Tất cả mọi sự gặp gỡ của ngôn ngữ nghệ thuật đều là sự gặp gỡ với một câu chuyện không có kết thúc, sự gặp gỡ cũng là bộ phận của câu chuyện

ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI

 

 ĐỀ BÀI

 Câu 1. Nghị luận xã hội (8.0 điểm)

Một bản dịch bằng tiếng Việt từ tác phẩm của Kotoha Yao có nhan đề như sau:

“Bạn chỉ cần sống tốt, trời xanh tự an bài?

Anh/ chị có suy nghĩ gì về thông điệp trên?

Câu 2. Nghị luận văn học (12.0 điểm)

Tất cả mọi sự gặp gỡ của ngôn ngữ nghệ thuật đều là sự gặp gỡ với một câu chuyện không có kết thúc, sự gặp gỡ cũng là bộ phận của câu chuyện”.

(Hans Georg Gadamer)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học,  anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG

 

  1. Giám khảo chấm đúng như HDC.
  2. Nếu thí sinh có cách trả lời khác đáp án nhưng đúng thì giám khảo vẫn chấm điểm tương đương với biểu điểm của HD chấm thi.
  3. Giám khảo không quy tròn điểm thành phần của từng câu, điểm của bài thi.
  4. Khuyến khích thí sinh:

– Làm bài có cảm xúc, cá tính; trình bày vấn đề một cách có hệ thống, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng đa dạng, tiêu biểu; có thể định dạng văn bản theo những kiểu khác nhau (trừ thơ) miễn là bám sát yêu cầu của đề và có sức thuyết phục.

– Có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng, có những tìm tòi, sáng tạo riêng (ví dụ: biết vận dụng những quan sát, suy nghĩ và trải nghiệm riêng về cuộc sống hay văn chương để bàn luận vấn đề; biết kết hợp linh hoạt các thao tác nghị luận để làm nổi bật luận điểm của bài viết,…).

  1. Giám khảo căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để chấm điểm thích hợp.

 

  1. ĐÁP ÁN, BIỂU ĐIỂM

 

Câu Ý Nội dung Điểm
1

 

1 Hình thức, kỹ năng 1,0
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội.  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn.  
2 Nội dung 7,0
2.1 Giải thích  
  Chỉ cần sống tốt: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta là sống tốt. Sống tốt với mình, sống vui vẻ, trọn vẹn với những giá trị của bản thân; sống tốt với mọi người, sống tích cực và ý nghĩa với cuộc đời.

Trời xanh tự an bài: Cuộc sống luôn công bằng, thỏa đáng “tự an bài”, cho tất cả những gì chúng ta đã sống, đã “gieo” trong quá khứ và hiện tại.

=> Chỉ cần chúng ta sống tốt với chính mình, vui vẻ, trọn vẹn với những giá trị tốt đẹp của bản thân…; sống tốt với mọi người, sống tích cực và ý nghĩa với cuộc đời thì chắc chắn trời xanh sẽ tự an bài, những điều tốt đẹp, hạnh phúc tất sẽ đến.
2.2 Bàn luận
  – Cuộc sống, tương lai của chúng ta luôn phản chiếu tất cả những gì mà ta đã nghĩ và làm trong quá khứ và hiện tại.

– Chỉ cần sống tốt chúng ta sẽ được đón nhận những quả ngọt theo cách mà ta đã sống, đã gieo, đã cư xử với chính mình và mọi người… Đó chính là luật nhân quả, lẽ công bằng của tạo hóa, cuộc đời.

– Chúng ta chỉ thật sự sống tốt khi luôn thấy vui vẻ; là chính mình trọn vẹn trong từng suy nghĩ, cảm xúc, hành động; biết cách vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn lên; biết tự hào về những điểm tốt của mình..; hướng bản thân đến những điều tích cực, ý nghĩa, có ích với mọi người, cuộc đời.

– Nếu trời xanh không tự an bài cho bạn một kết quả như ý dù bạn đã sống tốt thì cũng không nên lấy đó làm thất vọng. Vì tương lai được xây dựng trên hiện tại và những giá trị nội tại của bản thân. Cho nên đừng quá bận tâm vào kết quả, ta chỉ cần sống tốt cho hôm nay. Vì khi ta đã sống tốt trong hiện tại thì cuộc sống của ta đã là tốt đẹp, hạnh phúc.

Lưu ý: Thí sinh cần đưa ra những dẫn chứng phù hợp để bàn luận, đánh giá, làm sáng tỏ luận điểm (ít nhất có 02 dẫn chứng tiêu biểu)

2.3 Liên hệ, mở rộng
  – Hãy “sống tốt” nhưng đừng “quá” và cũng đừng “kỳ vọng” trông chờ vào kết quả được nhận cho việc sống tốt của mình. Đừng đợi “trời xanh an bài”, mà tự đi trên chính đôi chân của mình. Nếu ngã thì đứng dậy, đứng dậy không nổi thì hãy nằm nguyên tại chỗ nghỉ ngơi một chút rồi sẽ lại tự đứng lên được thôi.

– Sống tích cực, trọn vẹn với những giá trị của bản thân trong từng khoảnh khắc, không lãng phí thời gian để cố làm vừa lòng tất cả mọi người.

– Mỗi người đều sống tốt sẽ giúp cộng đồng, xã hội phát triển, hạnh phúc.

 

    Tổng điểm câu 1 8,0
2

 

1 Hình thức, kỹ năng 1,0
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận văn học.  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn.  
2 Nội dung 11,0
2.1 Giải thích  
  Ngôn ngữ nghệ thuật: Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật.

Sự gặp gỡ của ngôn ngữ nghệ thuật: Sự gặp gỡ giữa tác giả với người đọc thông qua ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Ở đó, người đọc có thể cảm nhận, thấu hiểu được những điều mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm (nội dung, tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ, …).

Mọi sự gặp gỡ của ngôn ngữ nghệ thuật đều là sự gặp gỡ với một câu chuyện không có kết thúc: Những giá trị, thông điệp, … mà tác giả thể hiện trong tác phẩm vẫn luôn đối thoại và sống trong lòng độc giả, dẫu tác phẩm đã “kết thúc” về mặt văn bản.

Sự gặp gỡ cũng là bộ phận của câu chuyện: Sự gặp gỡ giữa tác giả và người đọc thông qua tác phẩm có vai trò quan trọng, quyết định đến sức sống của tác phẩm trong “câu chuyện” của đời sống văn học. Nếu không có sự tiếp nhận của người đọc, tác phẩm văn học chỉ là những kí hiệu của ngôn ngữ trên trang sách.

Ý nghĩa khái quát: ý kiến của Hans Georg Gadamer muốn khẳng định: Ngôn ngữ là chất liệu, phương tiện quan trọng để nhà văn hình thành tác phẩm. Thông qua tác phẩm, tác giả có thể giao lưu, “gặp gỡ” với người đọc. Sự “gặp gỡ” này có sức sống rất lâu bền, tạo ra những ý nghĩa mới, giá trị mới và sự rộng mở… cho tác phẩm, dẫu cho tác phẩm đã kết thúc.
2.2 Bàn luận
2.2.1 sự gặp gỡ của ngôn ngữ nghệ thuật đều là sự gặp gỡ với một câu chuyện không có kết thúc…
– Ngôn ngữ nghệ thuật là phương tiện, chất liệu để nhà văn xây dựng hình tượng và tác phẩm văn chương. Thông qua tác phẩm, nhà văn chia sẻ, thể hiện tư tưởng, tình cảm và những thông điệp… đến người đọc để tìm kiếm sự đồng cảm, tri âm.

– Người đọc thông qua việc “giải mã” tác phẩm có thể thấu hiểu, đồng cảm với những thông điệp, tư tưởng, tình cảm mà nhà văn đã “mã hóa” trong tác phẩm. Và chính lúc ấy, tác giả và độc giả đã gặp gỡ được nhau thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

– Bằng sự hiểu biết, tình cảm, kinh nghiệm, và tầm đón nhận của riêng mình, kết hợp với sự khác nhau về thời đại và không gian văn hóa, người đọc sẽ đóng vai trò đồng sáng tạo vào tác phẩm. Từ đó giúp phát hiện, rộng mở thêm những giá trị mới cho tác phẩm, dẫu cho tác phẩm đã kết thúc.

– Những tác phẩm có giá trị lớn (về nội dung, nghệ thuật, tư tưởng,…) thường có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.

2.2.2 Chứng minh qua việc phân tích một số tác phẩm tiêu biểu
* Thí sinh phải chứng minh tập trung vào các vấn đề sau:

– Hiểu được tác phẩm là nơi mà tác giả kí thác vào đó những giá trị sâu sắc, to lớn: nội dung, tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ,…

– Thấy và phân tích rõ những giá trị (nội dung, tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ,…) mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Từ đó thấu hiểu, đồng cảm.

– Những cảm nhận riêng, mới mẻ, sáng tạo gắn với thời đại, năng lực tiếp nhận … của thí sinh để tạo ra ý nghĩa mới, giá trị mới và sự rộng mở cho tác phẩm.

* Lưu ý:

– Việc phân tích tác phẩm phải gắn với các kiến thức lí luận đã bàn ở trên. Nếu phần xác định luận đề không đúng kiến thức lí luận: vai trò và ý nghĩa của tiếp nhận, thì phần chứng minh chỉ đạt tối đa là 2/3 số điểm.

– Các tác phẩm phân tích phải đảm bảo có cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài.

– Việc cho điểm dẫn chứng được tính như sau:

+ Nếu thí sinh chọn, phân tích đúng, phong phú, sâu sắc, thuyết phục từ 03 tác phẩm trở lên (có cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài) thì đạt điểm tuyệt đối của phần này.

+ Nếu thí sinh chọn, phân tích từ 03 tác phẩm trở lên (có cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài) nhưng sơ sài, không làm rõ được luận đề thì đạt tối đa ½ số điểm của phần này.

+ Nếu thí sinh chọn, phân tích tốt dẫn chứng nhưng chỉ 02 tác phẩm (có cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài) thì đạt tối đa 2/3 điểm của phần này.

+ Nếu thí sinh chọn, phân tích hay nhưng chỉ có văn học Việt Nam hoặc văn học nước ngoài thì đạt điểm tối đa là ½ của phần này.

2.3 Mở rộng
  – Tầm quan trọng của tiếp nhận đối với việc đánh giá tác phẩm và lịch sử văn học.

– Từ vấn đề trên đặt ra yêu cầu đối với cả người sáng tác và người tiếp nhận văn học.

+ Yêu cầu với tác giả: Phải sáng tạo được những tác phẩm có giá trị sâu sắc, to lớn về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật.

+ Yêu cầu với người đọc: Có ý thức tìm hiểu những giá trị sâu sắc của tác phẩm. Thấu hiểu và cảm nhận được tư tưởng và những “điệu tâm hồn” của nhà văn đã gửi gắm vào tác phẩm. Phát hiện, mở rộng hơn nữa những giá trị mới cho tác phẩm.

  Tổng điểm câu 2 12,0
    Tổng điểm toàn bài (1+2) 20,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *