6 đề Sóng – Xuân Quỳnh (đề 1) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Chính khao khát của con người tạo ra sự tiến bộ cho xã hội. Không có nó, có lẽ chúng ta vẫn còn sống trong thời kì đồ đá. Tất cả những gì chúng ta có trong cuộc sống hiện đại này đều là kết quả từ những ước muốn của con người. Thực ra, khao khát chính là lực thúc đẩy của cuộc sống này. Bạn có thể nhìn thấy nó ở khắp nơi – trong vương quốc của loài vật, trong đời sống các loài cây cỏ và trong mọi hành động hay hoạt động của con người. Cơn đói tạo ra sự thèm ăn, nghèo khó tạo khát khao trở nên giàu có, lạnh tạo ra nhu cầu được ấm áp, bất tiện tạo ra ước muốn được thoải mái dễ chịu hơn.

     Khát vọng là nguồn tạo ra động lực cho mọi hoạt động của con người. Không có nó, chúng ta không thể đi được xa. Khát khao càng thôi thúc, càng mãnh liệt thì kết quả càng sớm đạt được. Nó tạo ra sự khác biệt giữa kẻ thất bại và người thành đạt. Vì thế, hãy luôn bắt đầu bằng một khát vọng. Bạn hãy luôn nhớ rằng bằng sự kì diệu của niềm tin, bạn có thể đạt được những gì bạn đã vẽ ra trong bức tranh tinh thần của bạn. Cơ chế này nằm ở đó để giúp bạn tập trung chiếu bức tranh khát vọng lên màn hình tiềm thức của bạn, cũng như giúp bạn loại bỏ tất cả những ý nghĩ dao động, tiêu cực hay những nỗi sợ hãi và hoài nghi có thể làm hỏng tiềm thức của bạn.

(Trích Sức mạnh của niềm tin, Caude M. Bristol – Vương Bảo Long dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì tạo ra sự tiến bộ cho xã hội?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, người thành đạt và kẻ thất bại khác nhau như thế nào?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: Khát khao càng thôi thúc, càng mãnh liệt thì kết quả càng sớm đạt được không? Vì sao?

 

PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của khát vọng đối với thành công của mỗi con người.

 

Câu 2. (5,0 điểm):

Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi giàu khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, lại có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi nhạy cảm day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người. Anh/ chị hãy cảm nhận đoạn thơ sau, từ đó bình luận ngắn gọn về hai ý kiến trên.

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh, một phương.

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở.

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

(Sóng, Xuân Quỳnh; Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục)

 

———–HẾT———–

 

Hướng dẫn Chấm

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Điểm 0,5: trả lời đúng như trên

    Điểm 0,0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, “chính khao khát của con người tạo ra sự tiến bộ cho xã hội”.

    Điểm 0,5: trả lời đúng như trên

    Điểm 0,0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. (1,0 điểm): Dựa vào đoạn trích, người thành công khác kẻ thất bại là:

+ Người thành đạt là người luôn có niềm khao khát mãnh liệt và nỗ lực để đạt được điều họ mong muốn;

+ Kẻ thất bại thường sống không có khát vọng, hoặc cũng có những ước muốn nhưng lại lười biếng trong việc bắt tay vào hành động để biến ước muốn đó thành sự thực.

    Điểm 1,0: trả lời đúng 2 ý như trên

    Điểm 0,5: trả lời đúng 1 trong 2 ý trên

    Điểm 0,0: trả lời sai hoàn toàn hoặc không trả lời.

Câu 4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn có lí giải phù hợp.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đồng tình.

– Lí giải:

+ Mọi thành quả có được đều bắt đầu từ một ước muốn, một khát khao.

+ Tuy nhiên, khát khao càng mãnh liệt thì nó sẽ càng tạo ra động lực, niềm say mê, hứng khởi để chúng ta bắt tay vào hành động, và hành động một cách mạnh mẽ, kiên trì, liên tục, khiến chúng ta sớm đạt được kết quả hơn.

  • Điểm 1,0 : nêu được quan điểm và giải thích thuyết phục
  • Điểm 0,5 – 0,75 : nêu quan điểmgiải thích nhưng còn sơ sài
  • Điểm 0,25 : nêu quan điểm nhưng không giải thích
  • Điểm 0: Không trả lời.
  1. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Yêu cầu :

a, Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận, dung lượng khoảng 200 chữ (có thể sai số khoảng 10-15 chữ), có ý thức liên hệ với gợi ý ở phần đọc hiểu, biết sử dụng các thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận…, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, có dẫn chứng từ thực tế… (0,5 điểm)

b, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : ý nghĩa của khát vọng đối với thành công của con người ( 0,25 điểm)

c, Chia vấn đề nghị luận thành các ý phù hợp…(1,25 điểm)

Học sinh có thể trình bày theo định hướng sau:

– Giải thích: Khát vọng chính là mong muốn mãnh liệt đạt được một điều gì đó trong tương lai.

– Bàn luận về ý nghĩa của khát vọng đối với thành công của con người:

+ Khát vọng giúp con người có định hướng, mục tiêu trong cuộc sống

+ Khát vọng tạo ra động lực để con người hành động một cách hăng say và hiệu quả hơn, có đủ bản lĩnh và niềm tin để đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách.

+ Khát vọng giúp con người khơi dậy và phát huy đến mức tối đa tiềm năng của bản thân

……

– Đánh giá, mở rộng: Khát vọng chính là nguồn sức mạnh thể con người đạt được thành công.

– Liên hệ bản thân.

 

Cách cho điểm :

  • Điểm 1,75-2,0 : Bài tốt – bài làm có sức thuyết phục cao với ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng…
  • Điểm 1,25-1,5 : Bài khá – bài làm có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý, lập luận, diễn đạt rõ…
  • Điểm 1,0 : Bài trung bình- đảm bảo yêu cầu hình thức, có triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý tứ còn hạn chế, lập luận chưa thực sự thuyết phục, còn mắc lỗi
  • Điểm dưới 1,0 : Bài yếu- không đảm bảo yêu cầu hình thức, nội dung sơ sài, chung chung, chưa biết lập luận, dẫn chứng thiếu cụ thể, chưa tiêu biểu, mắc nhiều lỗi…
  • Điểm 0 : sai hoàn toàn hoặc không làm bài.

 

 

Câu 2(5,0 điểm)          

* Yêu cầu chung : học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ , rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp…

* Yêu cầu cụ thể :

a, Đảm bảo đúng cấu trúc bài văn nghị luận văn học gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết bàì. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.(0,25 điểm)

b, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận 4 khổ thơ cuối bài Sóng; từ đó, bình luận ngắn gọn về hai ý kiến: Đó là cái tôi giàu khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, lại có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi nhạy cảm day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người. (0,25 điểm)

c, Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng (4,0 điểm)

Học sinh có thể trình bày các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý sau :

  1. Giới thiệu khái quát về tác giải, tác phẩm (0,5 điểm)
  2. Cảm nhận đoạn thơ: (2,5 điểm)

– Khổ 6: Tấm lòng thủy chung son sắt trong tình yêu:

+ Các danh từ chỉ hướng “Bắc – Nam” đã gợi ra sự xa cách. Cách nói ngược xuôi Bắc, ngược Nam dường như đã hàm chứa trong nó những éo le, diễn tả những thường biến của cuộc đời.

+  Đối lập lại với cái thường biến ấy là sự bất biến “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương”. Với cô gái đang yêu, dường như không còn khái niệm phương hướng địa lý mà chỉ còn một phương duy nhất – “phương anh”

=> Khẳng định tấm lòng thủy chung bất biến như một lời thề son sắt.

– Khổ 7: Niềm tin vào tình yêu

+ Từ những hiện tượng, quy luật của tự nhiên nhân vật trữ tình đã có một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu (con sóng qua bao cách trở vẫn hướng vào bờ => tình yêu cuối cùng cũng sẽ về tới đích của nó). Chú ý phân tích vào cấu trúc câu “chẳng tới…dù” => âm hưởng thơ mãnh liệt thể hiện một niềm tin vào tình yêu.

+ Khổ thơ kết lại bằng hai từ “cách trở” thể hiện những lo âu, phấp phỏng về sự xa cách, trắc trở trong tình yêu.

– Khổ 8: Khắc khoải, lo âu về sự hữu hạn của kiếp người, sự mong manh của
tình yêu

+ Cuộc đời tuy dài nhưng là hữu hạn trước dòng thời gian vô hạn, năm tháng vẫn trôi chảy không ngừng; tưởng là vô hạn như biển mà mây vẫn bay về xa => không có gì vô cùng, vô tận.

+ Vẫn là cấu trúc câu (tuy…vẫn; dẫu…vẫn) nhưng nếu cảm nhận ở bề sâu ta sẽ thấy giọng thơ như chùng xuống, mang những lo âu, khắc khoải.

– Khổ 9: Khát vọng được dâng hiến hết mình và trường tồn cùng tình yêu
 Chú ý phân tích vào từ ngữ (tan ra, làm sao, ngàn năm còn vỗ); hình ảnh (sóng nhỏ, biển lớn tình yêu).

* Đánh giá:

+ Qua hình tượng sóng, nữ sĩ đã giãi bày một cách tự nhiên, chân
thành những trạng thái cảm xúc trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu:
bản tính thất thường, khát vọng được là chính mình, niềm tin, nỗi lo
âu, khát vọng dâng hiến.

+ Bằng ngôn ngữ tinh tế, gợi cảm; thể thơ 5 chữ cô đọng, hàm súc và hình tượng sóng, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

  1. Bình luận về hai ý kiến (1,0 điểm)

– “Cái tôi” là cái bản ngã, là tâm trạng, cảm xúc, là thế giới tâm hồn riêng của nhà thơ trước hiện thực khách quan. Qua “cái tôi”, ta có thể thấy được những suy nghĩ, quan niệm, thái độ, tư tưởng… của nhà thơ trước cuộc đời.

Cái tôi giàu khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt: Đó là những mong muốn, khát khao và tin tưởng tình yêu thủy chung sẽ vượt qua những biến động của cuộc sống để tìm đến được bến bờ hạnh phúc; khát vọng chảy bỏng được hóa thân vào sóng, hòa nhập và biển lớn tình yêu để được bất tử hóa tình yêu với muôn đời. Đó là khát vọng cao đẹp, mãnh liệt của thi sĩ.

Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người: Thể hiện cảm nhận tinh tế, trăn trở suy tư khi nhận ra sự ngắn ngủi của tình yêu và sự mong manh của đời người; dự cảm, lo âu về sự xa cách có thể ập đến bất cứ lúc nào trong tình yêu.

=> Cả hai ý kiến trên đề cập đến những đặc điểm khác nhau của cái tôi Xuân Quỳnh qua bài thơ Sóng. Hai ý kiến khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, thể hiện sự nhìn nhận toàn diện, sâu sắc về cái tôi Xuân Quỳnh, giúp người học hiểu thấu đáo hơn về hồn thơ Xuân Quỳnh.

d, Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,25 điểm)

e,  Chính tả, dùng từ, đặt câu : đảm bảo đúng quy tắc (0,25 điểm)

 

   Cách cho điểm:

         – Điểm 4,5- 5,0 : bài viết thuyết phục, làm nổi bật yêu cầu của đề, diễn đạt lưu loát, văn giàu cảm xúc, hình ảnh, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

       – Điểm 3,0- 4,25 : bài viết đúng trọng tâm, đủ ý tuy chưa thật sâu sắc, thuyết phục, diễn đạt lưu loát, có thể mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

         – Điểm 2,0- dưới 3,0 : bài viết chung chung hoặc đúng hướng nhưng sơ sài, diễn đạt tương đối lưu loát , có thể mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

         – Điểm 0,25- dưới 2,0 : phân tích chung chung, thiếu định hướng; hoặc chỉ diễn xuôi thơ, diễn đạt kém, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

         – Điểm 0 : hoàn toàn lạc đề hoặc không làm bài.

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *