NLXH viết bài văn nghị luận với chủ đề: Thực hành lối sống xanh

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Đơn giản chỉ là hạnh phúc

Họp mặt lớp cũ, thầy giáo tóc đã điểm sương, gặp lại học trò rưng rưng nước mắt. Thầy hỏi đi hỏi lại chỉ một câu: “Cuộc sống em giờ ra sao? Có hạnh phúc không?”

Cô bạn lớp trưởng năm xưa ngồi xuống cạnh thầy, nửa đùa nửa thật: “Thầy ơi, bao nhiêu năm trời không gặp, vậy mà thầy chỉ mong đợi ở tụi em có điều đó thôi sao?”

Phải rồi, chỉ điều đó thôi sao? Không phải là ông nọ bà kia, không phải là chức này tước khác, không phải tiền này của nọ. Cũng không phải đã đóng góp được điều gì cho xã hội, cho đất nước. Chẳng lẽ chỉ là hạnh phúc thôi sao, hở thầy?

Thầy cười. Học trò của thầy ai cũng có năng lực và lòng tự trọng. Và chỉ cần hai thứ đó thì chắc chắn các em sẽ có đóng góp cho xã hội bằng cách này hay cách khác. Thầy không băn khoăn về việc đó. Rồi thầy nheo đuôi mắt đầy nếp nhăn, hỏi: “Em không nhớ ngày ra trường thầy nói gì sao? Thầy đã hỏi các em có bao giờ suy nghĩ tại sao lại là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”? Tại sao là “Hạnh phúc” chứ không phải là “Thịnh vượng” hay “Văn minh”? Hóa ra không em nào suy nghĩ về điều đó cả!”.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao đất nước Bhutan từ 3 thập niên qua đã đo lường sự phát triển của đất nước bằng chỉ số GNH (Gross National Happiness – Tổng hạnh phúc quốc gia). Có thể lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về “hạnh phúc” như một từ sáo rỗng, bởi không thể xác định được một cách cụ thể nó bao hàm điều gì. Là thành đạt, giàu có? Là được tôn vinh? Là được hưởng thụ bất kỳ điều gì ta muốn? Là chia sẻ và được chia sẻ? Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?

Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi con người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy. Thế thì bạn có tin rằng sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn cơ nhất? Bạn có cho rằng, sự phát triển và bền vững của một quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân?

Khi đọc cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” dày gần 200 trang của Ayn Rand, tôi chỉ nhớ có một câu duy nhất: “Nếu muốn nói câu “Tôi yêu em” thì phải nói từ “Tôi” trước đã. Tôi yêu thích triết lý đó quá chừng. Vì nó làm tôi vỡ ra nhiều thứ, giống như bài học về hạnh phúc của thầy tôi. Rằng để yêu người thì trước hết chúng ta phải biết yêu mình, phải trân trọng và giữ gìn niềm hạnh phúc của chính mình. Rằng ta phải bồi đắp chính bản thân ta thành một con người tốt đẹp và cảm nhận được niềm hạnh phúc, trước khi nghĩ đến việc mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai hay đóng góp điều tốt đẹp gì cho xã hội.

Bởi vì, bạn biết đó, chúng ta không thể mang đến cho người khác thứ mà ta không có.

(Trích “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2019, tr.38,39)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1. Văn bản có sử dụng những yếu tố bổ trợ nào ngoài nghị luận?

Câu 2. Xác định luận đề của bài viết.

Câu 3. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản.

Câu 4. Tác giả sử dụng những dẫn chứng nào trong văn bản để tạo sự thuyết phục cho văn bản?

Câu 5. Chỉ ra tác dụng của phép so sánh trong câu văn: “mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương”:

Câu 6. Anh/ chị hiểu như thế nào về nhận định: “Sự phát triển và bền vững của một quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân” được đề cập đến trong văn bản?

Câu 7.  Anh/Chị nhận xét gì về cách mở đầu văn bản?

Câu 8. Có người cho rằng: Hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị. Anh (chị) có đồng tình không? Vì sao?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Thực hành lối sống xanh.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Câu 1. Văn bản có sử dụng những yếu tố bổ trợ nào ngoài nghị luận:

Tự sự

Biểu cảm

Thuyết minh

Câu 2. Xác định luận đề của bài viết?

Câu 3. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản.

Hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản:

– Luận điểm 1: Hạnh phúc là gì?

– Luận điểm 2: Hạnh phúc có ý nghĩa như thế nào với chính mình và mọi người xung quanh?

– Luận điểm 3: Làm thế nào để có được hạnh phúc?

Câu 4. Tác giả sử dụng những dẫn chứng nào trong văn bản để tạo sự thuyết phục cho văn bản.

Cuộc trò chuyện giữa thầy trò sau nhiều năm xa cách.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao đất nước Bhutan từ 3 thập niên qua đã đo lường sự phát triển của đất nước bằng chỉ số GNH (Gross National Happiness – Tổng hạnh phúc quốc gia)

Khi đọc cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” dày gần 200 trang của Ayn Rand, tôi chỉ nhớ có một câu duy nhất: “Nếu muốn nói câu “Tôi yêu em” thì phải nói từ “Tôi” trước đã.

Câu 5. Chỉ ra tác dụng của phép so sánh trong câu văn: “mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương”:

Tác dụng:

Tăng tính gợi hình, tăng tính thuyết phục cho câu văn

Đồng thời nhấn mạnh mối liên kết giữa người với người, khẳng định mỗi cá nhân đều có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng.

Câu 6. Nhận định: “Sự phát triển và bền vững của một quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân”.

Gợi ý: Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Mỗi con người là một nguyên tử cacbon trong mạng tinh thể kim cương, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Một quốc gia muốn có sự phát triển và bền vững phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân. Mỗi người dân là thành tố quan trọng trong quốc gia đó. Mỗi người dân hạnh phúc tạo thành một đất nước hạnh phúc….

Câu 7.  Nhận xét gì về cách mở đầu văn bản:

– Tác giả sử dụng phương thức tự sự để đưa dẫn một dẫn chứng rất chân thật, sống động, gần gũi. Từ đó, đánh thức những suy nghĩ của người đọc về hạnh phúc, nhất là suy nghĩ ấy, trước hết được đặt vào lời nói của người thầy – người luôn có cái nhìn sâu sắc trước cuộc đời.

– Làm tăng tính thuyết phục cho văn bản.

Câu 8. Có người cho rằng: Hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị. Anh (chị) có đồng tình không? Vì sao?

Gợi ý: – Đồng tình: Vì

Hạnh phúc có thể xuất phát từ những điều giản dị thường ngày: Biết chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ và tập thể dục,…

Có thể là những lúc quây quần cùng ông bà, cha mẹ bên bữa cơm gia đình.

Hạnh phúc là khi ta được sinh ra với hình hài lành lặn, được sống trong gia đình êm ấm, có cha, có mẹ, có anh chị em sum vầy,… trong khi quanh ta còn nhiều trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, mong ước một tổ ấm bình dị….

Bởi vậy, mỗi người cần trân trọng, yêu thương những gì mình đang có.

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

 

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

–  Giới thiệu về lối sống. Tại sao chúng ta nên thực hành lối sống xanh?

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– “Lối sống xanh” chính là lối sống thân thiện với môi trường, hòa hợp với tự nhiên.

– Trong xã hội hiện đại lối sống xanh được coi là lối sống tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Thực hành lối sống xanh là một trách nhiệm của con người đối với môi trường và sự sống.

+  Con người là một phần của tự nhiên, không thể tách rời khỏi môi trường sống.

+ Con người là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của chính mình và các loài khác.

+  Con người có trách nhiệm bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau.

+ Dẫn chứng: Các ví dụ về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, các hiệu ứng tiêu cực của nó, các quy định và cam kết của các tổ chức quốc tế và quốc gia về bảo vệ môi trường.

– Thực hành lối sống xanh là một lựa chọn thông minh và hiệu quả của con người trong xã hội hiện đại.

+ Thực hành lối sống xanh giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, giảm chi phí và tăng hiệu quả.

+ Thực hành lối sống xanh giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của con người.

+  Thực hành lối sống xanh giúp tạo ra một xã hội văn minh, hòa bình và hợp tác.

+ Dẫn chứng: Các ví dụ về các cách thức và lợi ích của lối sống xanh, như sử dụng các sản phẩm sinh thái, tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng phương tiện giao thông xanh, tham gia các hoạt động tình nguyện về môi trường.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Vẫn còn tình trạng khai thác một cách tràn lan các tài nguyên thiên nhiên như rừng, cát …khiến môi trường bị ảnh hưởng gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống con người.

– Một bộ phận người dân hiện nay vẫn chưa ý thức được việc giữ gìn môi trường xanh- sạch – đẹp…

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Chúng ta cần tạo ra một tinh thần và hành động sống xanh, giúp giảm thiểu tác động của con người đến môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của hành tinh.

– Đồng thời, hãy lựa chọn cho mình phương pháp sống xanh phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Chúng ta nên thực hành lối sống xanh.

– Đưa ra khuyến nghị, gợi ý hoặc mong ước về việc thực hiện lối sống xanh trong thực tế.

Bài viết tham khảo

Trong cuốn sách “Sống xanh”, tác giả Jen Chillingsworth đã viết “Ăn sạch – Uống lành – Sống bền vững”. Quả thực, cung cách sống của con người có mối quan hệ mật thiết với môi trường xung quanh. Con người và thiên nhiên là hai cá thể luôn song hành với nhau để cùng tồn tại. Đứng trước thực trạng Trái Đất hiện nay, nhiều người lựa chọn lối sống xanh để bảo vệ tương lai của chính mình và thế giới xung quanh.

Định nghĩa một cách đơn giản, “sống xanh” chính là lối sống thân thiện với môi trường, hòa hợp với tự nhiên. Nhiều người cứ nghĩ sống xanh là phải làm điều gì đó to lớn và không dễ để thực hiện, nhưng thực tế sống xanh rất đơn giản và không có gì khó khăn cả. Chẳng hạn như bạn chỉ cần giảm độ sáng màn hình điện thoại xuống một chút, hạn chế dùng đồ nhựa hay là trồng một vài chầu cây nho nhỏ trong nhà thì tất tcả những điều đó đều được xem là sống xanh rồi. Và trong xã hội hiện đại xô bồ, sống xanh được coi là lối sống tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta.

Từ xưa đến nay, con người luôn sống dựa vào tự nhiên. Cả một nền văn minh tân tiến của chúng ta được xây dựng trên cái nền thô sơ của Trái Đất. Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho con người vô vàn tài nguyên quý giá để phát triển đời sống, bồi đắp văn hóa. Vì thế, thực hành lối sống xanh là một trách nhiệm của con người đối với môi trường và sự sống. Con người là một phần của tự nhiên, không thể tách rời khỏi môi trường sống. Con người sẽ không thể sống nếu thiếu vắng tự nhiên. Loài người làm sao có thể tồn tại đến ngày nay nếu thiếu đi đất, nước, ánh sáng, gió hay những cánh rừng? Điều đó là hoàn toàn không thể xảy ra. Thế nhưng con người lại là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của chính mình và các loài khác. Vào năm 2022 có khoảng 36,8 tấn khí thải được “gia nhập” vào ngôi nhà chung của chúng ta, cùng với đó là khoảng 3650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt và 2,01 tỉ tấn chất thải rắn đô thị được tạo ra trên thế giới mỗi năm. Nếu tình trạng này kéo dài đến năm 2050 thì đại dương sẽ có nhiều rác hơn cả cá, “đồi rác” xuất hiện nhiều hơn. Liệu bạn có cảm thấy là mình đang đối xử tệ với chính ngôi nhà của chúng ta hay không? Chính những điều này đã rung lên hồi chuông báo động, và con người cần có trách nhiệm bảo vệ, cải thiện môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau. Trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường ngày càng được áp dụng rộng rãi. Một số tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường như UNEP, GEF ngày càng có nhiều thành viên gia nhập. Đồng thời, Việt Nam chúng ta cũng chung tay bảo vệ ngôi nhà chung bằng cách kí các công ước như công ước Basel, công ước Vienna, công ước chung của Liên hơp quốc về biến đổi khí hậu,…  Hay tín chỉ carbon là một xu thế đang được hoạt động khá phổ biến hiện nay. Tất cả những điều này đều được thực hiện với mong muốn đưa mọi người bước lên con tàu với tên gọi “sống xanh”.

Nhiều báo cáo chỉ ra rằng nhờ thực hành lối sống xanh mà cuộc sống của con người đã được cải thiện rõ rệt. Vì thế thực hành lối sống xanh được xem là một lựa chọn thông minh và hiệu quả của con người trong xã hội hiện đại. Trước hết, lối sống xanh giúp ta  tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính được giảm thiểu. Thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện di chuyển,… không rơi vào tình trạng lãng phí. Việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng phương tiện giao thông xanh,… cũng góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Đặc biệt, Chiến dịch Giờ Trái Đất được xem là minh chứng rõ nét nhất cho lợi ích của việc thực hành lối sống xanh, chỉ với một giờ ngừng cấp điện nó đã góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu phát thải khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thực hành lối sống xanh giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của con người. Đời sống bận rộn khiến chúng ta làm quen với đồ hộp ăn liền hay các loại cốc, bát, đũa dùng một lần. Những thứ ấy có vẻ tiện lợi nhưng về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta. Quay về với những đồ đạc có xuất xứ lành tính sẽ giúp nâng cao sức khỏe thể chất con người. Bảo vệ tự nhiên đồng nghĩa với bảo vệ sức khỏe của chính mình và các sinh vật khác. Không chỉ vậy, nhiều người phải thừa nhận rằng lối sống xanh có tác động tích cực đến tinh thần của họ. Dành thời gian cho cây cối hơn là máy tính, chăm sóc động vật, sống tối giản giúp tâm trí con người thoải mái, suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn rất nhiều. Ngoài ra, thực hành lối sống xanh giúp tạo ra một xã hội văn minh, hòa bình và hợp tác. Khi tham gia các hoạt động tình nguyện về môi trường sẽ là nền tảng để gắn kết mối quan hệ giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Từ một cá nhân thực hành lối sống xanh sẽ dẫn đến toàn bộ xã hội đều thực hành lối sống xanh.

Điều đáng buồn là hiện nay sống xanh vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Ở bất kì đâu, từ các thành phố lớn đến những khu ổ chuột, con người vẫn đang từng ngày phá hoại tự nhiên. Tôi e rằng, không sớm thì muộn nếu không thực hiện lối sống xanh, môi trường sẽ bị hủy hoại bởi rác thải, tài nguyên cạn kiệt và con người sẽ bị diệt vong.

“Sống xanh- mang lại cho bạn cuộc sống ý nghĩa hơn”, lối sống xanh không chỉ đem lại lợi ích cho sức khỏe của con người mà còn đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chúng ta cần tạo ra một tinh thần và hành động sống xanh, giúp giảm thiểu tác động của con người đến môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của hành tinh. Đồng thời, hãy lựa chọn cho mình phương pháp sống xanh phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi hi vọng mỗi người sẽ góp một phần nhỏ vào việc giữ lấy “màu xanh” của mẹ Thiên Nhiên.

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *