3. Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn – THPT Đội Cấn – Lần 1

  1. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới

Thực tế cuộc sống quanh ta cũng cho thấy, có khá nhiều người không có bằng ĐH, không xuất chúng, cũng chẳng nổi tiếng như Bill Gates, nhưng sự thành công của họ lại có phần vượt trội không ít người có bằng ĐH.

Ngày nay, khi bạn có thực tài, nếu không làm cho cơ quan Nhà nước thì làm ở khu vực tư nhân; nếu không tư nhân thì là nước ngoài. Hay tự mình… dùng mình! Thậm chí, nếu ở trong nước không có đất dụng võ thì ra thế giới… Với công việc, năm châu bốn biển đều có thể là nhà của mình.

Hiện xã hội cũng đang “khát” nhân lực, hàng trăm ngàn công ty đang cần hàng triệu người có thực tâm, thực lực để giúp họ. Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện. Còn giả sử bạn nộp đơn vào một số nơi nào đó mà họ không quan tâm đến giá trị thực thì chắc hẳn nơi đó không thuộc về bạn. …….

Cuộc đời không quá dài để mình có thể phung phí thời gian, nhưng cũng đủ dài để làm được những gì mà mình muốn. Và cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên. Hãy tin rằng: “18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp. Và rằng, trong cuộc đời, chỉ có “sự học” và “thực học” của mình mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của chính mình, và điều đó còn lớn lao hơn “ĐH” rất nhiều”.

(Lược ghi ý kiến của ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE)

Câu 1. Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Nhận biết

Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ: “Cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên”

Câu 3. Thông hiểu

Theo anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện”?

Câu 4. Thông hiểu

Lời khuyên “18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp” gợi anh/chị suy nghĩ gì?

  1. Làm văn (7,0 điểm) Vận dụng cao

Câu 1.

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên qua đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ “Tây Tiến”.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

 

LỜI GIẢI CHI TIẾT

 

Phần Nội dung
I 1.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2.

Phương pháp: đọc, phát hiện biện pháp tu từ dựa vào kiến thức đã học, nêu tác dụng.

Cách giải:

– Biện pháp tu từ: So sánh (Cuộc đời so sánh với cuộc đua marathon)

– Tác dụng: Làm tăng sức gọi hình cho sự diễn đạt, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng đến sự việc đang bàn luận. Qua đó, người viết khẳng định ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó, sự cầu tiến,… sẽ tạo động lực để tuổi trẻ đạt được mục tiêu mình đề ra.

3.

Phương pháp: Đọc kỹ nỗi dung câu nói, phân tích, lý giải.

Cách giải:

Câu nói: “Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện” muốn khẳng định điều quan trọng mà người tuyển dụng cần là người có năng lực thực tế chứ không phải những người có bằng cấp cao nhưng lại không có thực lực.

4.

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

– Nội dung lời khuyên “18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp” : Tương lai tuổi trẻ còn rộng mở, vẫn còn kịp để cố gắng phấn đấu, sống cống hiến làm đẹp cho cuộc đời mình. Thế nhưng nếu vì thế mà chần chừ thì chúng ta sẽ lãng phí thời gian, đánh mất tuổi xuân.

– Nêu suy nghĩ của bản thân:

+ Phải biết quý trọng thời gian, sống cống hiến hết mình cho cuộc đời

+ Cơ hội không đến nhiều lần trong cuộc đời. Vì thế, cần luôn tận dụng, nắm bắt nó từ khi còn trẻ để làm nên sự nghiệp của bản thân

II Câu 1

Phương pháp: Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận (nghị luận về một vấn đề xã hội “Giá trị của “thực học” trong đời sống). Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.

2. Giải thích:

– “Thực học” nghĩa là học thật, nhằm hiểu biết thật, nắm tri thức thật, không phải là sự hiểu biết bên ngoài, giả tạo không có thực chất, không có mục đích chân chính, không hiểu quả, không có giá trị thật.

=> “Thực học” cần thiết đôi với tuổi trẻ và nó đang trở thành một vấn đề đáng được quan tâm trong cuộc sống hiện nay.

3. Bình luận:

– Giá trị của việc “thực học”.

+ Khi “thực học” tuổi trẻ sẽ tiết kiệm được thời gian. Khi chúng ta học một vấn đề mà hiểu được hết ý nghĩa của nó thì sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn và cũng nhớ lâu hơn. Điều ấy sẽ trở thành hữu ích khi chúng ta bắt gặp lại một vấn đề cần sử dụng kiến thức đó trong cuộc sống. Việc học sâu nhớ lâu giúp chúng ta có thể dễ dàng liên kết kiến thức này với kiến thức khác từ đó mở rộng nhiều kiến thức nâng cao hơn.

+ Việc thực học mang lại sự hiểu biết, kiến thức, khả năng phán đoán, nhận thức. Có thể phân biệt phải trái, đúng sai ở nhiều khía cạnh. Cách nhìn nhận vấn đề mang tính toàn diện hơn. Từ đó là nền tảng để phát huy nhân cách, phẩm chất, gia tăng giá trị tinh thần trong mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng và xã hội.

+….

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức: Tuổi trẻ phải hiểu và nắm bắt giá trị của thực học. Từ đó, xác định cho mình mục đích của việc học, xác định hướng đi đúng đắn.

+ Về hành động: Học tập, rèn luyện ngay từ khi còn trẻ, không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ….

4. Tổng kết vấn đề

Câu 2:

Phương pháp: Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: “Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến”. Nhận xét vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ. Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp

Cách giải:

I. Mở bài

– Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Quang Dũng: Cuộc đời, con người và phng cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

– Nêu khái quát chung về tác phẩm “Tây Tiến”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

– Khái quát nội dung của đoạn thơ: Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đêm liên hoan lửa trại cùng khung cảnh thiên nhiên miền Tây hoang sơ mĩ lệ.

II. Thân bài

1. Vẻ đẹp con người qua đêm liên hoan lửa trại thắm tình quân dân.

Câu 1: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

+ Cụm từ “hội đuốc hoa”: Không phải là một ánh lửa trại bình thường mà là một hội đuốc hoa. Đuốc hoa hay còn gọi là hoa chúc, là một từ Hán việt dùng để chỉ ngọn nến thắp lên trog đêm tân hôn. Nét độc đáo trong thơ Quang Dũng đó là tác giả đã sử dụng hìn ảnh tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi để diễn tả tình quân dân.

+ Động từ “bừng”: Cảnh tượng của một đêm liên hoan văn nghệ rực rỡ, tưng bừng được diễn tả rõ nét qua động từ “bừng”. Chỉ với một từ mà tác giả đã làm bức tranh trong bài thơ trở nên sống động như đang hiện ra trước mắt. Phải chăng đây là sự bừng sáng của ánh đuốc, là sự tưng bừng của âm nhạc hay chính là tiếng hát rộn rã vang dội khắp không gian rừng núi miềnTây.

-Câu 2: Kìa em xiêm áo tự bao giờ

+ Kìa em là đại từ dùng để chỉ đối tượng từ xa nhưng trong bài nó còn mang một hàm ý chỉ thái độ bất ngờ, ngạc nhiên, là nềm vui thích rất đỗi tình tứ của người lính trẻ khi nhìn thấy người con gái vùng cao trong xiêm áo lộng lẫy, uyển chuyển theo điệu nhạc, điệu múa tự bao giờ. Từ em như một nốt nhấn của câu thơ. Đó là cách gọi trìu mến, tình tứ, đong đầy sự yêu thương, trìu mến, say mê của lính Tây Tiến với các cô gái.

Câu 3: Khèn lên man điệu nàng e ấp.

Những người lính Tây Tiến trong đêm liên hoan mơ màng, đắm mình trong tiếng khèn man điệu. Hai chữ man điệu vừa gọi âm thanh vừa gọi vũ điệu của sơn nữ đậm màu sắc văn hóa núi rừng.

– Câu 4: Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Câu thơ diễn tả tâm hồn người lính bay bổng, phiêu du với những miền đất xa xôi. Cái tâm hồn ấy đã tới tận Viên Chăn để dệt nên những ý thơ xây mộng thanh bình hướng tới ngày mai chiến thắng.

=> Bốn câu thơ thể hiện tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến khi được sống trong tình quân dân thắm thiết. Từ đó ta thấy được tâm hồn lạc quan yêu đời của người lính Tây Tiến.

2. Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên Châu Mộc.

– Thời gian: Buổi chiều sương giăng mắc bồng bềnh, huyền ảo khiến cảnh vật mờ đi hư ảo.

– Không gian: Cảnh vật sông nước mênh mông với bến bờ hoang dại, nguyên thủy, đượm màu cổ tích như một bức tranh cổ điển, gọi vẻ tĩnh lặng nguyên sơ.

+ Hồn lau là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng. Hồn lau trong thơ của Quang Dũng cũng gọi vẻ xa vắng hiu hắt nên nó là hồn lau của li biệt phảng phất một chút buồn nhưng không xao xác mà đầy nhớ thương, lưu luyến bởi tác giả đã hai lần cất lên câu hỏi có nhớ, có thấy. Phải chăng đó là hình ảnh thiết tha lưu luyến mà người dân miền Tây đã dành cho những người chiến sĩ hay cũng chính là mảnh hồn người chiến sĩ gửi lại nơi Mộc Châu lúc giã từ. Hai chữ hồn lau còn gợi tới một vẻ đẹp bị lãng quên. Đó là chất thi sĩ trong sâu thẳm tâm hồn người lính được đánh thức trong khoảnh khắc giao cảm bất ngờ với hồn tạo vật.

-Nỗi nhớ con người: Có nhớ dáng người trên độc mộc

Thuyền độc mộc là loại thuyền dài và hẹp làm bằng một thân cây gỗ to, khoét trũng có một người chèo lái. Hình ảnh dáng người trên độc mộc có thể là hình ảnh người lính Tây Tiến cũng có thể là con người miền Tây. Dù hiểu theo cách nào thì tác giả cũng cho thấy vẻ đẹp của con người được khai thác ở hai khía cạnh vừa duyên dáng, uyển chuyển, mềm mại lại khỏe khoắn mạnh mẽ với sức sống mãnh liệt qua nghệ thuật tương phản. Hình ảnh thơ vì thế vừa lãng mạn, vừa gợi vẻ hùng vĩ. Con thuyền độc mộc thì nhỏ bé mà dòng nước lũ ki lại là thiên nhiên hoang sơ, dữ dội. Cảnh vật vừa tương phản, vừa làm nền để tôn vinh vẻ đẹp cho con người nơi đây.

-Nỗi nhớ thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng: Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

+ Dòng nước lũ là hình ảnh thiên nhiên man dại, dữ dội, nguy hiểm.

+ Hoa đong đưa: Đong đưa chứ không phải là đung đưa. Đong đưa vừa diễn tả được trạng thái chuyển động đung đưa vừa toát lên vẻ thơ mộng trữ tình, mềm mại, duyên dáng, tình tứ làm say đắm lòng người. Cảnh hoa ấy như đang làm duyên trên dòng nước lũ, soi bóng trên dòng song vậy. Đó không phải là cảnh “hoa trôi man mác” như trong câu thơ của Truyện Kiều mà cánh hoa tạo dáng trên dòng nước lũ đầy khắc nghiệt. Vì thế, thiên nhiên miền Tây hiện ra trong nỗi nhớ của Quang dũng vừa mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ vừa mang vẻ đẹp thơ mộng, mĩ lệ.

Hình ảnh thơ còn có cách hiểu thú vị khác nữa. Hoa đong đưa là một liên tượng lãng mạn của tác giả khi câu thơ sau có sự hô ứng với câu thơ trước. Dáng người trên độc mộc giống như bông hoa đong đưa trên mặt nước. Đó chính là nét tinh túy của con người miền Tây: Khỏe khoắn, táo bạo và vô cùng gợi cảm. Phải có một tâm hồn lãng mạn, lạc quan yêu đời như tác giả mới có những cảm nhận tinh tế như vậy.

• Đặc sắc nghệ thuật: Đoạn thơ trên với những thành công về nghệ thuật làm lay động lòng người. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Quang Dũng: lãng mạn, tài hoa ở cả thể thơ thất ngôn trường thiên, bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn, cách xây dựng hình ảnh, ngôn ngữ tài hoa, độc đáo, giàu hình ảnh, giàu liên tưởng: bừng lên, đốc hoa,  hồn lau, đong đưa…. Giọng điệu: Nét nổi bật của Tây Tiến là những câu thơ giàu nhạc tính nhẹ nhàng, êm ả.

3. Nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ Tây Tiến.

– Qua hai đoạn thơ ngắn nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vẻ đẹp lãng mạn của thơ Quang Dũng nói chung và Tây Tiến nói riêng.Bức chân dung của người lính Tây Tiến được đặt trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa hoang sơ dữ dội vừa hết sức thơ mộng

– Qua hai đoạn thơ hiện lên cái tôi hào hoa, thanh lịch giàu chất lãng mạn, với khả năng cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người đồng thời lại rất mực hồn nhiên, bình dị chân thật.

-Vẻ đẹp lãng mạn đã chi phối bài thơ Tây Tiến, từ ngôn ngữ , giọng điệu đến hình tượng người lính. Điều đó cugx góp phần khẳng định Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa. Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật không chỉ không lặp lại người khác mà còn không lặp chính mình.

III. Kết bài

– Khẳng định lại giá trị nội dung: Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đêm liên hoan lửa trại cùng khung cảnh thiên nhiên miền Tây hoang sơ mĩ lệ

– Đánh giá nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *