ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI
Câu 1 (8 điểm) – Nghị luận xã hội
- Schweitzer từng nói: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”.
Anh/Chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của lối sống vì người khác trong cuộc sống hiện nay?
Câu 2 (12 điểm) – Nghị luận văn học
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết:
Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa
Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả
(Trích Nói với mình và các bạn – Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr.103)
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 10 (Sách giáo khoa Kết nối tri thức và cuộc sống), anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Hướng dẫn chấm chi tiết
CÂU | Ý | YÊU CẦU CẦN ĐẠT | ĐIỂM |
1 | 1 | Hình thức, kĩ năng | 1,0 |
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội. | |||
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn | |||
2 | Nội dung | 7,0 | |
2.1 | Giải thích | ||
– Sống vì người khác là lối sống biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương; biết bỏ qua những lợi ích của bản thân để chăm lo cho hạnh phúc của người khác, sống vì lợi ích của người khác.
– Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nghĩa là khi ta chọn lối sống hi sinh cuộc sống của ta có thể sẽ có những vất vả, khó khăn, phải đối mặt với nhiều thử thách, thậm chí có thêm những rắc rối, rủi ro. – Nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Lối sống vì người khác là cách sống cao quý, đáng trân trọng, mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp. |
|||
Ý nghĩa khái quát: Quan điểm trên chỉ ra giá trị của lối sống vì người khác. | |||
2.2 | Bàn luận | ||
2.2.1 | Sống vì người khác có thể làm cho cuộc sống của bản thân trở nên khó khăn hơn: | ||
– Sống vì người khác đôi khi phải chịu những thiệt thòi, phải hi sinh những quyền lợi của cá nhân, phải dành cả những điều tốt đẹp cho người khác. Vì người khác mà có thể phải nhận về mình những điều không thuận lợi, may mắn, cơ hội có thể sẽ qua mất.
– Sống vì người khác còn có thể bị hiểu lầm, nghi ngờ, liên lụy,… |
|||
2.2.2 | Sống vì người khác tuy khó khăn nhưng cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc: | ||
– Sống vì người khác là lối sống vị tha, có ý nghĩa lớn lao cho xã hội. Đó là cách hành xử đẹp giúp cho các mối quan hệ trở nên hài hòa, thân thiện. Nếu ai cũng biết sống vì người khác thì những hận thù, ích kỉ,…sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ đầy yêu thương và ấm áp.
– Đó là biểu hiện của nhân cách đẹp, con người sẽ nhận được sự quý mến, trân trọng, ngưỡng mộ của người khác. Cách sống đó mang lại hạnh phúc cho chính mình, tìm thấy sự bình an, tự tại trong lòng. – Lối sống biết hi sinh còn giúp mỗi người rèn được khả năng nhẫn nại, ý chí, nghị lực,… (Học sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ) |
|||
2.3 | Liên hệ, mở rộng | ||
– Lên án, phê phán lối sống thực dụng, ích kỉ, hẹp hòi, toan tính.
– Mỗi con người cần xác định cho mình lối sống tích cực, biết sống vì người khác nhưng cần có sự sáng suốt, trí tuệ, tránh những hi sinh mù quáng vừa không giúp được cho người khác lại không có lợi cho bản thân. – Cũng cần có sự dung hòa giữa cách sống vì người khác với hạnh phúc của bản thân. |
|||
Tổng điểm câu 1 | 8,0 | ||
2 | 1 | Hình thức, kĩ năng | 1,0 |
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận văn học. | |||
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn | |||
2 | Nội dung | 11,0 | |
2.1 | Giải thích | ||
– Bó đuốc đốt thiêu: sự đốt cháy, thăng hoa cảm xúc.
– Bàn tay thắp lửa: lửa của cảm xúc, yêu thương. – Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả: Thơ thể hiện những trăn trở, nghĩ suy của tác giả trước cuộc đời; chất vấn, đánh đổ những thành trì cũ kĩ, những sai lệch trong lối sống, tư tưởng và khiến con người không thể sống hờ hững, buông xuôi, luôn bước tiếp trong cuộc đời. |
|||
Ý nghĩa khái quát: Lưu Quang Vũ muốn khẳng định đặc trưng, sứ mệnh của thơ: thơ ca phải là sự đốt cháy những tình cảm mãnh liệt trong lòng tác giả, thắp lên ngọn lửa cảm xúc ấy cho độc giả; thơ cũng phải thể hiện những trăn trở của tác giả trước cuộc đời, tác động đến độc giả khiến họ không ngừng nghĩ suy, thay đổi, ngày một tiến bộ, tốt đẹp hơn. | |||
2.2 | Bàn luận | ||
2.2.1 | Vì sao Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa | ||
– Thơ là bó đuốc đốt cháy, tạo nên sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ:
+ Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay. + Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ. + Cảm xúc trong thơ cũng không phải thứ cảm xúc nhàn nhạt. Đó phải là tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải tự đốt cháy cảm xúc của chính mình để tạo nên những vần thơ như có lửa nóng, dạt dào men say. – Thơ cũng là bàn tay nhen lên ngọn lửa cảm xúc trong lòng bạn đọc: + Bạn đọc tìm đến với thơ là tìm đến tiếng nói đồng điệu, đi tìm hồn mình trên trang viết. Nếu những điều nhà thơ viết ra có sức nóng của cảm xúc, cảm xúc ấy sẽ được truyền đến độc giả, nhen lên trong họ những rung động, tình cảm tương ứng. + Cảm xúc mà thơ nhóm lên trong lòng độc giả có thể là tình yêu, niềm say mê, hạnh phúc, sự căm thù, …. Những tình cảm ấy đều phải hướng con người tới cái đẹp, cái thiện. |
|||
2.2.2 | Vì sao Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả
|
||
– Thơ là tiếng nói của cảm xúc, trong đó có cả những trăn trở, băn khoăn về cuộc đời mà người nghệ sĩ gửi vào trong thơ.
– Nghệ sĩ là người nhạy cảm, luôn tự vấn, day dứt trước những nỗi đau, những bất công ngang trái, những điều trái lẽ thường tình vẫn hiện diện trong cuộc sống và họ gửi nỗi niềm ấy vào thơ ca như một cách để sinh sự với cuộc đời. – Những vần thơ sinh sự với cuộc đời như thế sẽ khiến con người không thể thờ ơ, hờ hững, buộc phải nghĩ suy, trăn trở, tìm cách thay đổi. |
|||
2.3 | Làm sáng tỏ qua một số tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc ngoài chương trình.
Yêu cầu: – Bằng trải nghiệm văn học: Thí sinh lựa chọn được những bài thơ tiêu biểu (Sách giáo khoa Kết nối tri thức và cuộc sống) để phân tích làm sáng rõ nhận định. – Đủ số lượng: Thí sinh chọn ít nhất 02 tác phẩm thơ. – Trong quá trình phân tích, chứng minh; thí sinh cần bám vào vấn đề nghị luận; viết đúng, trúng và làm nổi bật được 02 vấn đề: + Những cung bậc cảm xúc mà nhà thơ tự đốt cháy ở chính mình và sự lan tỏa, thắp sáng những cảm xúc ấy cho bạn đọc. + Những trăn trở, chiêm nghiệm, chất vấn trước cuộc đời mà người nghệ sĩ đặt ra trong thơ và sự tác động đến bạn đọc. – Đặc biệt, đánh giá cao những học sinh chọn được dẫn chứng đậm tính nhân văn tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm của người đọc. – Ngoài ra, học sinh có thể liên hệ thêm dẫn chứng ngoài chương trình một cách hợp lý, có chiều sâu. |
||
2.4 | Mở rộng | ||
– Ý kiến đúng, khẳng định vai trò quan trọng của cảm xúc trong thơ và sứ mệnh của thơ ca.
– Tuy nhiên, nếu chỉ có những cảm xúc mãnh liệt, đắm say mà câu từ dễ dãi, không có sự trau chuốt, gọt rũa, thì những cảm xúc ấy cũng khó có thể chạm đến trái tim độc giả; thơ sinh sự với cuộc đời không có nghĩa là đánh đổ những cái tốt đẹp hoặc vạch tìm cái xấu với mục đích tầm thường, không trong sáng. – Bài học với người sáng tác và người tiếp nhận văn học: + Nhà thơ: tự bồi dưỡng, vun đắp cho mình những cảm xúc chân thành, sâu sắc; nhận thức được trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. + Người đọc: vừa thưởng thức cái hay, cái đẹp của thơ ca; vừa đồng cảm với nỗi lòng thi sĩ, thắp lên ngọn lửa của những cảm xúc nhân văn trong lòng, tự hoàn thiện chính mình. |
|||
Tổng điểm câu 2 | 12,0 | ||
Tổng điểm toàn bài (1 + 2) | 20,0 |