11 đề Vợ Chồng A Phủ (đề 8) – Thi thử THPT QG môn Văn bám sát đề minh họa 2021

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi.

 

…Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Đỗ Trung Quân -1986. https://www.thivien.net

 

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh diễn tả tình yêu thương của mẹ dành cho con trong đoạn trích.

Câu 3. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa những câu thơ:

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi

     Câu 4. Có phải đoạn trích này là nỗi ân hận xót xa của người con đối với mẹ? (Trình bày khoảng 5 dòng).

LÀM VĂN (7.0 điểm)

      Câu 1. Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên, anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung  quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2. Cảm nhận của em về nhân vật Mị trong đêm đông giải cứu A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

——-HẾT——-

 

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3.0
1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Hướng dấn chấm: Nghị luận/ phương thức biểu đạt nghị luận: 0,75 điểm.

0,75
2 Những từ ngữ, hình ảnh: thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ, nước mắt già nua không ứa nổi, mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng, trái tim âu lo đã giục giã đi tìm.

Hướng dẫn chấm: Chỉ ra 3 hình ảnh trở lên: 0,75 điểm. Hai hình ảnh: 0,5 điểm. Một hình ảnh 0,25 điểm.

0,75
3  Ý nghĩa những câu thơ:

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi.

Cuộc đời phũ phàng bạc bẽo những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác ta vẫn ôm mộng phù vân, chạy theo,  đeo đuổi vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ. Trong khi đó hạnh phúc có bên ta là mẹ, mẹ yêu thương, trông chờ và tha thứ cho mọi lỗi lầm của ta ta lại vô tình bỏ rơi ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ giọt nước mắt già nua không ứa nổi.

Hướng dẫn chấm: Trả lời theo đáp án: 1.00 điểm. Nếu chỉ nêu được một trong hai ý trên hoặc có cả hai ý nhưng ý nhạt: 0,5 điểm. Nếu trả lời không được hoặc vi phạm vào những điều đạo đức…: 0,00 điểm.

1,00
4 Đoạn trích này là nỗi ân hận xót xa của người con đối với mẹ:

Vì:

– Sau thời gian ra đi, trãi nghiệm, va vấp nhiều mới nhận ra không ai rộng lượng tha thứ và yêu thương ta bằng mẹ.

– Ân hận về những điều ta vô tình lãng quên, có phần bạc bẽo với mẹ.

Hướng dẫn chấm: GV tùy vào cách trả lời của HS ghi điểm, Về cơ bản theo đáp án: 0,5 điểm. Nếu đảm bảo 1 ý : 0,25 điểm

0,5
II   LÀM VĂN 7,0
1 Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên, anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung  quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay. 2,0
a. Đảm bảo đúng yêu cầu về hình thức của một đoạn văn.

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: quy nạp, diễn dịch, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung  quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay. 0,25
c. Triển khai vấn đề thành các ý chính sau:

Giải thích và nêu biểu hiện của lối sống thờ ơ,vô cảm của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.

“Bệnh vô cảm” là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình.

Trình bày suy nghĩ về tác động ảnh hưởng, nguyên nhân của lối sống này: Thờ ơ với buồn vui, sướng khổ, với những số phận của những người xung quanh mình. Sự vô cảm đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội ta,  nó đang len lỏi khắp mọi nơi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt.

Do cách sống vị kỷ của mỗi con người, thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh. Do nhịp sống, guồng quay hối hả, đầy tốc độ của xã hội thời hiện đại.  Một bộ phận thế hệ trẻ được gia đình, bố mẹ chiều chuộng, thậm chí là lập trình sẵn cho cuộc đời, cho tương lai, cho từng đường đi nước bước.

Liên hệ bản thân, rút ra bài học…

Hướng dấn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

-Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục:  lí lẽ xác đáng  nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

– Lập luân không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0.25 điểm).

– Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ theo quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Viêt.

Hướng dẫn chấm: Không ghi điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về hiện tượng đời sống , có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận, có sáng tạo trong cách viết câu, dựng đoạn, làm cho bài văn có giọng điệu, hình ảnh

– Đáp ứng được hai yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng một yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
 

2

Cảm nhận của em về nhân vật Mị trong đêm đông giải cứu A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.  

5,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nhân vật Mị trong đêm đông giải cứu A Phủ

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

0,5
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm. Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí luận và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:  
Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật Mị trong đêm đông.

Hướng dẫn chấm: Nếu chỉ giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật: 0,25 điểm. Không giới thiệu nhân vật: 0.00 điểm.

0,5
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị qua hai lần phản ứng đối lập khi thấy A Phủ bị trói đứng:

– Thí sinh trình bày khái quát nguyên nhân khiến A Phủ bị trói.

– Lần đầu: Mị ở trong trạng thái vô cảm, tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện: thản nhiên ngồi thổi lửa hơ tay, Mị mất luôn cả cái tình thương người mà bất cứ ai ở người phụ nữ nào cũng có.

– Lần hai: Khi nhìn thấy dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má của A Phủ:

+ Tâm trạng Mị sau đó từ vô cảm đến đồng cảm: Nhớ đến cảnh ngộ của mình, của người đàn bà năm trước.

+ Mị nhận thức rõ và căm thù sự độc ác của nhà thống lí Pá Tra.

+ Từ lòng thương người và lòng căm thù, Mị nhận ra sự độc ác và bất công.

+ Mị lo sợ, hốt hoảng tưởng tượng khi A Phủ trốn được, lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị cởi trói. Nhưng nỗi sợ như đã tiếp thêm sức mạnh cho Mị hành động. Lòng thương người trong Mị đã lớn hơn tất cả mọi nỗi sợ hãi: Hành động cởi trói cho A Phủ.

+ Trong Mị tiềm tàng sức sống, sức phản kháng mãnh liệt: Chạy theo A Phủ.

– Nhận xét:

+ Sự vô cảm của Mị trong lần đầu tiên chứng kiến cảnh A Phủ bị trói là kết quả của sự đày đọa về mặt tinh thần mà Mị phải gánh chịu khi phải sống trong cảnh làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra.

+ Chính dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người trong Mị. Làm cho sức sống tiềm tàng trong Mị được trỗi dậy. Mị cứu A Phủ, cứu bản thân. Thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận.

– Đánh giá chung:

+ Nhà văn đã tạo dựng được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, hợp lí đã tạo nên sự thay đổi số phận nhân vật một cách thuyết phục.

+ Khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do của nhân dân lao động dưới sự áp bức của giai cấp thống trị miền núi.

 

Hướng dấn chấm:

–        Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3.0 điểm.

–        Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1.75 điểm – 2,75 điểm

–        Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0  điểm – 1,5 điểm.

–        Học sinh phân  tích sơ lược hoặc đơn giản chỉ kể chuyện: 0,25 điểm – 0,75 điểm

 

 

 

3,0

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Hướng dẫn chấm: Không ghi điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá, biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của truyện Tô Hoài, biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống, văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

–        Đáp ứng được hai yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

–        Đáp ứng được một yêu cầu: 0,25 điểm

0,5
TỔNG CỘNG 10.00

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *