4. Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn – Sở Vĩnh Phúc – Lần 1

Mục tiêu:

Kiến thức: Kiểm tra mức độ đạt chuẩn kiến thức của học sinh cụ thể như sau:

– Kiến thức làm văn, tiếng Việt

– Kiến thức văn học: Tác giả, tác phẩm.

– Kiến thức đời sống.

Kĩ năng:

– Kĩ năng đọc hiểu văn bản.

– Kĩ năng tạo lập văn bản (viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học).

  1. Đọc hiểu (3,0 điểm) (ID: 449761)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới

“(…) Với học sinh, thách thức của các em cũng vô cùng to lớn. Là thế hệ của thế kỉ 21, các em sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động: những biến đổi khí hậu bất thường, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm. Ngoài ra, những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai.

Trong một công trình nghiên cứu của mình, Howard Gardner, cha đẻ của thuyết đa trí tuệ đã từng chỉ ra: đến năm 2030, 47% nghề nghiệp hiện nay sẽ biến mất. Nghĩa là có những nghề nghiệp mới ra đời và thay thế nghề nghiệp cũ, em đã chuẩn bị tâm thế cho mình trước sự thay đổi đó chưa?

Lại thêm một câu hỏi nữa đặt ra “Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như chúng ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không? Cốt lõi của sự thay đổi là sự dũng cảm của mỗi người. Dũng cảm để thừa nhận, dũng cảm để học hỏi, dũng cảm để tìm giải pháp, cách thức, dũng cảm để đối đầu.

(…) Các em dũng cảm để đối mặt với việc lười nhác, với việc học tập thụ động. Đối mặt vơi những thói hư tật xấu của mình và xã hội. Đối mặt với sự vô cảm của mình ngay cả với những người thân yêu nhất. Đối mặt với thách thức để các em nhận ra mình thiếu tư duy phản biện, một phẩm chất không thể thiếu của công dân thế kỷ XXI…”

(Bài phát biểu khai giảng – Thầy Nguyễn Minh Quý – THPT Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng 05/09/2017)

Câu 1. Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Thông hiểu

Trong đoạn trích người viết đã chỉ ra những thách thức gì mà các em học sinh phải đối mặt ở thế kỷ XXI?

Câu 3. Thông hiểu

Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong câu văn sau: Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như khi ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không?

Câu 4. Thông hiểu

Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai? Vì sao?

  1. Làm văn (7,0 điểm) Vận dụng cao

Câu 1. (ID: 449766)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Làm thế nào để rèn tư duy phản biện ở mỗi người?

Câu 2. (ID: 449767)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua đoạn trích:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019)

 

 

LỜI GIẢI CHI TIẾT

 

Phần Nội dung
I 1.

Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2.

Phương pháp: Đọc, phát hiện biện pháp tu từ dựa vào kiến thức đã học, nêu tác dụng.

Cách giải:

– Những thách thức mà thế hệ trẻ phải đối mặt ở thế kỉ 21 là: Là thế hệ của thế kỉ 21, các em sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động: những biến đổi khí hậu bất thường, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm. Ngoài ra, những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai.

3.

Phương pháp: Phân tích.

Cách giải:

Câu hỏi tu từ có tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự băn khoăn, trăn trở của tác giả trước cuộc cách mạng 4.0 liệu thế hệ trẻ có vươn mình trỗi dậy hay vẫn để bản thân tụt hậu như cuộc cách mạng 3.0

+ Đồng thời câu hỏi ấy cũng như một lời thúc giục, niềm tin của tác giả đặt vào thế hệ trẻ sẽ vươn lên mạnh mẽ, làm chủ trong thời đại 4.0

4.

Phương pháp: Phân tích, lí giải

Cách giải:

– Đồng tình với quan điểm của tác giả: : Những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai.

– Vì:

+ Thế giới không ngừng biến đổi, những cuộc cách mạng, những kĩ thuật mới không ngừng ra đời. Bởi vậy, những nghề nghiệp hôm nay có thể ngày mai sẽ biến mất và thay thế bằng những nghề nghiệp mới.

+ Chính bởi vậy, mỗi cá nhân cần chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng, tri thức phong phú, kĩ năng dồi dào đế kịp thời thích ứng trước sự thay đổi của thế giới.

II Câu 1

Phương pháp: Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận. Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Rèn luyện tư duy phản biện ở mỗi người.

2. Giải thích

Tư duy phản biện hay còn gọi là Critical Thinking, đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin mà bạn tin hay những gì mà bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking)

3. Bàn luận

– Tư duy phản biện là một trong những phẩm chất quan trọng của công dân thế kỉ XXI.

– Không phải ai cũng có tư duy phản biện. Vậy làm thế nào để rèn luyện tư duy phản biện?

+ Trước hết, mỗi người cần tập cho mình thói quen đặt câu hỏi, đặt ngược lại vấn đề.

+ Không chỉ vậy, cần liên tục trau dồi tri thức trên nhiều lĩnh vực cho bản thân.

+ Luôn luôn lắng nghe những đóng góp, ý kiến từ những người xung quanh, để từ đó khắc phục những khiếm khuyết của bản thân.

+ Quan trọng nhất là phải rèn luyện cho mình cái nhìn khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các quan điểm, ý kiến của những người xung quanh.

+…

– Cần phân biệt giữa tư duy phản biện với soi mói, chỉ trích người khác.

4. Tổng kết

Câu 2:

Phương pháp: Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: “Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh”. Bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

a. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ giàu yêu thương, khát khao hạnh phúc đời thường.

– Giới thiệu tác phẩm Sóng: Là một tác phẩm đặc sắc của Xuân Quỳnh khi viết về đề tài tình yêu. Tác phẩm được trích trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào”

– Nêu luận đề: Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

b. Thân bài:

– Vẻ đẹp người phụ nữ được thể hiện qua nỗi nhớ nhung trong tình yêu. (khổ 5)

+ Đây là đoạn thơ có số lượng câu thơ trong một khổ đột nhiên tăng lên từ bốn câu thành sáu câu. Nghệ thuật tương phản để gợi ra những phạm vi không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, phạm vi thời gian khác nhau: ‘”ngày” – “đêm”, thêm vào đó việc sử dụng biện pháp điệp cấu trúc ở câu thơ 1 và 2, phép lặp từ “con sóng” và phép đối “dưới lòng sâu – trên mặt nước” đã thể hiện những dạng thức khác nhau của sóng. Sóng trên mặt đại dương, sóng trong lòng biển cả. Con sóng như đang được nhân hóa sóng là em, em là sóng nên sóng cũng biết nhớ nhung da diết.

+ “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Con sóng nhớ bờ luôn xao động ở mọi không gian trên mặt biển, dưới lòng sâu và mọi thời gian từ ngày tới đêm khiến sóng không lúc nào ngủ yên. Xuân Quỳnh mượn trạng thái của sóng để diễn tả tâm lý của người con gái trong tình yêu. Nỗi nhớ đến đây đã trở thành một quy luật do vậy nỗi nhớ ấy đã trở nên vĩnh hằng. Nhưng dường như ngần ấy thôi là chưa đủ. Hai câu thơ tiếp nhân vật trữ tình “em” đã tách bạch ra khỏi “sóng” để trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mình. Nếu sóng nhớ bờ cả khi ở dưới lòng sâu đến khi trên mặt nước cả đêm lẫn ngày thì em cũng nhớ anh mọi lúc mọi nơi. Nếu sóng vì nhớ bờ mà ngày đêm không ngủ được thì em vì nhớ anh mà thức cả trong mơ. Hình ảnh của người yêu đã ám ảnh trong tâm trí người con gái, trở thành một phần máu thịt của họ và dù trong vô thức hay trong tiềm thức thì hình ảnh đó vẫn hiện lên rõ ràng, chân thực. Chi tiết “trong mơ còn thức” ngoài việc thể hiện nỗi nhớ sâu sắc còn thể hiện một dự cảm lo âu. Người con gái lo sợ rằng tình yêu sẽ vuột mất khỏi tầm tay bất cứ lúc nào nên cả trong mơ người con gái vẫn thức để canh giữ tình yêu.

+ Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành “Lòng em nhớ đến anh”, cách nói thậm xưng “Cả trong mơ còn thức” thể hiện nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ.

– Vẻ đẹp người phụ nữ thông qua sự thủy chung của họ trong tình yêu. (khổ 6)

+ Sóng luôn tìm về với bờ cũng như em luôn hướng về nơi có anh. Đó là lòng chung thủy của người con gái trong tình yêu.

+ Nếu phương Bắc, phương Nam gợi sự xa xôi cách trở thì hai động từ “xuôi”, “ngược” lại thể hiện sự gian nan vất vả. Tuy vậy, từ “dẫu” đứng đầu câu lại thể hiện bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Một khi đã yêu nhau thì đôi lứa nói chung và người phụ nữ nói riêng cũng bất chấp tất cả mọi khó khăn để đến được với nhau.

+ Câu thơ cuối cùng mang một ý nghĩa vô cùng độc đáo. Nếu những con sóng có thể hướng về bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc thì người con gái chỉ hướng về một nơi duy nhất, ấy là nơi anh. Từ xưa đến nay người ta vẫn thường nói “Xuôi Nam, ngược Bắc” giờ đây Xuân Quỳnh lại nói “Xuôi Bắc, ngược Nam” là cách nói ngược. Phải chăng tình yêu đã làm cho con người bị đảo lộn phương hướng ? Nhưng có một phương mà em không thể nào lẫn lộn, không thể nào nguôi nhớ đó là phương anh. Giữa cuộc đời này, anh là bến bờ hạnh phúc duy nhất để em hướng về. Nơi nào có anh thì ấm áp, đẹp đẽ tươi vui, nơi nào không anh thì tất cả đều trở nên u buồn, lạnh lẽo. Đó cũng chính là tấm lòng thủy chung son sắc của người con gái trong tình yêu mà Xuân Quỳnh muốn thể hiện.

Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ thông qua khát khao về tình yêu vĩnh cửu. (còn lại)

+) Khổ 7: khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “con nào chẳng tới bờ … Dù muôn vời cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.

+ Trăm ngàn con sóng là cụm từ chỉ số lượng. Dù có muôn vàn con sóng ở ngoài kia thì chúng cũng đều tuân theo một quy luật bất di bất dịch là tìm đến với bờ dù có xa xôi cách trở bao nhiêu.

+ Mượn hình ảnh con sóng, Xuân Quỳnh như muốn khẳng định một điều rằng trái tim người phụ nữ luôn hướng về người mình yêu. Đó không còn là cảm xúc nhất thời mà nó đã trở thành quy luật mà đã là quy luật thì cho dù có bao nhiêu năm tháng đi qua lòng chung thủy ấy cũng không bao giờ biến đổi. Để rồi sau bao nhiêu khó khăn, gian nan thử thách chính lòng chung thủy sẽ giúp con sóng tới được bến bờ mà nó thổn thức nhớ mong đến nỗi không ngủ yên cũng như đưa em đến bên anh sau tháng ngày xa xôi cách trở.

+ Câu thơ như tiếng lòng hay nói đúng hơn là niềm tin mãnh liệt vào một cái kết đầy viên mãn cho một tình yêu vĩnh cửu.

+) Khổ 8:

+ Cuộc đời chỉ quỹ thời gian ngắn ngủi của một kiếp người, năm tháng chỉ dòng thời gian vô thủy vô chung. Biển cả chỉ giới hạn không gian trật hẹp trong khi đó mây trời lại chỉ không gian rộng lớn của vũ trụ. Cuộc đời tuy dài nhưng so với dòng chảy vô tận của thời gian nó chỉ là một cái chớp mắt. Tương tự với đó, biển kia tuy rộng nhưng nếu đem so sánh với mây trời thì nó thật nhỏ bé biết bao. Đem đặt cái hữu hạn cạnh cái vô hạn Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi lo ấu trước sự phù du của kiếp người. Rồi một ngày nào đó, anh và em sẽ không còn nữa đồng nghĩa với với việc chúng ta sẽ không thể yêu nhau.

+ Tuy thế nhà thơ vẫn tin tưởng, tin tưởng ở tấm lòng nhân hậu và tình yêu chân thành của mình sẽ vượt qua tất cả như áng mây kia như năm tháng kia. Có thể nói Xuân Quỳnh yêu thương tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm những trắc trở, thử thách trong tình yêu; đồng thời cũng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thử thách đến với bến bờ hạnh phúc. Cho nên, sóng sẽ đến bờ, năm tháng sẽ đi qua thời gian dài đằng đẵng và đám mây nhỏ bé sẽ vượt qua biển rộng để bay về xa.

+ Một loạt hình ảnh thơ ẩn dụ được bố trí thành một hệ thống tương phản, đối lập để nói lên dự cảm tỉnh táo, đúng đắn và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh của tình yêu. Yêu thương mãnh liệt nhưng cao thượng, vị tha. Nhân vật trữ tình khao khát hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu – tình yêu bao la, rộng lớn – để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa.

+) Khổ 9:

+ Câu thơ “Làm sao được tan ra” là một câu thơ mang cấu trúc cầu khiến, nghi vấn thể hiện niềm mong ước da diết và hiện thực. Tan ra là hi sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thân. Tan ra thành trăm con sóng là mong ước biến cái hữu hạn thành cái vô hạn. Xuân Quỳnh muốn vượt qua cái hữu hạn của đời người giống như con sóng kia ngàn năm còn vỗ giữa biển lới tình yêu. Đó là tiếng lòng của một tâm hồn giàu đức hi sinh và lòng cao thượng.

+ Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình, được tạo nên và hòa lẫn cùng trăm con sóng nhỏ. Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng. Sóng không phải là biểu tượng của một cái tôi ngạo nghễ, cô đơn và ích kỷ sóng là sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. Song song với đó như một lẽ thường tình cái tôi ích kỷ nhỏ bé trật hẹp sẽ không thể tạo nên một tình yêu đẹp. Chỉ có lòng bao dung và trái tim yêu thương vượt lên trên mọi ích kỷ tầm thường để tạo ra một tình yêu vĩnh cửu. Nhà thơ đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương “Người yêu người, sống để yêu nhau” (Tố Hữu)..

c. Kết bài:

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *