Nhà văn phải biết nghe, biết thấy, biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường

ĐỀ HSG NGỮ VĂN THPT (2023 – 2024)

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Nếu bạn không thể trở thành cây tùng trên đỉnh núi thì hãy làm một cây nhỏ trong khe núi, nhưng phải làm một cây nhỏ tốt nhất bên bờ suối.

Nếu như bạn không thể trở thành một cây lớn thì hãy làm một lùm cây nhỏ; nếu như không thể trở thành một lùm cây nhỏ; thì hãy làm một thảm cỏ nhỏ.

Nếu như bạn không thể trở thành một cây lộc hương thì hãy làm một chú cá nhỏ, nhưng phải là một chú cá hoạt bát nhất trong hồ.

Tất cả chúng ta không thể ai ai cũng đều trở thành thuyền trưởng, mà phải có người trở thành thủy thủ.

Ở đây có rất nhiều việc cần chúng ta làm, có chuyện lớn, có chuyện nhỏ, nhưng quan trọng nhất là những chuyện xung quanh ta.

Nếu bạn không thể trở thành một con đường quốc lộ thì hãy làm một con đường nhỏ.

Nếu bạn không thể trở thành mặt trời thì hãy trở thành ngôi sao.

(Trích: Be the best of whatever you are – Douglas Malloch)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):.

Câu 1. Xác định các hình ảnh mang tính biểu tượng trong bài thơ.

Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ.

Câu 3. Ý nghĩa của câu thơ: “Nếu bạn không thể trở thành mặt trời thì hãy trở thành ngôi sao”.

Câu 4. Thông điệp có ý nghĩa với anh/chị?

Câu 5. Anh chị có đồng tình với quan điểm cho rằng chỉ có những người có trình độ tri thức, vị trí xã hội cao, những người nổi tiếng mới là những người có ích cho xã hội không? Vì sao?

PHẦN VIẾT (17,0 điểm)

Câu 1 (7.0 điểm) 

          “Thật hạnh phúc khi ta được là trẻ con, nhưng thật bất hạnh nếu ta mãi mãi chỉ là một đứa trẻ” (Khuyết danh)

          “Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con…nhưng hiếm ai còn nhớ.” (Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry)

             Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về hai câu nói trên.

Câu 2. (10.0 điểm)

 “Nhà văn phải biết nghe, biết thấy, biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường” (Hoài Thanh). Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

—————- HẾT —————-

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 

ĐÁP ÁN & HƯỚNG DẪN CHẤM

YÊU CẦU CHUNG

– Thí sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt. Bố cục bài làm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.

– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

– Việc chi tiết hoá điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm mỗi câu và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.

– Bài thi được chấm theo thang điểm 20; làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (0,25 điểm) Các hình ảnh mang tính biểu tượng trong bài thơ:

– Hình ảnh: cây tùng, cây lớn, lộc hương, thuyền trưởng, quốc lộ, mặt trời…

– Hình ảnh: cây nh, thảm cỏ nhỏ, chú cá hoạt bát, thủy thủ, con đường nhỏ, ngôi sao…

Câu 2. (0,5 điểm) Các biện pháp tu từ:  Đối lập; ẩn dụ: cây tùng – cây nhỏ, cây lớn – lùm cây nhỏ, thảm cỏ nhỏ, …. mặt trời – ngôi sao; điệp cấu trúc.

– Tác dụng: Những hình ảnh  đầy tính gợi hình, biểu cảm, hàm súc; nhằm khẳng định cuộc sống, sự thành công không phụ thuộc vào việc lớn hay nhỏ mà quyết định vào điều mà bạn làm tốt trong vai trò, vị trí của mình.

Câu 3. (0,75 điểm) Ý nghĩa câu “Nếu bạn không thể trở thành mặt trời thì hãy trở thành ngôi sao”

– Mặt trời sẽ chiếu sáng, ấm nóng, có sức ảnh hưởng lớn, còn ngôi sao có ánh sáng nhẹ, vùng sáng hẹp hơn.

Từ đó gợi ý nghĩa:  nếu không trở thành những người nổi tiếng, không đạt được những gì lớn lao thì cố gắng từ những điều bé nhỏ, bình dị, giản đơn nhưng có ý nghĩa vẫn làm đẹp cho đời.

– Cuộc đời mỗi con người có ý nghĩa khi sống là chính mình, thực hiện tốt vai trò, vị trí của mình. Không có vị trí tầm thường, không có công việc thấp hèn. Vị trí không nói lên giá trị của con người mà chính sự tỏa sáng ở vị trí của mình mới làm nên giá trị. Mỗi vị trí đều có giá trị riêng.

Câu 4. Thông điệp: (0,75 điểm)

– Mỗi chúng ta dù là ở vị trí, vai trò nào cũng cần làm tốt công việc của mình. Quyết định sự thành công của bản thân không phụ thuộc vào việc lớn, nhỏ mà bởi bạn là người thực hiện tốt vai trò của mình, mình thấy hài lòng.

– Mỗi cá thể đều có vị trí riêng, cần xác định giá trị riêng của mình, coi trọng và cần khẳng định bản thân trong cả hành trình cuộc sống…

Câu 5. (0,75 điểm)

Thí sinh có thể đưa ra quan điểm đồng tình, không đồng tình; vừa đồng tình vừa không đồng tình nhưng phải có lí giải hợp lí, thuyết phục, đúng chuẩn mực đạo đức.

PHẦN VIẾT (17,0 điểm)

Câu 1. (7.0 điểm)

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Yêu cầu cụ thể

1) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

2) Thân bài

* Giải thích ý kiến (1,0 điểm) 

“Trẻ con” … “là một đứa trẻ”: lứa tuổi mà bất cứ ai cũng từng trải qua trong cuộc đời, đó cũng là lứa tuổi vô tư, hồn nhiên nhất.

Hạnh phúc bất hạnh: hai trạng thái trái ngược nhau một là điều con người luôn mong muốn đạt được, một là điều không ai muốn phải đối mặt. Ở đây, câu nói đã đưa đến một cách nhìn đặc biệt, rằng việc là trẻ con có thể làm con người hạnh phúc, nhưng nếu điều đó kéo dài, đó có thể là bất hạnh.

– Hiếm người còn nhớ mình từng là trẻ con: Sự lãng quên đối với tuổi thơ, với quãng thời gian hồn nhiên, trong trẻo; sự thay đổi của con người khi trưởng thành làm đánh mất những điều đẹp đẽ của thuở bé thơ.

* Bàn luận, chứng minh (3,5 điểm)

* Trích dẫn thứ nhất:

– Vì sao “thật hạnh phúc khi ta được là trẻ con”:

+ Đó là lứa tuổi được gia đình yêu thương, chăm sóc và che chở; những đứa trẻ luôn được sống vô tư, thoải mái.

+ Đó là lứa tuổi được thoả sức tưởng tượng, mơ ước và tự do nhìn cuộc sống theo cách của riêng mình.

+ Đó là lứa tuổi không phải bon chen và âu lo về cuộc sống nên luôn ứng xử hồn nhiên, bao dung, rộng lượng và giàu yêu thương.

Vì sao “thật bất hạnh nếu ta mãi là một đứa trẻ” (Có thể được hiểu theo hai cách):

+ Có những người, do một căn bệnh nào đó, không lớn được cả về hình hài lẫn suy nghĩ – đó là sự bất hạnh về hoàn cảnh riêng.

+ Có những người bình thường về thể chất, nhưng không chịu “lớn khôn” về suy nghĩ và nhận thức – đó cũng là một sự bất hạnh với bản thân họ và cả gia đình bởi:

~ Mọi đứa trẻ có chung một đích đến, đó là khôn lớn, thành người. Nếu mãi là một đứa trẻ cần sự bao bọc thì như vậy, ta sẽ phụ công chăm sóc, nuôi dưỡng của bao người, khiến quãng thời gian trẻ con trở nên dư thừa, thậm chí trở thành gánh nặng và sống phụ thuộc.

~ Cuộc sống cần sự tiếp nối của các thế hệ: nếu ta chỉ mãi là trẻ con, ta sẽ không trưởng thành để chăm sóc những đứa trẻ và cả những người trong gia đình đã từng chăm sóc ta. Như vậy, việc mãi mãi là trẻ con cũng là một điều ích kỷ.

~ Nếu mãi mãi là trẻ con, mọi ước mơ, tưởng tượng trong tuổi thơ không bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực.

~ Nếu mãi là trẻ con, đó cũng là một sự thiệt thòi với chính ta, vì như vậy bản thân ta sẽ không bao giờ đủ lớn để hiểu biết, để tự nhận thức đúng đắn về những điều xung quanh.

* Trích dẫn thứ hai:  Lãng quên việc mình từng là một đứa trẻ khi lớn lên

– Quên mất việc mình từng là một đứa trẻ, cũng có nghĩa là quên đi quãng thời gian ngây ngô, hồn nhiên, sống trong trẻo và không tính toán; quên mất những hạnh phúc ban sơ và đơn thuần nhất mà mỗi một con người có trong cuộc đời.

Người lớn thường quên mất mình từng là một đứa trẻ:

+ thế giới của một người lớn chỉ toàn những bộn bề, lo toan, tính toán – một thế giới không còn sự hiện diện của những điều trong trẻo, giản đơn.

+ khó chấp nhận sự nghịch ngợm, hồn nhiên, vô tư và những ước mơ của trẻ con mà thường ngăn cản, phán xét chúng.

* Mở rộng vấn đề: (1,5 điểm)

– Sự liên hệ giữa 2 trích dẫn:

+ Làm một đứa trẻ khiến ta hạnh phúc, bởi ta được sống trong sự yêu thương, bao bọc, ta được suy nghĩ những điều sáng trong và giản đơn. Nhưng nếu cứ mãi như thế và không chịu trưởng thành thì ta sẽ đánh mất một phần ý nghĩa của mình trong cuộc sống: quyền được trải nghiệm, quyền được thực hiện những ước mơ, chăm sóc và yêu thương những người khác…

+ Như vậy, quãng thời gian bé thơ và khi trưởng thành đều là những gì đáng quý, đều là những thời đoạn tất yếu mỗi người phải trải qua. Nhưng sẽ có một bất hạnh khác: đó là khi ta lớn, trưởng thành, nhưng quên mất quãng thời gian từng là trẻ em, đánh mất những ý nghĩ đẹp đẽ, trong trẻo.

– Như vậy:

+ Mọi đứa trẻ đều cần trở thành người lớn, sống có trách nhiệm với đời, nhưng cũng cần trân quý những điều tuổi thơ đã mang lại cho mình – đó là cái nhìn và tấm lòng trong trẻo trước cuộc đời.

+ Người lớn và trẻ con không quá đối lập nhau, đó là những giai đoạn kế thừa và phát triển của nhau, hãy hiểu thấu và trân trọng cả hai giai đoạn này vì đó đều sẽ là những cột mốc hình thành nên con người, tính cách của ta trong cuộc sống.

* Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

HS đưa ra được những chia sẻ hay bài học rút ra cho riêng bản thân mình qua những bình luận về vấn đề nghị luận.

3) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại vấn đề (0,5 điểm)  

Câu 2 (10.0 điểm)

  1. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
  2. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, nắm vững kiến thức văn học trong chương trình Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và ngoài chương trình, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học. Thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cơ bản đạt được những nội dung sau:
  3. a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến. (0,25 điểm)
  4. b) Thân bài

* Giải thích ý kiến (1,0 điểm)

Nhà văn phải biết nghe, biết thấy, biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường” (Hoài Thanh): Cách nghe, cách nhìn, cách cảm của mỗi người nghệ sĩ về thế giới phải có một hình sắc riêng, thậm chí là khác thường.

→ Ý kiến của Hoài Thanh khẳng định vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống. Nếu không có những cái khác thường ấy, mỗi nhà văn thật khó có thể tạo cho tác phẩm của mình những nét riêng, sự hấp dẫn riêng. Cái riêng và khác thường ấy tạo nên phong cách sáng tác của mỗi nhà văn.

* Bình luận, lí giải ý kiến: Vì saoNhà văn phải biết nghe, biết thấy, biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường”?  (1,5 điểm)

– Bản chất cũng như đòi hỏi của nghệ thuật là sự sáng tạo mới mẻ, độc đáo. Vì thế mỗi nghệ sĩ phải có cách nghe, cách nhìn, cách cảm của mỗi người nghệ sĩ về thế giới phải có một hình sắc riêng, thậm chí là khác thường, phải tạo một phong cách riêng.

– Phong cách là nét riêng, nét độc đáo có tính hệ thống trong sáng tác của một nhà văn. Phong cách là sự thể hiện tài năng của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo

– Phong cách nghệ thuật của một nhà văn thể hiện qua:

+ Cách nhìn, cách cảm thụ có tính khám phá, phát hiện của nhà văn về hiện thực và đối tượng phản ánh.

+ Chọn lựa đề tài, triển khai cốt truyện, xác định chủ đề,… mỗi nhà văn đều sáng tạo ra cái “đất diễn” riêng của mình. .

+ Giọng điệu độc đáo:

+ Nghệ thuật độc đáo: Nghệ thuật sử dụng ngôn từ, xây dựng kết cấu, tứ thơ, hình ảnh thơ, nghệ thuật xây dựng và phân tích tâm lí nhân vật, tình huống truyện… thể hiện sự tài hoa của tác giả.

→ Phong cách văn học chính là dấu ấn thẩm mĩ, là gương mặt riêng độc đáo trong thế giới nghệ thuật của mỗi nhà văn, mỗi thời đại văn học, giai đoạn văn học hoặc một nền văn học. Qua đó nó giúp nghệ sĩ khẳng định cái tôi cá nhân tài hoa, độc đáo, vừa tài năng, vừa bản lĩnh khác người, thậm chí hơn người của nhà văn.

* Làm sáng tỏ qua một số tác phẩm văn học (chủ yếu là thơ hoặc truyện) trong chương trình Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc ngoài chương trình mà học sinh trải nghiệm được (6,0 điểm)

Yêu cầu:

– Bằng trải nghiệm văn học: Thí sinh lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu (chủ yếu là thơ hoặc truyện; trong hoặc ngoài chương trình Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống) để phân tích làm sáng rõ nhận định.

– Đủ số lượng: Thí sinh chọn ít nhất 02 tác phẩm thơ hoặc truyện để chứng minh cho ý kiến.

– Trong quá trình phân tích, chứng minh; thí sinh cần bám vào vấn đề nghị luận; viết đúng, trúng và làm nổi bật được 02 vấn đề: Mỗi nhà văn phải:

+ Biết nghe, biết thấy khác thường.

+ Biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường.

* Đánh giá, mở rộng (1,0 điểm)

– Bản chất của văn chương là một hoạt động sáng tạo, trong đó là phong cách nghệ thuật là điều kiện đánh giá vị trí, tài năng của người nghệ sĩ

– Phong cách nghệ thuật ở một nhà văn được định hình từ nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố khách quan của thời đại và tầm nhìn dân tộc. Hiểu được phong cách nghệ thuật của từng nhà văn sẽ giúp bạn có cách tiếp cận tốt hơn với những tác phẩm của họ.

c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại, nâng cao vấn đề. (0,25 điểm)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *