gian sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quyên mất cách tư duy.
Cứ như vậy, anh ta đến dấu chấm hết.
Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa. Nhưng mất những dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mấy ý nghĩa như vậy.
Mong bạn giữ gìn cẩn thận những dấu chấm câu của mình, bạn nhé!
(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010)
Bài làm:
Mỗi một người đều định nghĩa cho mình những giá trị riêng, có những người cả cuộc đời hằng ao ước, ước gì mình được trở thành một người giàu có. Có người lại ước mình đạt được nhiều thành công, thành người nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ. Ta cứ vậy mà ao ước với chính mình, như ta liệu có hiểu, những điều đó, với những người đã đạt được và đã thành công, họ đã cố gắng từng giây trong mỗi ngày, một chút, một ít mà thành. Đọc xong câu truyện những dấu chấm câu, tôi càng thêm suy nghĩ và cảm nhận rõ hơn về những điều này.
Mỗi dấu chấm câu đều có những giá trị riêng, chúng là những công cụ đắc lực của những người thạo ngôn ngữ, và sử dụng ngôn ngữ như một người nghệ sĩ. Dấu chấm câu được đặt ở nơi hợp lí trong một bài văn, không chỉ giúp bài văn hay hơn, giàu nhịp điệu, tạo được cảm xúc tổng hòa vô cùng hoàn hảo. Mà còn qua đó, giãy bày những tâm tư, nguyện ý của người viết. Ta thấu hiểu nhau hơn, ta biết rõ về nhau, cũng nhờ những dấu câu đóng một vai trò cực kì quan trọng. Nhưng, không phải ai cũng biết điều đó, và coi trọng những điều nhỏ bé như vậy.
Câu truyện kể về việc lần lượt mất đi những dấu “chấm câu” cũng là quá trình nhân vật “anh” trong câu truyện dần đánh mất đi những giá trị của chính mình. Từ một suy nghĩ rất nhỏ từ những dấu câu trong một bài văn, từ dấu phẩy, giúp câu văn gãy gọn, súc tích, đủ ý, dễ hiểu dễ nghe và ngắt nhịp vừa phải trong cả một đoạn văn mang nhiều ý nghĩa. Điều đó lại được tác giả tượng trưng cho việc nhân vật “anh” đang mất đi chính mục đích ấy của mình, vì đánh mất dấu phẩy, nhân vật “anh”  không còn định nghĩa được những giá trị căn bản. Chỉ biết tìm đến những điều đơn giản để học và đọc, không có khả năng hiểu được những điều sâu sa và anh ta cũng sợ hãi và né tránh điều đấy. Bản thân vô thức trở thành người đơn giản, nông cạn và hạn hẹp vì tự đánh mất đi “dấu phẩy” của mình.
Tiếp theo, anh ta đánh mất đi dấu “chấm than”. Ồ! Anh ta chắc chắn chẳng còn như trước được nữa, không một câu nói nào có cảm xúc, chẳng nói được lời nào khiến người khác thấy xúc động,vui vẻ, hạnh phúc nữa. Anh ta vô cảm, vô thức với mọi thứ, như một cái máy đông cứng, chỉ biết nói một cách vô thức và vô cảm mà thôi. Rồi, anh ta cũng đánh mất đi “hai chấm”, dấu hai chấm tượng trưng cho sự liệt kê, nhưng anh ta lại đánh mất nó, anh ta chẳng còn tư duy được gì, mọi thứ một là một, hai là hai, tất cả dừng lại. Và đương nhiên, rốt cuộc sớm hay muộn, anh ta đã tự nhấn chìm mình và tìm đến dấu “chấm hết”. Câu nói cuối cùng của tác giả thật thấm thía, phải, trong một bài văn, sẽ chỉ là một đoạn nói sáo rỗng vì chẳng có một dấu chấm câu nào xuất hiện, mọi thứ rời rạc, vô hồn, vô cảm, vô thức, như một mớ chữ vô nghĩa lí. Còn cuộc đời, nếu con người tự đánh mất đi những “dấu câu” của mình, chúng ta cũng sẽ trở nên như vậy, trở thành một kẻ chán ghét, một cái máy vô thức, một con người robot… Và than ôi! Liệu ta có tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình? Lời nói cuối cùng là một sự khuyến khích nhẹ nhàng, chúng ta hãy gìn giữ dấu câu của chính mình, chỉ có như thế, ta mới sống tốt hơn, ta mới được sống trọn vẹn với chính mình. Chúng ta đừng nên đánh mất bản thân và nhấn chìm chính mình như vậy. Chúng ta mất dần sự liên kết mọi thứ, chỉ còn những phần rời rạc nối ghép cơ học, và dẫn đến đánh mất bản thân vì rơi mất những điều vô cùng nhỏ bé nhưng thiết thực.
Từ đó ta mới rút ra một bài học, cuộc sống này không thiếu những bạn trẻ như vậy. Bởi vì sao? Ta quá ham vinh và chạy theo tiếng gọi của công việc. Cha mẹ vì lao vào kiếm tiền nên bỏ quên con cái, con cái trở nên vô cảm và làm bạn với game… hoặc chạy theo những vật chất viển vông, tầm thường bên ngoài. Đánh rơi chính mình lúc nào không hay. Suy cho cùng, ta nên học cách sống yêu thương và chan hòa hơn, cởi mở trái tim và học hỏi những điều tích cực. Hãy sống với chính mình và không ngừng vươn lên hoàn thiện những điều còn khiếm khuyết. Cuộc đời này luôn tạo dựng từ những điều nhỏ bé, hãy sống chậm lại và làm những điều nhỏ bé trước.
Qua câu truyện, ta như nhận thức hơn về một thực trạng hiện nay không thiếu, đó chính là sống vội. Từ đó, ta học được cách trân trọng bản thân, cuộc sống sẽ có ý nghĩa khi ta biết nâng niu, gìn giữ từng niềm vui nho nhỏ và ở lẽ sống được là chính mình.
Xem thêm :NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *