NLXH: Việc tiếp thu ý kiến của người khác

BỘ KẾT NỐI

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

LẮNG NGHE LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

(1) Trong cuộc sống chắc hẳn có những lúc bạn gặp khó khăn và muốn được chia sẻ cùng ai đó? Những lúc như thế bạn thường tìm đến ai? Những người có năng lực và giỏi phán đoán hơn bạn hay những người biết lắng nghe câu chuyện của bạn? Tôi thường chọn tìm đến những người bạn ở vế thứ hai hơn. Dĩ nhiên khi trò chuyện với người có năng lực và giỏi phán đoán, họ sẽ giúp tôi chỉ ra vấn đề của mình một cách khách quan nhất. Nhưng khi thực sự gặp chuyện khó khăn, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu 2% gì đó khi chỉ ngồi nghe những lời khuyên lý tính. Có thể vì khi gặp khó khăn, thay vì nghe những lời khuyên đúng đắn, tôi chỉ muốn có ai đó lắng nghe và hiểu cho tâm trạng của mình mà thôi.

(2) […] Chỉ cần có ai đó, như một tấm gương soi tỏ, thấu hiểu những gì đang khiến ta mệt mỏi là đủ để đem tới cho ta nguồn an ủi to lớn rồi. Không những thế, những đau khổ ta đang chịu đựng cũng bỗng trở nên ý nghĩa hơn. Nếu người đang lắng nghe ta nói rằng họ đã từng gặp chuyện mà ta tưởng chỉ riêng mình gặp phải, ta sẽ cảm thấy rằng đó là chuyện có thể xảy đến với bất kỳ ai và nhờ thế dễ dàng tiếp nhận hoàn cảnh hiện tại hơn. Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành.

(3) Là một nhà sư đồng thời là một học giả, đã không ít lần tôi giảng Pháp môn và những chủ đề khác trước nhiều người. Nhiều lúc tôi gặp những thính giả vui vẻ cười đáp lại chuyện đùa nhạt nhẽo của mình hoặc có những phản ứng khiến tôi hứng thú trong suốt buổi giảng, ngược lại cũng đôi khi tôi gặp những thính giả cứng nhắc, khiến bầu không khí chùng xuống. Dù nói cùng một nội dung, nếu không có phản ứng từ người nghe, người nói sẽ cảm thấy mất sức hơn bình thường gấp hai ba lần. Nhờ có những người chăm chú lắng nghe ta nói như nghe tiếng nước bình đạm chảy mà câu chuyện của ta sẽ trở nên thông suốt và bầu không khí cũng vui vẻ hơn. Ngược lại nếu đối phương chỉ như một bức tường im lìm không phản ứng gì, lời ta nói sẽ trở nên vô nghĩa, và chính bản thân ta cũng bắt đầu thu mình lại. Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.

(4) Đã từng có lúc tôi thắc mắc không hiểu tại sao người ta sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Kakao Story… bất kể ngày đêm như thế. Tôi đã không thể hiểu được lý do tại sao dù không ai bắt ép nhưng mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, những việc mình làm trong ngày với cả thế gian. Có lẽ vì chúng ta vẫn hằng mong sẽ có ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình. Phải như vậy ta mới cảm thấy hành động của mình có ý nghĩa và sự tồn tại của mình có giá trị. Cảm giác mệt mỏi vì phải sống từng ngày từng ngày không chút ý nghĩa, như phải đứng trên một sân khấu không khán giả không ai quan tâm, cũng sẽ được xóa nhòa.

(5) Hãy nhìn xung quanh xem có người thân hay bạn bè nào của bạn đang gặp khó khăn hay không. Cho dù bạn không biết cách giải quyết những vấn đề của họ đi chăng nữa, họ cũng sẽ rất biết ơn nếu bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của họ đấy.

(Trích Yêu những điều không hoàn hảo, Hae Min, trang 110 – 113,

NXB Thế Giới, 2022)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Xác định luận đề của văn bản trên.

Câu 2: Xác định câu nêu luận điểm ở đoạn văn (2)

Câu 3: Ở đoạn văn (4) để tăng tính thuyết phục cho văn bản, tác giả đã đưa ra lí lẽ và bằng chứng và những yếu tố bổ trợ nào?

Câu 4: Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì?

Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau:“Nhờ có những người chăm chú lắng nghe ta nói như nghe tiếng nước bình đạm chảy mà câu chuyện của ta sẽ trở nên thông suốt và bầu không khí cũng vui vẻ hơn.”

Câu 6. Việc tác giả kể câu chuyện đi giảng Pháp môn trong đoạn (3) có tác dụng gì?

Câu 7: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.” của tác giả không? Vì sao?

Câu 8: Hãy chia sẻ một thông điệp sâu sắc mà anh/chị, rút ra cho bản thân từ văn bản trên.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn bàn luận vấn đề sau: Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân?

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Luận đề của văn bản: Lắng nghe là một biểu hiện của tình yêu thương 0.5
2 Câu nêu luận điểm ở đoạn văn (2): Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành. 0.5
3  Ở đoạn văn (4) để tăng tính thuyết phục cho văn bản, tác giả đã sử dụng:

+ Lí lẽ: Tôi đã không thể hiểu được lý do tại sao dù không ai bắt ép nhưng mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, những việc mình làm trong ngày với cả thế gian. Có lẽ vì chúng ta vẫn hằng mong sẽ có ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình…

+Bằng chứng: Cảm giác mệt mỏi vì phải sống từng ngày từng ngày không chút ý nghĩa, như phải đứng trên một sân khấu không khán giả không ai quan tâm, cũng sẽ được xóa nhòa.

+Yếu tố bổ trợ: biểu cảm

0.5
4 Văn bản trên được viết nhằm mục đích: Thuyết phục người đọc rằng lắng nghe chính là đồng cảm, là cách bộc lộ sự quan tâm, là tình yêu thương cụ thể nhất. 0.5
5 – Biện pháp nghệ thuật; so sánh

-Tác dụng: Nhấn mạnh vai trò của việc chú ý lắng nghe; làm cho câu văn rõ ràng, sinh động, hấp dẫn.

1.0
6 Việc tác giả kể câu chuyện đi giảng Pháp môn trong đoạn số 3 có tác dụng:

– Là bằng chứng minh hoạ cho tác động tích cực của việc được người khác lắng nghe khi chúng ta nói.

– Giúp tăng tính biểu cảm cho văn bản nghị luận thông qua những trải nghiệm chân thực, đời thường của người viết.

1.0
 

7

– HS nêu được quan điểm, ý kiến cá nhân: đồng ý/không đồng ý/đồng ý 1 phần

-Giải thích lí do:

+ cắt nghĩa các từ khoá để lí giải ý của tác giả.

+ đưa ra lí giải của mình dựa trên ý của tác giả (lí do để đồng tình/lí do phản đối)

+ có thể lấy 1 ví dụ để chứng minh trong 1 -2 dòng (ko viết quá dài, lan man).

1.0
 

 

8

 

Yêu cầu:

1.HS nêu thông điệp thân rút ra từ bài viết

HS có thể nêu 1 trong số các ý sau:

+ Trân trọng những người lắng nghe mình

+ Học cách lắng nghe người khác với thái độ kiên nhẫn, không phán xét

+ Xây dựng cho bản thân những mối kết nối tích cực, có sự lắng nghe và thấu hiểu, chấp nhận lẫn nhau…)

2. Lí giải/giải thích vì sao thông điệp đó có ý nghĩa đối với bản thân.

1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận có 3 phần: MB-TB-KB 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

   Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân?

0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân?

2. Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– Giải thích:

+ Tiếp thu: là tiếp nhận và biến thành nhận thức của mình

+ Tính tự chủ: là khả năng tự bản thân mình sẽ đưa ra quyết định xuất phát từ chính bản thân mà không chịu sự tác động hay ép buộc của bất kỳ ai.

– Việc tiếp thu ý kiến người khác và việc khẳng định tính tự chủ của bản thân, từ đó đòi hỏi 1 quan điểm đúng đắn.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Việc tiếp thu ý kiến người khác đem lại rất nhiều lợi ích như: Giúp có cái nhìn, cách nhận xét đánh giá khách quan, toàn diện hơn; Giúp thấu hiểu và tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp…

– Việc khẳng định tính tự chủ của bản thân cũng mang lại nhiều điều tích cực như: Giúp con người làm chủ bản thân, bình tĩnh, tự tin trong mọi hoàn cảnh, không bị lôi kéo trước các áp lực,…

– Cả 2 điều đều quan trọng để hoàn thiện nhân cách cá nhân, xã hội, tạo nên những giá trị to lớn trong cuộc sống, văn hóa. Việc tiếp thu ý kiến của người khác không hề mẫu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân. Lắng nghe người khác cũng chính là lắng nghe bản thân mình.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chỉ biết mỗi mình là đúng, không chịu lắng nghe, học hỏi; cũng có những người không có ý thức tự chủ bản thân, chỉ biết chờ đợi, dựa dẫm vào người khác

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Ý kiến trên đã giúp mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ có cái nhìn đầy đủ, không phiến diện về vai trò của việc tiếp thu ý kiến người khác cũng như việc khẳng định tính tự chủ của mình.

– Đề xuất giải pháp lan tỏa ý nghĩa tích cực của vấn đề; Sự tác động của vấn đề về nhận thức, hành động của mỗi cá nhân.

+ Tự giác gánh vác trách nhiệm

+ Chấp nhận sự sáng tạo và những ý kiến mới mẻ

+ Không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn

+ Biết lắng nghe, học hỏi với tinh thần cầu thị

3. Kết bài:  Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Hãy sống tích cực, biết lắng nghe ý kiến của người khác một cách có chọn lọc, đồng thời là lắng nghe bản thân, có chính kiến để sau này ta không phải hối tiếc.

 

 

2.5

 

 

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,25
Tổng điểm 10.0

LÀM VĂN

Bài viết tham khảo

 

Cuộc sống là sự kết hợp của những mảnh ghép muôn màu. Có rực rỡ, cũng có trầm lặng. Có sôi nổi cũng có nhạt nhòa. Có cái tôi riêng bên cạnh cái chung tập thể. Mỗi cá nhân đều mang một sứ mệnh riêng, và mảnh ghép nào cũng đáng trân trọng. Nhưng vẫn có những vấn đề tưởng như đối lập buộc ta phải suy nghĩ và có chính kiến của mình. Ví dụ như việc tiếp thu ý kiến của người khác liệu có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân?

Vậy thế nào là tiếp thu ý kiến người khác? Đó là quá trình tiếp nhận những lời nói, ý kiến của người khác một cách tích cực, biến nó thành nhận thức của mình.  Còn tính tự chủ là khả năng tự bản thân mình sẽ đưa ra quyết định xuất phát từ chính bản thân mà không chịu sự tác động hay ép buộc của bất kỳ ai. Bởi vậy, ta có thể hiểu vấn đề cần bàn luận ở đây là hai vấn đề có nội hàm trái chiều cần phải suy nghĩ: việc tiếp thu ý kiến người khác và việc khẳng định tính tự chủ của bản thân có mâu thuẫn không, từ đó đòi hỏi 1 quan điểm đúng đắn.

Không thể phủ nhận rằng, việc tiếp thu ý kiến người khác đem lại rất nhiều lợi ích. Biết tiếp thu ý kiến người khác giúp cho ta có cái nhìn, cách nhận xét đánh giá khách quan, toàn diện hơn, giúp thấu hiểu và tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp. Nếu mình biết lắng nghe, biết thấu hiểu sẽ giúp con người có được lòng tin, thiện cảm từ mọi người xung quanh, giúp xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp. Song, giá trị của việc biết tự khẳng định tính tự chủ của bản thân cũng không kém phần quan trọng: Giúp con người làm chủ bản thân, bình tĩnh, tự tin trong mọi hoàn cảnh, không bị lôi kéo trước các áp lực, xây dựng hình ảnh bản thân trở nên tự tin, độc lập, tự chủ, có chính kiến hơn trong mắt mọi người xunh quanh. Cả 2 điều đều quan trọng để hoàn thiện nhân cách cá nhân, xã hội, tạo nên những giá trị to lớn trong cuộc sống. Bởi vậy có thể nói, việc tiếp thu ý kiến của người khác không hề mẫu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân. Lắng nghe người khác cũng chính là lắng nghe bản thân mình.

Việc lắng nghe ý kiến người khác và khẳng định tính tự chủ của bản thân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Đối với thế hệ trẻ, việc này giúp có cái nhìn đầy đủ, không phiến diện về vai trò của việc tiếp thu ý kiến người khác cũng như việc khẳng định tính tự chủ của mình. Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên – người từng vượt qua những thất bại và định kiến trong quá khứ, trở thành biểu tượng sắc đẹp và lòng nhân ái được hàng triệu bạn trẻ ngưỡng mộ, đã chia sẻ: “Mỗi người trong chúng ta đều là một cá thể duy nhất và hữu ích theo những cách rất riêng. Vì vậy, đừng cố gắng ép bản thân trở thành những phiên bản mà bạn thấy không thoải mái. Những khiếm khuyết rồi sẽ khiến bạn trở nên hoàn hảo hơn. Những lời chỉ trích, đánh giá sẽ không khơi gợi được những điều tốt đẹp bên trong bạn. Bạn là phiên bản duy nhất của chính mình trên thế giới này, đừng thay đổi hãy chứng minh điều đó”. Mỗi một con người được sinh ra đều mang trong mình những giá trị nhất định, tiếp thu ý kiến của người khác một cách có chọn lọc, nhưng vẫn có chính kiến của bản thân sẽ giúp con người ngày càng hoàn thiện, xã hội ngày càng trở nên phồn vinh, phát triển.

Ấy vậy mà trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chỉ biết mỗi mình là đúng, không chịu lắng nghe, học hỏi. Họ trở nên lạc lõng, xấu xí trong mắt mọi người. Lại cũng có những người không có ý thức tự chủ bản thân, chỉ biết chờ đợi, dựa dẫm vào người khác. Những con người sống như vậy chẳng khác gì cái lon rỗng, chỉ biết chăm chăm làm theo ý kiến của người khác, khiến bản thân trở nên nhu nhược, đánh mất bản thân.

Mỗi cá nhân đều có những đặc điểm tuyệt vời riêng. Đà điểu rất giỏi chạy nhanh còn đại bàng thì có khả năng bay cao. Không ai đánh giá cao đà điểu ở khả năng bay hay huấn luyện đại bàng để chạy nhanh cả. Vì vậy, hãy tự xây dựng giá trị cho bản thân, thể hiện cái tôi của mình, và lắng nghe ý kiến của người khác, tự giác gánh vác trách nhiệm, chấp nhận sự sáng tạo và những ý kiến mới mẻ, không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn, biết lắng nghe, học hỏi với tinh thần cầu thị. Để đạt được điều đó, cần một quá trình dài cố gắng và học hỏi.

Cuộc đời không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải quá phức tạp. Tất cả do suy nghĩ, nhận thức của chúng ta mà nên. Ai đó nói rằng: Hãy hiểu mình. Hãy cải thiện mình. Mục đích lớn nhất của chúng ta trong dòng thời gian là cần nuôi dưỡng bên trong mình tất cả những gì tốt đẹp, kết hợp với việc học hỏi không ngừng từ bên ngoài, để chúng ta có thể mạnh mẽ tiến về phía trước. Hãy sống tích cực, biết lắng nghe ý kiến của người khác một cách có chọn lọc, đồng thời là lắng nghe bản thân, có chính kiến để sau này ta không phải nói hai từ “giá như”.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *