8 đề Chiếc Thuyền Ngoài Xa (đề 4) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Nếu có thể đừng than chi số phận

Gạt nỗi buồn vướng bận gió cuốn đi

Đời ngắn lắm yêu thương còn chưa đủ

Sao bận lòng cho những phút sân si

Nếu có thể hãy thả lòng mình nhé

Sống vị tha mạnh mẽ giữa cuộc đời

Bởi vẫn biết cho đi là còn mãi

Tự bằng lòng tâm sẽ được thảnh thơi

Nếu có thể thả hồn nương theo gió

Biết bỏ buông mình sẽ có thật nhiều

Những niềm vui hạnh phúc dù bé nhỏ

Cuộc đời này thanh thản biết bao nhiêu

Nếu có thể giữ cho mình những phút

Khẽ khàng trôi không chút ầm ào

Giữa chợ đời lặng ru bình yên ngủ

Thả muộn phiền theo cánh gió lao xao…

(Giản đơn, An Nhiên)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Lối sống giản đơn được thể hiện qua những từ ngữ nào?

Câu 3. Vì sao tác giả khuyên: đừng than chi số phận; hãy thả lòng mình; thả hồn nương theo gió; giữ cho mình những phút khẽ khàng?

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về suy nghĩ của tác giả đối với cuộc đời được thể hiện trong đoạn trích.

LÀM VĂN

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm cho đi là còn mãi.

Câu 2

Suy nghĩ của anh/chị về quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích sau:

        (1) “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”

(2)  “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

 

 

 

Phần/

Câu

Nội dung
   I ĐỌC HIỂU
  1 Thể thơ tự do
  2 – Lối sống giản đơn được thể hiện qua những từ ngữ: đừng than chi số phận; không sân si; …
  3 – Khuyên con người có thể lựa chọn những cách sống khác nhau để cuộc sống trở nên giản đơn, có ý nghĩa.
  4 – Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả đối với cuộc đời:

+ Góp nhặt niềm vui, hạnh phúc dù là những điều nhỏ bé;

+ Giữ cho tâm hồn thanh thản, không muộn phiền…

  II LÀM VĂN
  1 Suy nghĩ của anh/chị về quan điểm cho đi là còn mãi
  a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về quan điểm cho đi là còn mãi

  c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ, quan điểm cho đi là còn mãi. Có thể theo hướng sau:

  – Sự chia sẻ luôn mang lại nhiều điều kì diệu cho cuộc sống. Trong bất kì hoàn cảnh nào chún ta cũng có thể chia sẻ và quan tâm đến người khác.

– Sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, kể cả sự sống cho con người.

– Khi giúp đỡ người khác ta sẽ nhận lại được sự kính trọng, niềm tin yêu của mọi người.

– Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ làm cho xã hội văn minh, vững mạnh.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

  e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

   2 Suy nghĩ về quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích.

  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

  * Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và vấn đề cần nghị luận
  – Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất. Ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn, luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

– “Chiếc thuyền ngoài xa” in trong tập “Bến quê”, tác phẩm đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.

– Khái quát quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích.

  * Quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng:
  a. Đoạn 1:

– Nghệ sĩ Phùng phát hiện ra một “cảnh đắt” (đoạn này các bạn đi vào phân tích vẻ đẹp của bức tranh nhé – cái này hầu như tài liệu nào cũng có nên không gõ lại nữa)

– Nhận thức:

+ Đứng trước bức tranh ấy, Phùng tâm đắc với quan niệm: cái đẹp chính là đạo đức, cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người.

+ Phùng khẳng định đó là vẻ đẹp toàn bích, và chiếc thuyền ngoài xa kia là phần trung tâm tạo nên vẻ đẹp toàn bích ấy.

+ Tuy nhiên hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa cũng hé lộ một điều: nghệ sĩ Phùng đang ngắm nhìn cuộc sống với con mắt của một người nghệ sĩ lãng mạn (cách mạng), với cái nhìn phiến diện, một chiều, con mắt của một người nghệ sĩ chỉ nhìn thấy được cái bề ngoài của cuộc sống nhưng lại thích khái quát, ưa kết luận, thích lên gân để quả quyết cho cái nhìn ấy.

Ở đoạn này, Phùng quả thật chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ đi chụp ảnh phong cảnh, và anh cũng nhìn đời qua cái ống kính đang hướng về những bức tranh phong cảnh ấy.

* Sơ qua đoạn giữa: quá trình nhận thức của Phùng bắt đầu trưởng thành: Từ nhìn (trên bãi biển – nhìn cái đẹp – nhìn cái xấu đằng sau cái đẹp) đến nghe (nghe người đàn bà kể về cuộc đời mình ở tòa án huyện) đến trải nghiệm (lang thang trong cơn bão biển), cuối cùng, đoạn kết chính là những chiêm nghiệm của Phùng, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trong nhận thức.

  b. Đoạn 2:

– Bức tranh được trưởng phòng lựa chọn, được treo trong nhiều ngôi nhà mà chủ nhân của nó là người sành nghệ thuật: những con người này cũng như Phùng lúc trước, đều chỉ nhìn thấy giá trị nghệ thuật của một bức ảnh phong cảnh => Chi tiết này rất đắt: Nguyễn Minh Châu ngầm phê phán cả một lớp nghệ sĩ theo quan điểm cũ, ấu trĩ, nhìn đời màu hồng thời bấy giờ.

– Tuy nhiên, lúc này, Phùng – với tư cách là một nghệ sĩ chụp ảnh phong cảnh đã có sự trưởng thành trong nhận thức. Anh đã đi xa hơn những con người giam mình trong những căn phòng kín kia cả một chặng đường dài: Khi nhìn vào bức tranh, cái gây ấn tượng cho anh không còn là bố cục hài hòa, vẻ đẹp toàn bích nữa, mà là hình ảnh người đàn bà vùng biển. Anh đã từ giã vị trí của kẻ đứng ngoài cuộc sống, đứng ngoài sự buồn vui sướng khổ của đời thực để “xắn quần lội vào đời”.

Anh đã từ giã cái nhìn cứng nhắc, đơn giản, phiến diện, một chiều về cuộc đời (hoặc là tô hồng hoặc là bôi đen) để đi đến cái nhìn linh động, đa chiều. Anh đã nhìn thẳng vào bản chất, không thông qua bất cứ một lớp màn che tư tưởng nào. Nói cách khác, anh đã… giác ngộ!

  c. Đánh giá:

Qua “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã kéo văn học và các văn nghệ sĩ VN từ chín tầng mây về lại mặt đất, bắt văn chương quay trở lại là chính nó. Vì điều này mà Nguyên Ngọc đánh giá Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học sau 75.

  – Những phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng rất độc đáo, qua đó truyền tải những bức thông điệp của nhà văn.

– Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: “Sáng tác văn học là quá trình đi tìm hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn người”. Thông điệp phát đi từ hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” qua những phát hiện của nghệ sĩ Phùng là sự bổ sung hết sức thuyết phục cho thông điệp đó.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

  * CÂU NLVH LẤY CỦA THẦY TẠ XUÂN HẢI, FB CHUYÊN VĂN

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *