Viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề: Tôi – chúng ta.

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

  1. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1)Cuộc đời này luôn có vui, có buồn, như cái áo luôn có mặt trái, mặt phải. Làm sao như chiếc áo may cho trẻ con, mặt phải rất đẹp nhưng mặt trái cũng được may rất tinh tế, khéo léo. Để làn da trẻ con nhạy cảm không đau khi tiếp xúc những đường gân áo (vì thế mà quần áo trẻ con ở nước ngoài luôn đắt hơn quần áo người lớn). Làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hoá một ngôi làng nhưng lại không ung thư hoá dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau, đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết. Làm sao để sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy nhưng không mang nỗi buồn cho người cầm cuốc, cầm cày.

(2)Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế  khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng. Mình không chỉ lo cho được việc riêng mình mặc ai kia khổ sở. Tôi có đọc một truyện ngắn của Tổng Thư kí tòa soạn Sinh viên Việt Nam – Hoa Học Trò mang tên “Huyền thoại phần mía ngọn”. Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời: khi nào em biết nhận phần mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga.

(3)Không ai muốn làm người xấu xí. Có phải vì thế mà ngày mùa người dân nghèo quê tôi có thể sống ấm bằng nghề mót lúa. Có phải vì thế mà mỗi khi thu hoạch khoai lang, mẹ tôi để lại nhiều củ khoai nhỏ không vặt hết, để rồi chiều tối có đám trẻ con làng bên qua vặt lại. Những đứa trẻ con sau cơn mưa cứ nhìn những chồi non nhú lên ngọn khoai là biết ngay dưới lớp đất mỏng có những củ khoai sót mẹ tôi cố tình để lại…

(Trích “Huyền thoại phần mía ngọn”, theo Yêu xứ sở, thương đồng bào, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016 )

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.

Câu 2. Trong đoạn (2) tác giả lấy dẫn chứng gì đề chứng minh  ?

Câu 3. Xác định luận điểm của đoạn văn (1)

Câu 4. Việc lặp lại cum từ “làm sao để” và phép điệp trong đoạn (1) có tác dụng như thế nào trong việc lập luận ?

Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của yếu tố tự sự trong đoạn văn (3) của văn bản trên.

Câu 6. Tác giả thể hiện quan điểm gì của mình qua văn bản ?

Câu 7. Vấn đề tác giả đặt ra trong câu: “… khi nào em biết nhận phần mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga” đem đến cho anh/chị bài học gì?

Câu 8. Câu nói “Cuộc đời này luôn có vui, có buồn” ợi cho em nhận thức được điều gì về cuộc sống ?

  1. VIẾT ( 4,0 điểm )

Anh/chị hãy viết một bài văn  trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề: Tôi – chúng ta.

———————————Hết—————————–

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  .

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I.Đọc hiểu   Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu: 6,0
Câu 1. Cuộc sống luôn tồn tại nhiều mặt, yếu tố quan trọng nhất để làm nên vẻ đẹp tâm hồn là lòng vị tha, biết sống vì người khác.  0,5
Câu 2. Tríc dẫn về truyện ngắn mang tên “Huyền thoại phần mía ngọn”.  0,5
Câu 3. Quy luật của cuộc sống luôn tồn tại nhiều mặt.  0,5
Câu 4. +) Điệp ngữ: “Làm sao để”

Tác dụng: Nhấn mạnh, xoáy sâu vào vấn đề được nói đến, biểu đạt cảm xúc day dứt, trăn trở của tác giả; tạo sự chặt chẽ trong lập luận, tăng sức thuyết phục cho người đọc, người nghe.

+) Đối: “công nghiệp hoá một ngôi làng – ung thư hoá dân làng”, “tăng lợi nhuận đầu tư – đổ chất thải ám hại môi trường sống”,  “tăng trưởng, giàu có hơn- bức tử nguồn nước cho mai sau”, “ sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy – mang nỗi buồn cho người cầm cuốc, cầm cày”…

Tác dụng: làm nổi rõ sự đối lập lợi ích của người này không là lợi ích của người kia; tạo sự chặt chẽ trong lập luận, tăng sức thuyết phục cho người đọc, người nghe.

 1.0
Câu 5 -Yếu tố tự sự: tác giả kể lại câu chuyện: mỗi khi thu hoạch khoai lang, mẹ tôi để lại nhiều củ khoai nhỏ không vặt hết…

-Tác dụng: Câu chuyện của tác giả đã đưa ra để chứng minh luận điểm: Không ai muốn làm người xấu xí, bản chất của con người là lương thiện tốt đẹp. Từ đó lập luận thuyết phục, truyền cảm.

 1.0
  Câu 6 Không đồng tình với lối sống ích kỉ, vô cảm, Nhấn mạnh về sự cần thiết phải sống vì người khác, vị tha…  1,0
  Câu 7 Bài học: khi con người biết sống vị tha, hi sinh vì người khác khi đó chúng ta thực sự trưởng thành, mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng.  1.0
  Câu 8 Cuộc sống luôn tồn tại nhiều mặt, có khi đối lập nhau. Chúng ta phải luôn có cái nhìn đa chiều và xác định thái độ sống phù hợp. 0.5
II. Làm văn    Anh/chị hãy viết một bài văn  trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề: “Tôi – chúng ta”.  4.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Chủ đề:“Tôi và chúng ta” (mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng)

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

2,5
I.MB: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận: Mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng.

II. TB.

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

Giải thích: 

– Tôi: Là cá nhân mỗi người với tư cách là một cá thể độc lập.

– Chúng ta: Là tập thể, cộng đồng, xã hội.

=>Tôi – chúng ta: Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng đó là quan hệ tất yếu luôn tồn tại trong cuộc sống.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

Bàn luận:

-Tôi:  Mỗi người trong cuộc đời là một cá thể riêng biệt, độc lập với cuộc sống, cá tính, năng lực, sở thích… riêng, không ai giống ai. Họ có quyền sống, theo đuổi đam mề, chọn cho mình con đường đi, thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của riêng mình. Sự hiện diện của mỗi cá nhân là một chủ thể đầy ý nghĩa.Ý thức được vai trò của cái tôi cá nhân chính là động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên khẳng định mình.

-Chúng ta:  Mặc dù rất độc lập nhưng con người không phải là những cá thể đơn lẻ mà luôn tồn tại trong mối quan hệ với cộng đồng. Con người là tổng hoà của các mối quan hệ tương tác đa chiều, mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội.

– MQH: Không hoà nhập với cộng đồng, sự tồn tại của mỗi cá nhân sẽ vô cùng đơn điệu, tẻ nhạt. Chỉ khi kết nối, gắn bó với mọi người, với xã hội thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới thực sự có ý nghĩa, mới có cơ hội để hợp tác và phát triển.

– Sự gắn bó, hoà nhập, đồng cảm, sẻ chia giữa các cá nhân sẽ làm cho cuộc sống ấm áp hơn, xã hội nhân văn hơn, sức mạnh cộng đồng tăng lên gấp bội. Ngược lại, cộng đồng luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát triển, khẳng định mình.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Phê phán:

+) Lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi.

+) Những người không có ý thức về cái tôi cá nhân, sống mờ nhạt, a dua theo đám đông.

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Bài học:

 Ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân tích cực để vươn lên và toả sáng.

– Hoà nhập, gắn bó với cộng đồng để cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

3. Kết bài:  Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Bài viết tham khảo

 

Ai đó đã từng dạy “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi” . Để tạo nên biển cả phải là sự tổng hòa của những giọt nước bé nhỏ kia. Cũng như vậy con người không thể sống biệt lập nếu tách rời với cộng đồng xã hội. Vì vậy mối quan hệ giữa tôi và chúng ta cần được thiết lập và xây dựng trong mọi thời đại.

Vậy tôi và chúng ta được hiểu như thế nào? Tôi là cá nhân mỗi người với tư cách là một cá thể độc lập còn chúng ta là tập thể, cộng đồng, xã hội nơi tôi đang sống. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng đó là quan hệ tất yếu luôn tồn tại trong cuộc sống.

Mỗi người tồn tại trong cuộc đời là một cá thể riêng biệt, độc lập  có đời sống, cá tính, năng lực, sở thích… riêng, không ai giống ai. Họ có quyền sống, theo đuổi đam mê, chọn cho mình con đường đi, thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của riêng mình. Sự hiện diện của mỗi cá nhân là một chủ thể đầy ý nghĩa.Ý thức được vai trò của cái tôi cá nhân chính là động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên khẳng định mình, không hòa lẫn với người khác, không bị lãng quên, không trở nên nhỏ bé. Tuy vậy con người không phải là những cá thể đơn lẻ mà luôn tồn tại trong mối quan hệ với cộng đồng. Con người là tổng hoà của các mối quan hệ tương tác đa chiều, mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội. Không hoà nhập với cộng đồng, sự tồn tại của mỗi cá nhân sẽ vô cùng đơn điệu, tẻ nhạt. Chỉ khi kết nối, gắn bó với mọi người, với xã hội thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới thực sự có ý nghĩa, mới có cơ hội để hợp tác và phát triển. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có thể nói, sức mạnh tập thể chính là chiếc chìa khóa vạn năng để chinh phục mọi khó khăn trong cuộc sống. Để tạo nên sức mạnh tập thể thì cần có sự đồng hành của mỗi cá nhân. Mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là sự gắn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những cá nhân để cùng hoàn thành một sứ mệnh chung, hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội. Khi ta biết sẻ chia, biết yêu thương quan tâm đến mọi người, biết nghĩ và sống cho người khác thì cuộc sống sẻ trở nên ấm áp, tốt đẹp hơn. Ngược lại, cộng đồng luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát triển, khẳng định mình. Một chiếc lá không thể dệt thành cánh rừng, một vì sao trơ trọi chẳng đủ sức toả sáng giữa trời đêm u tối, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân.Nhưng rừng cây không thể thiếu lá, đêm sáng không thể thiếu những vì sao, và mùa xuân sẻ chẳng tươi vui nếu thiếu đi cánh én. Con người, ai mà chẳng khát khao làm nên những điều tốt đẹp, nhưng điều quan trọng là bạn không thể làm một mình bởi cuộc sống đẹp hơn khi ta biết cho đi và khi ta biết cùng nhau hợp tác, phát triển. Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, ta thấy rằng để có thể dệt nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc là vì sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, của muôn triệu đồng bào yêu nước, là sự cống hiến hi sinh không mệt mỏi của biết bao người. Một tập thể lớp sẻ không vững mạnh nếu thiếu đi những cá nhân xuất sắc, nhưng họ không thể xuất sắc nếu không có môi trường tốt để họ phát triển mình.

Một hạt cát bé nhỏ thật nhưng nếu không có những hạt cát kia thì làm gì sa mạc mênh mông đến vậy. Một giọt nước không là gì nhưng biển làm sao bao la khi không còn những giọt nước ấy. Vì vậy, ta có thể thấy cá nhân là một nhân tố quan trọng, là cơ sở để hình thành nên cộng đồng tập thể. Để những cá nhân có thể đóng góp sức mình vào phần chung to lớn, chúng ta không được quyền quên đi những đóng góp của họ. Vì biết đâu nỗi buồn bị lãng quên sẽ làm giảm đi nhiệt huyết trao tặng của họ, dù cho những đóng góp kia cho đi không phải mục đích là được nhận về.

Chúng ta cũng đừng chỉ biết hưởng thụ những đóng góp của người khác mà làm mờ nhạt đi vai trò của mình, làm mình trở thành gánh nặng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ tất cả mọi thứ lớn lao đều được hình thành từ những gì bé nhỏ nhất.Ta và tôi, cá nhân và cộng đồng… tất cả đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa những điều bé nhỏ và những thứ lớn lao trong cuộc sống.

Tố Hữu đã từng viết:

Nếu là con chim chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả?

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Lời thơ giản dị, mượt mà, êm đềm nhưng ẩn chứa trong nó là bài học lớn lao, giúp ta nhận thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống, dạy ta biết đóng góp, biết cho đi tạo nên những bông hoa, những bài ca, những mùa xuân rực rỡ cho đời, người và cho cả chính chúng ta.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *