8 đề Chiếc Thuyền Ngoài Xa (đề 3) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

 

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

 

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Hình ảnh kẻ thù được tái hiện qua những từ ngữ nào?

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về hình ảnh đất nước người lính giữa đảo:

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về cảm xúc của tác giả đối với Tổ quốc được thể hiện trong đoạn trích.

LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Câu 2 (5 điểm)

          Khi tôi chạy đến nơi thì chiếc thắt lưng da đã nằm trong tay thằng bé, không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng chẳng được nữa, liền giang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát. Rồi lão lẳng lặng bỏ đi về phía bờ nước để trở về thuyền. Không hề quay mặt nhìn lại, chỉ có tảng lưng khum khum và vạm vỡ càng có vẻ cúi thấp hơn, nom lão như một con gấu đang đi tìm nguồn nước uống, hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng.

          Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã.

        – Phác, con ơi!

         Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt, nó lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ lên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu)

Phân tích bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, rút ra thông điệp mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm qua câu chuyện.

Phần/

Câu

Nội dung
I ĐỌC HIỂU
1 Thể thơ tám chữ/tự do
2 Hình ảnh kẻ thù được tái hiện qua những từ ngữ: Thoát Hoan, bóng giặc chập chờn.
3 – Hình ảnh đất nước người lính giữa đảo được thể hiện qua những dòng thơ: Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân:

+ Bóng giặc lăm le xâm chiếm biển đảo của Việt Nam suốt ngàn năm lịch sử;

+ Sự hi sinh anh dũng của người lính khi chống lại kẻ thù, bào vệ biển đảo.

4 – Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả đối với Tổ quốc được thể hiện trong đoạn trích:

+ Tổ quốc tự ngàn xưa đau thương nhưng anh dũng, sự tri ân đối với những người lính đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

+ Suy ngẫm, tự hào về lịch sử dân tộc, nhìn từ góc độ công cuộc giữ gìn biển đảo, trách nhiệm của mỗi con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

II LÀM VĂN
1 Suy nghĩ về chủ quyền biển đảo Việt Nam
  a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Chủ quyền biển đảo Việt Nam

  c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ, chủ quyền biển đảo Việt Nam. Có thể theo hướng sau:

– Khẳng định chủ quyền biển đảo: biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã được chứng minh bằng lịch  sử và các tài liệu khoa học.

– Thể hiện rõ niềm tự hào dân tộc, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
– Phê phán những biểu hiện tiêu cực, lơ là mất cảnh giác trước vấn đề chủ quyền dân tộc, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc với những hành động quá khích gây rối, nghe theo sự xúi giục của đối tượng xấu.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

  e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

2 Phân tích bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài. Rút ra thông điệp nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm qua câu chuyện.
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài. Rút ra thông điệp mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm qua câu chuyện.

  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

  * Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và vấn đề cần nghị luận (xem đề 3)
  * Bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài:
  – Khái quát phần đầu: Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng tìm đến vùng ven biển miền Trung (Trung trung bộ), nơi vốn là chiến trường cũ của anh, để chụp những tấm ảnh phục vụ cho chủ đề thuyền và biển của bộ lịch năm sau. Về lại mảnh đất một thời gắn bó trong cuộc sống đời thường, người nghệ sỹ đi tìm vẻ đẹp bí ẩn của cuộc sống của người dân làng chài. Sau bao ngày săn ảnh, Phùng đã chớp được một cảnh kì diệu về chiếc thuyền ngoài xa đang thu lưới trong biển sớm mờ sương.

– Khi chiếc thuyền tiến thẳng vào, Phùng nhìn thấy bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ kia là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cảnh bạo hành gia đình.

+ Thằng Phác muốn bảo vệ mẹ lao vào bố một cách bản năng. Thằng Phác bị bố cho một cái bạt tai khiến nó ngã dúi mặt xuống cát. Phác là nạn nhân bị tổn thương về tình cảm, lệch lạc, méo mó về nhân cách. Hành vi của thằng bé là hoang dại – một mặt đó là hệ quả tất yếu của nạn bạo hành trong gia đình, mặt khác lại thêm dầu vào lửa khiến cho người cha càng điên khùng, quẫn bách hơn, làm cho người mẹ càng bị tổn thương nặng nề hơn (bà đã phải đau đớn vái lạy con mình).

+ “Người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng bé Phác vẫn chẳng hề hé răng, lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”. Cử chỉ ấy đã cho thấy nhân vật này: cảm thương và ái ngại thay cho người mẹ; muốn được chia sẻ và xoa dịu nỗi khổ đau của người mẹ; sẵn lòng che chở, bênh vực mẹ trước nạn bạo hành.

+ Chỉ bằng vài nét miêu tả ngoại hình về gã đàn ông hàng chài, khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, nhà văn đã cho ta biết được cuộc sống đói nghèo, lam lũ, chật chội quẩn quanh hằn in lên dáng vẻ khắc khổ của ông ta: “Ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Tảng lưng khum khum và vạm vỡ càng có vẻ cúi thấp hơn, nom lão như một con gấu đang đi tìm nguồn nước uống, hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng”.

+ Chính hoàn cảnh sống nghèo khó, không lối thoát đã làm cho ông ta thay đổi tâm tính trở thành kẻ vũ phu và coi cái việc đánh vợ con như một sự giải tỏa nỗi ẩn ức, bế tắc trong lòng mình. Người đàn ông này vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Cuộc sống lam lũ làm con người trở nên bế tắc, hành động cùng quẫn.

+ “Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. – Phác, con ơi! Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”. Người đàn bà hàng chài cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, đau đớn khi để con mình phải chứng kiến cảnh ấy. Ôm chầm lấy con, chị lo sợ con cái bị tổn thương. Chắp tay vái lấy vái để xin nó đừng vì thương mình mà trở thành đứa con bất hiếu với cha, làm trái với luân thường đạo lí. Chị là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường, nỗi đau chồng lên nỗi đau.

  * Thông điệp nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm qua câu chuyện:
  – Nguyễn Minh Châu cho chúng ta thấy đằng sau bức tranh thuyền và biển tuyệt diệu là cuộc đời đầy khắc nghiệt với những mảnh đời tội nghiệp. Nhà văn muốn thể hiện cái đẹp của nghệ thuật dễ nắm bắt hơn cái đẹp của cuộc sống. Vì cái đẹp của cuộc sống cần có thêm hạnh phúc và tình thương. Và đôi cánh khi cái đẹp của ngoại cảnh làm khuất lấp cái xấu tồn tại ở đời sống.

– Cuộc đời không đơn giản xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí với những mảng sáng tối, xấu đẹp, thiện ác, thật giả. Quan trọng là chúng ta đừng nhầm lẫn giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, chúng ta phải có cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc sống. Nghệ thuật vốn nảy sinh từ cuộc đời nhưng cuộc đời không phải bao giờ lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật.

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *