6 đề Sóng – Xuân Quỳnh (đề 4) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

       “Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt đi những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.

Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả.

Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà tự đánh mất dàn mối quan hệ với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.

Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.”

(Cho đi là còn mãi, https://waka.vn/cho-di-la-con-mai-azim-jamal-harvey-mckinnon)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2.Theo tác giả, nguyên nhân nào khiến cho nhiều người xem tin tức trên truyền hình lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ?

Câu 3.Em hiểu như thế nào là “những cái kén người” trong câu “cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều những cái kén người tìm cách sống thu mình”?

Câu 4.Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích là gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa của sự chia sẻ trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

“…Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

 

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh- một phương…”

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh,Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.119)

………………………………………HẾT………………………………………

 

 

 

TRƯỜNG THPT PHẠM KIỆT

ĐỀ MINH HỌA

KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021

ĐÁP ÁN VÀHƯỚNG DẪN CHẤM

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm …. trang)

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm

– Học sinh không trả lời đúng phương thức nghị luận: không cho điểm

0,75
2 Theo tác giả, nguyên nhân khiến cho nhiều người xem tin tức trên truyền hình lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ là do phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lí hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm

– Học sinh trả lời 2/3 đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời 1/3 đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm

0,75
3 “Những cái kén người” trong câu “cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều những cái kén người tìm cách sống thu mình” nghĩa là:

+ Con người tự tạo cho mình một lớp vỏ an toàn sống khép mình

+ Con người sợ hãi với tất cả mối quan hệ xung quanh mình

 Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời có ý, chưa rõ ràng: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm

1,0
4 Học sinh rút ra thông điệp qua đoạn trích. Có thể theo gợi ý sau:

– Hãy chia sẻ để vượt qua nỗi sợ hãi trong cuộc sống

– Chia sẻ thực sự cần thiết trong cuộc sống

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trình bày thuyết phục: 0,5 điểm

– Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0.25 điểm

– Học sinh không trả lời: không cho điểm

0,5
II   LÀM VĂN 7,0
 

 

 

1 Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa của sự chia sẻ trong cuộc sống. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của sự chia sẻ trong cuộc sống

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ, quan điểm của bản thân về ý kiến được nêu. Có thể theo hướng sau:

Sự chia sẻ có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người:

-Tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Từ đó tạo nên một xã hội tốt đẹp.

– Là cơ sở cho sự phát triển những phẩm chất tốt khác của con người. Từ đó, nó giúp ta hoàn thiện nhân cách.

– Nó giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách để thành công.

– Giúp cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

– Người chia sẻ được mọi người yêu mến, kính trọng.

– Những người không chia sẻ trở nên vô cảm, ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

– Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm)

– Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

Lưu ý:Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
2 Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
* Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Sóng và đoạn thơ

Hướng dẫn chấm:giới thiệu tác giả: 0,25 điểm; giới thiệu tác phẩm, đoạn thơ: 0,25 điểm

0,5
* Cảm nhận về đoạn thơ:

– Về nội dung đoạn thơ:

+  Tình yêu sôi nổi, mãnh liệt, một nỗi nhớ da diết chiếm lĩnh cả thời gian, không gian, đi sâu vào tiềm thức; những cung bậc cảm xúc ấy gắn liền với các trạng thái của sóng.

+ Tình yêu thuỷ chung son sắt, luôn hướng về người mình yêu.

– Về nghệ thuật đoạn thơ:thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi. Xây dựng hình ảnh tượng ẩn dụ (sóng), kết hợp tài tình các biện pháp tu từ nhân hoá, đối lập.

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích chi tiết, làm rõ tâm trạng nhân vật trữ tình- 2,5 điểm

– Phân tích được tâm trạng nhân vật trữ tình nhưng chưa thật chi tiết, đầy đủ: 1,0 điểm  – 1,75 điểm.

– Phân tích chung chung, chưa làm rõ tâm trạng nhân vật trữ tình: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

2,5
* Đánh giá

– Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu – một tình yêu hiện đại mới mẻ nhưng vẫn không tách rời truyền thống: nhớ mong và thuỷ chung

– Hình tượng sóng em góp phần thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh.

Hướng dẫn chấm:

-Trình bày  được 2 ý: 0,5 điểm.

-Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.

0,5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của thơ Xuân Quỳnh; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Học sinh đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Học sinh đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Tổng điểm 10,0

……………………..Hết……………………….

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *