5 đề Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt (đề 3) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

(Trích Nhớ con sông quên hương, Tế Hanh)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh trong đoạn trích miêu tả vẻ đẹp của dòng sông.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: “Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ/Sông của miền Nam nước Việt thân yêu”?

Câu 4. Anh/chị nhận xét về tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong đoạn trích trên.

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương đất nước.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong Cảnh VII vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, cuộc đối thoại giữaHồn và Xác diễn ra như sau:

Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…

Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!

Hồn Trương Ba: (Bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!

Xác hàng thịt: (Lắc đầu) Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông toé máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi… Ha ha!

Hồn Trương Ba: Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo.

Xác hàng thịt: Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục! Đâu phải lỗi tại tôi.. (Buồn rầu) Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. ông nhìn ngắm trời đất cây cối người thân…Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xâm phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác… Mỗi bữa cơm rôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!

Hồn Trương Ba: Nhưng..nhưng..

Xác hàng thịt: Hãy công bằng hơn, ông Trương Ba ạ! Từ nãy tới giờ chỉ có ông nặng lời với tôi, chứ tôi thì vẫn nhã nhặn với ông đấy chứ? (thì thầm). Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn…

Hồn Trương Ba: Chiều chuộng?

Xác hàng thịt: Chứ sao? Tôi thông cảm với những “trò chơi tâm hồn của ông”. Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện! Hà hà, miễn là.. ông vẫn làm đủ mọi việc để thoả mãn những thèm khát của tôi!

Hồn Trương Ba: Lý lẽ của anh thật ti tiện!

Xác hàng thịt: Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy! Có phải lí lẽ của tôi đâu, tôi chỉ nhắc lại những điều ông vẫn tự nói với mình và những người khác đấy chứ! Đã bảo chúng ta tuy hai mà một!

Hồn Trương Ba: (như tuyệt vọng) Trời!

(TríchHồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, Tập 2, Nxb Giáo dục)

Phân tích bi kịch kiếp sống hồn này, xác nọ của nhân vật Hồn Trương Batrongnhững lời thoại trên.Từ đó nêu bật ý nghĩa thông điệp được tác giả gửi gắm qua đoạn trích vở kịch.

 

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần/

câu

Nội dung
I ĐỌC HIỂU
1 – Thể thơ tự do
2 – Những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của dòng sông: con sông xanh biếc, nước gương trong, hàng tre, lòng sông lấp loáng
3 – Hai câu thơ khẳng định vị trí của dòng sông quê trong trái tim nhà thơ, dòng sông là nơi lưu giữ những kỉ niệm.

– Qua đó, thể hiện lòng yêu nước thiết tha.

4 – Nhà thơ luôn đau đáu nỗi nhớ về quê hương, nhất là dòng sông gắn liền với tuổi thơ trong trẻo, tuổi thanh xuân tươi mới.

– Với giọng thơ sôi nổi, đan xen những xúc cảm hoài niệm, hồi tưởng nhà thơ đã mang tới cho độc giả một bức tranh sông quê vừa chân thực lại vô cùng sống động.

II LÀM VĂN
  Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương đất nước
1 a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương đất nước

  c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương đất nước. Có thể theo hướng sau:

– Quê hương đất nước là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên, là mảnh đất mà ta từng gắn bó.

– Mỗi cá nhân, không phân biệt tuổi tác, địa vị hay tôn giáo, cần có trách nhiệm với quê hương đất nước.

+ Gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

+ Trách nhiệm giữ gìn nền độc lập.

+ Tích cực xây dựng đất nước giàu đẹp, vững mạnh

+ Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác…

  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

  e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận

2      Phân tích bi kịch kiếp sống hồn này, xác nọ của nhân vật Hồn Trương Ba. Từ đó nêu được ý nghĩa thông điệp đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

– Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba. Từ đó nêu ý nghĩa thông điệp đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

c.1.Mở bài:

– Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỷ XX.

– Kịch của Lưu Quang Vũ đặc sắc trên nhiều phương diện: sự hấp dẫn của kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu, sự kết hợp giữa tính hiện đại và với các giá trị truyền thống, sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, bay bổng. Đáng chú ý nhất là vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Đoạn trích khắc họa bi kịch đau đớn của nhân vật Hồn Trương Ba.

c.2.Thân bài:

* Khái quát:

– Hoàn cảnh sáng tác:Vở kịch được sáng tác năm 1981, đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, gồm có 7 cảnh. Đoạn trích nằm ở cảnh VII và màn kết của tác phẩm.

– Nhan đề:Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượngphản ánh hiện thực cuộc sống con người khi bị rơi vào nghịch cảnh, phải sống giả tạo bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, không được sống đích thực là chính mình.

Nguồn gốc bi kịch:

+Trương Ba là một nông dân làm vườn, tính tình nhã nhặn, có tài đánh cờ nhưng do sai lầm của Nam Tào nên Trương Ba bị chết nhầm. Khi phát hiện ra tắc trách, Nam Tào và Đế Thích đã sửa sai bằng cách cho Trương Ba sống lại trong xác hàng thịt.

+ Trú nhờ linh hồn trong xác hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái, đau khổ. Đặc biệt thân xác hàng thịt làm cho Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân ông.

Hồn Trương Ba thấy mình là nguyên nhân gây nên mọi xáo trộn và bất an trong gia đình. Vì vậy, Hồn Trương Ba bắt đầu soi ngắm lại chính mình, bày tỏ những day dứt thông qua hành động và những lời độc thoại nội tâm thể hiện sự chán ngán, sợ hãi, căng thẳng, muốn tách mình ra khỏi xác.

-Tóm tắt đoạn thoại trước:

+ Hồn Trương Ba tỏ vẻ coi khinh xác hàng thịt, phủ nhận giá trị của thể xác.

+ Xác hàng thịt đã phản bác lại, khẳng định vị thế, xác nhận có tiếng nói riêng; nêu cụ thể những nhu cầu tự nhiên, mang tính bản năng của con người mà Hồn đang bị Xác sai khiến.

->Xác dẫn Hồn vào sự thật không thể phủ nhận vì trú ngụ trong Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba trong khiết ít nhiều đã bị vấy bẩn bởi dục vọng của thân xác.Hồn trở nên bất lực, đuối lí “Ta…ta…đã bảo mày im đi!”

* Phân tích đoạn trích:

Hồn Trương Ba cố gắng đưa ra lý lẽ để cứu vãn:“Không!Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”.Hồn dù đau khổ nhưng vẫn cương quyết tin vào sự tồn tại của mình, tin vào bản thân mình.

+ Xác anh hàng thịt cười nhạo, mỉa mai, chế giễu vào cái lí lẽ yếu đuối ấy của tâm hồn và khẳng định vai trò của mình:Nực cười thật!Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”

+ Xác khẳng định sự thật phũ phàng: Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông toé máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi…”

-> Như vậy, đối với hồn, xác rất quan trọng vì nếu không có xác, hồn sẽ không có chốn dung thân và ngược lại nếu không có hồn thì xác cũng chỉ “âm u đui mù”.Lý lẽ của Xác giúp chúng ta nhận ra rằng xác hoàn toàn không vô nghĩa, nó có sức mạnh riêng và nó có thể thay đổi nhân cách một con người, biến đổi một con người theo ý mình. Xác đã buộc hồn phải thay đổi thái độ từ cao ngạo, khinh bỉ đến lúng túng và yếu ớt thừa nhận sự sống của thân xác.

-Sau đó, Xác ve vãn, an ủi, thuyết phục Hồn thỏa hiệp với Xác:

+ Xác “là hoàn cảnh” buộc Hồn “phải quy phục”.

+Xác “rất biết cách chiều chuộng linh hồn”.

+ Xác hạ giọng thì thầm, than vãn, rủ rê TB thỏa hiệp, sống giả dối: Xác sẽ thông cảm với “những trò chơi tâm hồn”, nhận hết mọi điều xấu mà Hồn làm miễn là Hồn vẫn “làm mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi”

– Xác an ủi, dỗ dành Hồn “Ông đừng nên tự dằn vặt làm gì! … Phải sống hòa thuận với nhau thôi! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!”

– Hồn TB nhận thức được “lí lẽ ti tiện” của Xác nhưng dần đuối lí và đau khổ nhận ra sự chế ngự của thể xác, kêu lêntuyệt vọng“Trời!”

-> Phải sống nhờ vào những yếu tố vật chất bên ngoài, không được sống đúng với con người thực của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống dungtục, bị nó chi phối, sai khiến là một trong những bi kịch đau đớn nhất của con người.

*Nhận xét:

– Qua màn đối thoại, ta thấy:

+ Hồn TB có cử chỉ, điệu bộ lúng túng; lời thoại ngắn; giọng điệu thanh minh yếu ớt, tội nghiệp thể hiện sự khổ sở, bức bối, xấu hổ khi nhận thấy mình ngày càng mất dần đi sự thanh cao. Hồn muốn tách ra để có đời sống riêng độc lập, không phụ thuộc vào xác nhưng bất lực.

+ Còn Xác hàng thịt biết rõ sự lệ thuộc của Hồn nên đã cười nhạo, ve vẫn, phỉnh nịnh, thỏa hiệp hồn hãy theo mình bằng những lí lẽ sắc sảo, chặt chẽ. Giọng điệu khi mỉa mai, khi cao ngạo, khi châm chọc, chê cười.

– Ý nghĩa cuộc đối thoại:

+ Bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh, được sống nhưng không còn được sống đúng với bản chất của mình: phải sống nhờ, sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hóa.

+ Cuộc đấu tranh giữa hồn và xác là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người: giữa khát vọng sống thanh caocủa tâm hồn với những đòi hỏi tầm thường của thể xác. Đó là quy luật của sự tồn tại và phát triển.

+ Trong cuộc sống, hồn và xác phải có sự hài hòa với nhau. Không thể có một sự tồn tại đối lập giữa bên ngoài với bên trong, giữa linh hồn và thể xác. Khi hồn và xác có sự vênh lệch nhau thì cuộc sống con người sẽ rơi vào bi kịch đau khổ.

+ Phê phán thói chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến trở nên dung tục, tầm thường.

+ Con người chỉ hạnh phúc khi được là chính mình và sống với những gì mình có.

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Xung đột kịch độc đáo.

+ Ngôn ngữ kịch giàu chất triết lí.

+ Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống kịch.

+ Kết hợp yếu tố hoang đường, hư cấu với hiện thực; kết hợp tính hiện đại và truyền thống.

+ Sức phê phán mạnh mẽ và chất trữ tình bay bổng.

+ Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoạilinh hoạt, độc thoại nội tâm sâu sắc.

*Thông điệp:

– Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.

– Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và linh hồn.

– Con người phải luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

c3. Kết bài:

– Ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc của vở kịch đối với cuộc sống hôm nay và mai sau.

– Lưu Quang Vũ xứng đáng là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

d. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 

 

 

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *