ĐỀ THI THỬ CHUẨN CẤU TRÚC MINH HỌA
ĐỀ SỐ 08 (Đề thi có 02 trang) |
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021
Bài thi: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề |
- ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ
- Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).
– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay.
– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.
- Nội dung:
– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.
– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.
– Trong phần Làm văn:
+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.
+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì I lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.
- MA TRẬN ĐỀ THI
MA TRẬN
PHẦN | CÂU | CẤP ĐỘ NHẬN THỨC | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | ||
ĐỌC HIỂU | 1 | x | |||
2 | x | ||||
3 | x | ||||
4 | x | ||||
LÀM VĂN | 1 | x | |||
2 |
C – BIÊN SOẠN ĐỀ THI
- Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau:
Cựu tổng thống Pakistan Ayub Khan từng nói: “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối”. Khi cha mẹ bắt đầu đối xử với đứa con bằng thái độ thiếu tin tưởng, dưới định kiến này của cha mẹ, trẻ nảy sinh tâm lí dễ nổi loạn, thậm chí làm những việc khiến cha mẹ thêm bất tín.
Khi thiên tài Edison 8 tuổi, ông từng đặt ra câu hỏi với giáo viên: vì sao 2 + 2 = 4? Vì câu hỏi này, ông bị giáo viên cho là chậm chạp, năng lực thấp. Tuy nhiên, mẹ Edison, người luôn tin tưởng con trai mình, đã luôn kiên nhẫn dạy dỗ cậu bé. Dưới sự dìu dắt của mẹ, Edison say mê đọc sách – thói quen này trở thành nền tảng cho những phát minh lớn trong tương lai của cậu. Nếu người mẹ tin vào lời giáo viên, tin rằng con trai mình là một đứa trẻ kém cỏi, thế giới sẽ không có vua của những phát minh sau này.
Một đứa trẻ tình nguyện giúp mẹ lau nhà, nhưng mẹ thay vì khuyến khích, lại nói: “Đừng kéo lê cái khăn nữa, con làm ướt nhẹp cả sàn”. Hoặc khi trẻ muốn rửa bát, bố cáu kỉnh: “Con đi đi, đừng động vào và làm vỡ bát”. Khi trẻ muốn thử nghiệm những thứ mới mẻ, bố mẹ đã tạt gáo nước lạnh: “Chưa đến tuổi làm việc đó, đừng phí thời gian”. Rõ ràng, cha mẹ đã kìm hãm sự tự tin của đứa trẻ, không tin tưởng vào năng lực của bé, làm hạn chế ham muốn học tập của bé. Theo thời gian, trẻ dần rơi vào cảm giác bất lực khi không thể được trải nghiệm, do sự kiểm soát bên ngoài. Khi gặp phải bất cứ việc gì, chúng sẽ tự khắc rụt lại, biến mình trở thành đáng thương, đúng như những lời bố mẹ chúng thốt ra.
Thế nên, sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất. Trong quá trình đó, cần chú ý ba điểm quan trọng: cho trẻ cơ hội tự giác, hiểu nguyên nhân, cho trẻ cơ hội được tin tưởng, luôn tin con là tốt nhất.
(Thùy Linh, Tác hại nhãn tiền khi thiếu tin tưởng con, dẫn theo https:// vnexpress.net).
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (NB). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (NB). Theo tác giả, thành công của thiên tài Edison đến từ những nguyên nhân nào?
Câu 3 (TH). Vì sao tác giả cho rằng: “Sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất”?
Câu 4 (VD). Anh/Chị có đồng ý với quan điểm “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối” được nhắc đến trong văn bản hay không? Vì sao?
- LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho.Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều quanh nương để sưởi lửa.Ở Hồng Ngài, người ta thành lệ cứ ăn Tết thì gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.
Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. (…) Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi.Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”.
Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy.
Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa.
Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
(Trích Vợ chồng A Phủ– Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr 6,7)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp bức tranh thiên thiên, cảnh sinh hoạt và nhân vật Mị ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét chất thơ trong sáng tác của nhà văn Tô Hoài.
———–HẾT———-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm | |||
I | Đọc hiểu | 3.0 | ||||
1 | Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. | 0.5 | ||||
2 | Theo bài viết, thành công của thiên tài Edison đến từ những nguyên nhân sau:
– Thói quen say mê đọc sách. – Lòng tin tưởng và sự kiên nhẫn dạy dỗ của người mẹ.
|
0, 5
|
||||
3 | Tác giả bài viết cho rằng: “Sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất” vì:
– Mong muốn thực sự của con cái đối với bố mẹ không gì hơn tình yêu thương, sự tin tưởng thực sự và cho trẻ sự tự do cần có để phát triển. – Hạnh phúc của một con người đến từ sự hài lòng về vật chất và sự thoải mái về tinh thần. Do vậy, nếu bố mẹ chỉ cho trẻ sự hài lòng về vật chất mà thiếu đi sự tin tưởng con, chưa cho con được cảm nhận thực sự tình yêu, sự tự do thì sẽ không đảm bảo được hạnh phúc cho trẻ.
|
1,0
|
||||
4 | * Thí sinh được tự do nêu ý kiến của mình: Đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối” được nhắc đến trong văn bản.
* Học sinh giải thích ý kiến của mình miễn hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo gợi ý sau: – Đánh giá: Ý kiến trên rất chính xác. – Giải thích: + Niềm tin giữa người và người cần một quá trình lâu dài và rất khó khăn để hình thành nhưng rất dễ đánh mất. + Niềm tin là một yếu tố gắn với cảm xúc, khi niềm tin mất thì cảm xúc cũng không còn, những ấn tượng tốt đẹp sẽ phai nhạt dần rồi mất đi, khó có thể tìm lại được. + Mất niềm tin vào một đối tượng nào đó kéo theo sự tan vỡ quan hệ, thậm chí sụp đổ thần tượng; điều này rất khó có thể cứu vãn được. (Lưu ý: Nếu chỉ nêu lý do mà không nêu ý kiến thì không cho điểm)
|
1,0
|
||||
II | Làm văn | |||||
1 | Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
|
2,0 | ||||
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.
|
0,25
|
|||||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn. |
0,25 |
|||||
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
Có thể triển khai theo hướng sau: Trình bày suy nghĩ của bản thân về một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn: – Có thể tự lập ở một số việc: chăm sóc bản thân, đến trường, học bài, làm bài…. – Chủ động phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, hoàn thành tốt những việc ấy một cách nhanh chóng, hiệu quả. – Năng động trong những môi trường ngoài gia đình để bố mẹ đón nhận phản hồi tích cực về mình từ mọi người xung quanh.
|
1.0 | |||||
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25 | |||||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | |||||
2 | Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét chất thơ trong sáng tác của nhà văn Tô Hoài. | 5,0 | ||||
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn trích văn xuôi (có ý phụ)
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
(0,25) | |||||
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sinh hoạt và sức sống tiềm tàng của Mị ; chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài. |
(0,25) | |||||
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1. Mở bài – Giới thiệu Tô Hoài và truyện Vợ chồng A Phủ +Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng rất linh hoạt, đắc địa. + Một trong những thành công nhất của nhà văn khi viết về đề tài miền núi Tây Bắc là truyện Vợ chồng A Phủ. – Nêu vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sinh hoạt và sức sống tiềm tàng của Mị trong đoạn trích; chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài. 3.2. Thân bài a. Khái quát tác phẩm: Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng. b. Tổng quát nhân vật Mị – Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra: + Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo “thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê”; + Mị đã từng yêu, từng được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu. + Hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố. – Khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra: bị “cúng trình ma” nhà thống lí, làm con dâu gạt nợ, bị bóc lột sức lao động, “không bằng con trâu con ngựa”, “đàn bà trong cái nhà này chỉ biết vùi đầu vào công việc”, bị đày đọa nơi địa ngục trần gian, bị đánh, bị phạt, bị trói, … – Dù chịu nhiều bất hạnh, đau khổ nhưng Mị là người có phẩm chất tốt đẹp, có sức sống tiềm tàng, khao khát tự do, nhất là trong đêm tình mùa xuân… c. Phân tích nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn trích: c.1.Về nội dung: Vẻ đẹp trong đêm tình mùa xuân – Những bức tranh thiên nhiên có vẻ đẹp riêng của miền núi Tây Bắc, đặc biệt là cảnh mùa xuân trên vùng núi cao, được Tô Hoài miêu tả bằng những rung cảm thiết tha của hồi ức. + Tết của đồng bào miền núi Tây Bắc là sự cộng hưởng của vẻ đẹp đất trời và niềm vui thu hoạch mùa màng. “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”. + Cái tết ở Hồng Ngài năm ấy đến vào lúc thời tiết khắc nghiệt, gió thổi và rét rất dữ dội nhưng không ngăn nổi những sắc màu rực rỡ của thiên nhiên, không ngăn nổi cái rạo rực của lòng người. Cả bản làng sáng bừng trong sắc vàng, đó là màu vàng của ngô, lúa, của trái bí đỏ, của cỏ gianh cùng với những sắc màu rực rỡ của “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ.” +Ngoài sắc màu, bức tranh xuân vùng miền núi Tây Bắc còn rộn rã với thanh âm. Đó là âm thanh của tiếng khèn, của tiếng nói cười của trẻ con, tiếng chó sủa xa xa và đặc biệt hơn cả là tiếng sáo. Nhà văn Tô Hoài rất dụng công trong mô tả tiếng sáo bởi tiếng sáo mùa xuân được xem như linh hồn của đời sống tinh thần nhân dân vùng Tây Bắc. Tiếng sáo là sự mã hóa vẻ đẹp tâm hồn nhân dân Tây Bắc, là phương tiện giao tiếp của đồng bào nơi đây “Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi”. – Vẻ đẹp của bức tranh sinh hoạt, phong tục miền núi, đặc biệt là cảnh ngày tết của người Mèo, qua ngòi bút của Tô Hoài, thực sự có sức say lòng người. +Đoạn trích giúp chúng ta ít nhiều có thể hình dung về phong tục đón Tết của người Mèo (H’Mông): người Mèo đón Tết khi vụ mùa gặt hái đã xong; mọi người thường tập trung ở một không gian thoáng, rộng, thường là mỏm đất phẳng ở đầu làng để thổi khèn, thổi sáo, đánh quay, ném còn. + Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Từ láy lấp ló gợi âm thanh tiếng sáo lúc ẩn lúc hiện. Thanh âm ấy tạo không gian mênh mông, được nhà văn miêu tả từ xa đến gần, là biểu hiện của sinh hoạt mang nét đặc trưng của con người Tây Bắc. Đây cũng là dịp để các chàng trai cô gái trẻ kiếm tìm người yêu, người tâm đầu ý hợp với mình. Mùa xuân là mùa của hò hẹn, mùa của tình yêu, của hạnh phúc. Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, quyến rũ và say mê, nổi bật con người Tây Bắc đa tình, nghệ sĩ. + Nhà văn tập trung tả lễ hội diễn ra ở Hồng Ngài vào mùa xuân, trong đó phần Hội được nhấn mạnh hơn cả. Trong đêm tình mùa xuân, ông tả Hội trước: Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy.Về dung lượng, chỉ có ba câu văn tả trực tiếp Lễ cúng ma ngày Tết diễn ra trong không gian nhà thống lý: Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa.Hai đoạn văn gần nhau, tự nó toát lên cái nhìn so sánh của tác giả và khơi gợi ý so sánh ở người đọc. Nhìn ở góc độ vật chất, đó là thế giới của nghèo và giàu; nhìn ở góc độ địa vị, đó là thế giới của dân dã và chức sắc; nhìn ở góc độ phong tục, đó là thế giới của bên vui chơi và bên thờ cúng; nhìn từ góc độ tuổi tác, bên thường gắn với trẻ, bên gắn với già; nhìn từ tính chất của hoạt động thì một bên trần tục và một bên linh thiêng. Nhìn từ thân phận Mị, thế giới trần tục ở ngoài kia trở thành thế giới của tự do – thế giới Mị khao khát, thế giới linh thiêng ở trong này biến thành thế giới của giam cầm – thế giới Mị muốn chối bỏ. – Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị được miêu tả tinh tế, xúc động. +Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị nào có biết xuân là gì? Nhưng thật bất ngờ, những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã làm cho tâm hồn Mị hồi sinh trở lại. Có thể nói, tâm trạng và hành động của Mị đã được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế và xúc động. +Tâm hồn Mị tha thiết bổi hổi khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại. Mị đã ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo. Sau bao nhiêu ngày câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ này đã khẽ hát, dù chỉ là nhẩm thầm. Mị nhẩm thầm (không phải là “hát thầm”), tức là khẽ khàng nhắc lại theo sự hồi tưởng, thậm chí không liền mạch, lúc nhớ lúc quên lời bài hát của người đang thổi. Có lẽ trước đây Mị cũng đã từng thổi sáo hoặc hát bài này rồi. Giờ nghe tiếng sáo ngoài đầu núi vọng lại, lúc ẩn lúc hiện, trong Mị đã thức dậy điều gì đó quen thuộc, lâu nay bị lãng quên. + Mị lén lấy hũ rượu uống ực từng bát. Cách uống khiến người đọc cảm nhận dường như không phải Mị đang uống rượu mà là uống từng bát cay đắng, uất hận vào lòng. Những cay đắng, uất hận đó chất chồng và cứ bị dồn đẩy, nghẹn đắng trong lòng Mị. + Men rượu đã làm cô hồi tưởng về ngày trước. Tiếng sáo gọi bạn tình văng vẳng trong tai Mị. Bao nhiêu kỉ niệm đẹp thời con gái đã sống dậy trong lòng Mị: cô thổi sáo giỏi và có bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo. Hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị. c.2.Về nghệ thuật: – Các từ ngữ địa phương gợi những hình ảnh gần gũi đặc trưng cho miền núi Tây Bắc: nương ngô, nương lúa, vỡ nương, lều canh nương, cùng những sinh hoạt độc đáo: hái bí đỏ chơi quay, thổi sáo. -Từ ngữ miêu tả chi tiết đẹp và giàu sức sống: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy đem ra phơi trên mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ, tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi. -Đoạn miêu tả giàu tính nhạc thơ, trữ tình gợi cảm. Âm điệu câu văn êm ả, ngắn và đậm phong vị Tây Bắc (kiểu cách nói năng của người miền núi: nương ngô, nương lúa đã gặt xong, lúa ngô…) – Đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lí nhân vật Mị rất tự nhiên, chân thực và sâu sắc thông qua hành động và tâm trạng, chủ yếu thể hiện nội tâm tinh tế, xúc động. d. Nhận xét chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài. -Biểu hiện: +Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài hiện lên trước hết qua hình ảnh thiên nhiên vời vợi với những núi non, nương rẫy, sương giăng… không thể lẫn được với một nơi nào trên đất nước ta. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên đan xen, hoà quyện trong lời kể của câu chuyện. + Đoạn trích cũng miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân tràn ngập màu sắc và âm thanh, ấn tượng nhất về màu sắc là vẻ đẹp của váy hoa, của âm thanh là tiếng sáo. +Nét đặc sắc nhất của chất thơ biểu hiện ở tâm hồn nhân vật Mị. Ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi “đến bao giờ chết thì thôi” ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc sống. +Ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc. +Chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện. +Bên cạnh nghệ thuật sử dụng ngôn từ, Tô Hoài còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi khả năng diễn đạt tài tình những rung động sâu xa, tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái của tình cảm. – Ý nghĩa: Chất thơ trong đoạn trích không những bộc lộ tài năng nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài mà còn thể hiện tình yêu thiên nhiên và tấm lòng nhân đạo của ông với con người Tây Bắc, góp phần làm sáng tỏ cảm hứng lãng mạn cách mạng của văn xuôi Việt Nam 1945-1975. 3.3. Kết bài – Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn trích – Nêu cảm nghĩ về tình yêu thiên nhiên, con người và tài năng nghệ thuật của nhà văn. |
0,25
0,25
2,0
1,0
0,5 |
|||||
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25 | |||||
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu |
0,25 | |||||