Viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích đánh giá nghệ thuật kể chuyện của Ngô Tất Tố trong đoạn trích “Tắt đèn”

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:

– Bác trai đã khá rồi chứ?

– Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề, lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm

– Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm dề dề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn?

– Vâng, cháu cũng đã nghỉ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã.

Nhịn xuông từ sáng hôm qua đến giờ còn gì.

– Thế thì phải giục anh ấy ăn mau mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa keo vào rồi đấy!

Rồi bà lão lại lật đật trở về với vẻ mặt băn khoăn.

Cháo đã hơi nguội.

Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt.

Chị Dậu đón dén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm:

– Thầy hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó, như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không.

Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng. Cai lệ và người nhà lý trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.

Gõ đầu roi xuống đất, Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ;

– Thằng kia, ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp nốt tiền sưu! Mau!

Hoảng quá anh Dậu vội để bát cháo xuống phản, lăn đùng ra đó, không nói được một câu gì. Người nhà lý trưởng cười cách mỉa mai:

– Anh ta sắp phải gió như đêm qua đấy!

Rồi hắn chỉ luôn vào mặt chị Dậu:

– Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Ðấy chị hãy nói với ông Cai, để ông ấy ra đình kêu với quan cho! Chứ ông Lý tôi thì không có quyền dám cho chị khất một giờ nào nữa.

Chị Dậu run run:

– Nhà cháu đã túng, lại phải đóng cả xuất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu! Hai ông làm phúc nói với ông Lý hãy cho cháu khất….

Cai lệ không để cho chị được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát;

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước, mà dám mở mồm xin khất

Chị Dậu vẫn cố thiết tha:

– Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại

Cai lệ vẫn giọng hằm hè:

– Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ rỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à

Rồi hắn quay ra bảo anh người nhà Lý trưởng:

– Không hơi đâu mà nói với nó, trói cổ thằng chồng nó lại, điệu ra đình kia Người nhà Lý trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. Ðùng đùng, Cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ Anh Dậu

Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho

– Tha này, tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu, mấy bịch, rồi lại sấn đến để trói anh Dậu

Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhẩy vào cạnh anh Dậu, Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà Lý trưởng sấn sổ bước đến, huơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chành “hầu cận ông Lý” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

Anh Dậu sợ quá muốn dậy can vợ, nhưng mệt đắm ngồi lên lại nằm xuống, vừa run vừa rên:

– U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội.

Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận:

– Thà ngồi tù. Ðể cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…

 (Trích chương XIX “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1: : “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố được viết theo thể loại nào?

  1. Truyện ngắn.
  2. Tiểu thuyết.
  3. Truyện vừa.
  4. Bút kí.

Câu 2: Nhận định nào sau đây nói đúng nhất nội dung chính của đoạn trích?

  1. Vạch trần bộ mặt tàn ác của xã hội phong kiến đương thời.
  2. Chỉ ra nỗi cực khổ của người nông dân bị áp bức.
  3. Cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân: Vừa giàu lòng yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.
  4. Kết hợp cả ba nội dung trên.

Câu 3: Trong đoạn trích có mấy nhân vật ?

A.4.

B.5.

C.6.

D.7.

Câu 4: Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu miêu tả các nhân vật bằng cách nào?

  1. Để cho nhân vật tự bộc lộc qua hành vi, giọng nói và điệu bộ của mình.
  2. Giới thiệu về nhân vật và các phẩm chất tính cách của nhân vật.
  3. Để cho nhân vật này đánh giá về nhân vật kia.
  4. Tất cả đều đúng.

Câu 5: Câu trả lời của chị Dậu khi nghe anh Dậu khuyên can: “Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được” nói lên thái độ gì của chị?

  1. Thái độ không chịu khuất phục.
  2. Thái độ bực tức.
  3. Thái độ kiêu căng.
  4. Thái độ bất cần.

Câu 6: Ý nào sau đây không nói lên nguyên nhân tạo nên sức mạnh phản kháng của chị Dậu trong đoạn trích?

  1. Lòng căm hờn bọn tay sai vô độ.
  2. Tình thương chồng con vô bờ bến.
  3. Muốn ra oai với bọn người nhà lí trưởng.
  4. Ý thức được sự ” cùng đường của mình”.

Câu 7: Nhận xét nào sau đây không đúng với đoạn trích?

  1. Là đoạn trích có kịch tính rất cao.
  2. Mang giá trị châm biếm sâu sắc.
  3. Có giá trị nhân đạo và hiện thực lớn.
  4. Thể hiện tài năng xây dựng nhân vật của Ngô Tất Tố.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Xác định câu văn thể hiện thái độ bắt đầu có sự phản kháng của chị Dậu đối với tên cai lệ?

Câu 9 (1.0 điểm): Cảm nhận của anh/ chị về tư tưởng mà nhà văn muốn truyền tải qua đoạn trích?

Câu 10 (1.0 điểm): Nêu ý nghĩa văn bản?

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Nhà văn đã xây dựng mấy tuyến nhân vật? Chỉ ra những nhân vật đại diện cho từng tuyến nhân vật đó.

Câu 3: Nét đẹp nổi bật của chị Dậu trong đoạn trích?

Câu 4: Chứng kiến cảnh vợ quật ngã hai tên tay sai hung hãn, anh Dậu sợ hãi vì“người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta mình phải tù, phải tội’” nhưngchị Dậu đã trả lời: “Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế này, tôi không chịu được…

Câu trả lời ấy chứng tỏ điều gì ở chị Dậu?

Câu 5: Hành động đấu tranh của chị Dậu đã gợi nhắc đến thành ngữ Việt Nam nào? Hãy lí giải?

Câu 6: Trong cuộc sống hôm nay, nếu chứng kiến cảnh người phụ nữ hay một bé gái bị ngược đãi, em sẽ ứng xử như thế nào?  

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích đánh giá nghệ thuật kể chuyện của Ngô Tất Tố trong đoạn trích tác phẩm “Tắt đèn” ở trên.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

  1. B
  2. D
  3. B
  4. A
  5. A
  6. C
  7. B

Câu 8 (0.5điểm): Chị Dậu nghiến hai hàm răng.

Câu 9 (1.0 điểm): Trong đời sống có một quy luật tất yếu: có áp bức là có đấu tranh.

Câu 10 (1.0 điểm): Với cảm quan nhạy bén, nhà văn Ngô Tất Tố đã  phản ánh hiện thực về sức phản kháng mãnh liệt chống lại áp bức của những người nông dân hiền lành, chất phác.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là: tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.

Câu 2: Đoạn trích có hai tuyến nhân vật:

Loại nhân vật thấp cổ bé họng: gia đình chị Dậu

Loại nhân vật đại diện cho giai cấp thống trị : Cai lệ và đám người nhà lí trưởng.

Câu 3: Nét đẹp nổi bật của chị Dậu trong đoạn trích:

-Yêu thương chồng

-Có tinh thần phản kháng mãnh liệt của người nông dân hiền lành, chất phác

Câu 4: Câu trả lời ấy chứng tỏ:

– Chị Dậu là người có tinh thần phản kháng tiềm tàng và mãnh liệt

– Yêu thương gia đình, chị sẵn sàng hi sinh bản thân.

Câu 5: Hành động đấu tranh của chị Dậu đã gợi nhắc đến thành ngữ Việt Nam:  tức nước vỡ bờ. Là một thành ngữ gần gũi, quen thuộc:

+ Nghĩa thực: nước lớn ép vào bờ, tức nước, sẽ khiến bờ không chịu được vỡ bờ

+ Nghĩa ẩn dụ: con người bị chèn ép, áp bức quá sẽ vùng lên chống lạiKhi con người bị áp bức bóc lột tới một giới hạn nhất định con người sẽ vùng lên đấu tranh để đòi lại công lý, “con giun xéo lắm cũng quằn”. Hành động của chị Dậu đã làm tăng lên ý nghĩa của hành động biết đấu tranh chống lại cái ác và cái xấu.

Câu 6:

– Giải thích để người ngược đãi hiểu đó là việc làm vi phạm luật bình đẳng giới, vi phạm quyền trẻ em.

– Chạy báo để mọi người xung quanh cùng biết, cùng can ngăn, đưa người bị hại ra khỏi nơi bị ngược đãi.

– Báo cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý kẻ ngược đãi.

  1. LÀM VĂN
  2. Mở bài:

– Tắt đèn là một tác phẩm thành công viết về người nông dân trong chế độ cũ của Ngô Tất Tố.

– Nghệ thuật kể chuyện ở Tắt đèn đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, tinh tế, tuyệt khéo (Vũ Ngọc Phan).

  1. Thân bài:

* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

Về nội dung tư tưởng

 “Tắt đèn” là một tác phẩm giàu giá trị hiện thực:.

 “Tắt đèn” giầu giá trị nhân đạo

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

  • Nghệ thuật tạo tình huống:

– Tác giả đã đẩy nhân vật chị Dậu vào một tình huống cùng cực nhất: phải nộp tiếp một xuất sưu, chồng bị đánh đập như một cái xác không hồn gọi mãi mới tỉnh, nhà hết gạo…

– Tình huống có vấn đề giúp tác giả triển khai hành động và sự việc diễn ra trong đoạn trích một cách hợp lý.

  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

– Nhân vật anh Dâụ ốm yếu được xây dựng chủ yếu thông qua hành động: uể oải, vừa rên vừa ngỏng đầu lên, run rẩy, lăn đùng ra, hoảng quá, sợ quá, vừa run vừa kêu  => Hình ảnh người ốm được xây dựng khá sinh động, tạo ấn tượng về sự yếu đuối trái ngược với sự mạnh mẽ của chị Dậu.

– Nhân vật cai lệ được xây dựng rất sắc sảo thông qua ngoại hình, hành động và lời nói : ngoại hình lẻo khẻo nghiện ngập, giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ, hành động vú phu vô nhân tính, không nói mà chỉ có quát với thét bằng những lời lẽ cục súc => Khắc hoạ chân thực tên tay sai mạt hạng của thực dân Pháp , làm toát lên tính ách và bản chất của giai cấp thống trị tàn bạo mà hắn làm đại diện trong đoạn trích.

– Nhân vật chị Dậu : Miêu tả hành động lời nói để làm toát lên diễn biến tâm lí và tính cách : Đối với chồng thì dịu dàng, chu đáo quan tâm chăm sóc. Đối với bọn cai lệ và người nhà lí trưởng lúc đầu thì nhún nhường van xin tha thiết. Sau vì bị bọn chúng dồn ép đến chân tường nên đã vùng lên phản kháng=> thể hiện khí chất mạnh mẽ tiềm tàng, tâm lý phát triển biến đổi một cách hợp lý và nhất quán với tính cách, hiện lên đầy sức sống trong đoạn trích.

  • Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn :

– Tạo ra một diễn biến giàu tính kịch với cả xung đột, phát triển, cao trào, thắt nút và mở nút khiến người đọc hồi hộp theo dõi và sung sướng hả hê ở đoạn mở nút câu chuyện.

 

  • Ngôn ngữ kể chuyện chính xác và tinh tế :

– Lời người kể chuyện hấp dẫn với những chi tiết miêu tả ít nhưng có tác dụng đắc địa tạo lên không khí truyện.

– Lời kể có sự dẫn dắt chi tiết và cụ thể khiến người đọc dễ dàng hình dung ra hành động và sự việc diễn ra trong truyện.

– Lời nhân vật được lựa chọn kỹ càng góp phần làm toát lên tính cách nhân vật.

 

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

– Kết cấu chặt chẽ, tập trung.

– Tính xung đột, tính bi kịch cuốn hút, hấp dẫn

– Khắc hoạ thành công nhân vật: có nét riêng rất chân thực, sống động.

– Ngôn ngữ từ miêu tả đến tự sự, rồi đến ngôn ngữ nhân vật đều nhuần nhuyễn đậm đà.

 

  1. Kết bài:

– Mọi phương diện nghệ thuật của đoạn trích đều đặc sắc.

– Nhà văn tỏ ra am tường và tinh tế trong quan sát, miêu tả và hiểu tâm lý nhân vật.

– Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm có tác dụng khắc hoạ nhân vật và sự việc một cách chân thực và sinh động.

 

Bài viết tham khảo:

 

Đọc tiểu thuyết “Tắt đèn”, người đọc không thể quên chị Dậu – người phụ nữ rất mực dịu dàng và biết chịu đựng nhẫn nhục, đã ba lần vùng lên chống trả quyết liệt sự áp bức của bọn thống trị để bảo vệ nhân phẩm của mình và bảo vệ chồng con. Làm nên thành công của tác phẩm phải kể đến nghệ thuật kể chuyện của Ngô Tất Tố. Trong đó nổi bật là cảnh “tức nước vỡ bờ” mà nhà văn viết thành một chương truyện đầy ấn tượng khó phai, chương thứ 19 của tiểu thuyết.

Như chúng ta đều biết “Tắt đèn” là một tác phẩm giàu giá trị hiện thực. Tiểu thuyết tố cáo và lên án chế độ sưu thuế dã man của thực dân Pháp đã bần cùng hóa nhân dân. “Tắt đèn” là một bức tranh xã hội chân thực, một bản án đanh thép kết tội chế độ thực dân nửa phong kiến. “Tắt đèn” cũng rất giàu giá trị nhân đạo. Tình vợ chồng, tình mẹ con, tình xóm nghĩa làng giữa những con người cùng khổ, số phận những người phụ nữ, những em bé, những người cùng đinh được tác giả nêu lên với bao xót thương, nhức nhối và đau lòng. “Tắt đèn” đã xây dựng  nhân vật chị Dậu, một hình tượng chân thực đẹp đẽ về người phụ nữ nông dân Việt Nam. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp : cần cù, tần tảo, giầu tình thương, nhẫn nhục và dũng cảm chống cường hào, áp bức. Chị Dậu là hiện thân của người vợ, người mẹ vừa sắc sảo, vừa đôn hậu, vừa trong sạch. Đây cũng là tác phẩm thành công về nghệ thuật. Với kết cấu chặt chẽ, tập trung. Các tình tiết, chi tiết đan cài chặt chẽ, đầy ấn tượng làm nổi bật chủ đề. Nhân vật chị Dậu xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm. Tính xung đột, tính bi kịch cuốn hút, hấp dẫn. Khắc hoạ thành công nhân vật: các hạng người từ người dân cày nghèo khổ đến dịa chủ, từ bọn cường hào đến quan lại đều có nét riêng rất chân thực, sống động. Ngôn ngữ từ miêu tả đến tự sự, rồi đến ngôn ngữ nhân vật đều nhuần nhuyễn đậm đà. Nhưng trên hết vẫn là nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời.

     Thưởng thức tác phẩm nói chung, chương 19 nói riêng ta bắt gặp tình huống truyện hấp dẫn thể hiện mối xung đột cao độ giữa kẻ áp bức và người bị áp bức. Giữa vụ sưu thuế căng thẳng, gia đình chị Dậu bị dồn đến bước đường cùng trong cơn khốn quẫn nhất: phải bán con, bán đàn chó mới đẻ mới đủ suất tiền sưu cho anh Dậu để cứu chồng đang ốm yếu bị đánh đập ngoài đình. Nhưng nguy cơ anh Dậu lại bị bắt nữa vì chưa có tiền nộp sưu cho người em ruột đã chết từ năm ngoái.  Nhờ hàng xóm giúp, chị Dậu ra sức cứu sống chồng nhưng trời vừa sáng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song tay thước và dây thừng, tính mạng của anh Dậu bị đe doạ nghiêm trọng. Anh chưa kịp húp ít cháo cho đỡ xót ruột như mong muốn của người vợ thương chồng thì bọn đầu trâu mặt ngựa đã ào vào như một cơn lốc dữ khiến anh lăn đùng ra không nói được câu gì. Như vậy, tình huống vừa mới mở ra mà xung đột đã nổi lên ngay, báo trước kịch tính rất cao đề dẫn đến cảnh “tức nước vỡ bờ” như là một quy luật không thể nào tránh khỏi.

         Bên cạnh tình huống truyện độc đáo là nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc. Trong phần hai của văn bản này xuất hiện các nhân vật đối lập với chị Dậu. Trong đó nổi bật là tên cai lệ. Cai lệ là viên cai chỉ huy một tốp lính lệ. Hắn cùng với người nhà lí trưởng kéo đến nhà chị Dậu để tróc thuế sưu, thứ thuế nộp bằng tiền mà người đàn ông là dân thường từ 18 đến 60 tuổi (gọi là dân đinh) hằng năm phải nộp cho nhà nước phong kiến thực dân; sưu là công việc lao động nặng nhọc mà dân đinh phải làm cho nhà nước đó. Gia đình chị Dậu phải đóng suất thuế sưu cho người em chồng đã mất từ năm ngoái cho thấy thực trạng xã hội thời đó thật bất công, tàn nhẫn và không có luật lệ.

Theo dõi nhân vật cai lệ, ta thấy ngòi bút hiện thực Ngô Tất Tố đã khắc họa hình ảnh tên cai lệ bằng những chi tiết điển hình thật sắc sảo :

Vừa vào nhà, cai lệ đã lập tức ra oai “gõ đầu roi xuống đất”, hách dịch gọi anh Dậu là “thằng kia”, “mày” và xưng “ông”, “cha mày”. “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu mau!”

Cai Lệ trợn ngược hai mắt, hắn quát: “mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!”  Vẫn giọng hầm hè: “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à!….”

 Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu : “tha này! tha này!.. Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.”

Ngòi bút của Ngô Tất Tố thật sắc sảo, tinh tế khi ông không dùng một chi tiết nào để miêu tả suy nghĩ tên cai lệ trong cảnh này. Bởi vì lũ đầu trâu mặt ngựa xem việc đánh người, trói người như là việc tự nhiên hàng ngày, chẳng bao giờ thấy động lòng trắc ẩn thì làm gì chúng còn biết suy nghĩ? Nhà văn đã kết hợp các chi tiết điển hình về bộ dạng, lời nói, hành động để khắc hoạ nhân vật. Từ đó ta thấy tên cai lệ đã bộc lộ tính cách hống hách, thô bạo, không còn nhân tính. Từ hình ảnh tên cai lệ này, ta thấy bản chất xã hội thực dân phong kiến là một xã hội đầy rẫy bất công tàn ác, một xã hội có thể gieo hoạ xuống người dân lương thiện bất kì lúc nào, một xã hội tồn tại trên cơ sỏ của các lí lẽ và hành động bạo ngược.

Hình ảnh đẹp đẽ của người nông dân lao động nghèo khổ cũng được tác giả tái hiện hấp dẫn. Truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đã tạo dựng được hình ảnh chân thực về người phụ nữ nông dân bị áp bức cùng quẫn trong xã hội phong kiến nhưng vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của người lao đông, đó là chị Dậu. Trước hết là tấm lòng của người vợ đối với người chồng đang đau ốm được diễn tả chân thật và xúc động từ lời nói đến hành động. Chị Dậu chăm sóc anh Dậu trong hoàn cảnh éo le.  Giữa vụ sưu thuế căng thẳng, nhà nghèo, phải bán chó, bán con mà vẫn không lo đủ tiền sưu. Còn anh Dậu thì bị tra tấn, đánh đập và bị ném về nhà như một cái xác rũ rượi…Trước hoàn cảnh khốn khó, chị Dậu đã chịu đựng rất dẻo dai, không gục ngã. Trong cơn nguy biến chị đã tìm mọi cách cứu chữa cho chồng: Cháo chín, chị Dậu mang ra giữa nhà, ngả mâm bát múc la liệt. Rồi chị lấy quạt quạt cho chóng nguội. Chị rón rén bưng một bát đến chỗ chồng nằm: Thầy em  hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột. Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó như có ý chờ xem chồng ăn có ngon miệng không.  Đó là những cử chỉ yêu thương đằm thắm, dịu dàng của một người vợ yêu chồng. Tình cảm ấy như hơi ấm dịu dàng thức tỉnh sự sống cho anh Dậu. Tác giả miêu tả thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng từng hành động cử chỉ, từng dấu hiệu chuyển biến của anh Dậu : “anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng”… Dường như  mỗi cử chỉ, hành động của anh Dạu đều có ánh mắt thấp thỏm, lo lắng của chị Dậu dõi theo da diết. Cứ tưởng rằng đây là một phút giây ngắn ngủi trong cả cuộc đời đau khổ của chị Dậu để chị có thể vui sướng tràn trề khi anh Dậu hoàn toàn sống lại. Nhưng dường như chị Dậu sinh ra là để khổ đau và bất hạnh nên dù chị có khao khát một giây phút hạnh phúc ngắn ngủi nhưng nào có được. Bọn Cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào như cơn lốc dữ dập tắt ngọn lửa sống đang nhen nhóm trong anh Dậu. Nỗi cay đắng trong chị Dậu không biết lớn đến mức nào. Nhưng giờ đây chị sẽ phải xử sự ra sao để cứu được chồng thoát khỏi đòn roi.

Trong phần thứ hai của văn bản “tức nước vỡ bờ”, ta thấy chị Dậu là một người phụ nữ cứng cỏi đã dũng cảm chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng. Ban đầu chị nhẫn nhục chịu đựng. Chị Dậu cố van xin thiết tha bằng giọng run run cầu khẩn: “Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất”. Cách cư xử và xưng hô của chị thể hiện thái độ nhẫn nhục chịu đựng. Chị có thái độ như vậy là vì chị biết thân phận bé mọn của mình, người nông dân thấp cổ bé họng, biết cái tình thế khó khăn, ngặt nghèo của gia đình mình (anh Dậu là kẻ có tội thiếu suất sưu của người em đã chết, lại đang ốm nặng). Trong hoàn cảnh này, chị chỉ mong chúng tha cho anh Dậu, không đánh trói hành hạ anh. Khi tên cai lệ chạy sầm sập đến trói anh Dậu, tính mạng người chồng bị đe doạ, chị Dậu “xám mặt” vội vàng chạy đến đỡ lấy tay hắn, nhưng vẫn cố van xin thảm thiết: “Cháu van ông ! Nhà cháu vừa mới tỉnh được mọt lúc, ông tha cho”. (“Xám mặt”tức là chị đã rất tức giận, bất bình trước sự vô lương tâm của lũ tay sai.) Mặc dù vậy, lời nói của chị vẫn rất nhũn nhặn, chị đã nhẫn nhục hạ mình xuống- chứng tỏ sức chịu đựng của chị rất lớn. Tất cả chỉ là để cứu chồng qua cơn hoạn nạn. Nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối chỉ biết nhẫn nhục van xin mà còn tiềm tàng một khả năng phản kháng mãnh liệt. Khi tên cai lệ mỗi lúc lại lồng lên như một con chó điên “bịch vào ngực chị mấy bịch” rồi “tát đánh bốp vò mặt chị thậm chí nhảy vào chỗ anh Dậu”…. tức là hắn hành động một cách dã man thì mọi sự nhẫn nhục đều có giới hạn. Chị Dậu đã kiên quyết cự lại. Sự cự lại của chị Dậu cũng có một quá trình gồm hai bước. Thoạt đầu, chị cự lại bằng lí lẽ : “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. -> Lời nói đanh thép như một lời cảnh cáo. Thực ra chị không viện đến pháp luật mà chỉ nói cái lí đương nhiên, cái đạo lí tối thiểu của con người. Lúc này chị đã thay đổi cách xưng hô ngang hàng nhìn vào mặt đối thủ. Với thái độ quyết liệt ấy, một chị Dậu dịu dàng đã trở nên mạnh mẽ, đáo để. Đến khi tên cai lệ dã thú ấy vẫn không thèm trả lời còn tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu thì chị đã vụt đứng dậy với niềm căm giận ngùn ngụt: Chị Dậu nghiến hai hàm răng “mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Một cách xưng hô hết sức đanh đá của phụ nữ bình dân thể hiện tư thế “đứng trên đầu thù” sẵn sàng đè bẹp đối phương. Rồi chị “túm cổ cai lệ ấn dúi ra cửa, lẳng người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm”. Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận. Với chị, nhà tù thực dân cũng chẳng có thể làm cho chị run sợ nên trước sự can ngăn của chồng, chị trả lời: “thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”. Nhân vật chị Dậu được miêu tả hành động lời nói để làm toát lên diễn biến tâm lí và tính cách. Đối với chồng thì dịu dàng, chu đáo quan tâm chăm sóc. Đối với bọn cai lệ và người nhà lí trưởng lúc đầu thì nhún nhường van xin tha thiết. Sau vì bị bọn chúng dồn ép đến chân tường nên đã vùng lên phản kháng thể hiện khí chất mạnh mẽ tiềm tàng, tâm lý phát triển biến đổi một cách hợp lý và nhất quán với tính cách, hiện lên đầy sức sống trong đoạn trích. Tạo ra một diễn biến giàu tính kịch với cả xung đột, phát triển, cao trào, thắt nút và mở nút khiến người đọc hồi hộp theo dõi và sung sướng hả hê ở đoạn mở nút câu chuyện.Lời người kể chuyện hấp dẫn với những chi tiết miêu tả ít nhưng có tác dụng đắc địa tạo lên không khí truyện.Lời kể có sự dẫn dắt chi tiết và cụ thể khiến người đọc dễ dàng hình dung ra hành động và sự việc diễn ra trong truyện. Lời nhân vật được lựa chọn kỹ càng góp phần làm toát lên tính cách nhân vật.Mọi phương diện nghệ thuật của đoạn trích đều đặc sắc. Nhà văn tỏ ra am tường và tinh tế trong quan sát, miêu tả và hiểu tâm lý nhân vật. Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm có tác dụng khắc hoạ nhân vật và sự việc một cách chân thực và sinh động.

     Trái ngược với sự mạnh mẽ của chị Dậu, nhân vật anh Dậu ốm yếu được xây dựng chủ yếu thông qua hành động: uể oải, vừa rên vừa ngỏng đầu lên, run rẩy, lăn đùng ra, hoảng quá, sợ quá, vừa run vừa kêu. Hình ảnh người ốm được xây dựng khá sinh động, tạo ấn tượng về sự yếu đuối.

Không dừng lại ở đó, sức hấp dẫn của Tắt đèn còn ở ngôn ngữ kể chuyện chính xác và tinh tế. Lời người kể chuyện hấp dẫn với những chi tiết miêu tả ít nhưng có tác dụng đắc địa tạo lên không khí truyện. Lời kể có sự dẫn dắt chi tiết và cụ thể khiến người đọc dễ dàng hình dung ra hành động và sự việc diễn ra trong truyện. Lời nhân vật được lựa chọn kỹ càng góp phần làm toát lên tính cách nhân vật.

 

Như vậy, với kết cấu chặt chẽ, tập trung, các tình tiết, chi tiết đan cài chặt chẽ, đầy ấn tượng Ngô Tất Tố đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Tác giả cũng khắc hoạ thành công nhân vật: có nét riêng rất chân thực, sống động. Nhân vật chị Dậu xuất hiện từ đầu đến cuối. Tính xung đột, tính bi kịch cuốn hút, hấp dẫn. Ngôn ngữ từ miêu tả đến tự sự, rồi đến ngôn ngữ nhân vật đều nhuần nhuyễn đậm đà. Đoạn trích xứng đáng với lời khen ngợi của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan là tuyệt khéo. Đúng như Vũ Trọng Phụng  nhận xét: “Tắt đèn” là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *