NLXH coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

ĐỌC HIỂU.

Đọc đoạn trích:

(1)“…Trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc phải luôn suy nghĩ khác đi, sáng tạo hơn, thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ, không đắm chìm trong mớ kinh nghiệm đã tạo ra những thành công ngày hôm nay. Người ta hay nói rằng, tuổi trẻ là bồng bột, bởi tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì cả, luôn nghi ngờ mọi thứ – trừ khả năng của bản thân mình. Nhưng chính sự bồng bột, thiếu chín chắn lại là một loại năng lượng đặc biệt chỉ có duy nhất ở tuổi trẻ. Người giỏi, người nhiều kinh nghiệm thực ra lại đang sống trong một cái hộp có 6 tấm ngăn. Tấm ngăn dưới chân là tất cả dữ liệu mà họ có, tấm vách trên đầu là niềm tin, phía trước là những gì họ đã từng nhìn thấy, kinh nghiệm tạo ra tấm chắn phía sau, bên trái là tất cả những gì họ giả định, vách ngăn bên phải là tất cả hệ tri thức của họ. Tất cả những người giỏi, người nhiều kinh nghiệm, người đã có tuổi đều sống trong 6 vách ngăn ấy. Càng giỏi bao nhiêu thì các vách ngăn đấy càng cứng bấy nhiêu. Càng nhiều năm bao nhiêu thì các bức tường càng khó vỡ bấy nhiêu. Nhưng người trẻ thì lại không có các vách ngăn đó, họ không sống trong cái hộp 6 cạnh ấy. Không có cái hộp, không có bất kỳ một rào cản nào ngăn bước các bạn, các bạn sẽ nhìn thấy cả vũ trụ. Khi người trẻ tuổi nỗ lực hướng về một mục tiêu, đó là tư thế mạnh mẽ nhất, tươi đẹp nhất. Trên thế giới không tìm được điều gì đẹp đẽ hơn quá trình đấu tranh gian khổ của tuổi trẻ. Bởi vậy mà những người thông minh luôn ước mình được trẻ hơn. 

          (2) Trách nhiệm đó còn là việc phải luôn có ý thức học hỏi. Điều đó không chỉ ở việc học hỏi các kiến thức chuyên môn, không dừng ở việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ để có thể hoà nhập toàn cầu. Các bạn sẽ không né tránh những việc khó, không ngại thử sức với những việc mình chưa từng làm, không ngừng dấn thân để khám phá chính mình… Nó cũng không dừng ở việc chúng ta phải rèn thói quen đọc sách để tiếp thu tri thức mới của nhân loại. Mà nó còn có nghĩa là các bạn phải không ngừng cố gắng, phải quyết tâm và kiên nhẫn vượt qua khó khăn. Các bạn sẽ không né tránh những việc khó, không ngại thử sức với những việc mình chưa từng làm, không ngừng dấn thân để khám phá chính mình…

          (3) Trách nhiệm đó còn có nghĩa rằng bạn hãy tiếp tục dấn thân, chấp nhận rủi ro và không sợ việc khó. Đừng thất vọng nếu các bạn không giỏi ngay lập tức. Tất cả chúng ta, không ai có thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Hãy coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công. Chỉ dấn thân mới có thể làm nên những điều vĩ đại trong cuộc đời mình. Thực đơn hay thực khách? – Đó là tên một cuốn sách nói về lịch sử của Singapore. Quyết định trở thành một món nhắm trên bàn cho các cường quốc trên thế giới định đoạt số phận của mình hay là trở thành một người ngang hàng với họ, cùng bàn thảo những vấn đề trọng đại với họ. Đó hoàn toàn là quyền lựa chọn của một quốc gia nhỏ bé như Singapore. Và họ đã chọn mình là thực khách, để rồi chỉ sau 25 năm tách ra khỏi Malaysia, Singapore, từ một quốc đảo đã trở thành một quốc gia thịnh vượng. 

                  (Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel chia sẻ tại ĐH                Đoàn Thanh niên Cộng sản Viettel.)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Nêu hệ thống luận điểm trong văn bản.

Câu 2: Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 2.

Câu 3: Theo đoạn trích, sự khác biệt giữa người trẻ so với những người giỏi, người nhiều kinh nghiệm, người có tuổi là gì?

Câu 4. Anh/Chị hiểu như thế nào về trách nhiệm của người trẻ được nói đến trong đoạn trích?

Câu 5. Theo anh/chị, vì sao Khi người trẻ tuổi nỗ lực hướng về một mục tiêu, đó là tư thế mạnh mẽ nhất, tươi đẹp nhất?

Câu 6. Nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả trong đoạn trích trên.

Câu 7. Yếu tố bổ trợ được tác giả sử dụng trong văn bản là gì?

Câu 8.  Anh/chị hãy chia sẻ ngắn gọn về một thông điệp sâu sắc mà bạn rút ra cho bản thân sau khi đọc văn bản trên.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn bàn về suy nghĩ của tuổi trẻ cần “coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

Câu 1: Nêu hệ thống luận điểm trong văn bản

Trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc phải luôn suy nghĩ khác đi, sáng tạo hơn

Trách nhiệm đó còn là việc phải luôn có ý thức học hỏi

Trách nhiệm đó còn có nghĩa rằng bạn hãy tiếp tục dấn thân, chấp nhận rủi ro và không sợ việc khó. Đừng thất vọng nếu các bạn không giỏi ngay lập tức

Câu 2: Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 2

Trách nhiệm đó còn là việc phải luôn có ý thức học hỏi

Câu 3. Sự khác biệt của người trẻ so với những người giỏi, người nhiều kinh nghiệm, người có tuổi là:

– Người trẻ bồng bột, không ngại ngùng, luôn nghi ngờ mọi thứ, trừ khả năng của bản thân mình; họ không có các vách ngăn ngăn cản, không sống trong cái hộp 6 cạnh, không có bất kỳ một rào cản

–  Người giỏi, người nhiều kinh nghiệm lại đang sống trong một cái hộp có 6 tấm ngăn; càng giỏi, càng nhiều năm vách ngăn càng cứng càng khó vỡ.

Câu 4. Trách nhiệm của người trẻ được nói đến trong đoạn trích được hiểu là:

– Nghĩa vụ phải đổi mới tư duy để sáng tạo.

– Nghĩa vụ phải học hỏi về kiến thức, kĩ năng để hội nhập toàn cầu.

– Nghĩa vụ phải tìm kiếm cơ hội để thử sức, trải nghiệm.

– Nghĩa vụ phải chấp nhận rủi ro, khó khăn, thất bại để tích lũy bài học.

Câu 5.  Khi người trẻ tuổi nỗ lực hướng về một mục tiêu, đó là tư thế mạnh mẽ nhất, tươi đẹp nhất. Vì:

– Vì người trẻ tuổi luôn ở trong tư thế chủ động, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

– Vì  người trẻ có lòng quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ.

– Vì người trẻ tuổi đã biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, đã biết xác định hướng đi và đích đến cho mình.

– Vì khi đó người trẻ biết tích lũy kiến thức, kĩ năng cho bản thân

Câu 6. Những nét đặc sắc về nghệ thuật lập luận của tác giả trong đoạn trích trên và nhận xét. Sau đây là gợi ý:

– Nhận xét cụ thể về nghệ thuật lập luận của đoạn trích:

+ Luận điểm rõ ràng, logic

+ Lí lẽ thuyết phục

+ Dẫn chứng xác thực, hợp lí

+ Giọng điệu phong phú vừa mạnh mẽ vừa tha thiết.

+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh

– Nhận xét chung: Nghệ thuật lập luận chặt chẽ, khoa học, sắc bén.

Câu 7:  Các yếu tổ bổ trợ:

–  Kết hợp các yếu tố biểu cảm, thuyết minh…

– Sử dụng hình ảnh so sánh, hình ảnh ẩn dụ.

– Từ ngữ giàu sức gợi.

Câu 8:  Chia sẻ ngắn gọn về một thông điệp sâu sắc:

Câu này có 2 yêu cầu:

Nêu bài học/thông điệp/ý nghĩa của bản thân rút ra từ bài viết

Ví dụ HS có thể nêu 1 trong số các ý sau:

+ Tuổi trẻ phải không ngừng học hỏi

+ Hãy biết thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ, không đắm chìm trong mớ kinh nghiệm đã tạo ra

+  Tuổi trẻ cần phải biết dấn thân

…………….

Lí giải/giải thích vì sao bản thân mình rút ra bài học/thông điệp/ý nghĩa.

Lưu ý: nếu học sinh gặp lỗi sai lặp lại hoàn toàn nội dung thông điệp tác giả đã viết, giám khảo cho tối đa 0.25 điểm; nhắc lại ý tác giả nhưng có giải thích thêm, giám khảo cho tối đa 0.5 điểm.

LÀM VĂN

Anh/chị hãy viết bài văn bàn về suy nghĩ của tuổi trẻ cần “coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận

– Dẫn dắt

– Tuổi trẻ cần “coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công”

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

Thất bại: cảm giác buồn bã, thất vọng, đau khổ khi đã cố gắng nhưng chưa đạt được mục tiêu mà bản thân mình đề ra.

Thành công: là cảm giác vui sướng, hạnh phúc, viên mãn khi chúng ta đạt được những mục tiêu, những lí tưởng mà chúng ta phấn đấu, mong muốn có được nó sau một quá trình nỗ lực, phấn đấu.

→ Không có thất bại sẽ không rút ra được bài học kinh nghiệm và không có được thành công. Câu nói khuyên nhủ con người nỗ lực, cố gắng, luôn hướng đến mục tiêu của mình và hoàn thiện bản thân theo hướng tốt nhất, tích cực nhất.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Đằng sau sự thất bài là sự thành công

– Càng thất bài lớn thành công càng nhiều

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Có nhiều người khi thất bại, nên từ đó sống không dám ước mơ, không biết phấn đấu vươn lên, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình hoặc khi vấp ngã thì nản chí,…

– Những người này sẽ không có được thành công, sẽ sớm bị xã hội đào thải; đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán.

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

–  Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng vươn lên, nỗ lực, cố gắng sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi vòng xoay của xã hội.

– Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước giàu đẹp.

– Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi đứng lên sau vấp ngã, khó khăn đó chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm sống, hoàn thiện mình.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Khái quát lại vấn đề nghị luận cần “coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công”

– Rút ra bài học cho bản thân mình.

Bài viết tham khảo

Thành công không phải tự nhiên mà ta có được. Để có được sự thành công chúng ta phải trải qua nhiều lần thất bại. Biết đứng lên sau mỗi lần thất bại, không nản chí trước những khó khăn, vượt qua được những điều này bạn mới có được những thành công. Vì vậy, tuổi trẻ cần “coi mỗi thất bại là một bài học cần thiết để tiến tới thành công”

Trên hành trình đi đến thành công thực hiện ước mơ của mình, các bạn luôn gặp rất nhiều khó khăn và nhiều thất bại. Như chúng ta biết, thất bại cảm giác buồn bã, thất vọng, đau khổ khi đã cố gắng nhưng chưa đạt được mục tiêu mà bản thân mình đề ra, trái ngước với sự thất bại chính là sự thành công. Thành công là cảm giác vui sướng, hạnh phúc, viên mãn khi chúng ta đạt được những mục tiêu, những lí tưởng mà chúng ta phấn đấu, mong muốn có được nó sau một quá trình nỗ lực, phấn đấu. Có thể nói, hông có thất bại sẽ không rút ra được bài học kinh nghiệm và không có được thành công. Câu nói khuyên nhủ con người nỗ lực, cố gắng, luôn hướng đến mục tiêu của mình và hoàn thiện bản thân theo hướng tốt nhất, tích cực nhất.

Các bạn phải vượt qua tất cả, đối với mỗi thất bại, có một cách khác thay thế. Bạn chỉ cần tìm ra nó. Khi bạn gặp tảng đá chắn đường, hãy đi đường vòng, hoặc tìm con đường khác để đi mà vượt qua chướng ngại vật đó để đi đến đích của bạn.Hãy biến những thất bại thành những bài học quý giá cho bản thân để làm nền tảng vững chắc cho con đường dẫn tới thành công sau này. Hãy nhớ rằng chính Edison cũng phải thừa nhận rằng ông đã có tới hơn “10 nghìn bài học thất bại” trước khi cho ra đời 1 chiếc bóng đèn có thể làm việc. Ông không bao giờ bỏ cuộc mà luôn cố tìm  mọi cách vượt qua để có được thành công. Bởi vì, Đằng sau thất bại là sự thành công. Không có thành công nào mà không có thất bại. Henry Ford đã nói “Chỉ đơn giản đó là cơ hội để bắt đầu lại một lần nữa, nhưng lần này thông minh hơn.” Chắc chắn, Edison cũng sẽ đồng ý. Bạn vừa học được tất cả các sai lầm để sau đó hướng tới một sự thành công đặc biệt, như Edison đã làm với “mười nghìn” nỗ lực sai lầm của mình. Mỗi bài học kinh nghiệm, mỗi thất bại, là một hành động giúp bạn đi đúng hướng hơn. Thất bại chỉ là một điểm khi bạn đang trên đường đến thành công.

Nếu không có thất bại, chúng ta sẽ  không học hỏi và mỗi bước tiến tới thành công sẽ trở nên trì trệ. Hãy để thất bại hướng chúng ta tới thành công thay vì trở thành điểm dừng… Khi chúng ta làm hoài làm hoài một việc gì đó mà luôn thất bại, thậm chí là thất bại rất nặng nề thì bạn đừng nản chí vì điều đó báo hiệu rằng bạn đang đến rất gần với thành công. Chính vì vậy mà Thất bại để thành công vì sao là bài học quý hơn ngàn vàng là như vậy. Thất bại càng lớn thành công càng nhiều.

Nếu chúng ta nói thất bại để thành công vì sao là bài học quý hơn ngàn vàng, vậy thì thì khi chúng ta thất bại thì chúng ta có mong muốn điều đó không? Hay là chúng ta luôn  mong muốn thành công hơn. Câu trả lời chắc chắn là chúng ta muốn thành công hơn. Có một điều chúng ta phải hiểu là Ông trời rất công bằng, chúng ta càng vượt qua thử thách thất bại càng lớn thì sự thành công thành quả có được càng nhiều.

Mary Pickford đã nói: “Nếu bạn đã thực hiện những sai lầm, thậm chí là những sai lầm nghiêm trọng sai lầm lớn, luôn luôn có một cơ hội khác rất lớn cho bạn. Những gì chúng ta gọi là thất bại không phải là rơi xuống mà là không tiến lên”. Điều quan trọng là không cho phép thất bại đánh bại bạn và kết thúc tất cả. Bạn phải tiếp tục về phía trước, bạn phải vượt qua và giành chiến thắng. Dù muốn hay không thất bại luôn là động cơ của thành công, đưa chúng ra từng bước tiến gần hơn tới thành công.

Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng vươn lên, nỗ lực, cố gắng sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi vòng xoay của xã hội.  Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước giàu đẹp. Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi đứng lên sau vấp ngã, khó khăn đó chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm sống, hoàn thiện mình. Bạn hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình. Thành công bắt đầu từ việc bạn tin vào những gì bạn có thể làm. Đừng để người khác ngăn cản bạn trên con đường bạn hướng tới thành công! Chỉ có như vậy thì bạn mới vững bước và tự tin trên con đường chinh phục mọi thành công của bạn.

Câu nói trên đã tiếp thêm niềm tin cho mỗi người rằng đừng bao giờ nản lòng khi gặp thất bại, hãy coi đó như một động lực để ta tiếp tục kiên trì cố gắng. Chỉ cần quyết tâm và không bao giờ bỏ cuộc thì tin chắc rằng thành công sẽ đợi bạn ở cuối con đường.

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *