VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
HUYỀN THOẠI PHẦN MÍA NGỌN
(1)Mùa hạ năm nay mưa nhiều. Dưới bầu trời mưa luôn có người vui và có người buồn. Người vui vì trời đỡ oi hơn, không khí lành lại sau cơn mưa dông chiều. Người buồn vì gánh tào phớ lướt thướt, hi vọng tan dần trong làn mưa. Người vui vì khoai sắn mọc nhanh như thổi trên đồi, người buồn vì nước mắt rơi trên những đồng muối hoà theo hạt mưa rơi. Có chú nhóc hoan hỉ mút chè ế đựng trong những túi ni lông, như không hay biết có hai đứa em gái bán chè chiều nay chạy mưa, về sớm, đang ngồi thút thít trong góc nhà mình.
(2)Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái, mặt phải. Làm sao như chiếc áo may cho trẻ con, mặt phải rất đẹp nhưng mặt trái cũng được may rất tinh tế, khéo léo. Để làn da trẻ con nhạy cảm không đau khi tiếp xúc những đường gân áo (Vì thế mả quần áo trẻ con ở nước ngoài luôn đắt hơn quần áo người lớn). Làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau, đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết. Làm sao để sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy nhưng không mang nỗi buồn cho người cầm cuốc cầm cày. Làm sao cho 18 lỗ, 32 lỗ không thể không lấp đầy bởi nỗi lo của người nông dân mất đất.
(3)Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng. Mình không chỉ lo cho được việc mình mặc ai kia khổ sở. Tôi có đọc một truyện ngắn của Tổng Thư kí tòa soạn Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò mang tên Huyển thoại phần mía ngọn. Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần mía ngọn, đề phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga.
(4)Không ai muốn làm người xấu xí. Có phải vì thế mà ngày mùa, người dân nghèo quê tôi có thể sống ấm bằng nghề mót lúa. Có phải vì thế mà mỗi khi thu hoạch khoai lang, mẹ tôi để lại nhiều củ khoai nhỏ không vặt hết, để rồi chiều tối có đám trẻ con làng bên qua vặt lại. Nhưng đứa trẻ con sau cơn mưa, cứ nhìn những chồi non nhú lên ruộng khoai là biết ngay dưới lớp đất mỏng có những củ khoai sót mẹ tôi có tình để lại. Có phải vì thế mà truyện cố tích nói rằng chỉ nên may túi 3 gang không là túi 7 gang.
(5)Vô cảm với người khác là thiểu năng cảm xúc. Còn tệ hơn cả thiểu năng trí tuệ. Bởi vì thiểu năng cảm xúc nghĩa là dù không phải trời bắt tội, em cũng đã bị tật nguyền ngay trong cơ thể khoẻ mạnh, đẹp đẽ của chính mình.
(Huyền thoại phần mía ngọn – Yêu xứ sở thương đồng bào, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 82 – 85)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2: Luận đề trong văn bản trên được triển khai bằng những luận điểm nào?
Câu 3: Trong luận điểm ở đoạn (2), tác giả đã sử dụng những yếu tố bổ trợ nào để luận điểm thêm phần thuyết phục?
Câu 4: Đoạn văn (4) ngoài phương thức biểu đạt chính là nghị luận, tác giả còn sử dụng thêm phương thức biểu đạt nào? Nêu tác dụng của việc sử dụng phương thức biểu đạt đó.
Câu 5: Em hiểu như thế nào về câu văn: “Câu trả lời khi nào em biết nhận phần mía ngọn, đề phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga”.
Câu 6. Ý nghĩa nhan đề bài viết là Huyền thoại phần mía ngọn?
Câu 7: Anh (chị) có đồng tình với ý kiến “Vô cảm với người khác là thiểu năng cảm xúc. Còn tệ hơn cả thiểu năng trí tuệ.” không? Vì sao?
Câu 8: Theo quan điểm của anh/chị, văn bản trên có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết căn bệnh vô cảm đang diễn ra trầm trọng trong xã hội hiện đại?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần I | Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Luận đề: Con người sống phải biết yêu thương đồng cảm.
|
0.5 | |
2 | Luận điểm 1: cuộc sống vốn dĩ tồn tại song hành giữa niềm vui và nỗi buồn. Luận điểm 2: làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người khác. Luận điểm 3: Nghĩ đến người khác là cách bạn trưởng thành và trở nên tốt đẹp. Luận điểm 4: những điều tốt đẹp luôn tồn tại quanh ta. Luận điểm 5: Vô cảm với người khác là thiểu năng cảm xúc.
|
0.5 | |
3 | Yếu tố bổ trợ:
+ PT biểu đạt: Biểu cảm. + Biện pháp: so sánh, liệt kê. + Điệp cấu trúc câu => Câu văn giàu hình ảnh và ảm xúc, nhấn mạnh những trăn trở, suy nghĩ boăn khoăn của người viết để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, qua đó có tac động thức tỉnh mỗi người … |
0.5 | |
4 | Phương thức : Tự sự, biểu cảm.
Tác dụng: + Tăng sức thuyết phục cho lập luận. + Câu văn giàu hình ảnh và cảm xúc góp phần thể hiện tình cảm của người viết. |
1.0 | |
5 | Câu trả lời khi nào em biết nhận phần mía ngọn, đề phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga”.
– Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và hành xử khác nhau trong cuộc sống. Nhưng con người ta chỉ có thể trưởng thành và trở nên đẹp đẽ hơn khi biết đồng cảm và sẻ chia với ngươi khác, thậm chí là chịu nhận thiệt thòi về mình. |
1.0 | |
6 | Ý nghĩa nhan đề:
– Góp phần phần thể hiện chủ đề tư tưởng của văn bản. – Hình ảnh ẩn dụ giàu cảm xúc: Phần gốc mía: ngon, ngọt hơn. Phần ngọn: nhạt=> nhường phần hơn cho người, nhận phần thiệt thòi về cho mình. => sống biết nghĩ cho người khác sẽ làm cho ta trưởng thành và tốt đẹp, hoàn thiện hơn |
1.0 | |
7 | Đồng tình, vì:
+ Đồng cảm sẽ giúp mỗi người tốt đẹp và hoàn thiện, cộng đồng sẽ trở nên tốt đẹp. + Những người sống vô cảm là những kẻ ích kỉ, chỉ biết cho bản thân mình, trơ lì, chai lạnh trước nỗi đau của người khác. Vì thế, đó là những kẻ khuyết tật tinh thần.. |
0.5 | |
8 | – Nhận diện căn bệnh trầm kha trong xã hội hiện đại: bệnh vô cảm, từ đó tác động trực tiếp đến ý thức mỗi người: Thức tỉnh con người sống phải biết yêu thương chia sẻ lẫn nhau.
– Dẫn chứng cụ thể, sinh động, lỗi văn giàu cảm xúc, tình cảm chân thành của người viết… tạo thanh một văn bản giàu ý nghĩa, giàu sức thuyết phục….
|
LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
“ Phàm là con người thì sẽ có hỉ nộ ái ố, không ai có thể làm vừa lòng thiên hạ, cũng không ai có thể yêu quý tất cả mọi người ”. Con người ai chẳng có lúc vui, lúc buồn như khi một cơn mưa rào kéo tới đám nhóc sẽ reo hò vì được nghỉ học nhưng ở đâu đó ngoài kia sẽ có cụ già khẽ rơi nước mắt vì không bán được hết gánh rau của mình. Trớ trêu thay khi đôi lúc niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia, đó quả là một điều đáng buồn trong cuộc sống. Ta không có quyền năng làm cho việc này chấm dứt nhưng có khả năng xoa dịu đi nỗi buồn trong đôi mắt của người kia : “để niềm vui của người này không còn là nỗi buồn của kẻ khác”.
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
Niềm vui, nỗi buồn là điều không thể nào tránh khỏi trong cuộc sống. Con người ta không có cách nào chống lại cách cuộc sống được vận hành. Nhưng phàm là sự việc gì cũng có cái lợi, cái hại của riêng nó. Niềm vui khiến con người ta được tiếp theo động lực, trở thành nguồn năng lượng để họ phấn đấu trên hành trình của mình còn nỗi buồn nó chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn trước. Làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi con người ta biết nghĩ cho người khác.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
Cuộc sống vốn không có gì tuyệt đối, bởi vậy, có hàng triệu trái tim đang cất lên tiếng nói yêu thương, đang lắng mình để nhìn quanh, đồng cảm và sẻ chia với những đồng loại còn khổ đau, bất hạnh của nhau. Chỉ có những tình cảm chân thành mới là liều thuốc tốt nhất để xoa dịu đi những trái tim đang tan vỡ. Một trái tim biết đồng cảm, biết sẻ chia sẽ làm xóa nhòa đi nỗi buồn của người khác.
Nỗi buồn cũng sẽ biến mất đi khi mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng, khi mình không vì phút giây cười đùa mà buông lời trêu chọc, miệt thị người khác. Khi con người ta có một trái tim nhân hậu, đồng cảm với nỗi đau của nhân loại, biết suy nghĩ tới người khác thì lúc đó niềm vui của người này sẽ không còn là nỗi buồn của người kia nữa.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
Điều này không đối lập với quan điểm sống trước hết là phải yêu thương bản thân mình bởi cuộc sống này được tạo lập nên với rất nhiều mảnh ghép mà chỉ riêng mình ta thì không thể nào hoàn thiện được cuộc sống. Yêu bản thân không có nghĩa là chỉ yêu mỗi bản thân mà còn phải yêu thương những kiếp sống lầm than, khổ cực đó mới là phát huy truyền thống nhân đạo tốt đẹp của cha ông ta.
+ Những người sống vô cảm là những kẻ ích kỉ, chỉ biết cho bản thân mình, trơ lì, chai lạnh trước nỗi đau của người khác. Vì thế, đó là những kẻ khuyết tật tinh thần..
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Mỗi người sẽ tìm thấy ý nghĩa của niềm vui sống khi biết sẻ chia đồng cảm, sẽ được nhận về những điều tốt đẹp nhất.
– Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu ta biết dang rộng vòng tay nhân ái.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
– Nhận diện căn bệnh trầm kha trong xã hội hiện đại: bệnh vô cảm, từ đó tác động trực tiếp đến ý thức mỗi người: Thức tỉnh con người sống phải biết yêu thương chia sẻ lẫn nhau.
III. Bài viết tham khảo:
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500) làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia.
Bài làm
“ Phàm là con người thì sẽ có hỉ nộ ái ố, không ai có thể làm vừa lòng thiên hạ, cũng không ai có thể yêu quý tất cả mọi người ”. Con người ai chẳng có lúc vui, lúc buồn như khi một cơn mưa rào kéo tới đám nhóc sẽ reo hò vì được nghỉ học nhưng ở đâu đó ngoài kia sẽ có cụ già khẽ rơi nước mắt vì không bán được hết gánh rau của mình. Trớ trêu thay khi đôi lúc niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia, đó quả là một điều đáng buồn trong cuộc sống. Ta không có quyền năng làm cho việc này chấm dứt nhưng có khả năng xoa dịu đi nỗi buồn trong đôi mắt của người kia : “để niềm vui của người này không còn là nỗi buồn của kẻ khác”.
Niềm vui, nỗi buồn là điều không thể nào tránh khỏi trong cuộc sống. Con người ta không có cách nào chống lại cách cuộc sống được vận hành. Nhưng phàm là sự việc gì cũng có cái lợi, cái hại của riêng nó. Niềm vui khiến con người ta được tiếp theo động lực, trở thành nguồn năng lượng để họ phấn đấu trên hành trình của mình còn nỗi buồn nó giúp chúng ta trưởng thành hơn,hoàn thiện bản thân mình hơn trước. Dẫu biết là vậy nhưng đâu phải ai cũng vượt qua được nỗi buồn của chính bản thân mà bước tiếp. Làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia ? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi con người ta biết nghĩ cho người khác. Cuộc sống vốn không có gì tuyệt đối, bởi vậy, có hàng triệu trái tim đang cất lên tiếng nói yêu thương, đang lắng mình để nhìn quanh, đồng cảm và sẻ chia với những đồng loại còn khổ đau, bất hạnh của nhau. Chỉ có những tình cảm chân thành mới là liều thuốc tốt nhất để xoa dịu đi những trái tim đang tan vỡ. Một trái tim biết đồng cảm, biết sẻ chia sẽ làm xóa nhòa đi nỗi buồn của người khác. Mưa tới, người vui vì khu vườn cây trĩu nặng kẻ buồn vì những đồng muối hòa theo hạt mưa mà trôi đi mất. Nhưng rồi sẽ có những trái tim yêu thương, những mạnh thường quân tới trao cho họ sự giúp đỡ để rồi những giọt nước mắt không còn đau buồn nữa mà trở thành những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Nỗi buồn cũng sẽ biến mất đi khi mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng, khi mình không vì phút giây cười đùa mà buông lời trêu chọc, miệt thị người khác. Trong những cuộc cãi vã, nóng giận khi con người để con tim lấn át lý trí họ có thể thốt lên những lời nói cay nghiệt, chửi rủa người đối diện. Có thể sau này khi bình tĩnh lại họ có thể xin lỗi nhưng bát nước đã hất đi rồi không thể nào lấy lại được, những vết thương tinh thần còn đau hơn nhiều so với những vết thương thể xác. Thời đại 4.0, cuộc sống thay đổi cũng làm cho lòng người đổi thay, rất nhiều người núp sau cái bóng mạng xã hội, sau cái mà họ tự cho là “quyền tự do ngôn luận” mà mặc sức chê bai, miệt thị ngoại hình, phẩm giá của người khác. Họ lấy việc hạ thấp người khác làm niềm vui cho bản thân mình để rồi trốn sau những cái nick ảo mà nói gì cũng được. Đó là những loại người tiêu cực luôn không hài lòng với tất cả mọi thứ xung quanh. Đối với họ đó có thể là những lời nói bâng quơ nhưng đối với người đọc lại chính là con dao đâm vào tim không thể nào quên. Có lẽ vì vậy mà ông bà ta có câu “ Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để muốn nhắc nhở con cháu sau này trước khi nói điều gì cũng phải suy ngẫm thật kỹ bởi lẽ người nói vô tình mà người nghe hữu ý. Một câu nói tưởng chừng như nhỏ bé lại có sức nặng to lớn đối với người nghe.
Khi con người ta có một trái tim nhân hậu, đồng cảm với nỗi đau của nhân loại, biết suy nghĩ tới người khác thì lúc đó niềm vui của người này sẽ không còn là nỗi buồn của người kia nữa. Điều này không đối lập với quan điểm sống trước hết là phải yêu thương bản thân mình bởi cuộc sống này được tạo lập nên với rất nhiều mảnh ghép mà chỉ riêng mình ta thì không thể nào hoàn thiện được cuộc sống. Yêu bản thân không có nghĩa là chỉ yêu mỗi bản thân mà còn phải yêu thương những kiếp sống lầm than, khổ cực đó mới là phát huy truyền thống nhân đạo tốt đẹp của cha ông ta.
Ta không chỉ nên vui niềm vui của mình mà cười nhạo lên nỗi buồn của người khác, phải biết nghĩ tới mọi người xung quanh, đó cũng là một cách hoàn thiện nhân cách con người làm cho bản thân ngày càng tốt đẹp hơn. “Khi nào em biết nhận phần mía ngọn, đề phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga.” (Huyền thoại phần mía ngọn-Đoàn Công Lê Huy)