ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
A! Cuộc sống thật là đáng sống
Đời yêu tôi. Tôi lại yêu đời
Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người
Chỉ là một. Nên cũng là vô số!
Dậy lên, hỡi đồng bào đau khổ!
Đất nước này phải thơm lúa thơm hoa
Dân tộc này sẽ là một bài ca
Của nhân nghĩa bốn nghìn năm toả rộng.
Tôi hát lớn. Và trái tim sôi nóng
Đẩy tôi đi cùng sóng người đi
Cờ đỏ bay cao. Sức mạnh thần kỳ
Qua lửa máu. Không thể gì ngăn nổi.
(Trích Một nhành xuân, Tố Hữu, Thơ Tố Hữu, NXB Văn học, 2017, tr.343)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Chỉ ra các hình ảnhthơ ở trong đoạn tríchdiễn tảtinh thần đấu tranh cách mạng.
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể?
Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người
Chỉ là một. Nên cũng là vô số!
Câu 4.Qua đoạn trích, anh/chị hãy nhận xét vềtình cảm của tác giảđối với cuộc sống.
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung hai câu thơ “Dân tộc này sẽ là một bài ca/Của nhân nghĩa bốn nghìn năm toả rộng”được trích ở ngữ liệu phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình vềsức mạnh của lòng nhân nghĩa.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng, đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:
– Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.
Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
– Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…
– Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không? – Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
– Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
– Vậy sao không lên bờ mà ở–Đẩu hỏi.
– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.
– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…
– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…
– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu,–bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?
– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”.
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12,
Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.75 – 76)
Anh/chị hãy phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng trongđoạn trích trên. Từ đó, đánh giá bài học nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
…………………Hết……………….
PHẦN | CÂU | NỘI DUNG | Điểm |
I
|
ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. | 0,5 | |
2 | Các hình ảnh thơ diễn tả tinh thần đấu tranh cách mạng là: dậy lên hỡi đồng bào đau khổ, tôi hát lớn, trái tim sôi nóng, cùng sóng người đi, cờ đỏ bay cao, sức mạnh thần kì, không thể gì ngăn nổi. | 0,5 | |
3 | – Thí sinh có thể có cách cảm nhận riêng, miễn rằng đó là cách cảm nhận tích cực và phù hợp với nội dung của các dòng thơ.
– Sau đây là gợi ý: Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người Chỉ là một. Nên cũng là vô số – Những dòng thơ trên, qua các hình ảnh được sắp xếp theo từng cặp tôi – muôn người, một – vô số, cùng các từ ngữ cùng, với, chỉ là một, nên cũng là đã cho thấy mối quan hệ gắn bó máu thịt, hữu cơ, mật thiết của mỗi cá nhân đối với tất cả mọi người, với tập thể. Từ đó sẽ tạo thành khối đoàn kết thống nhất, không thể tách rời, phát huy được sức mạnh to lớn. – Vì vậy, mỗi cá nhân phải luôn có ý thức gắn bó và tinh thần trách nhiệm cao độ với tập thể, cộng đồng, đất nước. |
1,0 | |
4 | Đoạn trích thể hiện sâu sắc, chân thành, xúc động tình cảm của tác giả đối với cuộc sống. Cụ thể:
– Tình yêu đời tha thiết, mãnh liệt; sự gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân; khát vọng cống hiến tất thảy cho cuộc đời chung. – Phát huy tinh thần đấu tranh cách mạng; thúc giục, cổ vũ, khích lệ mọi người đứng lên chiến đấu vì một đất nước tươi đẹp. – Qua đó, bài thơ đã tác động sâu sắc tới nhận thức, tình cảm của độc giả, đem lại những bài học cuộc sống đầy ý nghĩa. |
1,0
|
|
II
|
L ÀM VĂN | 7,0 | |
1 | Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề sức mạnh của lòng nhân nghĩa. | 2,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. |
0,25 | ||
b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. | 1,5 | ||
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp đề triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vai trò, sức mạnh của lòng nhân nghĩa.
Có thể theo hướng: * Giải thích: – Nhân nghĩa là lòng thương người và sự đối xử với người theo lẽ phải; là tình cảm, thái độ, việc làm đúng đắn, phù hợp với đạo lí của dân tộc. – Đây là một truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam, là phẩm chất quan trọng cần có của con người. |
0,5 |
||
* Bàn luận, mở rộng vấn đề:
– Sức mạnh của lòng nhân nghĩa + Nhân nghĩa là một truyền thống lớn thể hiện vẻ đẹp, bản sắc văn hoá, và tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc. + Đối với mỗi cá nhân, sống bằng lòng nhân nghĩa là một sức mạnh giúp bản thân hoàn thiện hơn về phẩm chất, đạo đức; làm cho đời sống tâm hồn của mình trở nên phong phú, đẹp đẽ hơn; nhận được tình cảm tin yêu, tôn trọng của mọi người. + Lòng nhân nghĩa sẽ góp phần tạo nên động lực để giúp con người vượt qua sự ích kỉ hẹp hòi, vượt lên sự hèn nhát, sợ hãi… Từ đó biết yêu thương, đồng cảm sẻ chia với nỗi bất hạnh với người khác, giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống. Như vậy, lòng nhân nghĩa là sức mạnh để mang lại hạnh phúc và kiến tạo nên những giá trị hữu ích cho cuộc đời, con người. + Sống có nhân nghĩa, làm nhiều việc tốt, yêu thương nhiều hơn sẽ giúp cho cuộc sống và các mối quan hệ trong xã hội trở nên tốt đẹp, nhân ái, đoàn kết; sẽ tạo sức mạnh thúc đẩy xã hội phát triển, văn minh hơn. – Mở rộng, phản biện: + Lòng nhân nghĩa là cần thiết, quan trọng. Song, nó không phải là phẩm chất có sẵn, mà đó là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, nhận thức đúng đắn. Chúng ta phải luôn có ý thức giữ gìn, nhân rộng lòng nhân nghĩa để truyền thống quý báu của dân tộc mãi vững bền và được phát huy cao độ. + Trong bối cảnh xã hội phức tạp với sự tác động nhiều chiều của cuộc sống, mỗi người phải có sự tỉnh táo của lí trí, cần có nhận thức đúng đắn để lòng tốt, tình thương của mình không bị lợi dụng. Hay nói cách khác, lòng nhân nghĩa hãy được đặt đúng chỗ, đúng người, đúng hoàn cảnh thì nó mới thực sự phát huy sức mạnh. |
0,75 | ||
* Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp:
Thí sinh có thể rút ra những bài học khác nhau dựa trên nhận thức, quan điểm của mình, miễn rằng bài học đó là đúng đắn, tích cực, hợp lí. |
0,25 | ||
c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,25 | ||
2 | Phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng trong đoạn trích. Từ đó, đánh giá bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu. | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng trong đoạn trích. Từ đó, đánh giá bài học nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận (đặc biệt là thao tác phân tích, so sánh); kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau: |
3,5 | ||
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới với phong cách nghệ thuật mang tính tự sự – triết lí. – Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường, truyện kể lại chuyến đi thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập “Bến quê” (1985), sau được đưa vào tuyển tập truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (1987). – Phùng là một trong những nhân vật chính của tác phẩm. Đây là kiểu nhân vật tư tưởng, có quá trình thức tỉnh, bừng ngộ về nhận thức. Đoạn trích kể về câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại toà án huyện và quá trình suy tư, chiêm nghiệm của nhân vật Phùng. Từ đó thể hiện những nhận thức sâu sắc, đa chiều của người nghệ sĩ về nghệ thuật, cuộc sống, con người. |
0,5 | ||
2. Phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng trong đoạn trích
Ban đầu, ở toà án huyện, khi người đàn bà hàng chài từ chối sự giúp đỡ, cũng như mới nghe một phần câu chuyện, Phùng đã bộc lộ cái nhìn đơn giản, phiến diện, chưa thực sự thấu hiểu hết về cuộc sống, con người. Nhưng sau đó, tiếp tục lắng nghe câu chuyện, lời kể, lí lẽ của chị, Phùng đã bừng ngộ về nhận thức, có cái nhìn đa chiều và những chiêm nghiệm sâu sắc, tiệm cận đến chân lí về nghệ thuật, cuộc đời, con người. – Về người đàn bà hàng chài: + Ban đầu, trong những khoảnh khắc khi chị mới đến toà án huyện, hiện lên trước mắt Phùng là một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục, lạc hậu, thiếu hiểu biết. Với bộ điệu, dáng vẻ lúng túng, đầy sợ sệt, người đàn bà không chỉ cầu xin không phải bỏ chồng mà chị còn kể lại hoàn cảnh sống của mình: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…”. Thoạt đầu mới nghe, Phùng đã thốt lên không thể nào hiểu được. Đó là sự cam chịu đến mức vô lí, mù quáng của người đàn bà hàng chài mà anh không thể giải thích và chấp nhận được. Điệp khúc không thể nào hiểu được lặp lại hai lần cho thấy sự ngạc nhiên cao độ, sự bất bình của Phùng trước những điều vô lí trong hành động của người phụ nữ bất hạnh. + Sau đó, Phùng tiếp tục lắng nghe, suy ngẫm về những tâm tư, lí lẽ, lời giải thích của người đàn bà hàng chài: các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông; đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa; đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được; ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. => Từ đó, anh đã có sự chuyển biến, bừng ngộ trong nhận thức: . Phùng hiểu ra nguyên nhân vì sao chị không chịu bỏ chồng, vì sao chị cam chịu, nhẫn nhục khi bị bạo hành. Sự thừa nhận đầy chua chát của Đẩu “Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?”cũng chính là sự thức tỉnh, bừng ngộ của Phùng. Giờ đây, anh đã hiểu ra rằng chị cần một người đàn ông chèo chống khi phong ba bão tố, để làm ăn nuôi nấng đàn con; anh nhận thức được những nghịch lí, bất công trong cuộc đời mà người đàn bà hàng chài phải chấp nhận. . Phùng phát hiện ra vẻ đẹp khuất lấp, hạt ngọc lấp lánh ẩn sâu trong tâm hồn người đàn bà hàng chài. Đằng sau một người phụ nữ nghèo khổ, thô kệch, cam chịu, nhẫn nhục là vẻ đẹp cao quý của người mẹ giàu đức hi sinh, có tình thương con vô bờ bến; vẻ đẹp của một người vợ vị tha, bao dung, độ lượng; vẻ đẹp của người phụ nữ sắc sảo, từng trải, thấu hiểu lẽ đời, có bản lĩnh sống khoẻ khoắn kiên cường và biết chắt chiu từng khoảnh khắc hạnh phúc bình dị đời thường. – Về lão đàn ông hàng chài: + Ban đầu, trong nhận thức của Phùng, hắn là một người chồng vũ phu, tàn bạo. Phùng đã lí giải tính cách, hành động độc ác của lão ta với cái nhìn phiến diện, mang tính thiên kiến giai cấp khi cho rằng đó là sản phẩm, tàn dư của lính nguỵ . Anh đã hỏi một câu như lạc đề: “Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?”. Câu hỏi đó bộc lộ quan điểm, cái nhìn đơn giản, thậm chí chưa đúng đắn về con người và hiện thực cuộc sống vốn dĩ đầy phức tạp. + Sau đó, khi nghe lời bênh vực của người đàn bà hàng chài đối với chồng, Phùng có cái nhìn đa chiều, đúng đắn hơn. Anh hiểu ra rằng: nguyên nhân tạo nên tính cách vũ phu, căn nguyên dẫn đến hành động bạo hành vợ là do hoàn cảnh gia đình túng quẫn, nghèo đói triền miên, thuyền chật con đông, vất vả cực nhọc với cuộc sống mưu sinh. Vì vậy, người đàn ông hàng chài không chỉ là thủ phạm tàn ác đáng bị lên án mà còn là một nạn nhân của hoàn cảnh sống đầy bộn bề, ngổn ngang thời hậu chiến. – Về cuộc sống: + Ban đầu . Phùng chưa thấu hiểu hết cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân hàng chài trên biển cả đầy sóng gió. Anh nhận thức rất đơn giản về hiện thực cuộc sống. Ở đây, tác giả đã để cho nhân vật Đẩu hỏi người đàn bà hàng chài: “Vậy sao không lên bờ mà ở”. Sự nhận thức của Đẩu cũng chính là nhận thức của Phùng. Họ cứ nghĩ rằng lên bờ ở cố định một chỗ sẽ thoát khỏi sóng gió biển khơi, thoát khỏi cảnh nghèo khổ, túng quẫn, bấp bênh. . Phùng và Đẩu tin rằng li hôn là giải pháp tốt nhất giúp người đàn bà hàng chài thoát khỏi khổ đau; tình thương, thiện chí, pháp luật sẽ bảo vệ được chị, sẽ đem lại sự công bằng cho xã hội. + Nhưng sau đó . Khi nghe chị trải lòng “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!”, Phùng đã nhận ra những khó khăn trong quá trình tìm con đường, cách thức để giúp người dân hàng chài thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. . Phùng cũng hiểu ra li hôn không phải là giải pháp tốt nhất lúc này; tình thương, thiện chí, pháp luật chưa thể giúp người đàn bà hàng chài thoát khỏi bi kịch gia đình. Lời khẩn cầu của chị “Các chú đừng bắt tôi bỏ nó” một lần nữa đã giúp Phùng nhận thức rõ hơn hiện thực đời sống đầy trái ngang. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp, chứa đầy nghịch lí mà con người phải chấp nhận để tồn tại; đằng sau cái tưởng chừng vô lí là cái có lí. . Qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Phùng cũng nhận ra rằng cuộc sống của chị hay của người dân lao động không chỉ có toàn khổ đau, bất hạnh, éo le, mà cũng có lúc được vui vẻ, hoà thuận. Dẫu có đau khổ, nhọc nhằn nhưng chị vẫn tìm tấy niềm vui, hạnh phúc bình dị để trân trọng, nâng niu. Như vậy, cuộc sống thật phong phú, phức tạp và được tạo nên từ nhiều mảnh ghép, mảng màu khác nhau. – Về nghệ thuật: + Ban đầu, khi con thuyền ở ngoài xa, tức là nghệ thuật và người nghệ sĩ còn cách xa với đời sống thì Phùng mới chỉ thấy được cái hình thức bên ngoài với vẻ đẹp nên thơ, sự tuyệt mĩ của nó. Đó là thứ nghệ thuật thuần tuý, duy mĩ, chưa gắn với đời, chưa vì con người. Nhưng lúc ấy, anh tưởng mình đã khám phá được chân lí của sự toàn thiện. Điều đó cho thấy quan niệm đơn giản, phiến diện của phùng về nghệ thuật. + Sau đó, khi con thuyền vào gần bờ, đặc biệt con thuyền qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện, tức là nghệ thuật và người nghệ sĩ đã đến gần với cuộc đời thì lúc đó nghệ thuật mới khám phá được chiều sâu, những góc khuất mảng tối của đời sống con người, nhận thức được bản chất của các hiện tượng và tiệm cận đến những chân lí. Phùng nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh của nghệ thuật và trách nhiệm, lương tâm của người nghệ sĩ: hãy vì con người, vì cuộc đời… – Về bản thân và về nhân vật Đẩu: Qua câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện, Phùng đã nhận thức được cái nhìn ban đầu của mình và của Đẩu về cuộc đời, con người, nghệ thuật còn đơn giản, phiến diện, thậm chí chưa đúng đắn. Lúc này anh hiểu ra rằng: họ là những người sành về nghệ thuật, am hiểu về pháp luật, về lí thuyết sách vở song lại ngây thơ, non nớt, thiếu hiểu biết trước sự phức tạp của cuộc sống mưu sinh, trước thực tế đời sống thời hậu chiến, trước con người lao động. Từ đó, Phùng đã bừng ngộ để tiệm cận đến chân lí, để thấu hiểu nhiều hơn, có những chiêm nghiệm sâu sắc hơn, nhận thức rõ về trách nhiệm của bản thân – trách nhiệm của người nghệ sĩ… * Đặc điểm về nghệ thuật: cốt truyện, kết cấu độc đáo; xây dựng nhân vật Phùng với quá trình chuyển biến, thức tỉnh về nhận thức; sáng tạo tình huống truyện nghịch lí có ý nghĩa nhận thức; các chi tiết tiêu biểu, hình ảnh giàu tính biểu tượng; ngôn ngữ đời thường, dung dị, song giọng điệu trần thuật đầy tính triết lí… |
0,75
0,25
0,5
0,25 |
||
0,25
0,5 |
|||
3. Đánh giá bài học nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
– Qua quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã mang đến bài học đúng đắn, sâu sắc, toàn diện, mới mẻ về nhân sinh: + Cuộc sống, con người vốn dĩ phong phú, kì diệu song phức tạp và đầy nghịch lí. Vì vậy, hãy có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng; không thể nhìn đơn giản, sơ lược, một chiều mang tính lí tưởng hoá. + Nghệ thuật và người nghệ sĩ hãy đến gần với cuộc đời, với con người; người nghệ sĩ không chỉ cần có tài năng mà còn cần có tấm lòng yêu thương, dũng cảm đấu tranh chống lại sự bất công, sẵn sàng bảo vệ những con người bất hạnh và đem lại giá trị tốt đẹp cho cuộc sống… Đó chính là nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật chân chính, cái tạo nên giá trị đích thực của một tác phẩm, và khẳng định tầm vóc của một tác giả. – Bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn đã tạo nên một truyện ngắn xuất sắc, có chiều sâu nhận thức, có giá trị phát hiện bằng những nghịch lí, có quan niệm mới mẻ. Với triết lí nhân sinh đó, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là người mở đường tài năng, tinh anh cho văn học Việt Nam thời kì đổi mới; xứng đáng là cây bút bản lĩnh, tài hoa. |
0,5
|
||
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,5 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
ĐIỂM TOÀN BÀI THI : I + II = 10,0 điểm |