NLXH sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

      (1)Lớp học của bạn có 30 người, thành tích của bạn tốt nhất, do đó nhiều người cho rằng bạn là người xuất sắc nhất bởi vì bạn đã vượt qua 29 người khác, trong 5 người cùng bạn được nhận vào làm việc, bạn thể hiện tốt nhất, vì thế bạn bắt đầu cho rằng mình xuất sắc nhất bởi vì bạn đã vượt qua 4 người khác. Nhưng bạn có thực sự là người xuất sắc nhất? Trong vòng tròn nhỏ hẹp của bạn, có thể bạn thể hiện xuất sắc nhất, nhưng đó cũng chỉ là khung trời hạn hẹp nơi bạn sống…

     (2)Theo tôi thấy, một người xuất sắc chính là khi cố gắng hết mình khai phá tiềm năng bản thân, không bao giờ vội hài lòng với những thành tựa đã có, ánh mắt luôn hướng về giấc mơ và mục tiêu của mình. Ta xuất sắc nhất không phải khi so sánh với người khác, mà chính là khi nỗ lực trở thành xuất sắc nhất, không khi nào thấy mình xuất chúng trong quá trình phấn đấu.

     (3)Tôi chắc rằng, rất nhiều người trong các bạn đều ấp ủ những giấc mơ vĩ đại, một số người trong các bạn sẽ thực sự là người có ảnh hưởng trong thế giới này. Chỉ khi các bạn đặt chân lên cuộc hành trình này, tôi muốn nói với các bạn rằng, bất kể giấc mơ có lớn tới đâu, bạn bắt đầu thực hiện từ bản thân mình, bắt đầu từ việc khiến bản thân mình trở thành người xuất sắc nhất mà bản thân có thể…

     (4)Đừng cho rằng việc thay đổi bản thân là điều dễ dàng, đừng quên chúng ta đang nhấn mạnh tới “trở nên xuất sắc mà bản thân có thể” Điều đó có nghĩa bạn đừng bảo thủ, mà trên cơ sở không ngừng tiến thủ, tiến bộ từng chút một, từ đó hoàn thiện bản thân.

     (5)Tôi có một người bạn, cậu ấy có một thói quen mà người khác thấy rằng rất cổ quái, đó là thích đưa con mình tới dự các buổi tang lễ. Tôi từng hỏi tại sao cậu ấy làm vậy, câu trả lời của cậu ta là: “ Tôi muốn con tôi lắng nghe, sau khi chúng ta chết đi, người khác sẽ phán xét cuộc đời chúng ta như thế nào. Tôi muốn con mình bắt buộc phải suy nghĩ, bản thân muốn cuộc đời như thế nào, làm thế nào mới khiến bản thân mình có cuộc đời rực rỡ, trở thành người tốt nhất”

     (6)Cách làm của cậu ấy không hề khó hiểu, mặc dù phần lớn chúng ta không làm như vậy. Có điều, không biết có phải từ nhỏ không có người cha dạy cho chúng ta những bài học như vậy hay không, mà nhiều người không thể hiểu được điểm này: Trong cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta luôn luôn phải dựa vào hoàn cảnh và địa vị của mình để xây dựng bản thân tốt nhất.      

(Trích Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực, Vĩ Nhân, NXB Văn học )

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 3.  Xác định luận điểm trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 4. Theo tác giả, “một người xuất sắc” có những biểu hiện gì? (0.5 điểm)

Câu 5. Em hiểu thế nào là người biết thay đổi bản thân. Thái độ, tình cảm của tác giả đối với người biết thay đổi bản thân trong đoạn trích? (1.0 điểm)

Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong ngữ liệu sau: (1.0 điểm)

Đừng cho rằng việc thay đổi bản thân là điều dễ dàng, đừng quên chúng ta đang nhấn mạnh tới “trở nên xuất sắc mà bản thân có thể” Điều đó có nghĩa bạn đừng bảo thủ, mà trên cơ sở không ngừng tiến thủ, tiến bộ từng chút một, từ đó hoàn thiện bản thân.

Câu 7. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến được nêu trong văn bản Trong cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta luôn luôn phải dựa vào hoàn cảnh và địa vị của mình để xây dựng bản thân tốt nhất.”? (1,0)

Câu 8. Lời khuyên: “Trong vòng tròn nhỏ hẹp của bạn, có thể bạn thể hiện xuất sắc nhất, nhưng đó cũng chỉ là khung trời hạn hẹp nơi bạn sống…” có ý nghĩa như thế nào với anh /chị? (1,0)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống.

HƯỚNG DẪN CHẤM

                                               

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 6.0
1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm

0.5
2 Nội dung chính của văn bản: Quan niệm về người xuất sắc và khẳng định sự cần thiết phải thay đổi bản.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh được trả lời được ½ đáp án: 0,25 điểm

0,5
3 Luận điểm –lí lẽ-bằng chứng trong văn bản:

– Luận điểm 1: Quan niệm về người xuất sắc

– Luận điểm 2: Thay đổi để trở thành người xuất sắc

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh được trả lời được ½ đáp án: 0,25 điểm

0,5
4 Theo tác giả “một người xuất sắc” có những biểu hiện:

–         Cố gắng hết mình khai phá tiềm năng bản thân,

–         Không bao giờ vội hài lòng với những thành tựa đang có

–         Ánh mắt luôn hướng về giấc mơ và mục tiêu của mình

ớng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý như đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm

0.5

 

5 -Người biết thay đổi bản thân:

+ Biết thay đổi bản thân cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh…

+ Biết phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu của bản thân…

-Thái độ, tình cảm của tác giả đối với người biết thay đổi bản thân trong đoạn trích: Trân trọng, khuyến khích, động viên…

ớng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý:  0,5 điểm

Học sinh trả lời chung chung nhưng có hướng vào nội dung yêu cầu  0,25điểm

1.0
6 Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong ngữ liệu:

-Biện pháp tu từ : Điệp từ “Đừng”

– Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu hài hòa cho lời văn

+ Nhấn mạnh và khuyên nhủ mọi người cần thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn chính mình

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý:  0,5 điểm

 

1.0
7 Hiểu câu vănTrong cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta luôn luôn phải dựa vào hoàn cảnh và địa vị của mình để xây dựng bản thân tốt nhất.”:

–         Chúng ta phải biết dựa vào từng hoàn cảnh và vị trí,  nghề nghiệp … cụ thể để phát huy tốt nhất giá trị của bản thân

–         Đây là lời khuyên bổ ích, giúp chúng ta phát huy tối đa thế mạnh để khẳng định giá trị bản thân

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý:  0,5 điểm

Học sinh trả lời chung chung nhưng có hướng vào nội dung yêu cầu : 0,25điểm

1.0

 

 

8 Lời khuyên: “Trong vòng tròn nhỏ hẹp của bạn, có thể bạn thể hiện xuất sắc nhất, nhưng đó cũng chỉ là khung trời hạn hẹp nơi bạn sống…” có ý nghĩa :

-Giúp chúng ta nhận ra :

+ Chúng ta dù xuất sắc đến đâu thì điều ta biết cũng chỉ là một phần trong cuộc sống bao la…

+ Chúng ta luôn biết khiêm nhường, học hỏi không ngừng…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc có ý tương đương: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

Học sinh trả lời chung chung nhưng có hướng vào nội dung yêu cầu  0,25điểm

1,0

 

 

 

 

II   Làm văn 4.0
1 Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống.  
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: Sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống.

0.25

 

 

0.5

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống.Có thể triển khai theo hướng sau:

1. Mở bài: Giới thiệu về sự cần thiết phải thay đổi bản thân trong cuộc sống.

2. Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

-Thay đổi bản thân: không ngừng học hỏi, cải thiện hoàn thiện bản thân từng ngày.

-Thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để trở nên có ích hơn cho xã hội và hoàn thiện chính mình hơn.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

-Sự cần thiết phải thay đổi bản thân:

+ Xã hội ngày càng phát triển, con người chúng ta cần thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh.

+ Bản thân và môi trường học tập làm việc thay đổi

– Dẫn chứng: Học lựa chọn dẫn chứng phù hợp

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Phê phán những người bảo thủ không chịu thay đổi bản thân

– Điều chỉnh những suy nghĩ sai lệch về thay đổi bản thân

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Việc thay đổi bản thân làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng.

-Người biết thay đổi bản thân: không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Biết nhìn nhận lỗi sai, sống có đam mê

– Tác động đến xã hội

3. Kết bài:  Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

+ Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (2,5 điểm).

+ Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (2,0 điểm – 1,0 điểm).

           + Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiểt với vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,75 –0,25 điểm).

2.5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có tư duy phản biện về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận vấn đề;có cách nhìn riêng, mới mẻ, đa chiều về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh...

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm.

0,5

 

Bài viết tham khảo

Linh mục của giáo hội Anh John Henry Newman đã từng suy ngẫm sâu sắc rằng: “Phát triển là bằng chứng duy nhất của sự sống”. Con người trên cõi đời này đều tôn sùng quan niệm về sự phát triển và những đổi thay. Có rất nhiều người trăn trở về chính mình, về những tồn tại, về những thay đổi phát triển trong cuộc đời. Có chăng, sự thay đổi bản thân trong cuộc sống là một điều vô cùng cần thiết? Hãy cùng nghiền ngẫm và lý giải.

Là một cây bút tài ba, cha đẻ của nhiều đầu sách phát triển bản thân nổi tiếng, hơn ai hết, tác giả Vĩ Nhân cùng với trải nghiệm và sự hiểu biết của mình đã đúc kết một góc nhìn vô cùng mới mẻ và đúng đắn về sự thay đổi bản thân trong cuộc sống. Vậy “thay đổi bản thân” là gì? Đó là quá trình chủ động tập trung vào việc cải thiện bản thân bằng việc thay đổi tư duy, lối sống, thái độ và hành vi của mình trước cuộc đời. Không ngừng học hỏi, cải thiện, hoàn thiện bản thân từng ngày và không ngừng theo đuổi những ước mơ hoài bão. Thay đổi bản thân theo hướng tích cực để trở nên có ích cho xã hội và hoàn thiện chính mình. Như vậy, sự thay đổi bản thân không đơn giản chỉ là một tư tưởng mà là sự đúc kết qua quy luật vận động của cuộc đời cũng là một thành tố quan trọng, cần thiết cho mọi hành trình sống của con người.

Vì sao chúng ta cần phải thay đổi bản thân? Như một quy luật bất biến, sự thay đổi để phát triển là “long mạch” của cuộc sống mà bất kì giống loài hay sự hiện sinh nào cũng phải trải qua. Cuộc sống chúng ta đang vận hành cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Điều đó tạo nên một áp lực vô hình đè nén lên con người chúng ta, đòi hỏi ở mỗi người sự thay đổi, phát triển và không ngừng tiến tới để phù hợp với hoàn cảnh, bắt kịp với thời đại. Và hãy thử nghĩ rằng, liệu cuộc đời này có êm dịu để mãi dập dìu chúng ta đứng đó, cho chúng ta mãi là một đứa trẻ mới sinh ra chẳng hay gì về cuộc đời? Nhưng có sự ra đời nào mà không lớn lên? Có sự hiện hữu nào là bất biến cố hữu? Cùng với đó, sự thay đổi bản thân xuất phát từ mong cầu muốn phát triển, muốn hiểu biết ở mỗi người. Ai cũng muốn hướng đến điều tốt nhất, sự toàn diện. Ai cũng muốn mình tốt hơn, hoàn thiện hơn, vì thế, thay đổi luôn là bước đệm vững chắc cho hành trình chạm tay đến thành công, để thực hiện những ước mơ, hoài bão của chính mình. Như vậy, sự thay đổi đã và đang đóng một vai trò vô cùng lớn lao đối với sự vận động của tạo hóa và của mỗi cá nhân chúng ta.

Thay đổi là nguồn gốc cho mọi sự phát triển bởi như William James từng khẳng định: “Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi hệ niềm tin của mình”. Và chính sự thay đổi là những bước chân đầu tiên cho vạn dặm phát triển của chính mình. Thật vô lí khi nói rằng sự thay đổi khiến chúng ta là con người thật của mình. Nhưng quả không sai bởi hành trình thay đổi mở ra cho chúng ta không gian tự vấn và tự nhìn nhận chính mình, từ đó hiểu rõ bản thân muốn gì, định hướng bản thân theo con đường đúng đắn hơn. Thay đổi bản thân giúp rèn luyện sự tự tin. Khi mở rộng ranh giới cá nhân, ta có cơ hội đối mặt với những thử thách và vượt qua sự không chắc chắn. Điều này giúp tăng cường lòng tin vào bản thân. Bằng cách khám phá những ý tưởng mới, trải nghiệm mới và đôi khi chúng ta còn phải rời bỏ lớp áo cũ kĩ của chính mình, để thay đổi và làm mới bản thân, để ta có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó nhận thức được mở rộng, tư duy được nâng cao, trái tim được bồi đắp. Thay đổi bản thân cũng đồng nghĩa với việc thanh lọc cho tâm hồn mình. Chấp nhận thay đổi và quyết tâm thay đổi luôn là nguồn sinh lực vô hình để khai sinh ra những bản thể tốt đẹp nhất, hoàn thiện nhất mà chúng ta đã từng ước mơ trở thành. Sự thay đổi của một các nhân tạo nên một hiệu ứng cộng đồng rộng rãi, giúp những người xung quanh soi chiếu, nhìn nhận và học tập. Và cũng từ mỗi các nhân góp phần cho xã hội thay đổi, phát triển theo chiều hướng tích cưc, tiến bộ, văn minh hơn.

Thế giới này đang thay đổi nhanh chóng, điều đó phản ánh ở mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, họ đang thay đổi tư duy, chiến lược cuộc sống của mình. Tiêu biểu là ông hoàng công nghệ Mark Zuckerberg- cha đẻ của mạng xã hội Facebook với hàng tỉ lượt sử dụng.  Qua bao năm ông vẫn khẳng định vị thế hàng đầu của mình trên mặt trận công nghệ, nhưng điều đó không làm ông dừng lại. Khi thị hiếu người dùng luôn thay đổi và yêu cầu về cái mới không ngừng được nâng cao, với tầm nhìn và tư duy về sự thay đổi, phát triển, ông M. Zuckerberg không ngừng làm mới chính mình và “đứa con” của mình với những tư duy quảng cáo độc đáo, tính năng hiện đại, mới mẻ, những giao diện bắt mắt cùng những thông điệp ý nghĩa thu hút người dùng. Chính vì thế, qua hàng chục năng tồn tại trên thương trường công nghệ, Facebook vẫn đứng ở hàng đầu bảng xếp hạng mạng xã hội được yêu thích và sử dụng nhiều nhất mọi thời đại. Đó là kết quả của sự vận động, không ngừng thay đổi, phát triển. Có lẽ M. Zuckerberg đã cầm trong tay chiếc chìa khóa quan trong nhất để giữ vững vị thế của mình trong thời đại công nghệ 4.0 đầy biến động này.

Cuộc sống vẫn đang trôi qua, nhưng đâu đó một số kẻ đã bị bỏ lại phía sau với suy nghĩa rằng: “Cứ sống thôi, chẳng phải thay đổi”, đó là một điều vô cùng đáng trách vì chính cách nghĩ ấy đưa họ vào ngõ cụt cuộc đời. Tuy nhiên, thay đổi thôi chưa đủ, mà phải hiểu được cách thay đổi để sao cho trở nên tiến bộ tích cực, thay đổi phải tạo nên giá trị cho bản thân và xã hội, phải đặt lên trên cán cân của đạo đức. Hơn thế nữa, sự thay đổi không đơn thuần chỉ là những yếu tố bề mặt như ngoại hình, phong cách mà hơn hết đó là sự chuyển mình từ bên trong tư tưởng, trưởng thành trong cách nhìn nhận, đánh giá và thái độ sống của chính mình và người khác. Cùng với đó sự thay đổi phải xuất phát mạnh mẽ từ nội lực của chính mình, nếu thay đổi vì một ý kiến, một chuẩn mực hay phong trào nhất thời nào đó  một cách mù quán thì ta sẽ đánh mất chính mình, đặc biệt tromg xã hội ngày nay, sự thay đổi cần được định hướng rõ nét và thiết thực hơn.

Ai cũng đang đi tìm mục tiêu sống, giá trị sống, nhưng sẽ ít ai hiểu rằng “đời thay đổi nếu ta thay đổi”, thay đổi chính là mục tiêu , cũng chính là giá trị của hành trình sống. Như vậy từ cách lập luận và nhìn nhận của Vĩ Nhân, có thể khẳng định rằng sự thay đổi bản thân trong cuộc sống là một điều cần thiết để mỗi chúng ta tìm thấy được chính mình, để thấy bản thân có thể tỏa sáng như thế nào trong hàng vạn những ngôi sao đang ẩn hiện trên bầu trời kia.

Đứng trước điều này, tôi lại nhớ đến hành trình của những hạt cát. Chúng được gió đưa đi khắp nơi, bị sóng biển vồ vập, phải trải qua bao cuộc sàn lọc, nung nấu kĩ lưỡng, rồi thui rèn, gò ép mình trong những chiếc khuôn để rồi biến hóa thành những chiếc bình thủy tinh đầy nghệ thuật. Và tôi thấy chúng ta trong những hạt cát ấy, trải qua bao rèn luyện, bao cuộc thay đổi để bản thân là một phiên bản tốt đẹp nhất mà chúng ta luôn mong muốn trở thành. Vì thế hãy để bản thân ở ngày sau vọng về thức tỉnh bản thân ở hôm nay rằng: “ Sống là điều hiếm thấy nhất thế gian. Phần lớn người đời chỉ tồn tại”.

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *