UBND TỈNH BẮC NINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
|
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2017- 2018 Môn: Ngữ văn – Lớp 12 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Đề thi có 02 trang
Câu 1 (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Chưa đến một lần, mà như thể đã quen
Câu quan họ say lòng, em nghe từ thơ bé
Xen trong câu chuyện xưa bà kể
Là chiếc cầu, ai cởi áo trao nhau…
Hội làng mở rồi em chưa đến được đâu
Dẫu biết rằng, anh sẽ cùng câu ca đến hội
Ánh mắt ai tìm cho mình câu ca hát đối
Người ơi người, sao đến hẹn…không lên?
Lời hẹn hôm nào, ai dễ đâu quên
Mình sẽ cùng câu ca đến hội
Để cuối lời ca là ngập ngừng câu nói
Thương nhớ…người ơi, người ở, đừng về!
(Đến hẹn mà em chưa lên – Huệ Triệu)
Chỉ rõ hiệu quả biểu đạt của việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong văn bản trên.
Câu 2 (6,0 điểm)
HOA HỒNG TẶNG MẸ
Anh dừng lại mua hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện nhân ngày 8/3. Mẹ anh sống cách chỗ anh ở khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá bán hoa hồng đến 20 đô la. Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây chú sẽ mua cho cháu. Anh liền mua cho cô bé và đặt một bó hồng gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu. Nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ vào ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu. Nói xong, nó ân cần đặt bông hoa hồng lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa hủy bỏ dịch vụ gửi hoa và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó anh đã lái xe một mạch 300km về nhà để trao tận tay mẹ bó hoa.
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Suy nghĩ của anh/chị về nội dung câu chuyện trên.
Câu 3 (10,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chất thơ trong những đoạn văn sau:
Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
…Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa.
Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó…
(Hai đứa trẻ – Thạch Lam)
… Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.
Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ […]. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.
Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
… Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)
===== Hết =====
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN LỚP 12
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)
Câu 1 (4,0 điểm)
– Chất liệu văn học dân gian được sử dụng trong văn bản trên (1,5 điểm)
+ Hình ảnh: câu quan họ say lòng, hội làng, câu chuyện xưa bà kể.(0,75 điểm)
+ Ngôn ngữ: chiếc cầu, ai cởi áo trao nhau (câu ca dao: Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay); Người ơi người, sao đến hẹn…không lên? và Thương nhớ…người ơi, người ở, đừng về! (câu quan họ: Người ơi, người ở, đừng về!)(0,75 điểm)
– Hiệu quả biểu đạt (2,5 điểm):
+ Tạo nên âm hưởng dân gian gần gũi, mộc mạc cho đoạn thơ; Góp phần khắc họa chân thực, sinh động hình ảnh làng quan họ. (1,0 điểm)
+ Thể hiện tình cảm của nhân vật trữ tình: bồi hồi, lưu luyến, tiếc nuối khi nhớ về kỉ niệm những lần lỗi hẹn với hội quê.(0,75 điểm)
+ Thể hiện tình cảm sâu sắc tha thiết của tác giả dành cho mảnh đất quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá.(0,75 điểm)
Câu 2 (6,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận. Hành văn lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có những cảm nhận riêng, song cần nêu được những ý sau:
Ý nghĩa câu chuyện (1,0 điểm)
– Câu chuyện kể về hai người con mua hoa tặng mẹ trong hoàn cảnh khác nhau. Cô bé không đủ tiền mua hoa tặng mẹ, nức nở khóc. Được chàng trai giúp đỡ, cô bé đã mua hoa và đặt lên mộ – ngôi nhà của mẹ. Việc làm đó của cô bé đã khiến chàng trai thay đổi quyết định: hủy bỏ dịch vụ gửi hoa và lái xe một mạch 300 km về nhà trao tận tay mẹ bó hoa. (0,5 điểm)
– Ý nghĩa của câu chuyện: Ca ngợi lòng hiếu thảo đặc biệt là tình mẫu tử và nhắc nhở người làm con đừng vô tâm mà hãy quan tâm đến mẹ khi chưa quá muộn. (0,5 điểm)
Bàn luận (4,0 điểm)
– Hiếu thảo với cha mẹ là tình cảm tốt đẹp của con người, thể hiện truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng. Người mẹ có vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của người con. Vì mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ; Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ( Berson)… Nhiều người mẹ bằng sự yêu thương và lòng kiên nhẫn đã giúp những đứa con từ nhút nhát, thiệt thòi bước những bước đầu tiên đến con đường đam mê và thành công. (1,0 điểm)
– Mỗi người đều có những cách thể hiện lòng hiếu thảo khác nhau: có thể là những việc làm lớn lao dành cho mẹ nhưng có thể là một cử chỉ bình thường (tặng hoa, đặt hoa lên mộ) cũng khiến mẹ hạnh phúc. Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại vô cùng quý giá và to lớn đối với người mẹ. (1,0 điểm)
– Đáng quý hơn là lời nói đầy yêu thương, kính trọng, sự quan tâm, chăm sóc, ý thức trách nhiệm, … của người con đối với mẹ. Được sống trong tình yêu thương của mẹ, được ở bên mẹ khi mẹ còn sống là điều tuyệt vời nhất, là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tình yêu ấm áp của cô bé dành cho người mẹ đã khuất giúp anh hiểu ra chân lí giản dị đó. Nhận ra sự vô tâm của mình với bậc sinh thành, anh sẵn sàng vượt qua hơn 300 km trao tận tay mẹ bó hoa. (1,0 điểm)
– Phê phán những kẻ làm con sống vô tâm, vô trách nhiệm, thậm chí bạo hành cha mẹ về thể xác và tinh thần …(1,0 điểm)
Mỗi luận điểm cần có dẫn chứng minh họa. Chấp nhận cách viết khác nhưng phải hợp lí thể hiện tư tưởng, thái độ đúng mực.
Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)
– Trân trọng, nâng niu tình mẫu tử thiêng liêng, sống trọn đạo hiếu, cuộc sống mới bền vững và ý nghĩa. (0,5 điểm)
– Mỗi người tự nhìn lại mình và định hướng lối sống đúng đắn, hợp đạo lí. (0,5 điểm)
III. Biểu điểm
Điểm 5-6: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.
Điểm 3-4: Đáp ứng 1/2 những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
Câu 3 (10,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm dạng bài: nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh…
– Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng.
– Văn viết trong sáng mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế tối đa các lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận (1,0 điểm)
– Thạch Lam là một gương mặt đặc biệt trong nhóm Tự lực văn đoàn. Mỗi tác phẩm của ông như một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng. Tiêu biểu là đoạn văn trong tác phẩm Hai đứa trẻ.(0,5 điểm)
– Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau. Đoạn văn miêu tả sự hồi sinh của Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ đậm chất thơ toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật và bức tranh thiên nhiên. (0,5 điểm)
Giải thích (1,0 điểm)
– Chất thơ có thể hiểu là chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. (0,25 điểm)
– Chất thơ trong truyện ngắn được biểu hiện qua những rung động, rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình người; biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của nhà văn trước thế giới; bằng một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.(0,25 điểm)
– Chất thơ trong tác phẩm văn xuôi xuất phát từ đặc điểm của văn học có sự giao thoa, gặp gỡ giữa các thể loại và yêu cầu của văn chương nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ luôn phải tìm tòi, sáng tạo thâu nhận những vẻ đẹp, tinh chất của nhiều thể loại tạo nên một tác phẩm hoàn mĩ. Trong quan niệm sáng tác của các nhà văn, chất thơ không đơn giản chỉ là sự trang trí, một thứ trang sức làm lộng lẫy cho văn xuôi mà chính nó là một phẩm chất bắt buộc của văn xuôi. Bởi đó, chất thơ trở thành chiếc cầu nối mềm mại đưa văn xuôi thấm vào hồn người êm ái và dịu dàng hơn bao giờ hết. Chất thơ làm cho trang văn trở nên tinh tế vút cao, đi vào lòng người đọc một cách mãnh liệt. Pha-đê-ép từng nói: Văn xuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy chính là thơ.(0,25 điểm)
– Chất thơ được chưng cất từ chính đời sống bình dị, thường nhật, bằng rung động tâm hồn của nhà văn tỏa ra từ tình yêu cái Đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống và niềm tin thiện căn của con người. Thạch Lam và Tô Hoài đều là những nhà văn tài năng, dễ rung động, xúc cảm khi phát hiện ra chất thơ trong đời sống.(0,25 điểm)
3. Cảm nhận những biểu hiện đượm chất thơ trong các trích đoạn (7,0 điểm)
Chất thơ được biểu hiện qua những rung động, rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người (3,0 điểm)
– Hai đứa trẻ (Thạch Lam): Với quan niệm Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng, ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường, nhà văn miêu tả cảnh thiên nhiên vạn vật khi chiều tà đẹp, nên thơ, bình dị, êm ả, gần gũi nhưng đượm buồn, được thể hiện với nhiều âm thanh, màu sắc, đường nét (Tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi vo ve, phương Tây đỏ rực, đám mây ánh hồng, dãy tre làng đen lại…). Tất cả như một bức họa đồng quê gợi nhớ về những điều thân thuộc, đánh thức cảm xúc ấu thơ trong bao tâm hồn Việt, kể cả những kí ức nghèo (rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía, mùi âm ẩm, mùi cát bụi...).(1,5 điểm)
– Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): Chất thơ của đoạn văn thấm đượm trong bức tranh thiên nhiên giàu màu sắc tươi sáng, đường nét uyển chuyển và hùng vĩ của Tây Bắc làm nền cho những cảnh sinh hoạt giàu chất trữ tình của con người. Cảnh thiên nhiên mùa xuân trên vùng cao ở Hồng Ngài: gió thổi, cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ …, đặc biệt là tiếng sáo – tín hiệu của tình yêu và tự do nơi núi rừng tuyệt vời thơ mộng tạo ra hương vị độc đáo của mùa xuân Tây Bắc, gây ấn tượng về phong tục đặc sắc của người H’ Mông. (1,5 điểm)
Chất thơ biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của nhà văn trước thế giới (3,0 điểm)
– Hai đứa trẻ (Thạch Lam): Như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm chứa đựng biết bao tình cảm, yêu mến, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người, đặc biệt xót thương những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. (0,5 điểm)
+ Liên: tâm hồn một cô gái mới lớn nhạy cảm, trẻ thơ, trong sáng thuần khiết biết rung động trước cái tĩnh lặng đìu hiu phố huyện, cảm nhận nỗi buồn của chiều quê đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần… Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn…Tâm hồn giàu lòng trắc ẩn khi tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này, khi động lòng thương những cảnh đời, kiếp người tàn: mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất…(0,5 điểm)
+ Tấm lòng xót thương của Thạch Lam đôn hậu, tinh tế với nhân vật, mảnh đất quê hương khiến những trang văn xuôi hòa quyện tuyệt vời giữa chất thực và chất thơ. Tấm lòng ấy thể hiện qua ngòi bút sâu sắc và tinh tế khi đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, giọng trần thuật nhập vào dòng tâm tư của nhân vật diễn tả những ý nghĩ, tâm trạng và cả những trạng thái mơ hồ, vừa bộc lộ nội tâm nhân vật vừa tạo sự đồng cảm (Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn…)(0,5 điểm)
– Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): Với giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, tác giả đã miêu tả diễn biến nội tâm, tinh tế của nhân vật, mang đến cho người đọc sự đồng cảm, xúc động mãnh liệt trước số phận đau khổ, sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do của đồng bào miền núi Tây Bắc.(0,5 điểm)
+ Mị: tâm hồn một người đàn bà trong kiếp sống làm dâu gạt nợ tưởng chừng câm lặng lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa nay hồi sinh sức sống tiềm tàng mãnh liệt khi nghe tiếng sáo. Mị uống ực từng bát rượu, nhớ về quá khứ, mở lòng đón nhận âm thanh nồng nàn khát vọng tình yêu, để khát khao và phẫn uất, đột ngột bùng cháy, ý thức về mình Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi, nghĩ về cuộc sống cay đắng trong hiện tại, cảm xúc mãnh liệt đến dữ dội Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa (0,5 điểm)
+ Tấm lòng gắn bó sâu nặng với số phận con người của Tô Hoài khiến những trang văn xuôi như một khúc tình ca được viết với bút pháp trữ tình nồng đượm nên thơ. Lời của tác giả như nói lên gan ruột, những cung bậc tình cảm, trầm ngâm, thổn thức cùng nhân vật: lúc tự tin, lúc ai oán, lúc dằn dỗi, uất ức, lúc quả quyết (Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.).(0,5 điểm)
Chất thơ thể hiện qua lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn (1,0 điểm)
– Thạch Lam hay sử dụng câu văn ngắn, nhịp văn chậm rãi thong thả, mang nhiều thanh bằng gợi một nhịp điệu chậm buồn nhưng có sức lan tỏa, biểu hiện những xao động khẽ khàng của cuộc sống, của không gian và thời gian tịch mịch với cái thanh thoát dịu hiền của tâm hồn con người, tạo dư âm sâu lắng trong tâm hồn người đọc (Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào). Giọng điệu Thạch Lam nhỏ nhẹ, tâm tình, sâu lắng. (0,5 điểm)
– Tô Hoài thiên về sử dụng kiểu câu cấu trúc tầng lớp, trùng điệp, kết hợp kiểu câu ngắn diễn tả những biến động bất ngờ, những cung bậc tâm trạng trong sự thức tỉnh, hồi sinh sức sống, khát vọng của nhân vật (Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước; Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết). Giọng điệu Tô Hoài trầm lắng, cảm thông, tha thiết sẻ chia. (0,5 điểm)
Đánh giá chung (1,0 điểm)
– Thạch Lam, Tô Hoài – hai nhà văn tiêu biểu của hai giai đoạn văn học, hai khuynh hướng sáng tác đã khẳng định tài nghệ của người nghệ sĩ khi mang chất thơ thể hiện đời sống phong phú, tinh tế, sâu sắc; niềm thiết tha gắn bó, sự hiểu biết cảm thông, xót thương với con người, cuộc sống, đặc biệt những thân phận bị lãng quên: cuộc sống tù đọng nơi phố huyện, cuộc sống nô lệ đau khổ nơi vùng núi cao Tây Bắc.(0,5 điểm)
– Mỗi tác phẩm, mỗi trường đoạn in dấu trong lòng người đọc bởi những hình tượng nghệ thuật độc đáo, những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù in đậm dấu ấn cá nhân chủ thể sáng tạo, đặc biệt là chất thơ như chất nước ngọt ngào thấm trong trái táo (A. Puskin), dẫn dắt người đọc đến xứ sở cái Đẹp thưởng thức những điều tuyệt diệu, làm lòng người được trong sạch, phong phú hơn (Thạch Lam). (0,5 điểm)
III. Biểu điểm
Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.
Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
Điểm 5-6: Đủ ý tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.
Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.
Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
==========Hết==========